Theo quy định Luật công chứng hiện hành (năm 2014) Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Hoạt động công chứng được triển khai ở nước ta từ giai đoạn nào? Trước khi ban hành Luật công chứng năm 2006, Hoạt động công chứng ở nước ta được hiểu là gì? Luật LVN Group tìm hiểu và giải đáp trong bài viết dưới đây:
Tìm hiểu khái niệm công chứng và các thuật ngữ liên quan thời kỳ trước khi ban hành Luật công chứng năm 2006
1. Sự xuất hiện của khái niệm công chứng
Công chứng, tên cũ gọi là chưởng khế, là một thuật ngữ hành chính, pháp lý xuất hiện và được sử dụng tại Việt Nam từ thời kỳ Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ. Theo tài liệu lưu trữ hiện còn thì văn bản công chứng đầu tiên được lập ỏ Việt Nam là vào năm 1886. Văn bản này hiện còn được lưu giữ tại Phòng Công chứng số 1 thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đây công chúng thường ít biết đến hoạt động công chứng. Từ sau khi có chủ trương đổi mới vào năm 1986, đặc biệt là khi Nhà nước ta ban hành các Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Bộ luật dân sự, …. thì nhu cầu công chứng trong nhân dân trở nên phổ biến, cần thiết và ngày càng nhiều trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhưng về mặt lý luận thì khái niệm, nhận thức về vai trò, tác dụng, đôì tượng, phạm vi của công chứng còn có những điều chưa được rõ ràng, chưa thật thống nhất, đầy đủ. Chính những nguyên nhân này đã làm phát sinh những bất cập trong tổ chức phục vụ, những điều bất hợp lý trong tổ chức bộ máy điều hành quản lý.
2. Lịch sử ghi nhận cách hiểu công chứng là gì?
Theo định nghĩa của từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì công chứng có nghĩa là lấy quyền công mà làm chứng (attestation). Định nghĩa này có thể là quá tóm tắt, ít cố tác dụng định hướng cho tổ chức và hoạt động trong thực tiễn.
Định nghĩa chính thức, dưới dạng là những quy phạm của Nhà nước đã được quy định trong các Nghị định của Chính phủ ban hành trong các năm 1991, 1996 và năm 2000.
Điều 1 Nghị định số 45/HĐBT ngày- 27-02-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước quy định:
“Công chứng Nhà nước là việc chứng nhận tính xác thực các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp phắp của công dân và cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội (sau đây gọi chung là các tổ chức) góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các hợp đồng và giấy tờ đã được công chứng có giá trị chứng cứ”.
Điều 1 Nghị định số 31/CP ngày 18-5-1996 về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước quy định:
“Công chứng là việc chứng nhận tính xác thực của các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội (sau đây gọi chung là tổ chức) góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các hợp đồng và giấy tờ đã được công chứng Nhà nước chứng nhận hoặc uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền chứng thực có giá trị chứng cứ, trừ trường hợp bị Tòa án nhân dân tuyên bố là vô hiệu”.
Về cơ bản, nội dung của Điều 1 Nghị định số 31/CP ngày 18-5-1996 giống như Điều 1 của Nghị định số 45/HĐBT ngày 27-02-1991. Nhưng trong Điều 1 của Nghị định 31/CP có điểm bổ sung quan trọng.
Điều 1 Nghị định số 45/HĐBT quy định: “… Các hợp đồng và giấy tờ đã được công chứng có giá trị chứng cứ”. Điều 1 Nghị định sô’ 31/CP bổ sung thêm “… trừ trường hợp bị Tòa án nhân dân tuyên bố là vô hiệu”. Điểm bổ sung này rất có giá trị trong thực tiễn. Đó là cơ sở pháp lý để phòng ngừa và loại trừ những hậu quả của những việc gian dối của những người đến xin công chứng, những sai lầm, thiếu sót về nghiệp vụ hoặc lạm dụng chức quyền của công chứng viên đã xảy ra trong quá trình thực thi Nghị định số 45/HĐBT. Điểm bổ sung này của Nghị định số 31/CP vẫn được tiếp nhận và ghi lại ở điểm 2 Điều 14 Nghị định số 75/CP với sự bổ sung mới: “2. Văn bản công chứng, văn bản chứng thực có giá trị chứng cứ, trừ trường hợp được thực hiện không đúng thẩm quyền hoặc không tuân theo quy định tại Nghị định này hoặc bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu”. Theo Điều 1 Nghị định số 31/CP, một hợp đồng bị coi là vô hiệu chỉ sau khi có sự phán quyết của Tòa án. Chỉ Tòa án mới có thẩm quyền tuyên bố là vô hiệu, thông qua xét xử. Theo nội dung bổ sung của Nghị định số 75/CP, hợp đồng được thực hiện không đúng thẩm quyền hoặc không tuân theo quy định của Nghị định cũng không có giá trị chứng cứ.
Trung bình 5 năm một lần, Chính phủ lại phải ban hành văn bản mới về công chứng để khắc phục những bất cập của văn bản cũ. Điều này chứng tỏ tính sống động, đa dạng của nền kinh tế thị trưòng định hướng xã hội chủ nghĩa, tính phức tạp của việc xác lập, bảo vệ các quan hệ giao dịch lành mạnh. Mặt khác nó còn thể hiện sự thiếu hụt cả về nhận thức, lẫn kinh nghiệm thực tiễn của công tác lập pháp, lập quy ở nước ta trong việc tiên liệu, dự đoán đầy đủ và xác đáng tình hình khi xây dựng pháp luật để làm cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất trong việc điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Qua hơn 10 năm vận dụng vào đời sống, qua các văn bản pháp luật liên quan, khái niệm về công chứng đã được rõ dần. Những yếu tố đặc trưng của khái niệm về công chứng đã được thể hiện tương đối cụ thể trong toàn bộ nội dung của Nghị định số 75/CP.
Nhưng qua thực tiễn vận dụng Nghị định số 75/CP từ năm 2000 đến nay, lại thấy xuất hiện một số vấn đề tuy thuộc phạm vi khái niệm nhưng có liên quan nhiều đến công tác thực tiễn cần được tiếp tục làm rõ hơn. Đó là các vấn đề về:
Một là, tính chất của công chứng;
Hai là, về cách sử dụng các thuật ngữ: Chứng nhận, xác nhận, chứng thực, xác thực.
2.1. Tính chất của công chứng
Công chứng là từ ghép của hai từ có ngữ nghĩa riêng biệt. Công có nghĩa là công quyền, thuộc về Nhà nước. Chứng là từ viết tắt của các từ: chứng nhận, chứng thực.
Hiện nay ở Việt Nam, cơ quan công chứng là cơ quan nhà nước. Công chứng viên là công chức nhà nước. Vì vậy cụm từ Nhà nước được dùng kèm theo cụm từ công chứng như đã nêu ở Nghị định số 45/HĐBT và Nghị định số 31/CP đã gây ra một số băn khoăn. Nội hàm của từ “Công” trong từ ghép Công chứng đã mang ý nghĩa Nhà nước rồi. Nếu dùng cụm từ “Công chứng Nhà nước” thì còn có “Công chứng phi chính phủ không?”. Câu trả lời rõ ràng là không. Tính chất cốt lõi của công chứng là nhân danh quyền lực Công mà chứng nhận, chứng thực. Văn bản đã được Công chứng có giá trị pháp lý như văn bản của Nhà nước. Nó khác với sự chứng nhận, chứng thực của các tổ chức phi chính phủ trên nhiều mặt, đặc biệt là sự khác biệt về giá trị pháp lý.
Trở lại định nghĩa của ông Đào Duy Anh đã nêu trong từ điển Hán Việt được xuất bản trước Cách mạng Tháng 8-1945: “Công chứng có nghĩa là lấy quyền công mà làm chứng”. Bỏ qua những hạn chế trong cách dùng từ cũ, ta thấy trong định nghĩa của ông Đào Duy Anh có ẩn chứa ý rằng công chứng viên không nhất thiết phải là công chức. “Lấy quyền cộng” theo cách nói ngày nay là nhân danh quyền lực công. Người nhân danh quyền lực công có thể là người không phải là viên chức, nhưng được Nhà nước giao quyền. Thực hành công chứng là do cơ quan, viên chức nhà nước thực hiện, như ở Việt Nam. Thực hành công chứng cũng có thể do các công chứng viên không phải là viên chức nhà nước đảm nhận. Những công chứng viên này là những người đã được đào tạo chuyên sâu về nghề nghiệp công chứng, được tuyển dụng qua thi tuyển. Họ được Nhà nước giao quyền thực hành công chứng và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về toàn bộ công việc công chứng được giao cho họ. Các công chứng viên được quyền thu phí theo mức do Nhà nước quy định để tự trang trải chi phí. Ngân sách nhà nước không phải đài thọ cho hoạt động công chứng.
