Chính vì vậy, thương mại hóa kết quả nghiên cứu (KQNC) – một trong những hướng đi tích cực góp phần thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ và đẩy nhanh ứng dụng KQNC vào cuộc sống đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu. Bài viết dưới đây cung cấp một cách tiếp cận mới về việc thương mại hóa KQNC nhằm bổ sung và làm phong phú thêm bức tranh thương mại hóa KQNC tại Việt Nam.Để làm rõ các hình thức thương mại hóa KQNC, chúng ta cần thống nhất một số điểm sau:
Thứ nhất, sử dụng thuật ngữ “hoạt động thương mại” được đề cập trong Luật Thương mại 2005 để bàn về các hoạt động thương mại KQNC: “Hoạt động thương mại là hoạt động sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.
Thứ hai, tiếp cận việc thương mại hóa KQNC từ các quá trình nghiên cứu – triển khai (R&D), bao gồm quá trình R&D theo chiều xuôi; quá trình R&D theo chiều ngược và một số hình thức thương mại KQNC khác.
Thương mại hóa KQNC theo các quá trình nghiên cứu
Quá trình R&D theo chiều xuôi: Quá trình này thông thường trải qua các công đoạn:
Ý tưởng -> Nghiên cứu – > Thử nghiệm – > Hoàn thiện và nhân rộng
Sản phẩm của mỗi công đoạn đều được gọi là KQNC. Vấn đề đặt ra là, phải chăng tới khi KQNC hoàn thiện, tức là quá trình nghiên cứu trải qua các công đoạn từ (1) đến (4) thì KQNC mới thương mại hóa được?
Trước đây, trong thời bao cấp, quá trình nghiên cứu hầu hết được diễn ra tại các viện nghiên cứu/trường đại học thì việc thương mại hóa KQNC thường được hiểu như vậy. Còn nay, chúng ta đang tiếp cận với một quá trình “đổi mới mở – open innovation”, quá trình nghiên cứu này, hiện nay không phải chỉ có duy nhất tổ chức hay cá nhân tham gia thực hiện nữa, mà hình thức triển khai đã trở nên phong phú hơn rất nhiều. Một vấn đề nghiên cứu hay, một ý tưởng tốt, được các chuyên gia/doanh nghiệp xác định có tính thương mại cao, có thể có nhiều tổ chức tham gia thực hiện như việc đầu tư kinh phí tại bất kỳ các giai đoạn nghiên cứu khác nhau để hoàn thiện sản phẩm, mức độ hoàn thiện của KQNC ở mỗi công đoạn khác nhau, sẽ đem lại giá trị khác nhau. Sản phẩm càng hoàn thiện sẽ mang lại giá trị càng cao. Từ doanh thu nhận được, chủ sở hữu của công trình nghiên cứu phải chia sẻ lợi ích với các tổ chức/cá nhân tham gia trên tinh thần tự thỏa thuận hoặc theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).
>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191
Một sản phẩm tiêu dùng hoàn thiện ngày nay có thể là sự tích hợp của nhiều KQNC. Ví dụ Tivi màn hình phẳng được sản xuất trên cơ sở của các sáng chế liên quan đến màn hình tinh thể lỏng; vi xử lý/chíp; các thuật toán nén (mã hóa)… mà các nhà sản xuất phải mua lại chủ sở hữu của các sáng chế tương ứng. Đồng thời, một sáng chế cũng có thể ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ sáng chế liên quan đến chuyển đổi động cơ sử dụng nhiên liệu từ xăng sang gas có thể ứng dụng cho động cơ phát điện hoặc ô tô, xe máy… cho nên chủ sở hữu của công trình nghiên cứu cũng có thể bán đứt sản phẩm trong từng công đoạn (do nhiều điều kiện chủ quan và khách quan khác nhau). Chủ sở hữu của công trình nghiên cứu có thể bán ngay KQNC chưa hoàn thiện từ ý tưởng, KQNC ở giai đoạn nghiên cứu, KQNC ở giai đoạn thử nghiệm, và tất nhiên là KQNC sẽ được bán phổ biến ở giai đoạn sản phẩm hoàn thiện. Do KQNC từ công đoạn (2) có thể đã là sáng chế, giải pháp hữu ích, hoặc KQNC khác được pháp luật bảo hộ, được thương mại hóa phổ biến dễ dàng nên ở đây tác giả xin không đề cập nữa mà chỉ xem xét: Liệu có thể thương mại hóa KQNC ở công đoạn (1), tức là ý tưởng hay không?
Điều này được chứng minh thực tế là có xảy ra. Dẫn chứng điển hình là các công ty phần mềm trên thế giới thường mua ý tưởng để tiếp tục nghiên cứu phát triển phần mềm, hay Sàn giao dịch công nghệ Thượng Hải (Trung Quốc) cũng kinh doanh (cả mua và bán) ý tưởng. Tại Hàn Quốc “Tri thức và ý tưởng đã trở thành nguồn gốc của sự thịnh vượng và khả năng cạnh tranh mạnh”. Ngay tại Việt Nam, cũng có sàn giao dịch ý tưởng online tại địa chỉ: http://sanytuong.vn/.
Khi đó, dưới góc độ quyền SHTT, ý tưởng định hình dưới dạng vật chất xác định sẽ được bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả, khả năng rủi ro của chủ sở hữu và tác giả ý tưởng sẽ rất cao. Vì pháp luật chỉ bảo hộ đối với tác phẩm mà không ngăn cấm các tổ chức/cá nhân khác thực hiện theo những gì nêu trong tác phẩm bảo hộ. Nhưng không phải vì thế mà không có các giao dịch ý tưởng. Trước khi mua, bán ý tưởng thì giữa người mua, người bán cùng các nhà môi giới trung gian sẽ có những đàm phán, cam kết nhất định để việc mua bán diễn ra thuận lợi, đảm bảo quyền lợi giữa các bên.
Về mặt lý luận, để giải thích tại sao lại diễn ra việc mua bán ý tưởng cũng không phải là điều quá khó. Vì với tư duy theo quan điểm “nhân – quả” của đạo Phật, hay “mối quan hệ nhân – quả” được đề cập trong triết học, hoặc như câu thành ngữ ta thường nói với nhau “nhân nào – quả ấy” thì việc chọn lọc, đầu tư mua ý tưởng để tiếp tục phát triển là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Muốn thu được thành quả ngọt ngào cho quá trình R&D, phải quan tâm ngay từ giai đoạn “hạt giống” – tức là ý tưởng. Mặt khác, để có một ý tưởng hay, có khả năng phát triển để ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn cũng không phải là điều dễ dàng, tự nhiên có được. Nó cũng phải là kết quả của một quá trình nghiên cứu.
Tuy nhiên, do mất rất nhiều thời gian, công sức để mày mò, đầu tư nghiên cứu, KQNC ở giai đoạn hoàn thiện có giá trị khác biệt so với các công nghệ hiện có nên giá thành sẽ rất cao, chỉ một số ít đối tượng có khả năng mua (quyền sở hữu) hoặc thuê mua (dưới hình thức Lixăng) để sử dụng.
Quá trình R&D theo chiều ngược: Đây là cách mà các nước phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc…) trước đây thường làm. Và hiện nay, Trung Quốc “siêu giỏi” trong lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, vấn đề “giải mã công nghệ” (R&D theo chiều ngược) đã được thực hiện từ nhiều năm nay tại TP Hồ Chí Minh với Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hoá với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu”. Chương trình đã thực hiện giải mã được nhiều công nghệ tiên tiến của nước ngoài (cơ bản thuộc các công nghệ đang được bảo hộ bí mật kinh doanh; các sáng chế được phép khai thác hợp pháp; ý tưởng các chương trình máy tính được bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả dùng cho công nghệ, thiết bị tự động hóa…) tiến tới nhân rộng để phục vụ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp.
