1. Tiền mã hóa (cryptocurrency) là gì?
Tiền mã hóa (cryptocurrency) là một dạng của tiền mật tính điện tử hoặc tiền kỹ thuật số, tiền ảo, là một tài sản kỹ thuật số được thiết kế để làm việc như là một trung gian trao đổi mà sử dụng mật mã để đảm bảo các giao dịch của nó, để kiểm soát việc tạo ra các đơn vị bổ sung và để xác minh việc chuyển giao tài sản. Mật tính (cryptographic computation) là từ được tạm dịch từ các thuật toán mã hóa tư liệu thông tin kỹ thuật số để bảo toàn nội dung và chữ ký của những tư liệu thông tin đó. Tiền mã hóa được phân loại như là một tập con của các loại tiền kỹ thuật số và cũng được phân loại là một tập con của các loại tiền tệ thay thế (Altcoin). Tuy nhiên danh từ tiền ảo không nên được sử dụng quá phổ biến vì nó chứa đựng một hàm ngữ mang tính chất phi thực tế và không có tính năng hoặc công dụng thật ngoài đời sống.
Bitcoin, được tạo ra trong năm 2009, là tiền mã hoá đầu tiên. Kể từ đó, nhiều loại tiền mã hóa khác đã được tạo ra. Chúng thường được gọi là Altcoin. Bitcoin và các dẫn xuất của nó sử dụng kiểm soát phi tập trung đối lập với tiền điện tử tập trung và các hệ thống ngân hàng trung ương. Việc kiểm soát phi tập trung này có liên quan đến việc sử dụng cơ sở dữ liệu giao dịch blockchain của bitcoin trong vai trò như một sổ cái lưu trữ dạng phân tán.
2. Tài sản mã hóa là gì?
Về tài sản mã hóa, theo Ngân hàng Trung ương châu Âu, đây là thuật ngữ dùng để chỉ bất kỳ tài sản nào được ghi nhận ở hình thức kỹ thuật số. Nó không phải và không đại diện cho bất kỳ yêu cầu tài chính nào hay nghĩa vụ tài chính của một cá nhân hay pháp nhân nào. Nó cũng không hàm chứa quyền đối với tài sản. Tuy nhiên, tài sản mã hóa được người sử dụng xem là có giá trị (là tài sản) với tư cách là một khoản đầu tư vào/hoặc phương tiện trao đổi. Việc kiểm soát hoạt động cung ứng tài sản mã hóa và thỏa thuận về việc chuyển giao tài sản mã hóa không được thực hiện bởi một bên trung gian nào mà được thực hiện bởi việc sử dụng kỹ thuật mật mã. Tài sản mã hóa đã được kích hoạt bởi công nghệ sổ cái phân tán (DLT). Công nghệ này cho phép việc cung cấp tài sản mã hóa được kiểm soát và giới hạn bằng cách cho phép người dùng kiểm tra các liên kết mật mã chứng nhận tính nhất quán của các bản cập nhật thông tin theo thời gian và bảo đảm rằng không có sự tạo ra tài sản mã hóa không chính đáng
3. Pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa dưới góc độ là tài sản
Trên thực tế, tiền mã hóa đang đặt ra nhiều câu hỏi cho pháp luật Việt Nam bởi ba vấn đề:
– Tiền mã hóa có thể được “sở hữu” và người “nắm giữ” tiền mã hóa có thể bảo vệ quyền “sở hữu” nhờ các cơ chế công nghệ tương tự như tài sản. Như vậy, tiền mã hóa có nên được coi là tài sản?
– Tiền mã hóa có nên được công nhận là hàng hóa, dịch vụ hay không? Khi mà trên thực tế, nó đang được trao đổi, mua bán, lưu thông tương tự hàng hóa hoặc được sử dụng như một dạng dịch vụ.
– Tiền mã hóa có thể trở thành phương tiện thanh toán trong một cộng đồng nhất định. Vậy tiền mã hóa có thể là phương tiện thanh toán hay không?
Theo quy định của Điều 105 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Do đó, tiền mã hóa có được coi là tài sản theo pháp luật dân sự Việt Nam hay không cần đánh giá thông qua bốn loại tài sản trên:
Thứ nhất, đối với tài sản là vật: Theo quy định của BLDS năm 2015, “vật” là những bộ phận hữu hình của thế giới vật chất theo nghĩa rộng bao gồm cả vật vô cơ, hay hữu cơ, động vật hay thực vật. Khái niệm vật trong pháp luật dân sự rộng hơn khái niệm vật trong cách hiểu đời sống thực tế. Vật bao hàm không những các vật dụng sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất bình thường, mà còn bao gồm cả các tập hợp vật chất phức tạp như nhà máy, công xưởng, tuyến giao thông đường sắt, sân bay, giàn khoan dầu, hệ thống công trình xây dựng… Trong khi đó, tiền mã hóa là vô hình; bởi vậy, không phải là “vật”.
Thứ hai, đối với tài sản là tiền: Măc dù theo quy định của BLDS năm 2015, tiền là một loại tài sản, nhưng pháp luật hiện hành của nước ta không định nghĩa cụ thể thế nào tiền. Trên thực tế, ở Việt Nam hay ở các quốc gia khác trên thế giới, tiền pháp định có thể tồn tại dưới dạng tiền giấy, tiền kim loại. Ngoài ra, theo quy định của Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về thanh toán không dùng tiền mặt, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng phương tiện thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (như thanh toán qua ví điện tử). Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tiền mã hóa không phải là tiền pháp định hay phương tiện thanh toán.
Thứ ba, đối với tài sản là giấy tờ có giá: Giấy tờ có giá là một hình thức pháp lý thể hiện giá trị, mang nội dung khẳng định quyền tài sản của một người (người nắm giữ giấy tờ có giá) đối với chủ thể khác (chủ thể phát hành giấy tờ có giá), được pháp luật công nhận là một loại tài sản. Tiền mã hóa không có chức năng giống tài sản mã hóa tương tự chứng khoán. Do đó, theo pháp luật Việt Nam, tiền mã hóa sẽ không là giấy tờ có giá.
Thứ tư, đối với tài sản là quyền tài sản: Điều 115 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Trong đó, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất hay quyền đòi nợ đều giá trị được bằng tiền và được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một dạng tài sản. Ngoài ra, việc BLDS năm 2015 quy định mở về “các quyền tài sản khác” nhằm bao quát các trường hợp chưa dự liệu được ngay tại thời điểm ban hành, cũng như tạo điều kiện linh hoạt hơn cho pháp luật chuyên ngành có thể quy định cụ thể về các quyền tài sản mới phát sinh trong tương lai. Ở khía cạnh này, tiền mã hóa cũng tương tự như quyền tài sản với đặc điểm vô hình có thể trị giá được bằng tiền, được xác lập, chuyển giao quyền sở hữu. Mặt khác, theo pháp luật dân sự Việt Nam, nếu coi tiền mã hóa mang tính đại diện cho quyền “nắm giữ” tiền mã hóa thì tiền mã hóa có thể được coi là quyền tài sản.
Cuối cùng, với thực tế là tiền mã hóa có thể được tạo ra, chiếm hữu, sử dụng và chuyển nhượng cho người khác, thì việc xác lập quyền và thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa cũng có thể làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý cho các chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam. Hay nói cách khác, theo pháp luật dân sự Việt Nam, tuy chưa được công nhận là một loại tài sản nhưng tiền mã hóa có thể trở thành khách thể của quyền dân sự. Bởi vậy, tiền mã hóa nên được coi là tài sản – tài sản “đặc biệt” phi truyền thống hoặc quyền tài sản – và cần cho phép giao dịch có kiểm soát đối với tài sản này, miễn là tài sản đặc biệt này được cộng đồng hay hệ sinh thái chấp nhận sử dụng, trao đổi.
4. Pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa dưới góc độ là hàng hóa, dịch vụ
Dưới góc độ là hàng hóa, theo quy định của Luật Thương mại (TM) năm 2005, khi tiền mã hóa (không phải là phương tiện thanh toán) là khách thể của quyền dân sự, được giao dịch thì có thể được xem là hàng hóa. Hàng hóa đưa vào lưu thông giao dịch trước hết cần được ghi nhận là một loại tài sản (động sản hoặc bất động sản). Theo quy định của Điều 107 BLDS năm 2015, bất động sản bao gồm: đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật; và động sản là những tài sản không phải là bất động sản. Việc xác định tiền mã hóa là một loại tài sản như phân tích ở phần trên là cơ sở để ghi nhận tiền mã hóa là hàng hóa trong pháp luật TM. Việc ghi nhận tiền mã hóa là một loại hàng hóa là cơ sở để có thể xem xét áp dụng các loại thuế và xác định mức thuế phù hợp.
Dưới góc độ là dịch vụ, Luật TM năm 2005 không định nghĩa về dịch vụ, nhưng khoản 9 Điều 3 quy định, cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận. Điều 513 và Điều 514 BLDS năm 2015 quy định: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ” và đối tượng của hợp đồng dịch vụ là “công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Do đó, dịch vụ được hiểu là một dạng “công việc” mà một bên cung ứng cho bên kia. Đối chiếu với các quy định này thì tiền mã hóa chưa rõ ràng là dịch vụ.
5. Pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa dưới góc độ phương tiện thanh toán, ngoại hối
Dưới góc độ phương tiện thanh toán, tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài tiền giấy và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành còn có các phương tiện thanh toán khác được sử dụng. Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, như dịch vụ ví điện tử. Theo khoản 8 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1. Tiền trên ví điện tử thực chất là tiền điện tử (không phải là tài sản mã hóa, tiền mã hóa hay tiền ảo) và có thể được sử dụng để thanh toán. Đồng thời, khoản 7 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP cũng quy định: “Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”. Từ cuối năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định tiền ảo như Bitcoin (tiền mã hóa) không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam và việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tư khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Như vậy, theo pháp luật Việt Nam hiện nay, tiền mã hóa không phải là phương tiện thanh toán. Việc sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính.
Dưới góc độ ngoại hối, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 và điểm a khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013), ngoại hối bao gồm: “a) Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ); b) Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác; c) Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác; d) Vàng thuộc Dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; và đ) Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế”.
Như vậy, tiền mã hóa không phải là ngoại hối, cụ thể hơn là ngoại tệ. Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam, với trường hợp một quốc gia phát hành và xác định tiền mã hóa là tiền pháp định của quốc gia đó thì tiền mã hóa là ngoại tệ. Và các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa đó trên lãnh thổ Việt Nam với tư cách là tiền pháp định của một quốc gia khác sẽ phải tuân thủ các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2013.
Bài viết tham khảo: Nhận diện tiền mã hóa, pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa; THS. LÊ HỒNG THÁI – Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp