1. Giáo dục nghề nghiệp là gì?
Theo giải thích của Luật giáo dục nghề nghiệp 2014: Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.
2. Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp là gì?
Theo giải thích của Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH thì:
Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp được hiểu là việc đánh giá và công nhận các hoạt động của cơ sở đào tạo nhằm xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục nghề nghiệp của chương trình đào tạo theo các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo được quy định tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan.
Tiêu chí kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là nội dung, yêu cầu mà cơ sở đào tạo phải đáp ứng để chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Mỗi tiêu chí bao gồm các tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là mức độ yêu cầu và điều kiện cần đạt được về một nội dung cụ thể của tiêu chí kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
3. Tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH, các tiêu chí và điểm chuẩn đánh giá chương trình đào tạo trình độ sơ cấp gồm:
Các tiêu chí:
Tiêu chí 1 – Mục tiêu và tài chính;
Tiêu chí 2 – Hoạt động đào tạo;
Tiêu chí 3 – Nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên;
Tiêu chí 4 – Chương trình, giáo trình;
Tiêu chí 5 – Cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo;
Tiêu chí 6 – Dịch vụ cho người học;
Tiêu chí 7 – Giám sát, đánh giá chất lượng.
Điểm chuẩn các tiêu chí kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp (Phụ lục 03 kèm theo).
Điểm đánh giá cho mỗi tiêu chuẩn đạt yêu cầu là 04 điểm, điểm đánh giá cho mỗi tiêu chuẩn không đạt yêu cầu là 0 điểm.
Tiêu chuẩn đạt yêu cầu khi cơ sở đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn trong vòng 01 năm tính đến thời điểm đánh giá.
Việc đánh giá mức độ một chương trình đào tạo cụ thể tại một cơ sở đào tạo đáp ứng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn chỉ áp dụng đối với các yếu tố, nội dung liên quan đến việc thực hiện chương trình đào tạo.
Đạt tiêu chuẩn:
Chương trình đào tạo được đánh giá là đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo khi đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Tổng số điểm đánh giá đạt từ 80 điểm trở lên;
b) Điểm đánh giá của các tiêu chí 3, 4, 5, 7 đạt từ 75% điểm chuẩn của từng tiêu chí trở lên. Điểm đánh giá của các tiêu chí 1, 2, 6 đạt từ 50% điểm chuẩn của từng tiêu chí trở lên.
Không đạt tiêu chuẩn:
Chương trình đào tạo được đánh giá là không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo khi không đáp ứng các yêu cầu tại mục đạt tiêu chuẩn.
3.1. Tiêu chí 1 – Mục tiêu và tài chính
a) Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu của chương trình đào tạo phù hợp mục tiêu của cơ sở đào tạo và nhu cầu thị trường lao động, được công bố công khai và được rà soát, điều chỉnh theo quy định.
b) Tiêu chuẩn 2: Hàng năm, cơ sở đào tạo nghiên cứu, xác định định mức chi tối thiểu cho một người học, đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo và có đủ nguồn thu hợp pháp để thực hiện chương trình đào tạo.
3.2. Tiêu chí 2 – Hoạt động đào tạo
a) Tiêu chuẩn 1: Hàng năm, cơ sở đào tạo thực hiện công tác tuyển sinh theo quy định.
b) Tiêu chuẩn 2: Cơ sở đào tạo có kế hoạch đào tạo và tổ chức đào tạo theo quy định; tổ chức kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, cấp chứng chỉ theo quy định; hồ sơ người học đầy đủ và đúng theo quy định.
c) Tiêu chuẩn 3: Tổ chức đào tạo liên thông theo quy định.
3.3. Tiêu chí 3 – Nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên
a) Tiêu chuẩn 1: 100% nhà giáo tham gia giảng dạy đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; hàng năm hoàn thành các nhiệm vụ do cơ sở đào tạo giao.
b) Tiêu chuẩn 2: Đảm bảo tất cả các mô-đun thuộc chương trình đào tạo có đủ nhà giáo đứng lớp; đảm bảo tỷ lệ số người học/lớp và tỷ lệ quy đổi người học/nhà giáo theo quy định.
c) Tiêu chuẩn 3: Hàng năm, cơ sở đào tạo tổ chức cho nhà giáo cơ hữu tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng; 100% nhà giáo cơ hữu đi thực tập tại đơn vị sử dụng lao động theo quy định.
d) Tiêu chuẩn 4: 100% cán bộ quản lý và nhân viên đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; hàng năm hoàn thành các nhiệm vụ do cơ sở đào tạo giao.