Bảng 1: Danh mục một số thiết bị chất lượng tương đương ngoại nhập với giá thấp đã triển khai tại TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 2000 -2005)
TT |
Tên thiết bị |
Giá nhập (USD) |
Giá sản xuất |
Số hợp đồng chuyển giao |
|
Triệu đồng |
% so với giá nhập |
||||
1 |
Tay máy lấy sản phẩm phôi PET |
> 6.000 |
50 |
55 |
2 |
2 |
Thiết bị tạo hạt sản phẩm bột giặt đậm đặc |
200.000 |
300 |
10 |
1 |
3 |
Thiết bị vắt sữa bò tự động |
> 1.200 |
12 |
50 |
20 |
4 |
Thiết bị vắt bã sắn làm thức ăn gia súc |
16 |
10 |
||
5 |
Thiết bị cuốn ống tôn điều khiển thủy lực |
40.000 |
350 |
58 |
1 |
6 |
Thiết bị nạp, sấy liệu cho máy ép nhựa |
1.000 |
9 |
60 |
20 |
7 |
Thiết bị sản xuất nước đá tinh khiết dạng ống |
90.000 |
450 |
33 |
30 |
8 |
Dây chuyền sản xuất bánh tráng |
110.000 |
450 |
27 |
5 |
9 |
Cụm thiết bị sản xuất linh kiện quạt điện |
220.000 |
860 |
26 |
10 |
10 |
Máy cán xà gồ (gia công thép hình) C-7 theo công nghệ Australia |
700.000 |
380 |
30-40 |
2 |
11 |
Bộ tự động cắt chỉ, xâu kim máy may |
200 |
Máy mẫu |
||
12 |
Tự động hoá máy dệt thoi |
Máy mẫu |
|||
13 |
Tự động hoá máy dệt kim |
300 |
Máy mẫu |
||
14 |
Thiết kế chế tạo lò nung gốm sứ công nghệ mới (bông nhẹ) |
60.000 |
450 |
50 |
2 |
15 |
Thiết kế, chế tạo máy ép thức ăn có viên nổi |
300.000 |
250 |
5 |
3 |
16 |
Thiết kế chế tạo liên hiệp trồng mía |
20.000 – 40.000 |
145 |
25-50 |
1 |
17 |
Chuyển giao hệ thống thông gió làm mát phân xưởng |
Tuỳ diện tích |
Tuỳ diện tích |
40 |
2 |
(Nguồn: Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, 2005)
Giai đoạn 2006-2009, Chương trình đã triển khai được 20 dự án thiết kế chế tạo mới 55 máy móc thiết bị với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách 40,178 tỷ đồng. Sau nghiệm thu, Chương trình đã chuyển giao được 265 sản phẩm cho các doanh nghiệp với giá bán rẻ hơn từ 20 đến 60% so với giá nhập khẩu, tiết kiệm được 15 triệu USD (282,2 tỷ đồng).
Quá trình thực hiện như sau:
Công nghệ hoàn thiện > Phần tích > thử nghiệm > Hoàn thiện và mở rộng
Quá trình này thường áp dụng đối với các công nghệ hoàn thiện mà giá thành ban đầu rất cao, quá trình giải mã công nghệ sẽ cho sản phẩm mới thay thế có giá thành thấp hơn, có khả năng ứng dụng rộng rãi hơn vì phù hợp với khả năng tài chính của đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu áp dụng.
Các hình thức thương mại hóa KQNC khác
Trên đây, chúng ta đã tiếp cận các hình thức thương mại hóa từ quá trình R&D, xuôi và ngược. Có nghĩa là, để có KQNC ứng dụng vào cuộc sống, chúng ta có thể mua lại các KQNC đã hoàn thiện để ứng dụng ngay, hoặc mua các KQNC trung gian để tiếp tục phát triển. Tùy theo mục đích ứng dụng mà chúng ta có thể thương mại hóa KQNC theo chiều xuôi hoặc ngược. Nếu thương mại hóa KQNC theo chiều xuôi, về cơ bản ta sẽ tiếp cận hình thức thương mại hóa theo sự khác biệt (giá thành cao nhưng KQNC mang tính độc đáo, sáng tạo, khác biệt với KQNC đã có, phù hợp với số ít người sử dụng, do khả năng tài chính). Còn thương mại hóa KQNC theo chiều ngược (giải mã công nghệ), chúng ta sẽ tiếp cận với hình thức thương mại hóa KQNC với chi phí thấp. Từ KQNC hoàn thiện có giá thành rất cao, qua quá trình nghiên cứu ta sẽ có KQNC mới thay thế có giá thành thấp hơn, phù hợp với số đông người sử dụng.
