Thưa Luật sư của LVN Group, xin Luật sư của LVN Group cho hỏi trong giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1999 Nguồn của luật hình sự gồm những nguồn nào? Và đặc điểm nguồn luật hình sự trong giai đoạn này ra sao? Rất mong nhận được sự giải đáp từ Luật sư của LVN Group. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Ngọc Thiệp – Ninh Bình)

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Nguồn của luật hình sự là gì?

Nguồn luật hình sự Việt Nam là phương thức tồn tại của luật hình sự Việt Nam, là hình thức bên ngoài chứa đựng nội dung, đồng thời là hình thức xác định phạm vi giới hạn của luật hình sự Việt Nam về không gian, thời gian và đối tượng chịu tác dộng trong một giai đoạn lịch sử cụ thể.

Về nguồn của luật hình sự chúng tôi đã có rất nhiều bài viết phân tích cụ thể về nguồn của luật hình sự qua các giai đoạn lịch sử của đất nước. Bạn có thể tham khảo thêm qua các bài viết dưới đây:

>> Xem thêm:Nguồn của luật hình sự trước năm 1945 tại đây

>> Xem thêm: Nguồn của luật hình sự giai đoạn 1945 đến năm 1985 tại đây

>> Xem thêm: Ưu điểm và hạn chế nguồn luật hình sự trước năm 1945 tại đây

2. Khái quát về nguồn luật hình sự Việt Nam từ năm 1985 đến năm 1999

2.1. Đặc điểm xã hội giai đoạn 1985 – 1999

Cũng như các giai đoạn trước, thực trạng nguồn luật hình sự Việt Nam giai đoạn từ năm 1985 đến nay phát triển trong bối cảnh những biến chuyển về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước và chịu sự chi phối của các đặc điểm lịch sử cụ thể. Những đặc điểm đó là:

– Sự chuyển hướng trong phương thức quản lý nền kinh tế của Nhà nước, từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

– Các quan hệ kinh tế thị trường bước đầu được hình thành, phát triển song chưa ổn định, nhiều quan hệ mối phát sinh, đặt ra những vấn đề phức tạp trong điều chỉnh pháp luật;

– Sự tác động, ảnh hưởng của các yếu tố mang tính quốc tế và khu vực đến Việt Nam ngày càng lớn, nhất là saụ khi nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO;

– Vấn đề mở rộng và phát huy dân chủ trong đời sống xã hội,

– Công cuộc cải cách bộ máy nhà nước trong đó có cải cách tư pháp được thúc đẩy mạnh mẽ, bước đầu đã đạt được một số thành quả nhất định.

Chịu tác động của những nhân tố nêu trên, từ năm 1985 đến nay, nguồn luật hình sự Việt Nam có bước phát triển mới về chất với hai dấu mốc quan trọng là sự ra đời của Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Căn cứ vào hai dấu mốc này, có thể chia sự phát triển nguồn luật hình sự Việt Nam giai đoạn từ năm 1985 đến nay thành hai tiểu giai đoạn là từ năm 1985 đến năm 1999 và từ năm 1999 đến nay.

Ở bài viết này sẽ đi phân tích nguồn của luật hình sự từ năm 1985 đến năm 1999

2.2. Khái quát về luật hình sự Việt Nam từ năm 1985 đến năm 1999

Nguồn luật hình sự Việt Nam giai đoạn 1985-1999, như giai đoạn trước đó, được xây dựng trên nền tảng các quy định của các Hiến pháp Việt Nam. Điểm đáng chú ý ở đây là, vào những thời điểm trước và sau khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 – Bộ luật đầu tiên của Nhà nước ta, có sự xuất hiện lần lượt của hai bản Hiến pháp (Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992) mà nội dung của hai bản Hiến pháp này có nhiều điểm khác biệt cơ bản. Hiến pháp năm 1980 được Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 18-12-1980 mang nặng tư duy của chế độ kế hoạch hoá tập trung còn Hiến pháp 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Những sự thay đổi lớn về phương diện lập hiến phản ánh một thực tế lịch sử: giai đoạn 1985-1999: là giai đoạn chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế và như thế nguồn luật hình sự giai đoạn 1985-1999, là nguồn luật hình sự của giai đoạn chuyển đổi, phát triển mạnh mẽ trong tiến trình phát triển chung của xã hội và pháp luật Việt Nam. Đây là đặc điểm nổi bật nhất của giai đoạn này, đồng thời cũng là đặc điểm mang tính chất chi phối toàn bộ sự phát triển nguồn luật hình sự Việt Nam so với các giai đoạn trước