Nếu dùng cụm từ: “Công chứng Nhà nước” thì có thể dẫn đến sự suy nghĩ rằng cơ quan công chứng chỉ là cơ quan nhà nước, công chứng viên phải là viên chức nhà nước mới được hành nghề. Nghị định số 75/2000/CP không dùng cụm từ “Công chứng Nhà nước” như ở Nghị định số 45/HĐBT và Nghị định số 31/CP, nhưng công chứng viên vẫn là viên chức nhà nước. Điều này không phù hợp với xu thế ngày càng mở rộng việc xã hội hoá hoạt động quản lý của Nhà nước, trong đó bao gồm cả dự định, chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng mà Nhà nước ta đang nghiên cứu và thực hiện thí điểm.
2.2. Về cách sử dụng các thuật ngữ: chứng nhận, chứng thực, xác nhận, công chứng, xác thực
Một là, về thuật ngữ: chứng nhận, chứng thực, xác nhận
Trong cách hiểu, cách nói, cách viết hiện nay, các thuật ngữ: chứng nhận, chứng thực, xác nhận được sử dụng với tính chất là các động từ, về mặt ngữ nghĩa, hầu như không có sự khác biệt. Từ điển tiếng Việt giải thích:
+ Chứng nhận: nhận cho để làm bằng là có, là đúng sự thật.
+ Chứng thực: nhận cho để làm bằng là đúng sự thật hoặc xác nhận là đúng.
Cách giải thích của Từ điển không làm nổi rõ sự khác biệt về ngữ nghĩa giữa chứng nhận và chứng thực. Trong cách nói, cách viết, các từ này được sử dụng một cách tuỳ nghi, không tuân theo một quy tắc nào cả.
Từ khi công bố ban hành Bộ luật dân sự (1995) mới có sự phân biệt khác nhau khi sử dụng các động từ đó.
Theo Bộ luật dân sự (1995) thuật ngữ “chứng nhận” được dùng để chỉ hành vi công chứng của công chứng viên. Thuật ngữ “chứng thực” được dùng để chỉ hành vi tương ứng của uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
Ví dụ: Điều 330 Bộ luật dân sự quy định:
2. Văn bản cầm cố phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chửng thực của uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền…”.
Cách sử dụng các thuật ngữ chứng nhận, chứng thực của Bộ luật dân sự được lặp lại khi ban hành Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08-02-2000.
Tại Điều 2 của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP có quy định:
“1. Công chứng là việc Phòng Công chứng chứng nhận tính xác thực của hợp đồng được giao kết hoặc giao dịch khác được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) và thực hiện các việc khác theo quy định của Nghị định này.
2. Chứng thực là việc uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xác nhận sao y giấy tờ, hợp đồng, giao dịch và chữ ký của cá nhân trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch của họ theo quy định của Nghị định này”.
Cách sử dụng các thuật ngữ: chứng nhận, chứng thực và xác nhận, như đã nêu, không giúp phân biệt ngữ nghĩa của các từ đó. Cách sử dụng này chỉ nhằm mục đích phân biệt các chủ thể tiến hành công chứng khác nhau. Còn về giá trị pháp lý của văn bản được chứng nhận hoặc xác nhận thì không có gì khác nhau. Hai văn bản đó có giá trị pháp lý ngang nhau.
Hai là, về thuật ngữ công chứng.
“Điều 25 của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP quy định:
Thẩm quyền công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:
1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền công chứng các việc quy định tại Điều 21 của Nghị định này và các việc khác theo quy định của Pháp lệnh lãnh sự, trừ việc giao kết hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, thế chấp bất động sản tại Việt Nam…”.
Như vậy, đối với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì Nghị định không sử dụng thuật ngữ chứng nhận hoặc xác nhận, hoặc chứng thực mà lại dùng thuật ngữ công chứng.
Tại Điều 25 của Nghị định số 75, thuật ngữ công chứng được sử dụng với tính chất là một động từ. Trong lúc đó tại Điều 2, thuật ngữ Công chứng được sử dụng với tính chất là một danh từ.
Thuật ngữ Công chứng được dùng với tính chất là một động từ còn được thể hiện bằng tên gọi của Nghị định là “Nghị định của Chính phủ về công chứng, chứng thực”. Như vậy, thuật ngữ Công chứng có thể dùng trong hai trường hợp:
– Với tính chất là một danh từ để chỉ cơ quan Công chứng nhằm phân biệt với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác được giao quyền công chứng như: uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã, của cơ quan đại diện Việt Nam ỏ nưốc ngoài.
– Với tính chất là một động từ để chỉ hành vi nhân danh quyền lực công của cơ quan công chứng, của uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã, của cơ quan đại diện Việt Nam ở nưởc ngoài khi chứng nhận, chứng thực, xác nhận vào các văn bản.
Cách sử dụng các thuật ngữ: chứng thực, chứng nhận, xác nhận, công chứng như đã có trong các điều luật của Bộ luật dân sự và Nghị định số 75/CP có thể đã gây nên sự phức tạp rắc rối trong văn bản pháp luật thời kỳ đó.
Ba là, về thuật ngữ xác thực:
Theo định nghĩa của Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì xác thực có nghĩa là chắc chắn không sai (certitude). Trong cách hiểu, cách viết hiện nay, xác thực có nghĩa là đúng với thực tế đã xảy ra.
Trong Điều 2 của Nghị định số 75/CP quy định:
“1…. Phòng Công chứng chứng nhận tính xác thực…
2…. Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xác nhận sao y giấy tờ…”.
Xác nhận sao y giấy tờ cũng có nghĩa là xác nhận tính xác thực của các bản sao so với bản gốc. Vậy, câu hỏi đặt ra là tính xác thực có phải là đòi hỏi duy nhất của hành vi công chứng không? hay còn có yêu cầu gì khác? Điều này có liên quan đến việc xác định phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của người thực hành công chứng.
Như đã nêu ở Điều 1 của Nghị định số 45/HĐBT ngày 27-02-1991 và Điều 1 của Nghị định số 31/CP ngày 18-5-1996, thì hành vi công chứng được thực hiện là nhằm “… bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, … góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”..
Để đạt được các yêu cầu này, khi công chứng, người công chứng chỉ xác nhận tính xác thực, chỉ chứng kiến thôi là chưa đủ. Đối với việc công chứng các bản dịch, bản sao thì chỉ cần bảo đảm tính xác thực của bản sao so với bản gốc là đủ. Nhưng đối với việc công chứng các văn bản hợp đồng, các di chúc, ngoài đòi hỏi về tính xác thực còn phải đáp ứng được tính hợp pháp nữa. Nói một cách khác, nếu một trong hai đòi hỏi này không được đáp ứng thì người tiến hành công chứng có thể từ chối công chứng.
Tính hợp pháp bao gồm trong nó tính phù hợp với các nguyên tắc của đạo luật, bộ luật, tính phù hợp vối nội dung chế định luật, điều luật được áp dụng, tính phù hợp vối trình tự, thủ tục, thẩm quyền lập văn bản và kể cả tính phù hợp với những quy tắc về đạo đức, phong tục không trái lại vối pháp luật.
Khi công chứng, người công chứng phải coi trọng và soát xét kỹ cả hai thuộc tính: tính xác thực và tính hợp pháp của văn bản yêu cầu công chứng.
3. Khái niệm công chứng giai đoạn trước khi ban hành Luật công chứng năm 2006
Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của công chứng nước ta từ khi có Nghị định số 45/HĐBT cho thấy trong khái niệm về công chứng phải bao gồm sáu đặc trưng chủ yếu:
Một là, tính chất của hành vi: Nhân danh quyền lực công.
Hai là, hình thức thể hiện hành vi: Trực tiếp chứng kiến bằng mắt thấy, tai nghe và trực tiếp chứng thực, chứng nhận, xác nhận bằng văn viết vào văn bản được công chứng.
Ba là, đòi hỏi phải đáp ứng: Tính xác thực, tính hợp pháp.
Bốn là, đối tượng của hành vi: Văn bản mà pháp luật quy định phải công chứng mới có giá trị pháp lý và các văn bản theo yêu cầu của công dân nhằm bảo đảm tính pháp lý của giao dịch dân sự, kinh tế, lao động, thương mại, quan hệ xã hội khác.
Năm là, chủ thể của hành vi: Người được Nhà nước giao quyển.
Sáu là, mục đích của hành vi: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của các cơ quan tổ chức nhà nưốc, xã hội, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, kinh tế, lao động, thương mại và quan hệ xã hội khác, phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Từ những phân tích như trên, có thể đi đến khái niệm về công chứng ở Việt Nam giai đoạn như sau:
“Công chứng là việc công chứng viên hoặc người có thẩm quyền trực tiếp chứng nhận (hoặc xác nhận) tinh xác thực, tỉnh hợp pháp của các văn bản, hợp đồng theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người có nhu cầu nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan nhà nước, tổ chức kỉnh tế, tổ chức xã hội, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, kinh tế, lao động, thương mại và quan hệ xã hội khác, phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.”
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung “Tìm hiểu hoạt động công chứng nước ta thời kỳ trước khi ban hành luật công chứng năm 2006”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập