I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng và Nhà nước ta từng bước xây dựng và củng cố các công cụ chuyên chính, trong đó có lực lượng Công an nhân dân. Từ đó đến nay, Công an nhân dân đã được xây dựng thành lực lượng vũ trang trọng yếu, nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần quan trọng để ổn định và phát triển đất nước.
Trong những năm qua, thể chế hoá các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, tạo lập cơ sở pháp lý để xây dựng tổ chức, bảo đảm hoạt động và thực hiện chính sách đối với Công an nhân dân như: Luật An ninh quốc gia; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Phòng, chống ma tuý; Luật phòng cháy, chữa cháy; Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam; Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam; Pháp lệnh tình báo; Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước; Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Pháp lệnh thi hành án phạt tù; Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, các nghị định về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an như: Nghị định số 250/CP ngày 12/6/1981, Nghị định số 37/1998/NĐ-CP ngày 09/6/1998, Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 v.v…
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều quan điểm, đường lối, chính sách mới của Đảng về lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng Công an nhân dân vẫn chưa được thể chế hoá đầy đủ và đồng bộ. Các vấn đề như hàm, cấp, chế độ phục vụ, chính sách đối với Công an nhân dân và các biện pháp công tác công an vẫn chưa được Quốc hội quy định thành luật.Bên cạnh đó, quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng đòi hỏi không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt công tác Công an. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Luật Công an nhân dân là hết sức cần thiết.
Thực hiện Nghị quyết số 19/1998/QH10 ngày 02/12/1998 của Quốc hội Khoá X, Nghị quyết số 12/2002/QH11 ngày 16/12/2002 của Quốc hội khoá XI, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ… nghiên cứu, xây dựng Dự ánLuật Công an nhân dân. Dự án Luật Công an nhân dân đã được xây dựng, chỉnh lý nhiều lần, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan chuyên môn và đại biểu Quốc hội.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến, gọi: 1900.0191
II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN
Luật Công an nhân dân được xây dựng dựa trên những quan điểm sau:
a. Bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, của các cơ quan, tổ chức và mọi công dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt.
b. Thể chế hoá đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với lực lượng Công an nhân dân, xây dựng Công an nhân dân là lực lượng vũ trang trọng yếu, nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
c. Thể hiện rõ bản chất giai cấp, tính Đảng, tính nhân dân của Công an nhân dân, xác định mối quan hệ phối hợp giữa Công an nhân dân với cơ quan, tổ chức và công dân nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
d. Quán triệt quan điểm cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta; kế thừa, phát triển các quy phạm pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân từ ngày thành lập đến nay để xác định các nguyên tắc pháp lý bảo đảm cho hoạt động của Công an nhân dân phù hợp với tình hình mới.
đ. Công an nhân dân có đặc thù về tổ chức và hoạt động, do đó, phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, chế độ phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, trang bị và các bảo đảm cần thiết khác để lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ.
e. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm tốt của các nước trong lĩnh vực phân định tổ chức và hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự để đưa ra các quy định phù hợp với điều kiện Việt Nam.
III. NỘI DUNG CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN
1. Cơ cấu, bố cục của Luật Công an nhân dân
Luật Công an nhân dân gồm 7 chương, 43 điều, cụ thể như sau:
– Chương I. Những quy định chung: gồm 13 điều (từ Điều 1 đến Điều 13) quy định về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; vị trí, chức năng của Công an nhân dân (CAND); nguyên tắc tổ chức, hoạt động của CAND; tuyển chọn công dân vào CAND; công dân phục vụ có thời hạn trong CAND; chế độ phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức CAND; xây dựng CAND; giám sát hoạt động của CAND; ngày truyền thống của CAND; quan hệ phối hợp giữa Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ với CAND; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ CAND.
– Chương II. Nhiệm vụ và quyền hạn của CAND: gồm 3 điều (từ Điều 14 đến Điều 16) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CAND; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng An ninh nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân.
– Chương III. Tổ chức của CAND: gồm 3 điều (từ Điều 17 đến Điều 19) quy định về hệ thống tổ chức của CAND; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CAND; chỉ huy trong CAND.