Sau khi Hiến pháp năm 1980 được ban hành, vào năm 1982, Hội đồng Nhà nước Việt Nam đã quyết định “Kế hoạch năm năm xây dựng pháp luật 1982-1986” xác định phải ban hành nhiều bộ luật lớn, trong đó có Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, tình hình thực tế đã không diễn ra đúng như kế hoạch do sự chậm trễ của công tác soạn thảo: chỉ có Bộ luật hình sự vừa là bộ luật đầu tiên, vừa là bộ luật duy nhất được ban hành trong thời kỳ 1982-1986. Bộ luật tố tụng hình sự – bộ luật thứ hai của Nhà nước Việt Nam mãi đến năm 1988 mới được ban hành, các bộ luật lao động, dân sự và tố tụng dân sự ra đời còn muộn hơn nữa.

Sự ra đời sớm nhất của Bộ luật hình sự, một mặt, phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam đối với vấn đề pháp chế trong lĩnh vực tư pháp hình sự, mặt khác, đặt Bộ luật này ngay từ đầu, trước nguy cơ bị lạc hậu so với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bởi Bộ luật được xây dựng trên nền tảng các quy định của Hiến pháp năm 1980, trong khi đó, năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng quyết định đường lối đổi mới đất nước, chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ luật hình sự năm 1985 được xác định là sự kế thừa và phát triển của Luật hình sự Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám đến thời điểm được ban hành, ngày 27-6-1985, đồng thời, có dự kiến tình hình tội phạm ở Việt Nam, mà theo đánh giá của những nhà soạn luật, ít nhất là cũng trong khoảng thời gian từ 15 năm đến 20 năm tiếp theo, là nguồn cơ bản của Luật hình sự Việt Nam giai đoạn 1985-1999. Với sự tin tưởng vào tính hoàn thiện của Bộ luật, nhà lập pháp Việt Nam đưa ra hai quyết sách quan trọng làm thay đổi căn bản sự phát triển nguồn luật hình sự nước nhà. Quyết sách thứ nhất, từ nay trở về sau không quy định các vấn đề về tội phạm, hình phạt trong các văn bản pháp luật đơn hành mà thông nhất vào trong một văn bản duy nhất là Bộ luật hình sự. Quyết sách thứ hai, loại trừ hoàn toàn việc áp dụng nguyên tắc tương tự trong lĩnh vực luật hình sự qua việc tuyên bố: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự…” trong Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1985 – điều luật phản ánh quan điểm chính thức của Nhà nước Việt Nam về vấn đề tội phạm.

Trong nhiều công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đưa ra nhiều sự giải thích khác nhau cho hai quyết sách nói trên. Tuy nhiên, dù được giải thích bỏi những lý do nào thì cũng không thể phủ nhận hai điều: Một là, do ảnh hưởng của truyền thông lập pháp xã hội chủ nghĩa đến từ Liên Xô và các nước Đông Âu luôn mong muốn xây dựng một đạo luật duy nhất điều chỉnh các quan hệ pháp luật hình sự. Hai là, xuất phát từ tư duy làm luật của các nhà lập pháp Việt Nam trên cơ sở hiện trạng hệ thống pháp luật Việt Nam tại thời điểm đó (thời điểm năm 1985). Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập cho đến năm 1985, pháp luật hình sự Việt Nam luôn phát triển theo xu hướng tách những hành vi vi phạm nhỏ ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật hình sự để trở thành một loại vi phạm hành chính. Nhà lập pháp hình sự Việt Nam tin rằng việc loại trừ những hành vi “tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiếm cho xã hội không đáng kể…” (khoản 4 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1985) ra khỏi địa hạt điều chỉnh của luật hình sự sẽ làm giảm đi đáng kể những hành vi bị coi là tội phạm và như vậy, với một số lượng tội phạm hạn chế, việc thống nhất quy định vấn đề tội phạm sẽ trở nên khả thi chỉ với một điều kiện duy nhất là sự cố gắng của người làm luật. Do điều kiện hoàn cảnh lịch sử quy định, nên lúc đó, còn xuất hiện quan điểm tin rằng: “để xác định một hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm, trong đại đa số trường hợp, chỉ cần căn cứ vào các quy định của bộ luật hình sự” mà không cần hoặc chỉ trong những trường hợp đặc biệt mới viện dẫn đến các văn bản quy phạm pháp luật khác của Nhà nước. Điều này, nếu đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể của thời điểm đó là hoàn toàn có thể hiểu được, bởi: 1) Những quy định ban đầu của Bộ luật hình sự năm 1985 là khá đơn giản; 2) Hệ thống các văn bản pháp luật khác về kinh tế, dân sự, lao động nước ta thời điểm Bộ luật hình sự năm 1985 ban hành còn ở tình trạng phổ biến là chưa có văn bản luật, hoặc nếu có thì cũng chỉ là các bản “điều lệ tạm thời” hay “quy định tạm thời”…