Ngoài cách tiếp cận thương mại hóa từ quá trình R&D trên đây, trong thực tế, chúng ta còn có thể khai thác KQNC theo một số cách khác, mà nếu tìm hiểu ở một góc độ khác, tưởng chừng rất khó thực hiện. Sau đây là một số ví dụ cụ thể:
Thương mại hóa các KQNC thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH)
KQNC thuộc lĩnh vực KHXH dưới dạng tác phẩm không có giá trị thương mại, nhưng một số trường hợp có thể được ứng dụng vào thực tiễn rất có hiệu quả mà nhiều địa phương đã làm, trong đó có Bà Rịa – Vũng Tàu. Đó là trên cơ sở đề tài nghiên cứu khôi phục lại nghi thức bắn súng thần công (được đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách – sự nghiệp khoa học của tỉnh), sản phẩm của đề tài nghiên cứu này đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho tái hiện lại, đưa vào lễ khai hội du lịch hàng năm, để quảng bá, thu hút khách du lịch. Hay một số địa phương khác trong cả nước đã có những đề tài nghiên cứu khôi phục lại các di tích lịch sử, văn hóa. Sau đó có kế hoạch tôn tạo lại cho phù hợp, hình thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương và các di tích đó trở thành các điểm tham quan thu hút khách du lịch. Nhờ đó, địa phương có thêm nguồn thu ngân sách.
Dưới góc độ quyền SHTT, khi tác phẩm được công bố thì mọi chủ thể đều có quyền làm theo nội dung ý tưởng tác phẩm chuyển tải. Trong trường hợp cụ thể này, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không có quyền ngăn cấm bất kỳ ai bắt chước nghi thức bắn súng thần công (KQNC của đề tài). Nhưng thẩm quyền quản lý các di tích văn hóa, lịch sử hiện nay đều do Nhà nước quản lý. Hơn nữa, mỗi di tích lịch sử, văn hóa tại mỗi địa phương đều có “một tiếng nói riêng”, gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của từng địa phương (súng thần công hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu có lai lịch khác hẳn với súng thần công hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội, hay Huế. Điều kiện hoàn cảnh, môi trường không gian của Bà Rịa – Vũng Tàu cũng khác với Hà Nội, Huế hay bất cứ một địa phương nào khác), thì cho dù có bị “bắt chước”, sản phẩm văn hóa trên vẫn có sự khác biệt, vẫn có giá trị thương mại hóa lâu dài. Như vậy, việc thương mại trên thành công là nhờ kết hợp KQNC với các yếu tố khác mang tính chất đặc thù riêng biệt, tích hợp chúng lại mang đến yếu tố khác biệt cho sản phẩm được thương mại hóa.
Nghiên cứu khôi phục nghi thức bắn súng thần công – một trong các KQNC thuộc lĩnh vực KHXH, được ứng dụng trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tại Bà Rịa -Vũng Tàu
Hình thành thị trường chứng khoán, bảo hiểm rủi ro đối với KQNC
Đây là các hình thức thương mại hóa KQNC chưa áp dụng ở Việt Nam, nhưng lại rất phổ biến tại nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển. Đó là người ta bán cổ phiếu KQNC (tại Trung Quốc, KQNC được tổ chức giao dịch tại các chợ công nghệ/sàn giao dịch cổ phiếu công nghệ Technical market/Technical equity exchange) từ khâu “ý tưởng” cho các nhà đầu tư, chủ yếu các nhà kinh doanh mạo hiểm. Hình thức này vừa đảm bảo tài chính cho quá trình nghiên cứu, vừa gia tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư, tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu KQNC trên thị trường. Đồng thời, các nhà đầu tư có thể thu hồi vốn rất dễ dàng thông qua việc chuyển nhượng cổ phiếu KQNC.
Song song với kinh doanh theo hình thức mạo hiểm trên là việc hình thành bảo hiểm rủi ro cho KQNC. Đối tượng được bảo hiểm bao gồm: Các nhà đầu tư, người sử dụng… Đối tượng mua bảo hiểm có thể là các chủ sở hữu công trình nghiên cứu, tác giả nghiên cứu… Hiện nay, tại Việt Nam, một số công ty là chủ sở hữu các công nghệ mới đã mua bảo hiểm cho người sử dụng công nghệ (KQNC ở giai đoạn hoàn thiện) để thúc đẩy thương mại hóa KQNC. Ví dụ, Công ty cổ phần sinh học và y học tái tạo đã mua bảo hiểm từ Công ty bảo hiểm QBE cho sản phẩm của công nghệ tế bào gốc ứng dụng trong thẩm mỹ với giá trị 1 triệu USD để tạo sự yên tâm cho khách hàng sử dụng. Đây là những hình thức thương mại hóa KQNC cần được tiếp tục đầu tư nghiên cứu để triển khai nhân rộng.
Một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại hóa KQNC
Để thúc đẩy hoạt động thương mại hóa KQNC tại Việt Nam, thời gian tới, chúng ta cần tích cực triển khai các vấn đề sau:
– Phát triển các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ (CGCN), đặc biệt là các tổ chức xúc tiến CGCN (như các sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ…), tạo điều kiện thuận lợi cho người mua/bán tiếp cận thông tin, giúp cho các giao dịch diễn ra thuận lợi.
– Phát triển các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ để vừa thúc đẩy thương mại hóa từ ngay quá trình R&D, đồng thời giúp KQNC mau chóng hoàn thiện, vừa mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho người bán, tạo sự tin tưởng cho người mua trong quá trình khai thác, sử dụng.
– Phát triển các quỹ phát triển KH&CN của các tổ chức/cá nhân, đặc biệt hình thành quỹ này tại các doanh nghiệp để hỗ trợ tích cực cho công tác đổi mới công nghệ. Thành lập Quỹ Hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Mạo hiểm quốc gia để hỗ trợ cho quá trình CGCN, phát triển các ý tưởng nghiên cứu có tính thương mại hóa cao.
– Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường công nghệ. Đặc biệt, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như tư vấn, môi giới, đánh giá, định giá, xúc tiến CGCN để hỗ trợ quá trình mua/bán của các chủ thể tham gia thị trường. Xây dựng khung pháp lý liên quan, tạo điều kiện cho loại hình dịch vụ này hình thành và phát triển.
– Thúc đẩy việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN, tạo sự năng động cho các tổ chức để đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ cho các tổ chức/cá nhân trong giai đoạn hiện nay.
– Cần có chiến lược khai thác các kho thông tin về tài sản trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích…) “mở” của Việt Nam và thế giới, tận dụng khai thác các mã nguồn mở (open source code) của các chương trình máy tính một cách hợp lý để phục vụ cho quá trình đổi mới.
– Đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược “giải mã công nghệ” để phục vụ cho nhu cầu đổi mới công nghệ đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
– Hình thành thị trường chứng khoán, bảo hiểm rủi ro cho các KQNC.
Tài liệu tham khảo
– Nguyễn Vân Anh (2010), Báo cáo chuyên đề “Cơ sở lý luận về công nghệ, CGCN và xúc tiến CGCN, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tháng 11.2010.
– Nguyễn Vân Anh (2010), Báo cáo chuyên đề “Tổ chức xúc tiến CGCN và kinh nghiệm quốc tế trong phát triển tổ chức xúc tiến CGCN”, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tháng 11.2010.
– Dr. Jia Yujian (2004), Research on University-Industry Partnerships in China Origin, Current Situation and Future, Xi’an, China, June 2004.
-AHN Jae-Hyun (2008), KIPO 3.2008.
SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, Số 626, tháng 7 năm 2011,tr 24 -27.
NGUYỄN VÂN ANH – Sở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
——————————————————————
THAM KHẢO DỊCH VỤ LIÊN QUAN:
1. Dịch vụ tư vấn sở hữu trí tuệ;
2. Tư vấn đăng ký mã số, mã vạch;
3. Dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả;
4. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Hoa Kỳ;
5. Tư vấn thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu;
6. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại EU;