– Chương IV. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND: gồm 11 điều (từ Điều 20 đến Điều 30) quy định về: phân loại sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; hệ thống cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; hệ thống chức vụ cơ bản trong CAND; hệ thống cấp bậc hàm của sĩ quan CAND; thẩm quyền phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm sĩ quan, chiến sĩ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ trong CAND; điều động sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; biệt phái sĩ quan CAND; hạn tuổi phục vụ của sĩ quan CAND; nghĩa vụ, trách nhiệm của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; những việc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND không được làm.
– Chương V. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với CAND:gồm 9 điều (từ Điều 31 đến Điều 39) quy địnhvề bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của CAND; trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ của CAND; trang phục, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh CAND; chính sách đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; tiền lương, phụ cấp và điều kiện làm việc đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; chăm sóc sức khoẻ đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND và gia đình; chế độ nghỉ ngơi của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; chế độ chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong CAND; quyền, nghĩa vụ và chế độ, chính sách đối với công nhân, viên chức CAND.
– Chương VI. Khen thưởng và xử lý vi phạm: gồm 2 điều (Điều 40 và Điều 41) quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức CAND và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
– Chương VII. Điều khoản thi hành: gồm 2 điều (Điều 42 và Điều 43) quy định về hiệu lực thi hành (Luật Công an nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006) và hướng dẫn thi hành Luật.
2. Nội dung cơ bản của Luật Công an nhân dân
2.1. Phạm vi điều chỉnh
Phạm vi điều chỉnh của Luật CAND được quy định tại Điều 1: “Luật này quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ chính sách đối với Công an nhân dân”.
Luật CAND không phải là đạo luật về tổ chức bộ máy như Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Toà án nhân dân, mà là một đạo luật chuyên ngành, chỉ đề cập đến nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc hoạt động của CAND. Luật quy định khá cụ thể chức năng, nhiệm vụ của CAND và đặc biệt là chế độ hàm, cấp của CAND với tư cách là một lực lượng vũ trang nòng cốt (quy định về hàm, cấp của lực lượng vũ trang là thẩm quyền của Quốc hội). Tuy nhiên, điều cần lưu ý là nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của CAND trong các lĩnh vực khác nhau (phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống ma tuý, thi hành án hình sự, tổ chức điều tra hình sự, tình báo, cảnh vệ…) đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Do đó, Luật CAND sẽ không thay thế các văn bản pháp luật này.
2.2. Vị trí, chức năng; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của CAND
Điều 4 của Luật CAND đã xác định rõ CAND là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Về cơ cấu lực lượng, CAND gồm lực lượng An ninh nhân dân và lực lượng Cảnh sát nhân dân. Về chức năng, CAND có 3 chức năng: tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thực hiện thống nhất quản lý về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Điều 5 quy định về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của CAND, cụ thể:
– CAND đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
– CAND được tổ chức tập trung, thống nhất và theo cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở.
– Hoạt động của CAND phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của CAND
CAND có 13 nhiệm vụ, quyền hạn chung (Điều 14). Các nhiệm vụ, quyền hạn này được quy định trên cơ sở thể chế hoá nghị quyết của Đảng, cụ thể hoá quy định có liên quan của Hiến pháp và pháp điển hoá các văn bản dưới luật khác có liên quan.
Luật CAND còn quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của lực lượng An ninh nhân dân (Điều 15) và lực lượng Cảnh sát nhân dân (Điều 16). Các lực lượng này vừa thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn chung của CAND, vừa thực hiện nhiệm vụ đặc thù của từng lực lượng và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng An ninh nhân dân được quy định phù hợp với Luật An ninh quốc gia, Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam, Pháp lệnh Tình báo, Pháp lệnh về bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh về Cảnh vệ… Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân được quy định phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam, Pháp lệnh Thi hành án phạt tù, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính…
2.4. Tổ chức của CAND
Hệ thống tổ chức của CAND được tổ chức thành 4 cấp, bao gồm:
– Bộ công an;
– Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
– Công an xã, phường, thị trấn.