Dù là một bước phát triển về chất so với nguồn luật hình sự Việt Nam giai đoạn trước, song như đã nói trên, ngay từ lúc mới ban hành, Bộ luật hình sự năm 1985 đã phải đối diện với nguy cơ bị lạc hậu. Sự lạc hậu này càng bị đẩy xa hơn khi những quy định của luật hình sự quá ổn định so với những thay đổi mạnh mẽ của hệ thống các văn bản pháp luật được ban hành trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Do không thể quy định vấn đề tội phạm, hình phạt, trách nhiệm hình sự trong các đạo luật mới như Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật phá sản doanh nghiệp… nên để khắc phục phần nào sự lạc hậu này, nhà làm luật chỉ có thể theo một phương án, đó là sửa đổi Bộ luật hình sự.

Lần sửa đổi Bộ luật hình sự năm 1985 thứ nhất diễn ra vào ngày 28-12-1989, vôi việc bổ sung thêm một tội mới là “Tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý” (Điểu 96a) và sửa đổi theo hướng tăng nặng một số tội phạm về kinh tế hoặc liên quan đến kinh tế như “Tội đầu cơ”, “Tội buôn bán hàng cấm”, “Tội trốn thuế”, “các tội xâm phạm sở hữu”…

Lần sửa đổi Bộ luật hình sự năm 1985 thứ hai vào ngày 12-8-1991, bổ sung thêm một tội mới là: “Tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội và của công dân (Điều 205a), đồng thời, sửa đổi các quy định liên quan đến “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”, “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” cùng hai tội phạm tương ứng nhưng xâm phạm đến “tài sản công dân”, “Tội trôn thuế”, “Tội kinh doanh trái phép” và một số “tội phạm về chức vụ” cũng được sửa đổi, bổ Sung trong lần sửa đổi Bộ luật hình sự này.

Lần sửa đổi Bộ luật hình sự năm 1985 thứ ba vào ngày 22-12-1992, tiếp tục sửa đổi các điều luật quy định “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”, “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”, các tội phạm về kinh tế và các tội phạm về chức vụ theo hướng quy định trách nhiệm hình sự nặng hơn đối với người phạm tội.

Đến năm 1993, do nhiều quy định của Bộ luật hình sự 1985 đã quá lạc hậu, có những quy định không còn phù hợpới bối cảnh kinh tế, chính trị mới (như tội lạm sát gia súc; tội chiếm đoạt tem, phiếu; tội làm hoặc lưu hành tem, phiếu, giấy tờ giả dùng vào việc phân phối, các tội chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa anh em…) hay thậm chí còn đi ngược lại với đường lối mới của Đảng (như quy định của Tội cản trở việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cải tạo xã hội chủ nghĩa) nên Nhà nước ta đã quyết định sửa đổi một cách toàn diện Bộ luật hình sự năm 1985. Ngày 24-2-1993, uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo Dự thảo Bộ luật hình sự mới.

Tuy nhiên, khi Ban soạn thảo Dự thảo Bộ luật hình sự mới chưa kịp soạn thảo xong bộ luật này thì tình hình tội phạm, nhất là tội phạm về ma tuý, tội phạm tham nhũng, tội phạm xâm hại tình dục đổi với người chưa thành niên diễn biến đặc biệt phức tạp. Trước tình hình này, một luật sửa đổi, bổ sung mang tính tạm thời cho Bộ luật hình sự năm 1985 đã được thông qua ngày 10-5-1997, để kịp thời đấu tranh mạnh đối với các loại tội phạm nói trên. Điểm đáng chú ý nhất trong lần sửa đổi, bổ sung thứ tư Bộ luật hình sự năm 1985 là Nhà nưóc Việt Nam đã thêm vào Bộ luật hình sự một chương mới: “chương VII A, Các tội phạm về ma tuý” thay cho hai điều luật (Điều 96a và Điều 203) trước đây.

