1. Các công cụ thực hiện Luật Cạnh tranh của Liên minh châu Âu

Luật Cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu chính phủ các quốc gia thành viên không được đặt ra hoặc duy trì các biện pháp nhằm hạn chế một trong ba nguyên tắc tự do cơ bản của liên minh: tự do lưu thông hàng hóa, tự do di chuyển và tự do cung cấp dịch vụ.

Chính sách cạnh tranh của EU còn kiểm soát chặt chẽ các khoản trợ cấp của nhà nước dành cho các xí nghiệp của mình, để ngăn chặn xu hướng chính phủ các nước thông qua các khoản trợ cấp hay những đặc quyền nào đó bù đắp cho các công ty độc quyền.

Hội đồng châu Âu với vai trò là người quản lý Luật Cạnh tranh chịu trách nhiệm xử lý những vấn đề liên quan đến luật này cũng như cho phép việc sáp nhập và hợp nhất các công ty/tập đoàn lớn của EU để phát triển tự do thương mại và giảm bớt trợ giá từ chính phủ của các quốc gia thành viên cho các công ty/tập đoàn lớn của nước mình.

Quá trình liên kết của Liên minh Châu Âu dựa trên cơ sở xây dựng nền dân chủ và kinh tế thị trường, bảo đảm sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể và các nền kinh tế, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và cả xã hội. Sự can thiệp của nhà nước được cho là cần thiết để hạn chế những tiêu cực của thị trường, bảo đảm các dịch vụ công cộng và phúc lợi xã hội.

Do đó, chính sách cạnh tranh của EU không chỉ tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp và còn điều chỉnh một số hoạt động của các nước thành viên, thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại.

Nội dung chính sách cạnh tranh thể hiện trên nhiều lĩnh vực, như: chính sách chống độc quyền và các thỏa thuận phản cạnh tranh (cartel); chính sách kiểm soát sáp nhập doanh nghiệp; chính sách kiểm soát hỗ trợ nhà nước; chính sách thúc đẩy tự do hóa.

Theo các chính sách này, các quy tắc được áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp hoạt động ở thị trường thống nhất mà không quan tâm đến hình thức sở hữu của chúng.

Các quốc gia thành viên có cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh của họ, còn Ủy ban châu Âu (Ủy ban) chịu trách nhiệm điều tra các vi phạm chính sách.

Ủy ban có quyền lực đặc biệt bao gồm ấn định mức tiền phạt, buộc thay đổi các thỏa thuận sáp nhập và ngăn chặn hoạt động trợ cấp của nhà nước. Tuy nhiên, các quyết định này có thể bị kháng cáo ở Tòa án châu Âu.

Trong các chính sách này, chống độc quyền là nội dung quan trọng nhất trong việc bảo đảm tự do hoạt động và cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp trong một thị phần thống nhất.

2. Chính sách chống độc quyền và các thỏa thuận phản cạnh tranh (cartel) 

Các thỏa thuận: Điều 81 Hiệp định Rome quy định ngăn cấm thỏa thuận mà chúng tác động hoặc có chủ ý ngăn chặn, hạn chế hoặc làm chệch hướng cạnh tranh, theo đó “nghiêm cấm mọi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, mọi quyết định liên kết doanh nghiệp và mọi dạng thỏa thuận có khả năng ảnh hưởng đến thương mại giữa các nước thành viên và có mục đích hoặc hậu quả ngăn cản, hạn chế và làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường chung”.

Quy định này áp dụng đối với các thỏa thuận theo chiều ngang giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và các thỏa thuận theo chiều dọc giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một chuỗi sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Liên quan đến lĩnh vực này, Ủy ban có quyền rất lớn trong việc tiến hành điều tra, bao gồm vào trụ sở của các doanh nghiệp mà không cần báo trước để xem xét các tài liệu nội bộ của doanh nghiệp, có quyền truy cứu bất cứ doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật và áp dụng mức phạt tiền lên đến 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Thuật ngữ “thỏa thuận” được hiểu theo nghĩa rộng là ngăn chặn việc mở rộng các hoạt động phối hợp hoặc các thỏa thuận khác mà làm đổ vỡ các hợp đồng theo luật dân sự.

Một số thỏa thuận được quy định rõ ràng: ấn định giá hoặc các điều kiện thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp; hạn chế hoặc kiểm soát sản xuất, thị trường, đầu tư hoặc phát triển kỹ thuật; phân chia thị trường hoặc cung cấp đẩy các đối tác thương mại vào thế bất lợi.

Điều 81 Luật Cạnh tranh đã quy định rõ ràng hơn đối với các trường hợp mua bán được phép (trong một số thị trường nhất định) vì kết quả của việc này làm tăng tính hiệu quả.

Tất cả các trường hợp thỏa thuận làm phân chia thị trường hoặc kiểm soát giá cả, kể cả các phân chia lợi nhuận hoặc thỏa thuận tăng giá và các quy định ngược với thương mại công bằng sẽ bị bãi bỏ. Trao đổi thông tin giá cả chỉ được phép khi đã được thông qua. 

Miễn trừ: Một thỏa thuận có thể bị ngăn cấm nhưng có thể được phép thực hiện nếu thỏa thuận đó làm tăng sản xuất hoặc phân phối hoặc thúc đẩy kỹ thuật và cho phép người tiêu dùng được phân chia lợi ích một cách bình đẳng, chỉ những trường hợp bắt buộc hạn chế như vậy sẽ đạt được mục tiêu và không cho phép loại bỏ cạnh tranh cho một phần chủ yếu của sản xuất.

Miễn trừ có thể được áp dụng tùy vào trường hợp cụ thể, ngoài ra thường được áp dụng theo khuôn miễn trừ  mà thường có các điều kiện và ưu tiên cho phép thực hiện, trong đó có các điều khoản hoặc có thể hoặc không thể xuất hiện trong thỏa thuận.

Bất cứ một thỏa thuận nào mà hội tụ đủ các điều kiện sẽ được miễn trừ, được áp dụng theo quan hệ dọc, gồm: loại trừ phân phối, loại trừ mua, loại trừ quyền cấp kinh doanh. 

Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường: Điều 82 Luật Cạnh tranh Liên minh châu Âu quy định việc ngăn cấm lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và đưa ra một danh sách hành vi có thể được xem xét là lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường: áp đặt giá mua/bán hoặc các điều kiện buôn bán không công bằng (trực tiếp hoặc gián tiếp), hạn chế sản xuất, thị trường hoặc phát triển kỹ thuật gây tổn hại tới người tiêu dùng, phân biệt mà đẩy đối tác thương mại vào thế bất lợi, áp đặt các điều kiện hợp đồng không phù hợp, dẫn đến bất lợi đối với các đối tác khác trên thị trường có thể được xem như là lạm dụng. 

Vị trí thống lĩnh thường lạm dụng ưu thế thị trường trên 50% và có thể đặt mức thấp hơn thuộc vào các nhân tố khác. Việc ngăn cấm có thể mở rộng vị trí lạm dụng với một vài công ty liên kết cùng nhau, thậm chí không chỉ một công ty có mức chiếm lĩnh thị trường tương đối.

Chính sách chống độc quyền được quy định tại Điều 82 của Hiệp định Rome, theo đó, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh là hành vi: “bị coi là đi ngược với thị trường chung và bị cấm, trong chừng mực mà thương mại giữa các nước thành viên có khả năng bị ảnh hưởng, hành vi của một hoặc nhiều doanh nghiệp khai thác một cách lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường chung hoặc trên một phần của thị trường chung”.

Chính sách cạnh tranh của EU không ngăn cản vị trí thống lĩnh của các doanh nghiệp, bởi suy cho cùng, nhiều doanh nghiệp có được vị trí này là do kết quả của quá trình kinh doanh trên thương trường. Chính sách cạnh tranh của EU thể hiện rất rõ quan điểm ngăn cản việc lạm dụng vị trí thống lĩnh như các hành vi bán dưới giá thành làm suy yếu đối thủ, hoặc các thỏa thuận cung cấp và phân phối độc quyền để loại bỏ đối thủ cạnh tranh…

Một ví dụ điển hình trong vấn đề này là trường hợp của Công ty Microsoft: Với tư cách là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trong lĩnh vực sản xuất phần mềm máy tính, Microsoft đã buộc khách hàng chỉ có thể mua được máy tính nếu chấp nhận mua kèm hệ điều hành Windows của mình.

Ủy ban đã đệ trình các biện pháp để ngăn cản hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh này như phạt tiền, buộc Microsoft phải li-xăng công nghệ, hoặc buộc Microsoft phải chia nhỏ doanh nghiệp thông qua việc bán một lượng tài sản nhất định.

Quyền lực rất lớn của Ủy ban, đó là, sau cuộc điều tra kéo dài 7 năm của Liên minh châu Âu nhắm vào công cụ tìm kiếm của Google, Tòa án Brussels đưa ra mức phạt kỷ lục 3,4 tỷ USD đối với hành vi vi phạm luật cạnh tranh của công ty này. Con số này đã vượt qua mức phạt 1,2 tỷ USD dành cho Intel năm 2009.

Liên minh châu Âu cáo buộc Google đã không công bằng khi thúc đẩy dịch vụ mua sắm của mình (Google Shopping) trong kết quả hiển thị của Google Search. Điều này gây thiệt hại cho các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Google Shopping.

Ngoài ra, EU cũng đang tiến hành một cuộc điều tra chính sách của Google trên nền tảng Android. Các nhà chức trách tin rằng các ứng dụng cài đặt sẵn của Google, việc yêu cầu cấp phép Android và khuyến khích tài chính cho các đối tác làm ảnh hưởng đến những nỗ lực cạnh tranh và sáng tạo. Nếu bị kết án trong trường hợp này, Google phải đóng mức phạt có thể lên đến 10% doanh thu bán hàng hàng năm của công ty[2].

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là, chính sách cạnh tranh của EU không cho rằng mọi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp đều là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp thỏa thuận giữa các doanh nghiệp mang lại lợi ích lớn hơn những hạn chế cạnh tranh thì Ủy ban có quyền cho phép thực hiện những thỏa thuận như vậy, nhằm bảo đảm tính hợp tình và hợp lý của các quy tắc cạnh tranh.

Trường hợp này được gọi là “miễn trừ ngăn cản”, tức là Ủy ban đưa ra những miễn trừ thay vì ngăn cản thỏa thuận giữa các doanh nghiệp.

3. Chính sách kiểm soát sáp nhập doanh nghiệp

Việc sáp nhập doanh nghiệp có thể đưa đến sự ra đời một doanh nghiệp mới có vị trí thống lĩnh. Điều này có thể sẽ làm sai lệch thị trường và không bảo đảm cạnh tranh. Chính vì vậy, hành vi sáp nhập hay hợp nhất doanh nghiệp cũng là đối tượng quan tâm đặc biệt trong chính sách cạnh tranh của EU.

Tuy nhiên, cần lưu ý là hoạt động sáp nhập chỉ bị ngăn cản nếu nó tạo ra hoặc nâng cao vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp và làm ảnh hưởng đến hiệu quả cạnh tranh.

Năm 1990, chính sách cạnh tranh EU đã có bổ sung đối với vấn đề sáp nhập. Theo đó, các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có tổng doanh thu trên 5 tỷ euro chỉ được sáp nhập khi có sự phê chuẩn đồng ý của Ủy ban. Thủ tục sáp nhập được diễn ra theo hai bước.

Giai đoạn kiểm tra sơ bộ diễn ra trong vòng một tháng. Đây là giai đoạn các chuyên gia xem xét và đưa ra quyết định việc sáp nhập có tác động đến cạnh tranh hay không.

Kết quả của giai đoạn này là (i) doanh nghiệp bị từ chối cho phép sáp nhập, hoặc (ii) được cho phép thực hiện sáp nhập ngay, hoặc (iii) Ủy ban phải mở thủ tục xem xét hoạt động sáp nhập.

4. Chính sách kiểm soát trợ cấp nhà nước

Vấn đề kiểm soát trợ cấp nhà nước đối với doanh nghiệp được quy định tại Điều 87 và 88 của Hiệp định Rome, cụ thể là “tất cả các biện pháp trợ cấp do các quốc gia thành viên thực hiện hoặc bằng cách sử dụng các nguồn lực của quốc gia đó dưới bất kỳ hình thức nào, trong chừng mực mà các biện pháp trợ cấp đó liên quan đến các giao dịch giữa các quốc gia thành viên, mà làm sai lệch hoặc đe dọa làm sai lệch cạnh tranh bằng việc hỗ trợ một nhóm doanh nghiệp hoặc một nhóm ngành nghề sản xuất” thì bị coi là đi ngược với thị trường chung.

Trợ cấp của nhà nước có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như miễn hoặc giảm thuế đối với doanh nghiệp. Các quốc gia thành viên có thể trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước nhằm giúp họ đối mặt với cạnh tranh có thể đến từ các quốc gia còn lại.

Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trong Liên minh và sẽ làm sai lệch cạnh tranh. Điều đặc biệt cần quan tâm là các công ty thuộc sở hữu nhà nước được trợ cấp để cạnh tranh với các đối thủ thuộc khu vực tư nhân.

Trong các trường hợp này, Ủy ban có quyền ngăn cản hoặc buộc phải thu hồi các khoản trợ cấp.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trợ cấp của nhà nước có thể xem là chấp nhận được, chẳng hạn như trợ cấp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở những vùng kém thuận lợi, bảo tồn văn hóa và di sản và các dự án vì lợi ích chung của châu Âu.

Cơ quan chịu trách nhiệm chính thi hành chính sách cạnh tranh của EU là Ủy ban châu Âu. Các quốc gia thành viên trao cho Ủy ban vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển một thị trường thống nhất và đấu tranh cho tự do hóa thương mại.

Trong việc thực thi chính sách cạnh tranh, Ủy ban đã thể hiện rất rõ vai trò này thông qua việc ngăn cản hoặc phê chuẩn việc sáp nhập doanh nghiệp hoặc các hoạt động điều tra trợ cấp nhà nước ở các quốc gia thành viên.

Có thể dẫn chứng ra đây một ví dụ thể hiện rất rõ vai trò của Ủy ban trong việc bảo đảm công bằng và thúc đẩy tự do hóa thương mại nội khối. Cụ thể là Electricité de France – một doanh nghiệp của Pháp – đã tiến hành mua lại các doanh nghiệp nhà nước cùng ngành trên toàn châu Âu.

Phản ứng trước vấn đề này, Chính phủ Tây Ban Nha và Ý đã dọa rằng họ sẽ can thiệp để ngăn cản quyền bỏ phiếu của các nhà đầu tư Pháp trong các doanh nghiệp này nếu Chính phủ Pháp không mở cửa thị trường năng lượng của mình.

Mâu thuẫn trở nên căng thẳng và buộc Ủy ban phải can thiệp. Một mặt Ủy ban cho rằng sự đe dọa của Chính phủ Ý và Tây Ban Nha là mang tính phân biệt, có khả năng dẫn đến vi phạm chính sách cạnh tranh, nhưng mặt khác, Ủy ban cũng hứa sẽ điều tra các hành vi của Electricité de France bị cáo buộc là phản cạnh tranh. Rõ ràng vai trò của Ủy ban đã thể hiện đúng lúc nhằm làm cho chính sách cạnh tranh được thi hành trên thực tế. 

Như vậy xét về bản chất, chính sách cạnh tranh của EU không ngăn cản vị trí thống lĩnh của các doanh nghiệp bởi thực tế nhiều doanh nghiệp có vị trí cao đều do kết quả của quá trình kinh doanh thành công trên thương trường.

Chính sách cạnh tranh của EU thể hiện rất rõ quan điểm  ngăn cản việc lạm dụng ví trí thống lĩnh  như các hành vi bán dưới giá thành làm suy yếu đối thủ hoặc các thỏa thuận cung cấp và phân phối độc quyền để loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

5. Nhân tố tác động điều chỉnh chính sách cạnh tranh của Liên minh châu Âu

Trong những năm gần đây, pháp luật và chính sách cạnh tranh của EU đã thay đổi một cách đáng kể bởi những tác động từ những yếu tố nội khối cũng như những yếu tố quốc tế. EU ngày càng mở rộng với 27 quốc gia thành viên, đồng nghĩa với nó là 27 đạo luật cạnh tranh và 27 cơ quan tài phán khác nhau.

Đáng chú ý là các quốc gia thuộc Trung và Đông Âu, khi gia nhập EU, không có nền tảng chính sách cạnh tranh và kinh tế thị trường như các quốc gia thành viên trước họ.

Chính vì vậy, nhu cầu thay đổi chính sách cạnh tranh là đòi hỏi nội tại của chính EU để làm sao có được sự hài hòa giữa chính sách cạnh tranh của toàn khối và các quốc gia thành viên.

Hơn nữa, xu thế toàn cầu hóa cũng đòi hỏi chính sách cạnh tranh của EU phải có những thay đổi cho phù hợp hơn. Pháp luật cạnh tranh thường tồn tại ở cấp độ quốc gia, trong khi các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia – như bản thân tên gọi của nó, lại không chịu giới hạn bởi các đường biên giới địa lý.

Điều này đòi hỏi pháp luật cạnh tranh của EU phải thay đổi cho phù hợp với pháp luật của thế giới mà điển hình như Mỹ, Nhật, Trung Quốc và WTO.