3.4. Tiêu chí 4 – Chương trình, giáo trình
a) Tiêu chuẩn 1: Chương trình đào tạo được xây dựng hoặc lựa chọn, thẩm định, ban hành, đánh giá và cập nhật theo quy định.
b) Tiêu chuẩn 2: Chương trình đào tạo thể hiện được khối lượng kiến thức, kỹ năng nghề, các kỹ năng cần thiết khác, yêu cầu năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp và phù hợp với khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.
c) Tiêu chuẩn 3: Chương trình đào tạo đảm bảo tính khoa học, chính xác, tính hệ thống, thực tiễn và phù hợp với kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, dịch vụ; linh hoạt đáp ứng sự thay đổi của kỹ thuật công nghệ và thị trường lao động.
d) Tiêu chuẩn 4: Chương trình đào tạo thể hiện được phương pháp đánh giá kết quả học tập, xác định mức độ đạt chuẩn đầu ra của các mô-đun và của chương trình đào tạo.
đ) Tiêu chuẩn 5: 100% giáo trình được biên soạn hoặc lựa chọn, thẩm định, ban hành, đánh giá và cập nhật theo quy định; có đủ giáo trình cho các mô-đun của chương trình đào tạo.
e) Tiêu chuẩn 6: Giáo trình cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của từng mô-đun trong chương trình đào tạo; tạo điều kiện để thực hiện phương pháp dạy học tích cực; đảm bảo phù hợp với kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
3.5. Tiêu chí 5 – Cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo
a) Tiêu chuẩn 1: Phòng học, hệ thống điện, nước đảm bảo quy chuẩn xây dựng và yêu cầu đào tạo.
b) Tiêu chuẩn 2: Đảm bảo đủ chủng loại thiết bị đào tạo đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo.
c) Tiêu chuẩn 3: Đảm bảo đủ số lượng thiết bị đào tạo đáp ứng quy mô, yêu cầu đào tạo.
d) Tiêu chuẩn 4: Nguyên, nhiên, vật liệu thực hành được bố trí sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp thuận tiện; được quản lý, cấp phát, sử dụng theo quy định; đáp ứng kế hoạch và tiến độ đào tạo.
3.6. Tiêu chí 6 – Dịch vụ cho người học
a) Tiêu chuẩn 1: Người học được cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình đào tạo; quy chế đào tạo; quy chế công tác học sinh, sinh viên; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp; nội quy, quy chế của cơ sở đào tạo; các chế độ, chính sách đối với người học. Người học được hưởng, các chế độ, chính sách theo quy định.
b) Tiêu chuẩn 2: Thường xuyên cung cấp cho người học các thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động và việc làm; thực hiện trợ giúp, giới thiệu việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
3.7. Tiêu chí 7 – Giám sát, đánh giá chất lượng
a) Tiêu chuẩn 1: Hàng năm, thu thập ý kiến tối thiểu 10 đơn vị sử dụng lao động về mức độ đáp ứng của người tốt nghiệp đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động và sự phù hợp của chương trình đào tạo với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
b) Tiêu chuẩn 2: Thực hiện điều tra lần vết đối với người tốt nghiệp để thu thập thông tin về việc làm, đánh giá về chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo và sự phù hợp của chương trình đào tạo với vị trí việc làm của người tốt nghiệp.
c) Tiêu chuẩn 3: Trong vòng 06 tháng kể từ khi tốt nghiệp, tối thiểu 80% người học có việc làm phù hợp với nghề đào tạo.
d) Tiêu chuẩn 4: Tối thiểu 80% đơn vị sử dụng lao động được điều tra hài lòng với kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm nghề nghiệp của người tốt nghiệp làm việc tại đơn vị sử dụng lao động.
4. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
Điều 54 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về trình độ và tiêu chuẩn được đào tạo nghề của nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
– Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp.
– Nhà giáo dạy lý thuyết chuyên môn trình độ trung cấp phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; nhà giáo dạy thực hành trình độ trung cấp phải có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ trung cấp.
– Nhà giáo dạy lý thuyết chuyên môn trình độ cao đẳng phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; nhà giáo dạy thực hành trình độ cao đẳng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng.
– Nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải đạt chuẩn của nhà giáo dạy lý thuyết và chuẩn của nhà giáo dạy thực hành theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
– Nhà giáo không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành ở các trình độ; quy định nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
5. Điểm chuẩn các tiêu chí kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp
>>> PHỤ LỤC 03 Ban hành kèm theo Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 6 năm 2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
ĐIỂM CHUẨN CÁC TIÊU CHÍ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP
Tiêu chí |
Điểm chuẩn |
Tiêu chí 1 – Mục tiêu và tài chính |
8 |
Tiêu chí 2 – Hoạt động đào tạo |
12 |
Tiêu chí 3 – Nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên |
16 |
Tiêu chí 4 – Chương trình, giáo trình |
24 |
Tiêu chí 5 – Cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo |
16 |
Tiêu chí 6 – Dịch vụ cho người học |
8 |
Tiêu chí 7 – Giám sát, đánh giá chất lượng |
16 |
Tổng số |
100 |
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung “Tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group