Qua những lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1985 có thể thấy rằng, mặc dù về cơ bản, nguồn chính của Luật hình sự Việt Nam giai đoạn 1985-1999 vẫn tập trung thể hiện trong Bộ luật hình sự năm 1985 song về phạm vi nguồn luật đã được mở rộng đáng kể với sự bổ sung liên tiếp nhiều tội phạm mới, để phù hợp với diễn biến tình hình tội phạm cũng như những thay đổi mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội giai đoạn này.

2.3. Nguồn luật hình sự đã được xác định như thế nào vào thời điểm năm 1985?

Bộ luật hình sự không phải là nguồn suy nhất của luật hình sự

Với các quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 cũng như với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết ngày 27-6-1985 “về việc thi hành Bộ luật hình sự”, nhà làm luật Việt Nam muốn xây dựng một ý tưởng về một khung pháp lý chung cho lĩnh vực luật hình sự trong giới hạn của Bộ luật hình sự. Bộ luật hình sự đưa ra một danh mục các hành vi bị coi là tội phạm và hình phạt tương ứng cho các tội phạm đó. Giới hạn của tổng số các hành vi bị coi là tội phạm cũng đồng nhất với danh mục về tội phạm mà Bộ luật hình sự đưa ra. Trong phạm vi giới hạn này, nhà làm luật thấy cần thiết phải cụ thể hoá các tội phạm cũng như các biện pháp chế tài đã quy định bằng những văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Mục thứ 3 Nghị quyết ngày 27-6-1985 của Quốc hội ghi rõ: “Hội đồng Bộ trưởng, Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi chức năng của mình, có trách nhiệm… hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự, bảo đảm áp dụng thống nhất trong cả nước…”. Như vậy, ngay từ khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985, nhà làm luật đã xác định bộ luật này không phải là nguồn duy nhất của luật hình sự.

Văn bản đầu tiên có tính chất hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự năm 1985 là Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 02-11-1985. Thông tư này khẳng định: “kể từ ngày 01-01-1986, tất cả các điều của Bộ luật hình sự năm 1985 đều được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện từ ngày đó trở đi, để truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử. Các điều khoản được áp dụng phải được viện dẫn làm căn cứ pháp lý”. Với quy định này, vai trò chủ đạo của Bộ luật hình sự năm 1985 với tư cách là nguồn chính thức của luật hình sự tiếp tục được khẳng định. Tuy nhiên, do chưa có sự chuẩn bị kịp thời nên một số quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 có lợi cho người phạm tội như thời hiệu (truy cứu trách nhiệm hình sự và thi hành bản án), giảm thời gian chấp hành các hình phạt bổ sung, xoá án, v.v. chưa được áp dụng trước thời điểm Bộ luật có hiệu lực pháp luật theo như tinh thần Điều 7 của Bộ luật này. Trên thực tế, đến cuối quý 3 năm 1986, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có thẩm quyền khác mới ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng chế định xoá án tích, thời hiệu thi hành bản án hình sự và giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Các Nghị quyết quan trọng của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao được kể đến là: Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05-01-1986 hướng dẫn Phần chung và Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 hướng dẫn Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự năm 1985, Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16-11-1988 hướng dẫn bổ sung Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05-01-1986, Nghị quyết số 189/HĐTP ngày 19-4-1989 hướng dẫn bổ sung việc áp dụng Bộ luật hình sự.

Về các Thông tư liên tịch (liên ngành), đáng chú ý là các Thông tư sau: Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 01-8-1986 hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 về xoá án, Thông tư liên ngành số 11/TTLN ngày 20-11-1990 hướng dẫn xử lý một số tội phạm, Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07-01- 1995 hướng dẫn áp dụng Điều 95, 96 Bộ luật hình sự năm 1985, Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BCA hướng dẫn áp dụng chương VIIA Bộ luật hình sự về các tội phạm ma tuý.

