Căn cứ vào khoản 2 Điều 95 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.

Như vậy, so với Bộ luật Lao động năm 2012 thì đây là nội dung mới của Bộ luật Lao động năm 2019 (trước đây, quy định này nằm ở văn bản dưới luật) và phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hôì, bảo đảm trên lãnh thổ Việt Nam phải sử dụng tiền Đồng Việt Nam.

Luật LVN Group phân tích chi tiết quy định pháp lý trên như sau:

 

1. Người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động là tiền Đồng Việt Nam hay ngoại tệ?

Tiền lương là sự trả công hoặc thu nhập mà có thể biểu hiện bằng tiền và được ấn định bằng thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, hoặc theo quy định pháp luật  của mỗi quốc gia khác nhau. Tiền lương là do người sử dụng lao động phải trả cho người lao động theo hợp đồng lao động cho một công việc đã thực hiện hay sẽ phải thực hiện, hoặc những dịch vụ đã làm hoặc sẽ phải làm. Số tiền thù lao trả cho người lao động theo định kỳ, thường là hàng tháng. Các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, người thuê lao động trả công cho người lao động (công nhân viên chức) theo số lượng và chất lượng lao động họ đã đóng góp. Mức tiền lương sẽ khác nhau giữa các ngành nghề khác nhau do người lao động cung cấp giá trị lao động khác nhau. Mức tiền lương cũng phụ thuộc vào nơi thuê lao động và nhu cầu. Nếu nhu cầu về lao động cao thì tiền lương sẽ có xu hướng tăng. Ngược lại, tiền lương sẽ có xu hướng giảm ở nơi thừa lao động.

Theo pháp luật lao động tại Việt Nam, căn cứ vào khoản 14 Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 26/12/2013 hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam thì một trong các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả trường hợp người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó. 

Bên cạnh đó, Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 thì tiền lương của người lao động được quy định như sau:

– Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

– Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

– Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. 

Theo đó, tiền lương được hiểu là số tiền người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả cho người lao động khi họ cung ứng sức lao động, theo quy định của pháp luật hoặc theo sự thỏa thuận hợp pháp của các bên trong hợp đồng lao động. Tiền lương được trả theo năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Trên thực tế, khái niệm về tiền lương còn có thể hiểu theo nghĩa rộng, như khái niệm thu nhập của người lao động, bao gồm tiền lương cơ bản, các khoản tiền phụ cấp lương và tiền thưởng. Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương là giá cả sức lao động, chịu sự chi phối của tương quan cung – cầu lao động trên thị trường. Tiền lương của người lao động làm công do các bên thỏa thuận, căn cứ vào công việc, điều kiện của các bên và kết quả lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Ngoài ra, căn cứ vào khoản 2 Điều 95 Bộ luật Lao động năm 2019 thì tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ. Ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Thông tư 07/2012/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 20/03/2012 quy định về trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động khi thoả thuận về tiền lương trong hợp đồng lao động thì đơn vị tiền tệ được sử dụng là tiền Đồng Việt Nam. Nếu người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì đơn vị tiền tệ của tiền lương được ghi nhận trong hợp đồng lao động và được dùng để chi trả có thể là tiền Đồng Việt Nam hoặc là đồng tiền ngoại tệ. Đây chính là điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 so với Bộ luật Lao động năm 2012 (trước đây, quy định này nằm ở văn bản dưới luật) và phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, bảo đảm trên lãnh thổ Việt Nam phải sử dụng tiền Đồng Việt Nam. 

 

2. Người lao động được trả lương bằng ngoại tệ thì đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?

Theo quy định về đơn vị tiền tệ của tiền lương có thể là ngoại tệ khi người sử dụng lao động chi trả tiền lương cho người lao động là người nước ngoài thì ta có thể đặt ra một vấn đề là người lao động được trả lương bằng ngoại tệ như thế thì đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/10/2018 quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc vào đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi người lao động đó có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. 

Do đó, đối với trường hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được trả tiền lương bằng ngoại tệ và đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nêu trên thì việc xác định khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội cho đối tượng lao động này được hướng dẫn tại Điều 26 Nghị định 115/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, người lao động có tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ thì việc chuyển đổi tiền lương từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam để đóng bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

– Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở tiền lương bằng ngoại tệ được chuyển đổi bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 02 tháng 01 cho 06 tháng đầu năm và ngày 01 tháng 07 cho 06 tháng cuối năm.

Trường hợp trùng vào ngày nghỉ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công bố thì lấy tỷ giá của ngày tiếp theo liền kề do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

– Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là tiền lương bằng đồng Việt Nam được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

Theo đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở tiền lương bằng ngoại tệ được chuyển đổi bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là tiền lương bằng đồng Việt Nam.

 

3. Một số điều cần lưu ý về vấn đề trả lương cho người lao động

Thứ nhất, về nguyên tắc trả lương

Theo Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động trả lương đảm bảo 02 nguyên tắc sau:

– Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

– Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Thứ hai, về việc trả lương cho người lao động

Người sử dụng lao động tiến hành trả lương cho người lao động phải căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc của người lao động. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ. Và mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có). 

Thứ ba, về hình thức trả lương cho người lao động

Theo Điều 96 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.

Thứ tư, về kỳ hạn trả lương 

Kỳ hạn trả lương cho người lao động quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể như sau:

– Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

– Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

– Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

– Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Mọi vướng mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tiếp thông qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số 1900.0191 hoặc gửi câu hỏi trực tiếp tới email tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group.