Theo quy định trên thì Công an xã, phường, thị trấn là cấp Công an cơ sở. Như vậy, xét về vị trí, đây là lần đầu tiên Công an xã được xác định trong Luật là một cấp của CAND (các văn bản dưới luật chỉ xác định Công an phường là cấp Công an cơ sở); xét về tính chất, Luật xác định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ Đảng, sự quản lý, điều hành của Uỷ ban nhân dân xã và sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Công an cấp trên. Quy định như trên bảo đảm tổ chức, hoạt động của Công an xã phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta và với quy định của pháp luật hiện hành (nhất là quy định về chính quyền cấp xã).
Luật cũng quy định: căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập các đồn, trạm công an và các đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn cần thiết.
Điều 19 của Luật CAND quy định chế độ chỉ huy trong CAND, đảm bảo nguyên tắc chỉ huy, phục tùng của lực lượng vũ trang và phù hợp với đặc thù là Công an các địa phương còn chịu trách nhiệm trước cấp uỷ, chính quyền cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn.
2.5. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND
Luật CAND quy định hệ thống chức vụ cơ bản trong CAND phù hợp với đặc điểm đặc thù về tổ chức của CAND; theo đó, hệ thống chức vụ cơ bản trong CAND bao gồm chức vụ đặc trưng của lực lượng vũ trang và chức vụ trong các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước và quản lý nghiệp vụ, bao gồm: Tiểu đội trưởng; Trung đội trưởng; Đại đội trưởng; Tiểu đoàn trưởng, Trưởng Công an phường, thị trấn, Đội trưởng; Trung đoàn trưởng, Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Trưởng phòng; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tư lệnh, Cục trưởng, Vụ trưởng; Tổng cục trưởng; Bộ trưởng.
Luật CAND quy định hệ thống cấp bậc hàm của sĩ quan CAND theo hướng: có cấp bậc hàm thấp nhất và có cấp bậc hàm cao nhất đối với mỗi chức vụ cơ bản. Việc xác định hệ thống cấp bậc hàm tương ứng với mỗi chức vụ bảo đảm sự tương quan, cân đối với cấp bậc hàm của lực lượng vũ trang nói chung và bảo đảm tính đặc thù của CAND. Theo đó, Luật quy định hệ thống cấp bậc hàm của sĩ quan đảm nhiệm chức vụ cơ bản trong CAND như sau:
Tiểu đội trưởng: Thiếu uý, Trung uý, Thượng uý;
Trung đội trưởng: Trung uý, Thượng uý, Đại uý;
Đại đội trưởng: Thượng uý, Đại uý, Thiếu tá;
Tiểu đoàn trưởng, Trưởng Công an phường, thị trấn, Đội trưởng: Thiếu tá, Trung tá;
Trung đoàn trưởng, Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Trưởng phòng: Trung tá, Thượng tá;
Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng, Vụ trưởng: Thượng tá,Đại tá;
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tư lệnh Cảnh vệ: Đại tá, Thiếu tướng;
Tổng cục trưởng: Thiếu tướng, Trung tướng;
Bộ trưởng: Thượng tướng, Đại tướng.
Luật cũng quy định: đối với sĩ quan giữ chức vụ cơ bản từ Tiểu đội trưởng đến Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng, Vụ trưởng ở đơn vị được giao nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt hoặc địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự thì cấp bậc hàm cao nhất có thể cao hơn một bậc so với cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ tương ứng quy định ở trên. Cấp bậc hàm của sĩ quan giữ chức vụ tương đương với chức vụ cơ bản và các chức vụ còn lại do pháp luật quy định.
Về hạn tuổi phục vụ của CAND, Luật quy định phù hợp với tính chất hoạt động, mô hình tổ chức, quản lý của CAND và đảm bảo tích lũy kinh nghiệm công tác đối với sĩ quan. Cụ thể, hạn tuổi phục vụ của sĩ quan CAND được quy định như sau:
Cấp uý: 50;
Thiếu tá, Trung tá: nam 55, nữ 53;
Thượng tá: nam 58, nữ 55;
Đại tá, cấp tướng: nam 60, nữ55.
Trong trường hợp đơn vị CAND có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất, giỏivề chuyên môn, nghiệp vụ, sức khoẻ tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ quy định ở trên không quá 5 năm; thời hạn kéo dài tuổi phục vụ cụ thể do Chính phủ quy định. Sĩ quan CAND có đủ điều kiện bảo hiểm xã hội của Nhà nước thì được nghỉ hưu; trường hợp có thời gian công tác trong CAND đối với nam đủ 25 năm, nữ đủ 20 năm, nếu sức khoẻ yếu, năng lực hạn chế, do yêu cầu công tác hoặc tự nguyện xin nghỉ thì cũng được nghỉ hưu trước hạn tuổi quy định ở trên.
Luật CAND quy định những việc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND không được làm, cụ thể:
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Những việc trái với pháp luật, điều lệnh Công an nhân dân và những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.
2.6. Chế độ chính sách đối với CAND
Luật CAND quy định khá đầy đủ các chế độ, chính sách cơ bản đối với CAND, cụ thể là: chính sách đào tạo, bồi dưỡng; tiền lương, phụ cấp, điều kiện làm việc; chế độ nghỉ ngơi của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; chăm sóc sức khoẻ đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND và gia đình; chế độ chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan CAND nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong CAND; quyền, nghĩa vụ và chế độ, chính sách đối với công nhân, viên chức CAND.
2.7. Một số quy định liên quan đến công dân, cơ quan, tổ chức
– Tuyển chọn công dân vào CAND: theo quy định tại Điều 6 của Luật CAND thì công dân có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khoẻ, có nguyện vọng và năng khiếu phù hợp với công tác công an thì có thể được tuyển chọn vào CAND. CAND được ưu tiên tuyển chọn sinh viên, học sinh tốt nghiệp xuất sắc ở các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề có đủ tiêu chuẩn để đào tạo, bổ sung vào CAND.
– Công dân phục vụ có thời hạn trong CAND: hằng năm, CAND được tuyển chọn công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi vào phục vụ trong CAND với thời hạn là 3 năm. Công dân phục vụ có thời hạn trong CAND thì được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ. Như vậy, theo quy định của Luật CAND thì từ ngày 01/7/2006, thực hiện chế độ “công dân phục vụ có thời hạn trong CAND” (thay chế độ “nghĩa vụ quân sự trong CAND” như đang thực hiện) và chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong CAND được gọi là “binh nhất”, “binh nhì” (thay “chiến sĩ bậc một”, “chiến sĩ bậc 2” như hiện nay).
– Giám sát hoạt động của CAND: Luật CAND quy định Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện giám sát hoạt động của Công an nhân dân.Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ và xây dựng Công an nhân dân; giám sát việc thực hiện pháp luật về Công an nhân dân.
– Chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, giúp đỡ CAND: theo Điều 13 của Luật CAND, Nhà nước bảo vệ, giữ bí mật cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, giúp đỡ CAND trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; nếu trong quá trình tham gia phối hợp, cộng tác, giúp đỡ CAND mà bị tổn hại về danh dự thì được khôi phục, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; người bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ, tính mạng thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Luật CAND quy định cơ quan, tổ chức và mọi công dân có nhiệm vụ tham gia xây dựng CAND trong sạch, vững mạnh; quy định Ngày 19 tháng 8 hàng năm là ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc“.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN
Để thực hiện có hiệu quả Luật CAND ngay khi Luật có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/7/2006), Bộ Công an giúp Chính phủ triển khai xây dựng các văn bản có liên quan, như: Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thi hành Luật CAND; các Nghị định của Chính phủ quy định về: hướng dẫn thi hành Luật CAND; biệt phái sĩ quan CAND; chế độ phục vụ có thời hạn trong CAND; hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND; cấp bậc hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; tổ chức, hoạt động của CAND cấp cơ sở…
Cùng với việc giúp Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật CAND, Bộ Công an cũng sẽ ban hành các quy định phù hợp để triển khai Luật Công an nhân dân đồng thời tổ chức tập huấn về Luật CAND cho cán bộ, chiến sĩ CAND trên phạm vi toàn quốc.
Loại văn bản : |
Luật |
Lĩnh vực : |
Công an |
Toàn văn luật đã ban hành : |
Xem chi tiết |
Theo Luật Việt