Phân loại nguồn luật hình sự giai đoạn 1985 – 1999

Một vấn đề khác liên quan đến nguồn luật hình sự Việt Nam giai đoạn 1985-1999 là việc phân loại nguồn luật. Nếu như đối với các Thông tư liên tịch (liên ngành), việc xếp loại văn bản này vào hệ thống luật thành văn được thực hiện tương đối dễ dàng mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào thì đối với các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, vấn đề trở nên phức tạp hơn. Tính đặc thù của loại nguồn này thể hiện chỗ, về phương diện hình thức, các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao được xếp vào loại nguồn luật thành văn nhưng về phương diện nội dung, thực chất đây là một phương thức thể hiện án lệ. Giữa nội dung và hình thức của một loại văn bản có sự mâu thuẫn, xung đột với nhau và chính sự mâu thuẫn, xung đột này đã đưa đến hậu quả là các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có thể nói là tính chất nửa vời trong nhiều trường hợp cũng rất thiếu cụ thể, khó áp dụng.

Do bị chèn lấn từ phía nguồn luật thành văn trong các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao nêu trên, nên thực tế, “án lệ hình sự” Việt Nam phải tự tìm một con đường khác (phương thức, hình thức khác) để tồn tại. Phương thức đó là các công văn của Toà án nhân dân tối cao, các bản tổng kết hội nghị hàng năm của ngành Toà án hay các kết luận của Chánh án Toà án nhân dân tối cao đọc trong các hội nghị này. Một điều hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi trong các tập hệ thống hoá pháp luật của ngành Toà án ban hành trong giai đoạn 1985-1999 (gồm các tuyển tập “Các văn bản về hình sự, dân sự, kinh tế và tố tụng” các năm 1990, 1992, 1995, 1996, 1998 và một phần tuyển tập năm 2000) đều đăng tải các loại văn bản trên, mặc dù theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản loại này không phải là văn bản quy phạm pháp luật, hay nói cách khác, không được coi là “luật” một cách chính thức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về phương diện lý luận, các học thuyết khoa học pháp lý cũng là một loại nguồn của luật hình sự Việt Nam giai đoạn 1985-1999. Cần phải thừa nhận rằng, trong giai đoạn lịch sử này, do sự quan tâm tích cực từ phía Đảng, Nhà nước đến vấn đề tăng cường pháp chế, quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật cũng như do những yêu cầu mang tính bức thiết của việc xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền khoa học pháp lý Việt Nam nói chung, khoa học luật hình sự Việt Nam nói riêng có sự phát triển một cách mạnh mẽ. Sự phát triển này thể hiện qua một số điểm khái quát sau đây:

– Nhiều để tài khoa học được triển khai nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật Việt Nam;

– Nhiều cuộc hội thảo khoa học về chủ đề luật hình sự đã được tổ chức, nhất là trong những thời điểm Nhà nước chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1985;

– Một số lượng lớn các công trình nghiên cứu dưối dạng các bài báo khoa học được đăng tải đểu đặn trên các tạp chí pháp luật chuyên ngành;

– Các giáo trình Luật hình sự Việt Nam đã được biên soạn có hệ thống để đưa vào chương trình giảng dạy cho các hệ đào tạo luật từ cử nhân, cao học đến đào tạo tiến sĩ chuyên ngành luật hình sự.

Có thể nói, nhiều luận điểm, ý kiến, kiến nghị của các nhà khoa học Việt Nam đã được Nhà nước tiếp thu trong các lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1985. Nhiều cuộc tranh luận về các vụ án được đăng tải trên tạp chí Toà án nhân dân có ảnh hưởng quan trọng đến tư duy pháp lý của những người làm công tác xét xử. Thực tế cho thấy, nhiều tạp chí pháp luật chuyên ngành đã là diễn đàn của những người làm công tác thực tiễn để họ nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự cụ thể cũng như các đề xuất hoàn thiện luật, ở Việt Nam, tuy chưa xuất hiện những học thuyết pháp lý theo đúng nghĩa của nó song vai trò của khoa học pháp lý với tư cách là một nguồn thể hiện, nguồn bổ sung của luật hình sự là điều không thể phủ nhận.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung “Tìm hiểu nguồn của luật hình sự giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1999”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập