>> Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp:1900.0191
 

SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT VỀ DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Quá trình phát triển các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam có thể chia thành hai giai đoạn:

– Giai đoạn trước thời kỳ đổi mới(năm 1986);

– Giai đoạn từ Thời kỳ đổi mới đến nay.

Giai đoạn trước thời kỳ đổi mới

Sau năm 1954, tình hình chính trị và xã hội Việt Nam có những biến động to lớn. Đất nước bị chia cắt thành hai miền hoàn toàn khác nhau về chính trị và kinh tế, và do vậy những loại hình, tính chất của các doanh nghiệp ở hai miền cũng rất khác nhau.

Sau khi thống nhất đất nước 1975 (rõ nhất là trong giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1986), trên lãnh thổ nước Việt Nam thống nhất chỉ có các doanh nghiệp quốc doanh, cơ sở sản xuất sở hữu tập thể và các hợp tác xã, các loại hình doanh nghiệp có nguồn gốc sở hữu ngoài nhà nước và sở hữu tư nhân hầu như không tồn tại. Tính đến năm 1986, ở Việt Nam có khoảng 10.000 doanh nghiệp quốc doanh.

Pháp luật về doanh nghiệp trước thời kỳ đổi mới chưa hình thành thành một hệ thống mà mới chỉ tồn tại ở một số văn bản đơn lẻ, tách biệt với nhau, thiếu thống nhất, đồng bộ. Số lượng luật, pháp lệnh trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có pháp luật về doanh nghiệp, được ban hành rất hạn chế (trong thời gian 39 năm từ năm 1945 đến năm 1984, tổng số văn bản được ban hành là 27 luật và 27 pháp lệnh[1]).

Điều đáng lưu ý là, các văn bản pháp luật được ban hành trong thời kỳ này chủ yếu tập trung vào việc thể chế hoá chủ trương của Đảng và Nhà nước là xoá bỏ chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, thực hiện chính sách cải tạo XHCN, tiến hành công hữu hoá về tư liệu sản xuất dưới hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể; mối quan hệ kinh tế được pháp luật điều chỉnh tập trung vào quan hệ giữa các tổ chức kinh tế với Nhà nước.

* Giai đoạn từ khi bắt đầu chính sách đổi mới đến nay

Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IV) đã công nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế cá thể và tư doanh bên cạnh kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân.

Trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, ngày 21-12-1990, Quốc hội khoá VIII đã thông qua hai đạo luật quan trọng là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Hai đạo luật này đã tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta, và là một mốc quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong quá trình đổi mới kinh tế, chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty quy định ba loại hình doanh nghiệp cho khu vực kinh tế tư nhân là: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và doanh nghiệp tư nhân.

Trong thời gian qua, khung khổ pháp lý nói chung và khung khổ pháp lý về doanh nghiệp nói riêng đã không ngừng được hoàn thiện và phát triển. Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 1999 đã thay thế Luật doanh nghiệp và Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1990. Luật Doanh nghiệp nhà nước ban hành năm 2003 thay thế Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995. Luật Hợp tác xã ban hành năm 2003 thay thế Luật hợp tác xã năm 1996. Luật Đầu tư nước ngoài cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng thu hẹp sự khác biệt, tiến tới tiến trình hình thành một khung khổ pháp lý bình đẳng đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Như vậy, trong quá trình phát triển pháp luật điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp ở nước ta thời gian qua là sự khác nhau trong việc điều chỉnh tổ chức hoạt động các doanh nghiệp có nguồn gốc sở hữu khác nhau (chủ yếu là giữa sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân và sở hữu nước ngoài). Theo các quy định đó, ở Việt Nam tính đến nay đã có các loại hình doanh nghiệp sau đây: (1) công ty nhà nước (hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước), (2) doanh nghiệp của các tổ chức chính trị – xã hội, (3) hợp tác xã (hoạt động theo Luật hợp tác xã), (4) công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (hoạt động theo Luật doanh nghiệp), (5) doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài). Bên cạnh các loại hình doanh nghiệp nói trên, trong hệ thống pháp luật Việt Nam còn có các quy định riêng về tổ chức hoạt động cho doanh nghiệp trong một số ngành nghề kinh doanh như: doanh nghiệp bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán hoạt động theo pháp luật về chứng khoán, công ty luật hợp danh và văn phòng Luật sư của LVN Group hoạt động theo Pháp lệnh Luật sư của LVN Group.

1. Doanh nghiệp nhà nước

Các DNNN ở nước ta ra đời từ sau Cách mạng Tháng Tám và đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, trong điều kiện kinh tế tư nhân còn yếu kém và chỉ mới hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp, các DNNN đã phát triển rộng khắp từ các quận, huyện đến Trung ương, trong mọi ngành kinh tế, trên mọi miền đất nước. Đến cuối những năm 80, số DNNN lên đến hơn 12.000, trong đó doanh nghiệp do dịa phương quản lý chiếm trên 75%. Trước thời kỳ đổi mới, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Từ khi Luật doanh nghiệp  nhà nước năm 2003 có hiệu lực, doanh nghiệp nhà nước được điều chỉnh theo Luật này.

Công ty nhà nước

Công ty nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ.[2] DNNN là khái niệm rộng hơn, bao gồm công ty nhà nước và doanh nghiệp trong đó nhà nước có cổ phần, vốn góp chi phối.[3] Công ty nhà nước được tổ chức dưới hình thức là công ty nhà nước độc lập và tổng công ty nhà nước.

Tổng công ty nhà nước là một hình thức liên kết kinh tế trên cơ sở góp vốn giữa các công ty nhà nước hoặc giữa công ty nhà nước với doanh nghiệp khác.[4] Có ba loại tổng công ty nhà nước phân theo mục tiêu hoạt động và cách thức thành lập. Một là tổng công ty do nhà nước quyết định đầu tư và thành lập; hai là, tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập thông qua liên kết đầu tư và góp vốn; và ba là, tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.[5]

Tổng công ty do nhà nước quyết định đầu tư và thành lập bao gồm các thành viên là các đơn vị do tổng công ty đầu tư toàn bộ vốn điều lệ (công ty thành viên hạch toán độc lập, đơn vị hạch toán phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp và công ty TNHH nhà nước một thành viên được chuyển đổi từ công ty thành viên hạch toán độc lập hoặc đơn vị sự nghiệp), công ty tài chính và công ty cổ phần và TNHH có vốn góp chi phối của tổng công ty.[6]Tổng công ty có cơ cấu tổ chức bao gồm HĐQT, ban kiểm soát, tổng giám đốc và phó tổng giám đốc và kế toán trưởng. Việc tổ chức hoạt động của các cơ quan này giống như đối với mô hình công ty nhà nước có HĐQT.[7] Đối với công ty thành viên hạch toán độc lập có cơ cấu tổ chức giống như đối với công ty nhà nước không có HĐQT, bao gồm giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc. Còn đối với các thành viên khác có cơ cấu tổ chức theo như quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp.

Tổng công ty do các công ty tự đầu tư thành lập bao gồm công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác (công ty mẹ) và các công ty thành viên (công ty con).[8] Bộ máy quản lý của công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác là bộ máy của tổng công ty, bao gồm HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.[9] Công ty TNHH một thành viên do công ty nhà nước đầu tư toàn bộ vốn điều lệ hoạt động và tổ chức quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.[10]

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước là tổ chức kinh tế đặc biệt, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Cơ cấu tổ chức của tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước theo cơ cấu tổ chức quản lý của công ty nhà nước có HĐQT.[11]

Công ty cổ phần nhà nước và công ty TNHH nhà nước

Công ty cổ phần nhà nước là công ty cổ phần mà toàn bộ cổ đông là các công ty nhà nước hoặc tổ chức được Nhà nước ủy quyền góp vốn. Công ty cổ phần (CTCP) nhà nước có cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật Doanh nghiệp.[12]

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty TNHH do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ. Việc tổ chức quản lý hoạt động của công ty này thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.[13]

Công ty TNHH hai thành viên là công ty TNHH trong đó tất cả các thành viên đều là công ty nhà nước hoặc có thành viên là công ty nhà nước và thành viên khác là tổ chức được Nhà nước ủy quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.[14]

Đối với 3 loại hình công ty nói trên thì những đối tượng sau đây được gọi là sáng lập viên:[15]

– Tổng công ty do nhà nước quyết định đầu tư thành lập

– Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước

– Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác

– Công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty nhà nước

– Công ty nhà nước độc lập

– Các tổ chức kinh tế có quyền sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh theo quy định của pháp luật

Thủ tục thành lập CTCP nhà nước và công ty TNHH nhà nước bao gồm giai đoạn phê duyệt đề án góp vốn thành lập và đăng ký kinh doanh. Việc phê duyệt đề án góp vốn thành lập thực hiện theo quy đinh Luật DNNN[16] và việc đăng ký kinh doanh thực hiện theo qui định của Luật Doanh nghiệp. Cơ cấu tổ chức hoạt động của các công ty này thực hiện theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội

Doanh nghiệp của các tổ chức chính trị , tổ chức chính trị xã hội hình thành chủ yếu từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, là kết quả của “phong trào” phát triển kinh doanh trên cơ sở tận dụng các phương tiện, cán bộ “dư thừa” trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung nhằm tạo thêm công ăn, việc làm, thu nhập của cán bộ, công nhân viên; và trong quá trình phát triển, về chính sách, các doanh nghiệp này dần dần được đối xử giống như DNNN. Kể từ khi Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 có hiệu lực thi hành, loại hình doanh nghiệp này phải chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp tập thể (Hợp tác xã).

Hợp tác xã được định nghĩa là một loại tổ chức kinh tế tập thể, hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích lũy và các nguồn vốn khác của hợp tác xã.[17] Một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động HTX là dân chủ, bình đẳng; các xã viên có quyền ngang nhau trong biểu quyết.[18]

Liên hiệp HTX là tổ chức kinh tế bao gồm các thành viên là HTX, hoạt động và tổ chức theo nguyên tắc của HTX. Cơ cấu tổ chức quản lý của liên hiệp HTX được tổ chức theo nguyên tắc của HTX.[19] Cụ thể, cơ cấu tổ chức bao gồm Đại hội các thành viên, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc. Liên hiệp HTX thực hiện việc đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.

Liên minh HTX là tổ chức kinh tế – xã hội do các HTX và liên hiệp HTX cùng tự nguyện thành lập. Liên minh HTX được thành lập ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điều lệ liên minh hợp tác xã trung ương do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận; ở cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định công nhận.[20]

4. Các loại hình doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp.

Ngày 12-6-1999, Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 5 đã thông qua toàn văn Luật Doanh nghiệp với 10 chương và 124 điều. Luật doanh nghiệp quy định 4 loại hình tổ chức kinh doanh, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư­ nhân. Việc thành lập các loại hình tổ chức kinh doanh này được thực hiện thông qua thủ tục đăng ký kinh doanh theo qui định của Luật Doanh nghiệp năm 1999. Cơ cấu tổ chức có những điểm riêng biệt đối với từng loại hình doanh nghiệp.

Công ty TNHH

Công ty TNHH bao gồm hai loại là công ty TNHH hữu hạn một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó thành viên chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào doanh nghiệp; số lượng thành viên không quá 50 và phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo những điều kiện nhất định.[21] Cơ cấu tổ chức bao gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc và Ban kiểm soát đối với công ty có trên 11 thành viên.[22]

Đối với công ty TNHH một thành viên, cơ cấu tổ chức theo một trong hai mô hình là (i) gồm Hội đồng quản trị và giám đốc hoặc (ii) chủ tịch công ty và giám đốc.

Công ty cổ phần

Công ty cổ phần là doanh nghiệp có 4 đặc điểm sau:[23]

– Vốn điều lệ chia thành nhiều phần bằng nhau

– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và nghĩa vụ khác của doanh nghiệp trong phạm vi vốn đã góp vào doanh nghiệp

– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần

– Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân và tối thiểu phải có 3 cổ đông.

Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần bao gồm Đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, giám đốc và ban kiểm soát đối với công ty có trên 11 thành viên.[24]

Công ty hợp danh

Công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó có ít nhất hai thành viên hợp danh là cá nhân và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ của công ty.[25] Về nguyên tắc, các thành viên tự thỏa thuận về cơ cấu tổ chức quản lý và các thành viên có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề quản lý công ty.

Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.[26] Do đó, chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định đối với tất cả họat động kinh doanh của doanh nghiệp; có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm quản lý điều hành hoạt động kinh doanh nhưng phải báo với cơ quan đăng ký kinh doanh.[27]

Về cơ bản, bốn loại hình tổ chức kinh doanh nói trên là bốn loại hình doanh nghiệp phổ biến trên thế giới với nguyên tắc tổ chức quản lý tương tự.

5. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Sau khi được ban hành năm 1987, đến nay Luật đầu tư nước ngoài đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 1990, 1992, 1996 và 2000. Sau 17 năm thực hiện Luật ĐTNN, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN tại Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân. Luật Đầu tư nước ngoài điều chỉnh các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, do vậy, các hoạt động tín dụng quốc tế, hoạt động thương mại và các hình thức đầu tư gián tiếp khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Tính đến ngày 20 tháng 10 năm 2004, cả nước có 4.965 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 44,796 tỷ USD (đã thực hiện được 25,929 tỷ USD). Trong số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, có 3.562 dự án 100% vốn nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 20,457 tỷ USD (đã thực hiện được 9,443 tỷ USD) và 1.221 dự án liên doanh, với tổng vốn đăng ký là 19,096 tỷ USD (đã thực hiện được 10,425 tỷ USD). Số dự án còn lại được đầu tư dưới các hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng BOT, BT và BTO[28].

Hình thức đầu tư nước ngoài

Theo Luật đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo các hình thức sau đây:

– Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh

– Doanh nghiệp liên doanh

– Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài

– Các hình thức khác (BOT, BT, BTO).

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (HĐHTKD) là văn bản ký kết giữa hai bên hoặc nhiều bên để tiến hành đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, trong đó quy định trách nhiệm và phân chia kết quả kinh doanh cho mỗi bên mà không thành lập pháp nhân mới. Trong quá trình kinh doanh, nếu xét thấy cần thiết, các bên hợp doanh có thể thoả thuận thành lập Ban điều phối để thực hiện HĐHTKD. Bên hợp danh nước ngoài được quyền thành lập Văn phòng điều hành tại Việt Nam để làm đại diện cho mình trong việc thực hiện HĐHTKD. Văn phòng này có con dấu, được mở tài khoản, được tuyển dụng lao động, được ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi các quyền và nghĩa vụ quy định tại GPĐT và HĐHTKD.

Doanh nghiệp liên doanh (DNLD) là doanh nghiệp do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh (HĐLD) hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc là doanh nghiệp do doanh nghiệp có vốn ĐTNN hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam hoặc do DNLD hợp tác với nhà ĐTNN trên cơ sở HĐLD. Mỗi bên liên doanh chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn cam kết góp vào vốn pháp định của doanh nghiệp. Doanh nghiệp liên doanh được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, có tư cách pháp nhân Việt Nam. Mỗi bên liên doanh chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn cam kết góp vào vốn pháp định của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà ĐTNN do nhà ĐTNN thành lập tại Việt Nam, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Doanh nghiệp 100% vốn ĐTNN có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày được cấp GPĐT.

Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có một số đặc điểm sau:

– Là một loại hình công ty TNHH;

– Cơ cấu tổ chức quản lý do nhà đầu tư nước ngoài tự quyết định;

– Vốn pháp định phải ít nhất bằng 30% vốn đầu tư.

Các hình thức khác

Nhà đầu tư nước ngoài có thể ký hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam (là các Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh được Thủ tướng Chính phủ chỉ định ký kết và thực hiện Hợp đồng BOT, BTO, BT với nhà ĐTNN) để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Các nhà ĐTNN phải thành lập doanh nghiệp BOT, BTO hoặc BT tại Việt Nam theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc DNLD.

6. Các loại hình kinh doanh theo ngành, nghề kinh doanh

6.1. Công ty luật hợp danh, Văn phòng Luật sư của LVN Group hoạt động theo Pháp lệnh Luật sư của LVN Group

Theo quy định tại Pháp lệnh Luật sư của LVN Group ngày 25 tháng 7 năm 2001, hình thức tổ chức hành nghề Luật sư của LVN Group bao gồm: (i) Văn phòng Luật sư của LVN Group; (ii) Công ty luật hợp danh.   Văn phòng Luật sư của LVN Group có thể do một hoặc một số Luật sư của LVN Group thành lập và chịu trách nhiệm toàn bộ hoặc liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng.

Công ty luật hợp danh là hình thức tổ chức hành nghề Luật sư của LVN Group do ít nhất hai Luật sư của LVN Group thành lập và chịu trách nhiệm liên đới bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của công ty. Công ty luật hợp danh chỉ gồm các thành viên hợp danh. Tổ chức quản lý thực hiện theo quy định của luật doanh nghiệp.[29]

6.2. Doanh nghiệp bảo hiểm và Luật kinh doanh bảo hiểm

Luật kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội thông qua ngày 09/12/2000 với 9 chương và 129 điều. Đây là đạo luật đầu tiên điều chỉnh tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm, xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Việc ban hành đạo Luật doanh nghiệp năm 2005 phản ánh sự cần thiết của việc điều chỉnh thị trường kinh doanh bảo hiểm mà đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động sôi nổi tại nước ta hiện nay; điều mà các văn bản pháp lý trước đây còn quy định chưa đây đủ và đồng bộ. Theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan để hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm. Các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước, Công ty cổ phần bảo hiểm, Tổ chức bảo hiểm tương hỗ, Doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh, Doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài.

6.3. Công ty chứng khoán và pháp luật về chứng khoán

Theo quy định tại Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11/7/1998 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Quyết định số 04/1998/QĐ-UBCK3 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán; để tiến hành một hoặc một số loại hình kinh doanh chứng khoán (môi giới, tự doanh, quản lý danh mục đầu tư, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư chứng khoán ) thì loại hình doanh nghiệp phải là công ty chứng khoán (Công ty cổ phần; công ty TNHH) đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định. Như vậy, có sự phân biệt giữa loại hình doanh nghiệp là công ty chứng khoán và công ty cổ phần, TNHH theo Luật doanh nghiệp. Việc tìm hiểu sự khác nhau này là cần thiết nhằm giúp nhà đầu tư và những người quan tâm đến thị trường chứng khoán có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn loại hình công ty chứng khoán đã được thành lập ở nước ta hiện nay (theo số liệu thống kê hiện có 7 công ty chứng khoán đã được cấp giấy phép hoạt động từ Uỷ ban Chứng khoán nhà nước và đã đăng ký kinh doanh); và là những điều kiện cần thiết chuẩn bị cho thị trường chứng khoán nước ta đi vào hoạt động.

6.4.  Công ty tài chính và Luật các tổ chức tín dụng

Luật các tổ chức tín dụng (số 07/1997/QHX) quy định tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật để hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi và sử dụng tiền gửi để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một số hoạt động ngân hàng như là nội dung kinh doanh thường xuyên, nhưng không được nhận tiền gửi không kỳ hạn, không làm dịch vụ thanh toán. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP

TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

I. Thực tiễn thi hành các quy định về loại hình doanh nghiệp nhà nước

Năm 1995, Quốc hội ban hành Luật doanh nghiệp nhà nước. Luật doanh nghiệp nhà nước ra đời đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý thống nhất và đổi mới cho hoạt động của DNNN, góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của DNNN, thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Nội dung tiến bộ cơ bản của Luật được thể hiện chủ yếu trên một số điểm như: xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự của DNNN, trong đó đề cao quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN, khẳng định DNNN chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn do doanh nghiệp quản lý; quy định những tiêu chí nhằm xác định loại hình DNNN: DNNN hoạt động kinh doanh và DNNN hoạt động công ích, với các hình thức tổ chức DNNN độc lập, tổng công ty;  quy định một cách thống nhất, có hệ thống các hoạt động của DNNN, dù đó là doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước hay là doanh nghiệp Nhà nước chỉ sở hữu một phần; quy định một cách hệ thống về chế độ quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước đối với DNNN.

   Có thể nói, những quy định của Luật bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của DNNN trong nền kinh tế đang chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường. Qua 9 năm thực hiện Luật DNNN, tính đến đầu năm 2003, cả nước có khoảng 5940 doanh nghiệp, với tổng số vốn khoảng 1.227.000 tỷ đồng.

             Tuy nhiên, trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, hoạt động kinh doanh của DNNN vẫn còn chịu sự chi phối không nhỏ của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu, sự điều hành trực tiếp bởi một số biện pháp hành chính của Nhà nước cũng chưa chấm dứt; các nguyên tắc vận động của vốn trong các quan hệ kinh tế thị trường là  tự chủ, tự chịu trách nhiệm dân sự đối với hoạt động kinh doanh để đạt được mục tiêu lợi nhuận chưa được thể hiện rõ nét trong hoạt động của các DNNN. 

  Có thể nêu một số hạn chế của Luật DNNN năm 1995 như việc xác định quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu và quyền, trách nhiệm của DNNN đối với việc quản lý vốn, tài sản trong doanh nghiệp chưa rõ ràng. Việc quy định các tiêu chí để phân loại DNNN trong đó có DNNN hoạt động kinh doanh và DNNN hoạt động côngích là chưa rõ ràng. Các hình thức tổ chức lại DNNN chưa được quy định đầy đủ…

Trước thực trạng đó, ngay đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã xem xét thông qua Luật DNNN (sửa đổi, bổ sung), trong đó quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu và quyền, trách nhiệm của DNNN, người quản lý, điều hành doanh nghiệp đối với việc quản lý vốn, tài sản trong doanh nghiệp; quy định các tiêu chí để phân loại DNNN; điều kiện thành lập DNNN; các hình thức tổ chức lại DNNN; các mô hình tổng công ty… Các quy định này có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình cải cách hệ thống DNNN.

II. Thực tiễn thi hành các quy định về hệ thống doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân được Quốc hội thông qua tháng 12 năm 1990 (được sửa đổi một số điều vào tháng 6 năm 1994) đã đánh dấu một mốc quan trọng việc hình thành khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển.

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân đã góp phần quan trọng vào việc động viên, khuyến khích nhân dân yên tâm bỏ vốn đầu tư, thành lập doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội; tiềm năng của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh bước đầu được phát huy; đồng thời tạo công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường, một số quy định của Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1990 đã không còn phù hợp với tình hình mới, chưa đáp ứng được sự phát triển đa dạng của các thành phần kinh tế, như về thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp, thủ tục đăng ký kinh doanh, về quản lý Nhà nước, về loại hình doanh nghiệp… Bên cạnh đó, có những vấn đề mới về phạm vi, quy mô, lĩnh vực hoạt động, hình thức tổ chức của các doanh nghiệp cũng như về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát sinh trong cơ chế quản lý kinh tế mới chưa được Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân điều chỉnh. Điều đáng lưu ý là do được ban hành từ năm 1990, nên Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân chưa thể chế hoá các quy định của Hiến pháp năm 1992 về đổi mới kinh tế.

Để đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng một đạo luật thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về động viên phát huy tối đa nội lực của mọi thành phần kinh tế, tạo lập khuôn khổ pháp lý thuận lợi, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, gây phiền hà cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng cường quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho quá trình hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về kinh tế, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá X đã thông qua Luật doanh nghiệp, trên cơ sở hợp nhất  Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân thành một luật chung nhằm điều chỉnh thống nhất hoạt động của các loại hình doanh nghiệp bao gồm công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân.

Ngoài việc kế thừa một số nội dung của Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân, phạm vi các quy định của Luật doanh nghiệp đã được mở rộng theo hướng bám sát vào thực tiễn kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Những yêu cầu đặt ra trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp trong các văn bản pháp luật về doanh nghiệp đã được thể hiện trên các mặt sau đây:

– Cải cách thủ tục hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp bằng cách gộp việc xin phép thành lập và ĐKKD làm một; đồng thời chỉ giữ lại những hồ sơ, thủ tục ĐKKD thật sự cần thiết  đáp ứng được các yêu cầu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Những cải cách này là một bước tiến mới, giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà, những cản trở đối với việc thành lập  doanh nghiệp;

– Bổ sung các loại hình mới về doanh nghiệp (công ty hợp danh, công ty TNHH một thành viên) nhằm tạo ra các loại hình doanh nghiệp phù hợp với khả năng tổ chức và đầu tư vốn của mọi người trong xã hội; đề cao trách nhiệm nghề nghiệp trong kinh doanh, mở rộng quy mô, đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh, tạo cơ sở pháp lý trong việc cải cách cơ cấu tổ chức của một số doanh nghiệp nhà nước, đồng thời giúp nhà đầu tư giảm và phân bổ rủi ro hợp lý trong quá trình đầu tư. 

– Luật đã quy định những biện pháp bảo đảm trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, trong đó đã xác định cụ thể các quyền của nhà đầu tư như: quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm; tự do lập phương án kinh doanh; chủ động lựa chọn hình thức góp vốn phù hợp với điều kiện và lợi ích của họ, đặc biệt Luật cũng bảo đảm quyền của người góp vốn trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của  doanh nghiệp như quyền biểu quyết, quyền chuyển nhượng vốn…

– Thiết lập một cơ cấu tổ chức doanh nghiệp, trong đó xác định một cách rõ ràng, minh bạch trách nhiệm của người quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cụ thể là về cơ cấu tổ chức quản lý trong nội bộ doanh nghiệp như về Hội đồng quản trị, bộ máy điều hành (Giám đốc, Phó giám đốc), bộ máy giúp việc, thể thức làm việc và thông qua quyết định…

Qua hơn 4 năm thi hành, Luật doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện môi trường kinh doanh; đặc biệt đã đổi mới một bước đáng kể thủ tục hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp mà kết quả cụ thể là số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng nhanh so với trước đây. 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiến bộ, Luật doanh nghiệp cũng đang đặt ra những vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện. Ví dụ như các quy định về: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; gia nhập thị trường; phạm vi kinh doanh; thời hạn hoạt động; quyền của doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp…

III. Thực trạng thi hành các quy định về hợp tác xã

          Ngay từ cuối những năm 50, mô hình kinh tế hợp tác xã ở nước ta đã được hình thành. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, kinh tế hợp tác xã đã có những giai đoạn phát triển mạnh mẽ, giữ vai trò quan trọng trong việc huy động sức người, sức của cho tiền tuyến và phát triển kinh tế, xây dựng XHCN.

         Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, mô hình hợp tác xã trước đây đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp, nhiều HTX hoạt động kém hiệu quả,  đời sống cho xã viên ngày một khó khăn, hàng loạt HTX đã tan dã do không chuyển mình kịp với xu thế đổi mới.

          Để đổi mới một bước tổ chức, hoạt động, phương thức quản lý, quan hệ sản xuất, bảo đảm hợp tác xã vẫn giữ được vai trò quan trọng, là thành phần kinh tế XHCN trong quá trình đổi mới, Luật hợp tác xã  đã được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 3 năm 1996.  Là đạo luật có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của HTX, Luật HTX đã khẳng định vị trí tồn tại khách quan của HTX trong nền kinh tế thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế  này. Những điểm tiến bộ của Luật HTX được thể hiện cụ thể trên một số mặt cơ bản sau:

           – HTX đã được Luật khẳng định là tổ chức kinh tế tự chủ, do những người lao động có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện cùng góp vốn, góp sức lập ra để phát huy sức mạnh của tập thể nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.   

          – Quan niệm về vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của HTX đã có những thay đổi quan trọng. Nếu như trước đây, trong cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hoá tập trung, Nhà nước đã thực hiện cơ chế quản lý bao cấp, mệnh lệnh hành chính, không bảo đảm được các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tự chủ, tự cam kết, thoả thuận trong hoạt động của HTX thì ngày nay trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước với vai trò điều tiết nền kinh tế đã quản lý bằng pháp luật, các biện pháp đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy tiềm năng, tạo động lực mới trong sự phát triển của các HTX, giúp các HTX hoạt động đúng hướng, thích nghi dần với nền kinh tế thị trường. Điều 5 của Luật đã khẳng định “Nhà nước tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ của HTX, không can thiệp vào việc quản lý và hoạt động hợp pháp của HTX”.

            – Về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX cũng được Luật quy định theo hướng bảo đảm tính dân chủ, tự nguyện của các thành viên HTX. Cụ thể là, người lao động không chỉ có quyền tự nguyện gia nhập HTX mà trong trường hợp cần thiết còn có thể tự do ra khỏi HTX; phương thức quản lý được thiết lập trên cơ sở bảo đảm tính bình đẳng trong các quyền và nghĩa vụ; đồng thời cũng phải tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

          – Các quyền và nghĩa vụ của HTX đã được quy định cụ thể trong Luật, trong đó mở rộng các quyền năng pháp lý, đồng thời cũng đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm dân sự trong mọi giao dịch của HTX, cụ thể như quyền lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực, quy mô sản xuất, kinh doanh; quyết định hình thức cơ cấu sản xuất, dịch vụ; quyền xuất nhập khẩu, liên doanh, hợp tác đầu tư với nước ngoài…

             Sau 5 năm thực hiện Luật HTX, kinh tế HTX đã có những chuyển biến tích cực, làm ra nhiều của cải cho xã hội và điều đặc biệt là đã tạo công ăn việc làm cho lực lượng không nhỏ người lao động, đồng thời khẳng định sự tồn tại và phát triển của HTX là khách quan và cũng phù hợp với tiến trình đổi mới nền kinh tế. Chỉ tính riêng năm 1999, tổng sản phẩm trong nước do HTX tạo ra đã đạt 35.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 9%  GDP của cả nước.

Bên cạnh những thành quả đạt được, kinh tế hợp tác cũng còn tồn tại nhiều yếu kém, kể cả về hình thức tổ chức, phương thức hoạt động, hiệu quả kinh doanh thấp. Một số cơ chế, quy định của pháp luật cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi những điểm không còn phù hợp trong mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của HTX trong điều kiện của một nền kinh tế thị trường, đòi hỏi sự cạnh tranh về nhiều mặt, yêu cầu tính năng động cao.

Năm 2002, Quốc hội khoá XI đã ban hành Luật hợp tác xã (sửa đổi) khắc phục được nhiều mặt hạn chế của Luật cũ, các ưu điểm thể hiện cụ thể trên các mặt sau:

– Về thủ tụcthành lập và đăng ký kinh doanh (ĐKKD):  Đơn giản hoá các thủ tục bằng việc bỏ thủ tục xin phép thành lập; đơn giản hoá hồ sơ ĐKKD;

– Về đối tượng tham gia thành lập HTX: Mở rộng đối tượng được quyền tham gia thành lập, quản lý HTX;

– Quy định cụ thể về tổ chức của Hội đồng quản trị, bộ máy điều hành, quyền, nghĩa vụ của các thành viên HTX.

IV. Thực tiễn thi hành các quy định về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới kinh tế, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt coi trọng công tác thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới nền kinh tế. Thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng trong việc mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngay từ năm 1987 Quốc hội đã ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù khi được ban hành vào năm 1987, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được đánh giá là đạo luật thông thoáng về đầu tư nước ngoài trong khu vực, nhưng do yêu cầu phát triển ngày càng lớn với những đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà Luật đã luôn được sửa đổi, bổ sung để kịp thời phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Cho đến nay, Luật đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần, vào các năm 1990, 1992, 1996 và năm 2000.  

 Theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì nhà đầu tư  nước ngoài được đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân; các thủ tục hành chính như việc đăng ký kinh doanh, thuê đất, giải phóng mặt bằng, xuất nhập khẩu được quy định theo hướng đơn giản, thuận tiện. Đặc biệt, quyền của nhà đầu tư luôn được bổ sung, mở rộng phù hợp với sự phát triển của quá trình đầu tư và các quyền này đã được quy định cụ thể ngay trong Luật như quyền chủ động lựa chọn, thay đổi các hình thức đầu tư; quyền được cân đối ngoại tệ, mở tài khoản tại nước ngoài; quyền được thế chấp tài sản gắn liền với đất và giá trị quyền sử dụng đất để vay vốn kinh doanh tại các tổ chức tín dụng trong nước và ở nước ngoài; quyền được hưởng ưu đãi đầu tư, đặc biệt là ưu đãi về thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài…; quyền được áp dụng luật nước ngoài phù hợp với thông lệ, tập quán quốc tế, không trái với pháp luật Việt Nam…

Bên cạnh những điểm đã đạt được, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như sau:

Về mô hình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào Việt Nam dưới 3 hình thức: Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh; Doanh nghiệp liên doanh; Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tính chất đầu tư trực tiếp dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và chưa được phép đầu tư gián tiếp dưới hình thức công ty cổ phần, được phát hành, mua, bán cổ phiếu, trái phiếu tại Việt Nam. Việc tổ chức hoạt động của doanh nghiệp có vốn ĐTNN cũng có nhiều biệt lệ so với công ty trách nhiệm hữu hạn trong nước như: quy định về vốn pháp định, vốn điều lệ; về tỷ lệ vốn pháp định trong tổng vốn đầu tư; về tỷ lệ vốn của bên nước ngoài trong vốn pháp định của doanh nghiệp; về nguyên tắc thông qua các quyết định của hội đồng quản trị; về quyền hạn, trách nhiệm của tổng giám đốc, phó tổng giám đốc thứ nhất…

Về việc thành lập mô hình công ty hợp danh đối với đầu tư nước ngoài

Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mô hình này lần đầu tiên được luật hoá trong Luật doanh nghiệp năm 1999. Đây là loại hình doanh nghiệp có nhiều điểm đặc thù, hoạt động trong một số lĩnh vực như tư vấn, y tế khám chữa bệnh, kiểm toán, thiết kế xây dựng, giám định…Trên thực tế, tại Việt Nam đã và đang tồn tại nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực trên song lại hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn. Nguyên nhân là do Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chưa quy định về mô hình hợp danh đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cũng như mô hình doanh nghiệp cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài, việc bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của Luật mô hình doanh nghiệp hợp danh có vốn đầu tư nước ngoài là điều cần thiết.

Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là luật chuyên ngành, quy định về loại hình doanh nghiệp có nhiều đặc thù, song lại thiếu các quy định cụ thể. Các vấn đề quan trọng liên quan đến FDI tại Việt Nam như về tổ chức hoạt động của doanh nghiệp, việc thuê đất đai, lao động, tiền lương, công nghệ, bảo vệ môi trường, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo hiểm… được đề cập còn chung chung bằng công thức “phù hợp với pháp luật Việt Nam”; trong khi đó pháp luật Việt Nam trong nhiều trường hợp lại chưa quy định hoặc quy định không cụ thể và rải rác tại các văn bản khác nhau, nhất là không thể quy định về những vấn đề mang tính đặc thù đối với loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung mới thường chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt của từng giai đoạn phát triển, chưa có sự tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng quá trình thực hiện, chưa xem xét, nghiên cứu các quy định của Luật một cách tổng thể trong hệ thống pháp luật về đầu tư. Vì vậy, mặc dù có những quy định mang tính động viên, khuyến khích đầu tư, song các quy định về cơ chế thực hiện vẫn còn phức tạp, thiếu thống nhất, thủ tục phiền hà, thiếu ổn định. Xuất phát từ thực trạng này, việc nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài cũng đang là yêu cầu đặt ra nhằm thể chế hoá một cách thống nhất về chính sách đầu tư, đáp ứng tình hình mới.

 V. Thực tiễn thi hành các quy định về khuyến khích đầu tư trong nước 

Cùng với hệ thống pháp luật về doanh nghiệp, để phát huy nội lực, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, Quốc hội đã ban hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994 và sửa đổi, bổ sung năm 1998. Đây là công cụ pháp lý quan trọng để động viên các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn mà Nhà nước đang khuyến khích phát triển; góp phần tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chủ trương khuyến khích đầu tư trong Luật được thể hiện cụ thể trên các mặt sau:

            – Về chính sách đất đai: Việc đáp ứng các yêu cầu về đất đai, mặt bằng sản xuất là một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam; một mặt do thủ tục giao đất, cấp đất, cho thuê đất rất phức tạp, mặt khác giá thuê đất thường ở mức cao. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Luật khuyến khích đầu tư trong nước đã quy định: các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào một số lĩnh vực đặc biệt như xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất hàng xuất khẩu… được miễn tiền thuê đất từ 3 đến 6 năm; dự án đầu tư tại địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn được miễn tiền thuê đất từ 7 đến 10 năm; dự án đầu tư tại địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được miễn tiền thuê đất từ 11 đến 15 năm…

– Về chính sách thuế: Theo quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước thì các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt như xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, trồng rừng, đánh bắt hải sản xa bờ… được hưởng mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% ( mức bình quân chung cho các tổ chức, cá nhân là 32%); các dự án này, nếu đầu tư tại địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn sẽ được hưởng mức thuế suất 20% thuế thu nhập doanh nghiệp; nếu đầu tư tại địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì mức thuế chỉ còn 15%.

– Về chính sách tín dụng: Một trong những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, song cũng không ít doanh nghiệp có tài sản để thế chấp nhưng do thủ tục vay tín dụng phức tạp, lãi suất lại cao, do vậy các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với thực trạng thiếu vốn. Để góp phần giúp các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn về vốn, Luật khuyến khích đầu tư trong nước đã thể chế hoá chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp bằng các quy định về hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh và tái bảo lãnh tín dụng thông qua các Quỹ hỗ trợ đầu tư… 

–  Về các biện pháp bảo đảm vốn, tài sản của nhà đầu tư: Để bảo đảm sự an toàn cho nguồn vốn, tài sản của các nhà đầu tư, Luật đã bổ sung quy định: “Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính”. Ngoài ra, Luật khuyến khích đầu tư trong nước còn nêu rõ: trong trường hợp do thay đổi, quy định của pháp luật mà làm thiệt hại đến lợi ích của nhà đầu tư, thì Nhà nước cho phép nhà đầu tư được tiếp tục hưởng các ưu đãi đã quy định cho thời gian còn lại hoặc Nhà nước giải quyết thoả đáng quyền lợi cho nhà đầu tư.

            Thực tế cho thấy, thời gian qua việc khuyến khích đầu tư mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song so với tiềm năng và yêu cầu phát triển kinh tế thì kết quả đạt được còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nội lực để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

            Một trong những nguyên nhân của hạn chế trên là mặc dù môi trường pháp lý đã thể hiện sự khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Song các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành chưa kịp thời,  việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thủ tục còn phiền hà, tư tưởng “xin – cho” vẫn là bước cản các doanh nghiệp thực hiện các quyền ưu đãi của mình. Điều này đã làm giảm hiệu quả thực tế của Luật.

SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH VÀ TƯ TƯỜNG CHỈ ĐẠO

VIỆC XÂY DỰNG LUẬT DOANH NGHIỆP THỐNG NHẤT

SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH,

QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG

LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2005

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT DOANH NGHIỆP MỚI

Trong thời kỳ đổi mới, hệ thống pháp luật về doanh nghiệp ở nước ta đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Các đạo luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Phá sản và nhiều đạo luật khác được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần hoàn thiện môi trường kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội.

Tuy vậy, trước yêu cầu phát triển kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống pháp luật về doanh nghiệp đã bộc lộ những hạn chế, vẫn còn những quy định phân biệt bất hợp lý giữa các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, những phân biệt đó thể hiện trên các mặt sau:

–         Thủ tục, điều kiện gia nhập và rút khỏi thị trường.

–         Cơ cấu, thẩm quyền và cách thức tổ chức quản lý nội bộ.

–         Phạm vi kinh doanh, các quyền và mức độ tự chủ thực hiện các quyền kinh doanh.

–         Mức độ và phương thức tổ chức lại kinh doanh.

–         Chế độ và phương thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp…

Bản thân từng luật riêng về doanh nghiệp cũng đã bộc lộ hạn chế, gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, không đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng và một số Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Trung ương đã khẳng định chủ trương xây dựng Luật thống nhất về doanh nghiệp.

Để góp phần tích cực vào việc thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần được xác định trong Hiến pháp, trong các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước; khai thác mạnh mẽ mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế, nhất là nguồn lực tài chính từ mọi thành phần kinh tế; khơi dậy tính năng động, hăng hái, tự tin của các doanh nghiệp, doanh nhân; nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp-một động lực quan trọng của sự phát triển; tạo khung pháp lý thống nhất, minh bạch, bình đẳng hơn cho mọi loại hình doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc ban hành Luật doanh nghiệp tại thời điểm này là cần thiết.

II. NHỮNG QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT

Việc xây dựng Luật Doanh nghiệp dựa trên những quan điểm chỉ đạo sau đây:

Một là, thể chế hóa sâu sắc đường lối đổi mới và các chủ trương chính sách đã được khẳng định tại Đại hội lần thứ IX của Đảng và các Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng; nhất là chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, coi các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chính sách phát huy tối đa nội lực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện nhất quán chủ trương cổ phần hóa và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; đổi mới một cách căn bản chức năng, nhiệm vụ và phương thức quản lý doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện và động lực để doanh nghiệp nhà nước huy động thêm được vốn đầu tư từ bên ngoài, tiếp thu và đổi mới công nghệ, kỹ năng quản trị hiện đại; qua đó nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp nhà nước nói riêng và của khu vực kinh tế nhà nước nói chung.

Ba là, kế thừa những quy định tiến bộ, tích cực của Luật doanh nghiệp năm 1999 và Luật DNNN, khắc phục những tồn tại, hạn chế như tính thiếu nhất quán, đối xử thiếu bình đẳng đối với các loại hình doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu. 

 Bốn là, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của mọi chủ thể, có quy định hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tạo lập, vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp có hiệu quả, đúng pháp luật. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm; có quyền tự chủ và phải tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh; được lựa chọn, thay đổi hình thức tổ chức quản lý nội bộ, hình thức đầu tư-kinh doanh phù hợp và được nhà nước bảo hộ. Nhà nước tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, áp dụng thống nhất chế độ đăng ký (thay cho cấp phép), xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, “phê duyệt” bất hợp lý, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Năm là, đổi mới một cách cơ bản chức năng, nhiệm vụ và phương thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Nhà nước không can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính, mà hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thông qua cơ chế, chính sách và có sự quản lý nhà nước để doanh nghiệp phát triển lành mạnh; coi việc khuyến khích, hướng dẫn và trợ giúp là một trong những chức năng chính; coi nhà đầu tư và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Những quy định trước đây có lợi cho doanh nghiệp thì được tiếp tục thực hiện trong thời hạn đã cam kết trước đó. Tôn trọng quyền của doanh nghiệp trong tổ chức quản lý nội bộ, tự chủ thỏa thuận và định đoạt các quan hệ nội bộ phù hợp pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế. Đồng thời bảo đảm cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyền kiểm tra việc chấp hành luật pháp của các doanh nghiệp.

Sáu là, bảo đảm vừa phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của nền kinh tế nước ta đang chuyển đổi, vừa đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Nội dung của Luật doanh nghiệp phải phù hợp với những điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã cam kết trong các thỏa thuận đa phương và song phương, nhất là các nguyên tắc cơ bản như “Đối xử quốc gia” và “Tối huệ quốc”. Đồng thời, phải đón trước được xu thế hội nhập, góp phần xây dựng và tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, đủ mức hấp dẫn và có sức cạnh tranh so với khu vực.

NỘI DUNG CHỦ YẾU

CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2005

           Luật doanh nghiệp (Luật số 60/2005/QH11), được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, sau đây viết là Luật doanh nghiệp năm 2005.

            Luật doanh nghiệp năm 2005 gồm 10 chương (172 điều) với bố cục như sau:

– Chương I. Những quy định chung, gồm 12 điều (từ Điều 1 đến Điều 12); 

– Chương II. Thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh, gồm 25 điều (từ Điều 13 đến Điều 37);   

– Chương III. Công ty trách nhiệm hữu hạn, Chương này có 2 mục. Mục I quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, gồm 25 điều (từ Điều 38 đến Điều 62). Mục II quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, gồm 14 điều (từ Điều 63 đến Điều 76);

– Chương IV. Công ty cổ phần, gồm 53 điều (từ Điều 77 đến Điều 129);    

– Chương V. Công ty hợp danh, gồm 11 điều (từ Điều 130 đến Điều 140);      

– Chương VI. Doanh nghiệp tư nhân, gồm 5 điều (từ Điều 141 đến Điều 145);       

– Chương VII. Nhóm công ty, gồm 4 điều (từ Điều 146 đến Điều 149);          

– Chương VIII. Tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp, gồm 11 điều (từ Điều 150 đến Điều 160);           

– Chương IX. Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, gồm 5 điều (từ Điều 161 đến Điều 165);          

– Chương X. Điều khoản thi hành, gồm 7 điều (từ Điều 166 đến Điều 172).            

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế (sau đây gọi chung là doanh nghiệp); quy định về nhóm công ty.

Khác với phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp năm 1999 là hu như chỉ điều chỉnh các doanh nghiệp sở hữu vốn tư nhân, Luật doanh nghiệp năm 2005 không phân biệt tính chất vốn và tính chất sở hữu, điều chỉnhviệc thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động của cả bốn loại hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế.

 1.2. Đối tượng áp dụng

Theo quy định tại Điều 2, đối tượng áp dụng Luật doanh nghiệp năm 2005 bao gồm:

– Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

– Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các doanh nghiệp.

Như vậy, đối tượng áp dụng Luật doanh nghiệp năm 2005 được mở rộng hơn so với Luật doanh nghiệp năm 1999, không chỉ bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, mà còn bao gồm cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các doanh nghiệp; không chỉ các doanh nghiệp có vốn sở hữu tư nhân mà còn cả các doanh nghiệp sở hữu vốn nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài.

2. Nguyên tắc áp dụng luật và các hành vi bị cấm

2.1. Nguyên tắc áp dụng Luật

Điều 3 quy định như sau:

“1. Việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế áp dụng theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp đặc thù liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại Luật khác thì áp dụng theo quy định của Luật đó.

3. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế.”

Nội dung Điều này về cơ bản được giữ như Luật doanh nghiệp năm 1999, chỉ khác về cách thể hiện (khái niệm “Luật chuyên ngành” không được sử dụng tại Khoản 2 Điều này).

Trong quá trình xem xét cho ý kiến về Dự án Luật doanh nghiệp, về khoản 2 Điều này, có ý kiến cho rằng, với tính chất là khung pháp lý chung về các loại hình doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp quy định những nội dung mang tính nguyên tắc trong việc thành lập, tổ chức quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Các luật khác điều chỉnh các lĩnh vực kinh doanh cụ thể khi quy định những vấn đề liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý hoạt động của doanh nghiệp phải tuân thủ những nguyên tắc và thống nhất với những nội dung đã được quy định trong Luật doanh nghiệp. Các luật đó có thể có những quy định mang tính chất cụ thể hoá Luật doanh nghiệp nhưng không thể khác với quy định của Luật doanh nghiệp. Do đó ýkiến này đề nghị xem xét lại quy định tại khoản 2 Điều 3.

Tuy nhiên, đa số các ý kiến cho rằng, Luật doanh nghiệp là đạo luật quy định chung về việc thành lập, tổ chức hoạt động của các loại hình doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực. Chính vì tính chất là luật chung nên Luật doanh nghiệp không thể và không cần thiết quy định hết mọi vấn đề liên quan đến thành lập, tổ chức của từng lĩnh vực kinh doanh cụ thể. Trong khi đó, các lĩnh vực kinh doanh lại hết sức đa dạng, mỗi lĩnh vực khác nhau có những đặc thù khác nhau, đòi hỏi phải có những đạo luật mang tính đặc thù, chuyên ngành với những chế định pháp lý riêng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như tổ chức doanh nghiệp. Do vậy, cần thiết ưu tiên áp dụng luật những luật khác mang tính chuyên ngành trong trường hợp luật đó có quy định khác với quy định của Luật doanh nghiệp.

2.2. Các hành vi bị cấm

Để ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp trong kinh doanh, Luật quy định cụ thể các hành vi bị cấm, bao gồm:

            – Cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho người không đủ điều kiện hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho người đủ điều kiện theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005; gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người yêu cầu đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

            – Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

            – Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh; kê khai không trung thực, không chính xác, không kịp thời những thay đổi trong nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh.

            – Kê khai khống vốn đăng ký, không góp đủ và đúng hạn số vốn như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế.

            – Hoạt động trái pháp luật, lừa đảo; kinh doanh các ngành, nghề cấm kinh doanh.

            – Kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

            – Ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện các quyền theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Ðiều lệ công ty.

            – Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

3. Về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh

Luật doanh nghiệp năm 2005 tiếp tục khẳng định doanh nghiệp cóquyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản dưới luật. Đặc biệt, để tạo thuận tiện cho các doanh nghiệp, một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp sẽ được bãi bỏ; sửa đổi các điều kiện bất hợp lý; ban hành mới các điều kiện kinh doanh phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước song không gây cản trở cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Nội dung này được quy định cụ thể như sau:

– Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

– Đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định. Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.

– Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường. Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề kinh doanh bị cấm.

– Chính phủ định kỳ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoặc một phần các điều kiện kinh doanh; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp; sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các điều kiện bất hợp lý; ban hành hoặc kiến nghị ban hành điều kiện kinh doanh mới theo yêu cầu quản lý nhà nước.

– Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

4. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp

4.1. Quyền của doanh nghiệp

Các quy định của Luật tiếp tục thể hiện nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền tự quyết trong quản lý của doanh nghiệp. Nhà nước thừa nhận quyền tự do kinh doanh, thành lập doanh nghiệp của mọi tổ chức, cá nhân thông qua việc áp dụng cơ chế đăng k‎ý thành lập doanh nghiệp; khẳng định quyền tự do lựa chọn các ngành nghề kinh doanh; tự chủ trong việc tổ chức quản lý nội bộ doanh nghiệp.

Các quy định của Luật về cơ bản thể hiện sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các nhà đầu tư và giữa các doanh nghiệp. Các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được áp dụng chung cho các chủ thể, không phân biệt doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các nhà đầu t­ư nư­ớc ngoài cũng như trong nước có quyền tự chủ lựa chọn loại hình doanh nghiệp để kinh doanh. Những khống chế về mức sở hữu (30%) đối với đầu t­ư nư­ớc ngoài được xoá bỏ.

 Doanh nghiệp có vốn đầu tư­ nư­ớc ngoài có quyền tự chủ cao hơn trong thực hiện kinh doanh, trong cơ cấu lại, mở rộng và đa dạng hoá ngành, nghề kinh doanh; doanh nghiệp đa dự án sẽ thay thế doanh nghiệp đơn dự án nh­ư hiện nay.

Các quyền cụ thể được quy định trong Luật doanh nghiệp năm 2005 bao gồm:

Quyền lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn;

– Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng;

– Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu;

– Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh; chủ động ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh;

– Tự chủ quyết định các công việc kinh doanh và quan hệ nội bộ; chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp;

– Từ chối mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định;

– Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo uỷ quyền tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật;

            – Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

4.2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp

Để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, kỷ cương, tính lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, Luật cũng quy định cụ thể nghĩa vụ của doanh nghiệp, bao gồm các nghĩa vụ sau:

– Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

– Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán.

– Đăng ký mã số thuế, kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

– Bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.

– Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.

– Thực hiện chế độ thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê; định kỳ báo cáo đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo mẫu quy định; khi phát hiện các thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.

– Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh.

            – Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

4.3. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích

Trong Luật doanh nghiệp năm 1999 không có nội dung này. Xuất phát từ việc xây dựng Luật doanh nghiệp năm 2005 trên cơ sở hợp nhất các Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật doanh nghiệp năm 1999, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nên Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định nội dung về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích nhằm đáp ứng đặc thù của các doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi. Mọi doanh nghiệp không phụ thuộc vào tính chất sở hữu đều có quyền tham gia các hoạt động công ích. Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích được quy định tại Điều 10 như sau:

“1. Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 8, Điều 9 và các quy định khác có liên quan của Luật doanh nghiệp năm 2005.

2. Được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá thực hiện thầu hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Được bảo đảm thời hạn sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý.

4. Sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

5. Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi như nhau cho mọi đối tượng khách hàng.

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.

7. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

5. Các quy định khác

5.1. Bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp

            So với Luật doanh nghiệp năm 1999, Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định chi tiết hơn về nội dung này, cụ thể như sau:

– Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật doanh nghiệp năm 2005; bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh.

– Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp.

– Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.

Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản của doanh nghiệp thì doanh nghiệp được thanh toán hoặc bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm công bố trưng mua hoặc trưng dụng. Việc thanh toán hoặc bồi thường phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.

5.2. Về tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp

Điều 6 quy định như sau:

“1. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và theo Điều lệ của tổ chức mình phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp có nghĩa vụ tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động thành lập và tham gia hoạt động trong các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.

Trong quá trình thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật, có ý kiến đề nghị, cần quy định về vai trò, quyền hạn của người lao động trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, trong hệ thống pháp luật hiện hành đã có Bộ luật lao động quy định chi tiết về quyền, nghĩa vụ, chế độ của người lao động, trong đó có lao động tại các doanh nghiệp; nếu chưa có quy định hoặc quy định chưa sát, chưa hợp lý thì điều chỉnh, bổ sung Bộ luật lao động.

 Ngoài ra, với tính chất là đạo luật điều chỉnh việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp năm 2005 không quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người lao động. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, tại khoản 4 Điều 9 của Luật đã quy định nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm.

Mặt khác, trong thực tế, khi được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp, hầu hết người lao động và người sử dụng lao động đều ký kết các hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, trong đó xác lập cụ thể quyền, nghĩa vụ, chế độ mà người lao động được hưởng. Do vậy, không cần thiết quy định cụ thể về vai trò, quyền hạn của người lao động trong doanh nghiệp.

5.3. Chế độ lưu giữ tài liệu

Đây là nội dung mới của Luật doanh nghiệp năm 2005. Việc quy định nội dung này nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp, yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm quyền lợi của người góp vốn, đồng thời có căn cứ xử lý các phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Điều 12 quy định như sau:

“1. Tuỳ theo loại hình, doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu sau đây:

a) Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; quy chế quản lý nội bộ của công ty; sổ đăng ký thành viên hoặc sổ đăng ký cổ đông;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm; các giấy phép và giấy chứng nhận khác;

c) Tài liệu, giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản của công ty;

d) Biên bản họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị; các quyết định của doanh nghiệp;

đ) Bản cáo bạch để phát hành chứng khoán;

e) Báo cáo của Ban kiểm soát, kết luận của cơ quan thanh tra, kết luận của tổ chức kiểm toán độc lập;

g) Sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm;

h) Các tài liệu khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này tại trụ sở chính; thời hạn lưu giữ thực hiện theo quy định của pháp luật.” 

II. THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP VÀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH

1. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp

Nội dung vềquyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp về cơ bản được kế thừa nội dung của Luật doanh nghiệp năm 1999, Điều 13 Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định cụ thể như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;

e) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh;

g) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Tổ chức, cá nhân sau đây không được mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.”

2. Đăng ký kinh doanh

Các quy định của Luật được xây dựng theo hướng tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khâu đăng ký kinh doanh.

2.1. Trình tự thực hiện đăng ký kinh doanh được quy định cụ thể như sau:

Người thành lập doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ khác không quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2005.

Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gắn với dự án đầu tư cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Có ý kiến cho rằng, khi cơ quan ĐKKD cấp giấy chứng nhận ĐKKD không chỉ nên căn cứ vào Hồ sơ ĐKKD mà cần phải có trách nhiệm điều tra thực tế, xác nhận tính trung thực của Hồ sơ trước khi cấp giấy chứng nhận ĐKKD như vậy mới bảo đảm không xuất hiện các doanh nghiệp “ma”, khắc phục tính trạng buông lỏng quản lý. Tuy nhiên, đa số các ý kiến cho rằng, việc đi xác nhận hồ sơ là không cần thiết và không khả thi vì để tăng cường quản lý thì khâu “hậu kiểm” mới là quan trọng.

2.2. Hồ sơ đăng ký kinh doanh

Do đặc thù của mỗi loại hình doanh nghiệp nên Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định từng điều riêng về hồ sơ ĐKKD cho từng loại doanh nghiệp, bao gồm hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty hợp danh, hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn,  hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty cổ phần. Hồ sơ thành lập doanh nghiệp chỉ bao gồm những chứng từ, tài liệu thật sự cần thiết cho việc hình thành một doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân bao gồm:

1. Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định.

2. Bản sao Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác.

3. Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định.

4. Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc và cá nhân khác đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

Hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty hợp danhbao gồm:

1. Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định;

2. Dự thảo Điều lệ công ty;

3. Danh sách thành viên, bản sao Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của mỗi thành viên;

4. Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty hợp danh kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;

5. Chứng chỉ hành nghề của thành viên hợp danh và cá nhân khác đối với công ty hợp danh kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

Hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạnbao gồm:

1. Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định.

2. Dự thảo Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên và các giấy tờ kèm theo sau đây:

a) Đối với thành viên là cá nhân: bản sao Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác;

b) Đối với thành viên là tổ chức: bản sao quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; văn bản uỷ quyền, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo uỷ quyền.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải có chứng thực của cơ quan nơi tổ chức đó đã đăng ký không quá ba tháng trước ngày nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh.

4. Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định.

5. Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân khác đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

Hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty cổ phầnbao gồm:

1. Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định.

2. Dự thảo Điều lệ công ty.

3. Danh sách cổ đông sáng lập và các giấy tờ kèm theo sau đây:

a) Đối với cổ đông là cá nhân: bản sao Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác;

b) Đối với cổ đông là tổ chức: bản sao quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; văn bản uỷ quyền, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo uỷ quyền.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải có chứng thực của cơ quan nơi tổ chức đó đã đăng ký không quá ba tháng trước ngày nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh.

4. Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định.

5. Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân khác đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.”

Hồ sơ, trình tự thủ tục, điều kiện và nội dung đăng ký kinh doanh, đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam

Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và những đặc thù của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khâu thành lập doanh nghiệp Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định ngoài việc tuân thủ các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, điều kiện và nội dung đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam còn phải tuân thủ các quy định của Luật đầu tư, cụ thể như sau:

“Hồ sơ, trình tự, thủ tục, điều kiện và nội dung đăng ký kinh doanh, đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật về đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”

2.3. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi có đủ các điều kiện sau:

– Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh;

– Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 31, 32, 33 và 34 của Luật doanh nghiệp năm 2005;

– Có trụ sở chính theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật doanh nghiệp năm 2005;

– Có hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ theo quy định của pháp luật;

– Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật (Lệ phí đăng ký kinh doanh được xác định căn cứ vào số lượng ngành, nghề đăng ký kinh doanh; mức lệ phí cụ thể do Chính phủ quy định).

2.4. Thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh

Để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận tiện trong các giao dịch giữa các doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định cụ thể các yêu cầu mà doanh nghiệp cần thực hiện khi thay đổi nội dung ĐKKD như sau:

Khi thay đổi tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, mục tiêu và ngành, nghề kinh doanh, vốn điều lệ hoặc số cổ phần được quyền chào bán, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp, thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và các vấn đề khác trong nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi.

Trường hợp có thay đổi nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới hình thức khác, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và phải trả phí.

Có ý kiến cho rằng, việc quy định khi thay đổi các vấn đề trong nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi là mơ hồ, chưa chặt chẽ mà cần quy định phải quy định trách nhiệm thông báo với cơ quan ĐKKD trước khi thay đổi hoặc sau khi thay đổi 10 ngày; không nên lấy việc “quyết định” làm mốc tính thời điểm vì có thể có trường hợp doanh nghiệp quyết định rồi sau đó lại thay đổi quyết định của mình.

2.5. Công bố nội dung đăng ký kinh doanh

Để thuận tiện cho việc thực hiện các giao dịch giữa các doanh nghiệp, các đối tác trong kinh doanh, Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định nghĩa vụ công bố nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải đăng trên mạng thông tin doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc một trong các loại tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp về các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên doanh nghiệp;

b) Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện;

c) Ngành, nghề kinh doanh;

d) Vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; số cổ phần và giá trị vốn cổ phần đã góp và số cổ phần được quyền phát hành đối với công ty cổ phần; vốn đầu tư ban đầu đối với doanh nghiệp tư nhân; vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định;

đ) Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của chủ sở hữu, của thành viên hoặc cổ đông sáng lập;

e) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

g) Nơi đăng ký kinh doanh.

Trong trường hợp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải công bố nội dung những thay đổi đó trong thời hạn và theo phương thức quy định kể trên.

Có ý kiến cho rằng, không nên quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc công bố thông tin vì vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp vừa không cần thiết và cũng không có biện pháp kiểm soát xem các doanh nghiệp có thực hiện hay không. Nên để doanh nghiệp chủ động thực hiện, nếu tự thấy cần thiết thì công bố, còn nếu thấy không cần thiết thì cũng không nên quy định bắt buộc.

3. Điều lệ doanh nghiệp

Điều lệ là văn bản quan trọng, quy định những nguyên tắc cơ bản trong việc tổ chức quản lý, hoạt động của doanh nghiệp, quyền, nghĩa vụ cơ bản của các đối tượng trong doanh nghiệp. Xuất phát từ lý do này, Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định khá chi tiết về nội dung của Điều lệ doanh nghiệp, cụ thể Điều lệ doanh nghiệp phải có các nội dung sau:

1. Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện.

2. Ngành, nghề kinh doanh.

3. Vốn điều lệ; cách thức tăng và giảm vốn điều lệ.

4. Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.

5. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần của cổ đông sáng lập, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty cổ phần.

6. Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần.

7. Cơ cấu tổ chức quản lý.

8. Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

9. Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ.

10. Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên.

11. Những trường hợp thành viên có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần.

12. Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh.

13. Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty.

14. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.

15. Họ, tên, chữ ký của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của người đại diện theo pháp luật, của chủ sở hữu công ty, của các thành viên hoặc người đại diện theo uỷ quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của người đại diện theo pháp luật, của các cổ đông sáng lập, người đại diện theo uỷ quyền của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.

16. Các nội dung khác do thành viên, cổ đông thoả thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

VÒ mèi quan hÖ gi÷a c¸c quy ®Þnh cña LuËt víi yªu cÇu cña qu¶n trÞ doanh nghiÖp ghi trong §iÒu lÖ doanh nghiÖp có ý kiến cho rằng, Luật giao nhiều quyền cho Điều lệ doanh nghiệp quy định như vậy có những trường hợp §iÒu lệ có giá trị cao hơn Luật.

 §Ó b¶o ®¶m vµ t¨ng c­êng quyÒn tù chñ, tù quyÕt ®Þnh cña doanh nghiÖp trong ho¹t ®éng kinh doanh, nhiÒu vÊn ®Ò vÒ qu¶n trÞ néi bé doanh nghiÖp ®­îc quy ®Þnh theo h­íng: chØ quy ®Þnh nh÷ng vÊn ®Ò c¬ b¶n, cã tÝnh nguyªn t¾c trong LuËt doanh nghiÖp; ®ång thêi cho phÐp §iÒu lÖ doanh nghiÖp quy ®Þnh thªm nh÷ng vÊn ®Ò cô thÓ ®Ó ®¸p øng yªu cÇu ®iÒu hµnh ho¹t ®éng kinh doanh. C¸c doanh nghiÖp cã quyÒn quy ®Þnh trong §iÒu lÖ c¸c quan hÖ øng xö néi bé vµ c¸ch thøc, quản lý, ®iÒu hµnh cụ thể trong ho¹t ®éng néi bé doanh nghiÖp.

Cã ý kiÕn kh«ng t¸n thµnh víi quy ®Þnh trªn, v× cho r»ng, quy ®Þnh nh­ vËy sÏ v« hiÖu ho¸ c¸c quy ®Þnh cña LuËt vµ ®Ò nghÞ, nh÷ng vÊn ®Ò LuËt ®· quy ®Þnh th× §iÒu lÖ kh«ng thÓ quy ®Þnh kh¸c hoÆc nÕu ®· giao cho §iÒu lÖ quy ®Þnh th× LuËt kh«ng nªn quy ®Þnh.

Tuy nhiên đa số ý kiến tán thành với quy định của Luật với lý do nh­ sau:

– C¸c quy ®Þnh cña LuËt doanh nghiÖp ®­îc x©y dùng trªn nguyªn t¾c t«n träng quyÒn tù chñ, tù quyÕt ®Þnh, tù tho¶ thuËn cña doanh nghiÖp. Nh÷ng vÊn ®Ò ®­îc giao cho §iÒu lÖ quy ®Þnh chØ lµ nh÷ng vÊn ®Ò thuéc vÒ tæ chøc vµ qu¶n lý ho¹t ®éng trong néi bé doanh nghiÖp, lµ nh÷ng quan hÖ nghiÖp vô vµ nh÷ng giao dÞch mµ doanh nghiÖp vµ c¸c ®èi t¸c, c¸c bªn thø ba cã thÓ tù tho¶ thuËn, ®Þnh ®o¹t trªn c¬ së kh«ng tr¸i ph¸p luËt.

– Ngoài nh÷ng chÕ tµi mang tÝnh b¾t buéc, mét trong nh÷ng môc tiªu x©y dùng LuËt lµ h×nh thµnh khung qu¶n trÞ néi bé tiªn tiÕn, phï hîp yªu cÇu qu¶n lý trong c¬ chÕ kinh tÕ míi. V× vËy, mÆc dï ®· giao quyÒn tù quyÕt cho doanh nghiÖp, nh­ng trong LuËt vÉn cần quy ®Þnh những vấn đề cơ bản vÒ ph­¬ng thøc qu¶n trÞ néi bé ®Ó gióp c¸c doanh nghiÖp trong tr­êng hîp ch­a x¸c ®Þnh ®­îc ph­¬ng thøc qu¶n trÞ th× cã thÓ lùa chän ¸p dông. C¨n cø quy ®Þnh cña LuËt, c«ng ty cã thÓ cô thÓ ho¸ cho phï hîp víi tr×nh ®é vµ v¨n ho¸ qu¶n trÞ kinh doanh cña c«ng ty.

– §Ó t«n träng quyÒn tù ®Þnh ®o¹t cña c¸c chñ thÓ trong c¸c mèi quan hÖ d©n sù, th­¬ng m¹i, trong mét sè ®¹o luËt nh­ Bé luËt d©n sù, LuËt th­¬ng m¹i,v.v… ®Òu cã nh÷ng quy ®Þnh t­¬ng tù theo hướng: Trõ tr­êng hîp kh«ng cã tho¶ thuËn kh¸c th× quyÒn, nghÜa vô cña c¸c bªn sÏ ¸p dông theo quy ®Þnh cña LuËt.

4. Các quy định khác

4.1. Chuyển quyền sở hữu tài sản

Để tách bạch giữa tài sản doanh nghiệp và tài sản của từng cá nhân tham gia góp vốn vào doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định trách nhiệm của người góp vốn trong việc chuyển quyền sở hữu tài sản, cụ thể như sau:

Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

a) Đối với tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản. Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo uỷ quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty;

c) Cổ phần hoặc phần vốn góp bằng tài sản không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

4.2. Định giá tài sản góp vốn

Định giá tài sản góp vốn là một trong những vấn đề phức tạp trong quá trình góp vốn vào doanh nghiệp, việc định giá chính xác không những chỉ bảo đảm lợi ích hợp pháp cho các bên mà còn tránh được các tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động cũng như khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Do đó, Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định những nguyên tắc cơ bản trong việc định giá như sau:

– Tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá.

– Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.

– Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do doanh nghiệp và người góp vốn thoả thuận định giá hoặc do một tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn hoặc tổ chức định giá và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.

4.3. Tên doanh nghiệp

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, loại bỏ hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, bảo đảm tính văn hóa trong đặt tên doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định một số điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp, cụ thể như sau:

            – Cấm đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.

            – Cấm sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

            – Cấm sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

4.4. Trụ sở chính của doanh nghiệp

Thời gian qua, trên thực tế đã phát sinh tình trạng xuất hiện các “doanh nghiệp ma”. Sau khi đăng ký kinh doanh, hàng loạt doanh nghiệp biến mất, không tốn tại theo địa chỉ đã ĐKKD, không có bất kỳ hoạt động nào, gây hậu quả cho quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến lợi ích của các đối tác trong giao dịch với các doanh nghiệp đó. Để góp phần khắc phục tình trạng này, Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định: Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có). Doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

            III. CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN

            Công ty trách nhiệm hữu hạn là doanh nghiệp, trong đó:

            – Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá năm mươi;

            – Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp;

            – Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 43, 44 và 45 của Luật doanh nghiệp năm 2005.

            Công ty trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Công ty trách nhiệm hữu hạn không được quyền phát hành cổ phần.

Công ty TNHH bao gồm: Công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên và công ty TNHH một thành viên. Công ty TNHH một thành viên bao gồm: Công ty TNHH một thành viên là tổ chức và Công ty TNHH một thành viên là cá nhân.

            1. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên

            1.1. Thành viên Công ty       

            Thành viên phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn bằng loại tài sản góp vốn như đã cam kết. Trường hợp thành viên thay đổi loại tài sản góp vốn đã cam kết thì phải được sự nhất trí của các thành viên còn lại; công ty thông báo bằng văn bản nội dung thay đổi đó đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày chấp thuận sự thay đổi.

            Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thông báo bằng văn bản tiến độ góp vốn đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn và phải chịu trách nhiệm cá nhân về các thiệt hại cho công ty và người khác do thông báo chậm trễ hoặc thông báo không chính xác, không trung thực, không đầy đủ.

            Trường hợp có thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với công ty; thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.

            Sau thời hạn cam kết lần cuối mà vẫn có thành viên chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được xử lý theo một trong các cách sau đây:

            – Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp;

            – Huy động người khác cùng góp vốn vào công ty;

             Các thành viên còn lại góp đủ số vốn chưa góp theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty.

            Sau khi số vốn còn lại được góp đủ theo quy định kể trên, thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty và công ty phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005.

            Tại thời điểm góp đủ giá trị phần vốn góp, thành viên được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:

            – Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

            – Số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

            – Vốn điều lệ của công ty;

            – Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với thành viên là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với thành viên là tổ chức;

            – Phần vốn góp, giá trị vốn góp của thành viên;

            – Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;

            – Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

            – Trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới hình thức khác, thành viên được công ty cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp.

            1.2. Quyền,nghĩa vụ của thành viên

            1.2.1. Quyền của thành viên

            Ðiều 41 quy định về quyền của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên như sau:

            “1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có các quyền sau đây:

            a) Tham dự họp Hội đồng thành viên, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;

            b) Có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp;

            c) Kiểm tra, xem xét, tra cứu, sao chép hoặc trích lục sổ đăng ký thành viên, sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm, sổ biên bản họp Hội đồng thành viên, các giấy tờ và tài liệu khác của công ty;

            d) Ðược chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

            đ) Ðược chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản;

            e) Ðược ưu tiên góp thêm vốn vào công ty khi công ty tăng vốn điều lệ; được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005;

            g) Khiếu nại hoặc khởi kiện Giám đốc hoặc Tổng giám đốc khi không thực hiện đúng nghĩa vụ, gây thiệt hại đến lợi ích của thành viên hoặc công ty theo quy định của pháp luật;

            h) Ðịnh đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng, để thừa kế, tặng cho và cách khác theo quy định của pháp luật và Ðiều lệ công ty;

            i) Các quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Ðiều lệ công ty.

            2. Thành viên hoặc nhóm thành viên sở hữu trên 25% vốn điều lệ hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Ðiều lệ công ty quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Ðiều này, có quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.

            3. Trường hợp công ty có một thành viên sở hữu trên 75% vốn điều lệ và Ðiều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại khoản 2 Ðiều này thì các thành viên thiểu số hợp nhau lại đương nhiên có quyền như quy định tại khoản 2 Ðiều này.”

            1.2.2. Nghĩa vụ của thành viên

            Ðiều 42 quy định về nghĩa vụ của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên như sau:

            “1. Góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty; không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các điều 43, 44, 45 và 60 của Luật doanh nghiệp năm 2005.

            2. Tuân thủ Ðiều lệ công ty.

            3. Chấp hành quyết định của Hội đồng thành viên.

            4. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005.

            5. Chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty để thực hiện các hành vi sau đây:

a) Vi phạm pháp luật;

            b) Tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho người khác;

            c) Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty.

            1.3. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty

            Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ mười một thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn mười một thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng ban kiểm soát do Ðiều lệ công ty quy định.

            Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty theo quy định tại Ðiều lệ công ty. Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thường trú tại Việt Nam; trường hợp vắng mặt ở Việt Nam trên ba mươi ngày thì phải uỷ quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Ðiều lệ công ty để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty.

            1.3.1. Hội đồng thành viên

            Hội đồng thành viên gồm các thành viên, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Thành viên là tổ chức chỉ định người đại diện theo uỷ quyền tham gia Hội đồng thành viên. Ðiều lệ công ty quy định cụ thể định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.

            Hội đồng thành viên có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

            a) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

            b) Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động thêm vốn;

            c) Quyết định phương thức đầu tư và dự án đầu tư có giá trị trên 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Ðiều lệ công ty;

            d) Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Ðiều lệ công ty;

            đ) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Ðiều lệ công ty;

            e) Quyết định mức lương, thưởng và lợi ích khác đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Ðiều lệ công ty;

            g) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của công ty;

            h) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

            i) Quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện;

            k) Sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ công ty;

            l) Quyết định tổ chức lại công ty;

            m) Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty;

            n) Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Ðiều lệ công ty.

            Thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung họp Hội đồng thành viên được quy định cụ thể tại Ðiều 50; điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên được quy định cụ thể tại Ðiều 51; việc thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên và biên bản cuộc họp được quy định cụ thể tại các điều 52, 53 và 54 Luật doanh nghiệp năm 2005.

            1.3.2. Người đại diện theo uỷ quyền

            Việc chỉ định người đại diện theo uỷ quyền phải bằng văn bản, được thông báo đến công ty và cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày chỉ định. Thông báo phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

            a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, quốc tịch, số và ngày quyết định thành lập hoặc đăng ký kinh doanh;

            b) Tỷ lệ vốn góp, số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;

            c) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo uỷ quyền được chỉ định;

            d) Thời hạn uỷ quyền;

            đ) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của thành viên, của người đại diện theo uỷ quyền của thành viên.

            Việc thay thế người đại diện theo uỷ quyền phải được thông báo bằng văn bản cho công ty và cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày quyết định và có hiệu lực kể từ ngày công ty nhận được thông báo.

            Người đại diện theo uỷ quyền phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

            a) Ðủ năng lực hành vi dân sự;

            b) Không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp;

            c) Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty;

            d) Ðối với công ty con của công ty có phần vốn góp hay cổ phần sở hữu nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ thì vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ không được cử làm người đại diện theo uỷ quyền tại công ty con.

            Người đại diện theo uỷ quyền nhân danh thành viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005. Mọi hạn chế của thành viên đối với người đại diện theo uỷ quyền của mình trong việc thực hiện các quyền thành viên thông qua Hội đồng thành viên đều không có hiệu lực pháp lý đối với bên thứ ba.

            Người đại diện theo uỷ quyền có nghĩa vụ tham dự đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng thành viên; thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, bảo vệ tối đa lợi ích hợp pháp của thành viên và công ty.

            Người đại diện theo uỷ quyền có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp được uỷ quyền.

            1.3.3. Chủ tịch Hội đồng thành viên

            Hội đồng thành viên bầu một thành viên làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty.

            Chủ tịch Hội đồng thành viên có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

            a) Chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng thành viên;

            b) Chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng thành viên hoặc để lấy ý kiến các thành viên;

            c) Triệu tập và chủ trì cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên;

            d) Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện các quyết định của Hội đồng thành viên;

            đ) Thay mặt Hội đồng thành viên ký các quyết định của Hội đồng thành viên;

            e) Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Ðiều lệ công ty.

            Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng thành viên không quá năm năm. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

            Trường hợp Ðiều lệ công ty quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật thì các giấy tờ giao dịch phải ghi rõ điều đó.

            Trường hợp vắng mặt thì Chủ tịch Hội đồng thành viên uỷ quyền bằng văn bản cho một thành viên thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc quy định tại Ðiều lệ công ty. Trường hợp không có thành viên được uỷ quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên không làm việc được thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên tạm thời thực hiện quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc đa số quá bán.

            1.3.4. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc

            Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình.

            Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

            a) Tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng thành viên;

            b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;

            c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

            d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ công ty;

            đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;

            e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;

            g) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;

            h) Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên;

            i) Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

            k) Tuyển dụng lao động;

            l) Các quyền và nhiệm vụ khác được quy định tại Ðiều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

            Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

            a) Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005;

            b) Là cá nhân sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ của công ty hoặc người không phải là thành viên, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong các ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Ðiều lệ công ty.

            Ðối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định ở trên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ.

            2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

            Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

            Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

            Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.

            2.1. Chủ sở hữu công ty

            2.1.1. Quyền của chủ sở hữu công ty

            Chủ sở hữu công ty là tổ chức có các quyền sau đây:

            – Quyết định nội dung Ðiều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ công ty;

            – Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

            – Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý công ty;

            – Quyết định các dự án đầu tư có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Ðiều lệ công ty;

            – Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;

            – Thông qua hợp đồng vay, cho vay và các hợp đồng khác do Ðiều lệ công ty quy định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Ðiều lệ công ty;

            – Quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Ðiều lệ công ty;

            – Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác;

            – Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác;

            – Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty;

            – Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;

            – Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;

            – Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;

            – Các quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Ðiều lệ công ty.

            Chủ sở hữu công ty là cá nhân có các quyền sau đây:

            – Quyết định nội dung Ðiều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ công ty;

            – Quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ doanh nghiệp, trừ trường hợp Ðiều lệ công ty có quy định khác;

            – Chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác;

            – Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;

            – Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;

            – Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;

            – Các quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Ðiều lệ công ty.

            2.1.2. Nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty

            Chủ sở hữu công ty có các nghĩa vụ sau:

            – Góp vốn đầy đủ và đúng hạn như đã cam kết; trường hợp không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

            – Tuân thủ Ðiều lệ công ty.

            – Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

            – Tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê và các giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty.

            – Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Ðiều lệ công ty.

            2.1.3. Hạn chế đối với quyền của chủ sở hữu công ty

            Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

            Trường hợp chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác, công ty phải đăng ký chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày chuyển nhượng.

            Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

            2.2. Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức

            Chủ sở hữu công ty bổ nhiệm một hoặc một số người đại diện theo uỷ quyền với nhiệm kỳ không quá năm năm để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan. Người đại diện theo uỷ quyền phải có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 2 Ðiều 48 của Luật doanh nghiệp năm 2005.

            Chủ sở hữu công ty có quyền thay thế người đại diện theo uỷ quyền bất cứ khi nào.

            Trường hợp có ít nhất hai người được bổ nhiệm làm đại diện theo uỷ quyền thì cơ cấu tổ chức quản lý của công ty bao gồm Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên; trong trường hợp này, Hội đồng thành viên gồm tất cả người đại diện theo uỷ quyền.

            Trường hợp một người được bổ nhiệm làm người đại diện theo uỷ quyền thì người đó làm Chủ tịch công ty; trong trường hợp này cơ cấu tổ chức quản lý của công ty bao gồm Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.

            Ðiều lệ công ty quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thường trú tại Việt Nam ; nếu vắng mặt quá ba mươi ngày ở Việt Nam thì phải uỷ quyền bằng văn bản cho người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty theo nguyên tắc quy định tại Ðiều lệ công ty.

            Chức năng, quyền và nhiệm vụ của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên quy định tại các điều 68, 69, 70 và 71 của Luật doanh nghiệp năm 2005.

            2.2.1. Hội đồng thành viên

            Hội đồng thành viên nhân danh chủ sở hữu công ty tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; có quyền nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan.

            Quyền, nghĩa vụ, nhiệm vụ cụ thể và chế độ làm việc của Hội đồng thành viên đối với chủ sở hữu công ty được thực hiện theo quy định tại Ðiều lệ công ty và pháp luật có liên quan.

            Chủ sở hữu công ty chỉ định Chủ tịch Hội đồng thành viên. Nhiệm kỳ, quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên áp dụng theo quy định tại Ðiều 49 và các quy định khác có liên quan của Luật doanh nghiệp năm 2005.

            Thẩm quyền, cách thức triệu tập họp Hội đồng thành viên áp dụng theo quy định tại Ðiều 50 của Luật doanh nghiệp năm 2005.

            Cuộc họp của Hội đồng thành viên được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba số thành viên dự họp. Trường hợp Ðiều lệ công ty không quy định thì mỗi thành viên có một phiếu biểu quyết có giá trị như nhau. Hội đồng thành viên có thể thông qua quyết định theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

            Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua khi có hơn một nửa số thành viên dự họp chấp thuận. Việc sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ công ty, tổ chức lại công ty, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty phải được ít nhất ba phần tư số thành viên dự họp chấp thuận. Quyết định của Hội đồng thành viên có giá trị pháp lý kể từ ngày được thông qua, trừ trường hợp Ðiều lệ công ty quy định phải được chủ sở hữu công ty chấp thuận.

            Các cuộc họp của Hội đồng thành viên phải được ghi vào sổ biên bản. Nội dung biên bản họp Hội đồng thành viên áp dụng theo quy định tại Ðiều 53 của Luật doanh nghiệp năm 2005.

            2.2.2. Chủ tịch công ty

            Chủ tịch công ty nhân danh chủ sở hữu tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; có quyền nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan

            Quyền, nghĩa vụ, nhiệm vụ cụ thể và chế độ làm việc của Chủ tịch công ty đối với chủ sở hữu công ty được thực hiện theo quy định tại Ðiều lệ công ty và pháp luật có liên quan.

            Quyết định của Chủ tịch công ty về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty có giá trị pháp lý kể từ ngày được chủ sở hữu công ty phê duyệt, trừ trường hợp Ðiều lệ công ty có quy định khác.

            2.2.3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc

            Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc với nhiệm kỳ không quá năm năm để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình.

            Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền sau đây:

            a) Tổ chức thực hiện quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

            b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;

            c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

            d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ công ty;

            đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

            e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

            g) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;

            h) Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

            i) Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

k) Tuyển dụng lao động;

            l) Các quyền khác được quy định tại Ðiều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.

            Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

            a) Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005;

            b) Không phải là người có liên quan của thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, người có thẩm quyền trực tiếp bổ nhiệm người đại diện theo uỷ quyền hoặc Chủ tịch công ty;

            c) Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế tương ứng trong quản trị kinh doanh hoặc trong các ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Ðiều lệ công ty.

            2.2.4. Kiểm soát viên

            Chủ sở hữu công ty bổ nhiệm một đến ba Kiểm soát viên với nhiệm kỳ không quá ba năm. Kiểm soát viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình.

            Kiểm soát viên có các nhiệm vụ sau đây:

            a) Kiểm tra tính hợp pháp, trung thực, cẩn trọng của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu, trong quản lý điều hành công việc kinh doanh của công ty;

            b) Thẩm định báo cáo tài chính, báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo đánh giá công tác quản lý và các báo cáo khác trước khi trình chủ sở hữu công ty hoặc cơ quan nhà nước có liên quan; trình chủ sở hữu công ty báo cáo thẩm định;

            c) Kiến nghị chủ sở hữu công ty các giải pháp sửa đổi, bổ sung, cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành công việc kinh doanh của công ty;

            d) Các nhiệm vụ khác quy định tại Ðiều lệ công ty hoặc theo yêu cầu, quyết định của chủ sở hữu công ty.

            Kiểm soát viên có quyền xem xét bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào của công ty tại trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty. Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về thực hiện quyền chủ sở hữu, về quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của Kiểm soát viên.

            Kiểm soát viên phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

            a) Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005;

            b) Không phải là người có liên quan của thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người có thẩm quyền trực tiếp bổ nhiệm Kiểm soát viên;

            c) Có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán hoặc trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Ðiều lệ công ty.

            2.3. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân

            Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Chủ sở hữu công ty đồng thời là Chủ tịch công ty. Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty theo quy định tại Ðiều lệ công ty.

            Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

            Quyền, nghĩa vụ, nhiệm vụ cụ thể của Giám đốc được quy định tại Ðiều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với Chủ tịch công ty.

IV. CÔNG TY CỔ PHẦN

            Theo quy định tại Điều 77 của Luật doanh nghiệp năm 2005 thì bản chất của công ty cổ phần được thể hiện như sau:

            “1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

            a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

            b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa;

            c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

            d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Ðiều 81 và khoản 5 Ðiều 84 của Luật này.

            2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

            3. Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn.”

1. Cổ phần

Theo quy định tại Điều 78 thì cổ phần bao gồm:

– Cổ phần phổ thông;

– Cổ phần ưu đãi.

Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Cổ phần ưu đãi được chia thành các loại sau:

+ Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

+ Cổ phần ưu đãi cổ tức;

+ Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

+ Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.

Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.

Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Ðiều lệ công ty quy định.

Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.

Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp bất cứ khi nào theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.

2. Cổ đông

Cổ đông là người sở hữu ít nhất một cổ phần đã phát hành của công ty cổ phần.

Cổ đông phổ thông là người sở hữu cổ phần phổ thông. Cổ đông ưu đãi là người sở hữu cổ phần ưu đãi.

Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa.

Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 81 và khoản 5 Điều 84 của Luật doanh nghiệp năm 2005.

2.1. Quyền, nghĩa vụ của cổ đông phổ thông

Theo Điều 79,cổ đông phổ thông có các quyền sau đây:

a) Tham dự và phát biểu trong các Đại hội cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền; mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;

b) Được nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

c) Được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;

d) Được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông khác và cho người không phải là cổ đông, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 84 của Luật doanh nghiệp năm 2005;

đ) Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác;

e) Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, sổ biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;

g) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần góp vốn vào công ty;

h) Các quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.

Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:

a) Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát (nếu có);

b) Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát;

c) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản; phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;

đ) Các quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.

Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây:

a) Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;

b) Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị đã vượt quá sáu tháng mà Hội đồng quản trị mới chưa được bầu thay thế;

c) Các trường hợp khác theo quy định của Điều lệ công ty.

Yêu cầu triệu tập họp Hội đồng cổ đông phải được lập bằng văn bản và phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty, căn cứ và lý do yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Kèm theo yêu cầu phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của Hội đồng quản trị, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.

Trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Ðiều lệ công ty được thực hiện như sau:

a) Các cổ đông phổ thông tự nguyện tập hợp thành nhóm thoả mãn các điều kiện quy định để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết chậm nhất ngay khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông;

b) Căn cứ số lượng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cổ đông hoặc nhóm cổ đông kể trên được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông làm ứng cử viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được cổ đông hoặc nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.

Điều 80 quy định về nghĩa vụ của cổ đông phổ thông như sau:

– Thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

 Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì thành viên Hội đồng quản trị và người đại đại diện theo pháp luật của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút.

– Tuân thủ Điều lệ và Quy chế quản lý nội bộ công ty.

– Chấp hành quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.

– Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.

– Cổ đông phổ thông phải chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty dưới mọi hình thức để thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Vi phạm pháp luật;

b) Tiến hành kinh doanh và các giao dịch khác để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

c) Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty.

2.2. Quyền, nghĩa vụ của cổ đông ưu đãi

2.2.1. Quyền, nghĩa vụ của cổ đông ưu đãi biểu quyết

Theo quy định tại Điều 81 thì cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

– Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ðại hội đồng cổ đông (với số phiếu biểu quyết do Ðiều lệ công ty quy định).

– Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

2.2.2. Quyền, nghĩa vụ của cổ đông ưu đãi cổ tức

Theo quy định tại Điều 82 thì cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

– Nhận cổ tức với mức theo quy định.

– Được nhận lại một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần góp vốn vào công ty, sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản.

– Các quyền khác như cổ đông phổ thông.

– Không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

2.2.3. Quyền, nghĩa vụ của cổ đông ưu đãi hoàn lại

Theo quy định tại Điều 83 thì cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền khác như cổ đông phổ thông. Tuy nhiên, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

2.3. Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập

            Cổ đông sáng lập là cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Ðiều lệ đầu tiên của công ty cổ phần.

Điều 84 quy định về cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lậpnhư sau:

Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công ty phải thông báo việc góp vốn cổ phần đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông báo phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký kinh doanh;

b) Tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán, số cổ phần các cổ đông sáng lập đăng ký mua;

c) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông sáng lập là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần đăng ký mua, số cổ phần và trị giá cổ phần đã thanh toán, loại tài sản góp vốn cổ phần của từng cổ đông sáng lập;

d) Tổng số cổ phần và giá trị cổ phần đã thanh toán của các cổ đông sáng lập;

đ) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Người đại diện theo pháp luật của công ty phải chịu trách nhiệm cá nhân về các thiệt hại đối với công ty và người khác do thông báo chậm trễ hoặc thông báo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ.

Trường hợp có cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua thì số cổ phần chưa góp đủ đó của cổ đông sáng lập được xử lý theo một trong các cách sau đây:

a) Các cổ đông sáng lập còn lại góp đủ số cổ phần đó theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty;

b) Một hoặc một số cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó;

c) Huy động người khác không phải là cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó; người nhận góp vốn đó đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Trong trường hợp này, cổ đông sáng lập chưa góp cổ phần theo đăng ký đương nhiên không còn là cổ đông của công ty.

Khi số cổ phần đăng ký góp của các cổ đông sáng lập chưa được góp đủ thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ đó.

Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty.

Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ.

3. Cổ phiếu

Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.

Cổ phiếu có thể ghi tên hoặc không ghi tên.

Cổ phiếu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Số lượng cổ phần và loại cổ phần;

d) Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;

đ) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của cổ đông là tổ chức đối với cổ phiếu có ghi tên;

e) Tóm tắt về thủ tục chuyển nhượng cổ phần;

g) Chữ ký mẫu của người đại diện theo pháp luật và dấu của công ty;

h) Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;

i) Các nội dung khác theo quy định tại các điều 81, 82 và 83 của Luật doanh nghiệp năm 2005 đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.

Trường hợp có sai sót trong nội dung và hình thức cổ phiếu do công ty phát hành thì quyền và lợi ích của người sở hữu nó không bị ảnh hưởng. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại do những sai sót đó gây ra đối với công ty.

Trường hợp cổ phiếu bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới hình thức khác thì cổ đông được công ty cấp lại cổ phiếu theo đề nghị của cổ đông đó.

Đề nghị của cổ đông phải có cam đoan về các nội dung sau đây:

a) Cổ phiếu thực sự đã bị mất, bị cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới hình thức khác; trường hợp bị mất thì cam đoan thêm rằng đã tiến hành tìm kiếm hết mức và nếu tìm lại được sẽ đem trả công ty để tiêu huỷ;

b) Chịu trách nhiệm về những tranh chấp phát sinh từ việc cấp lại cổ phiếu mới.

Đối với cổ phiếu có giá trị danh nghĩa trên mười triệu đồng Việt Nam, trước khi tiếp nhận đề nghị cấp cổ phiếu mới, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể yêu cầu chủ sở hữu cổ phiếu đăng thông báo về việc cổ phiếu bị mất, bị cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới hình thức khác và sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng thông báo sẽ đề nghị công ty cấp cổ phiếu mới.

3.1. Chào bán và chuyển nhượng cổ phần

Để tạo căn cứ pháp lý cho các hoạt động của công ty cổ phần, Điều 87 Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, giá chào bán cổ phần như sau:

Hội đồng quản trị quyết định thời điểm, phương thức và giá chào bán cổ phần trong số cổ phần được quyền chào bán. Giá chào bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất, trừ những trường hợp sau đây:

a) Cổ phần chào bán lần đầu tiên cho những người không phải là cổ đông sáng lập;

b) Cổ phần chào bán cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ ở công ty;

c) Cổ phần chào bán cho người môi giới hoặc người bảo lãnh. Trong trường hợp này, số chiết khấu hoặc tỷ lệ chiết khấu cụ thể phải được sự chấp thuận của số cổ đông đại diện cho ít nhất 75% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;

d) Các trường hợp khác và mức chiết khấu trong các trường hợp đó do Điều lệ công ty quy định.

Trường hợp công ty phát hành thêm cổ phần phổ thông và chào bán số cổ phần đó cho tất cả cổ đông phổ thông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty thì phải thực hiện theo quy định sau đây:

a) Công ty phải thông báo bằng văn bản đến các cổ đông theo phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú của họ. Thông báo phải được đăng báo trong ba số liên tiếp trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày thông báo.

b) Thông báo phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của cổ đông là tổ chức; số cổ phần và tỷ lệ cổ phần hiện có của cổ đông tại công ty; tổng số cổ phần dự kiến phát hành và số cổ phần cổ đông được quyền mua; giá chào bán cổ phần; thời hạn đăng ký mua; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty. Thời hạn xác định trong thông báo phải hợp lý đủ để cổ đông đăng ký mua được cổ phần. Kèm theo thông báo phải có mẫu phiếu đăng ký mua do công ty phát hành;

c) Cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác;

d) Nếu phiếu đăng ký mua cổ phần không được gửi về công ty đúng hạn như thông báo thì cổ đông có liên quan coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua. Trường hợp số lượng cổ phần dự định phát hành không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì số cổ phần dự kiến phát hành còn lại sẽ do Hội đồng quản trị quản lý. Hội đồng quản trị có thể phân phối số cổ phần đó cho cổ đông của công ty hoặc người khác theo cách thức hợp lý với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác hoặc cổ phần được bán qua trung tâm giao dịch chứng khoán.

Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua quy định tại khoản 2 Điều 86 của Luật doanh nghiệp năm 2005 được ghi đúng, ghi đủ vào sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty.

Sau khi cổ phần được bán, công ty phải phát hành và trao cổ phiếu cho người mua. Công ty có thể bán cổ phần mà không trao cổ phiếu. Trong trường hợp này, các thông tin về cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 86 của Luật doanh nghiệp năm 2005 được ghi vào sổ đăng ký cổ đông là đủ để chứng thực quyền sở hữu cổ phần của cổ đông đó trong công ty.

Các cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 81 và khoản 5 Điều 84 của Luật doanh nghiệp năm 2005. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng văn bản theo cách thông thường hoặc bằng cách trao tay cổ phiếu. Giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện uỷ quyền của họ ký. Bên chuyển nhượng vẫn là người sở hữu cổ phần có liên quan cho đến khi tên của người nhận chuyển nhượng được đăng ký vào sổ đăng ký cổ đông.

Trường hợp chỉ chuyển nhượng một số cổ phần trong cổ phiếu có ghi tên thì cổ phiếu cũ bị huỷ bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại.

Điều kiện, phương thức và thủ tục chào bán cổ phần ra công chúng thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Chính phủ quy định hướng dẫn việc chào bán cổ phần riêng lẻ.

3.2. Mua lại cổ phần 

3.2.1. Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông

Điều 90 của Luật quy định như sau:

1. Cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định về các vấn đề quy định tại khoản này.

2. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thoả thuận được về giá thì cổ đông đó có thể bán cổ phần cho người khác hoặc các bên có thể yêu cầu một tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất ba tổ chức định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.

3.2.2. Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty

Điều 91 của Luật quy định như sau:

Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định sau đây:

1. Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã được chào bán trong mỗi mười hai tháng. Trong trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định;

2. Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần. Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Đối với cổ phần loại khác, nếu Điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thoả thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường;

3. Công ty có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty. Trong trường hợp này, quyết định mua lại cổ phần của công ty phải được thông báo bằng phương thức bảo đảm đến được tất cả cổ đông trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày quyết định đó được thông qua. Thông báo phải có tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty, tổng số cổ phần và loại cổ phần được mua lại, giá mua lại hoặc nguyên tắc định giá mua lại, thủ tục và thời hạn thanh toán, thủ tục và thời hạn để cổ đông chào bán cổ phần của họ cho công ty.

Cổ đông đồng ý bán lại cổ phần phải gửi chào bán cổ phần của mình bằng phương thức bảo đảm đến được công ty trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thông báo. Chào bán phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của cổ đông là tổ chức; số cổ phần sở hữu và số cổ phần chào bán; phương thức thanh toán; chữ ký của cổ đông hoặc người đại diện theo pháp luật của cổ đông. Công ty chỉ mua lại cổ phần được chào bán trong thời hạn nói trên.

4. Cổ tức

Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính.

            Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định cụ thể nguyên tắc trả cổ tức cho từng loại cổ phần. Tuy nhiên, công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức cho cổ đông khi công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo các điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi.

Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức cho cổ đông khi công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn phải bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam và có thể được thanh toán bằng séc hoặc lệnh trả tiền gửi bằng bưu điện đến địa chỉ thường trú của cổ đông.

Cổ tức có thể được thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng khi công ty đã có đủ chi tiết về ngân hàng của cổ đông để có thể chuyển trực tiếp được vào tài khoản ngân hàng của cổ đông. Nếu công ty đã chuyển khoản theo đúng các thông tin chi tiết về ngân hàng như thông báo của cổ đông thì công ty không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh từ việc chuyển khoản đó.

Hội đồng quản trị phải lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất ba mươi ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Thông báo về trả cổ tức phải được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ đăng ký tất cả cổ đông chậm nhất mười lăm ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Thông báo phải ghi rõ tên công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần từng loại của cổ đông; mức cổ tức đối với từng cổ phần và tổng số cổ tức mà cổ đông đó được nhận, thời điểm và phương thức trả cổ tức; họ, tên, chữ ký của Chủ tịch hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trường hợp cổ đông chuyển nhượng cổ phần của mình trong thời gian giữa thời điểm kết thúc lập danh sách cổ đông và thời điểm trả cổ tức thì người chuyển nhượng là người nhận cổ tức từ công ty.

5. Cơ cấu tổ chức quản lý

Theo quy định tại Điều 95 thì công ty cổ phần có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát.

Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty được quy định tại Điều lệ công ty. Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thường trú ở Việt Nam; trường hợp vắng mặt trên ba mươi ngày ở Việt Nam thì phải uỷ quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty.

5.1. Đại hội đồng cổ đông

Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.

 Theo quy định tại Điều 96 thì Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nhiệm vụ như sau:

+ Thông qua định hướng phát triển của công ty;

+ Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;

+ Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát;

+ Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác;

+ Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, trừ trường hợp điều chỉnh vốn điều lệ do bán thêm cổ phần mới trong phạm vi số lượng cổ phần được quyền chào bán quy định tại Điều lệ công ty;

+ Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

+ Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;

+ Xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;

+ Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;

+ Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.

5.2. Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

Hội đồng quản trị có các quyền và nhiệm vụ như sau:

+ Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

+ Kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;

+ Quyết định chào bán cổ phần mới trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định huy động thêm vốn theo hình thức khác;

+ Quyết định giá chào bán cổ phần và trái phiếu của công ty;

+ Quyết định mua lại cổ phần theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật doanh nghiệp năm 2005;

+ Quyết định phương án đầu tư và dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 hoặc Điều lệ công ty;

+ Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty, trừ hợp đồng và giao dịch quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 120 của Luật doanh nghiệp năm 2005;

+ Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định mức lương và lợi ích khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo uỷ quyền thực hiện quyền sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp ở công ty khác, quyết định mức thù lao và lợi ích khác của những người đó;

+ Giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty;

+ Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty, quyết định thành lập công ty con, lập chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác;

+ Duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến để Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định;

+ Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Đại hội đồng cổ đông;

+ Kiến nghị mức cổ tức được trả; quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức hoặc xử lý lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh;

+ Kiến nghị việc tổ chức lại, giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty;

+ Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.

Hội đồng quản trị thông qua quyết định bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định. Mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết.

Khi thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, Hội đồng quản trị tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên chấp thuận thông qua quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm. Trong trường hợp này, cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất một năm có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị đình chỉ thực hiện quyết định nêu trên.

5.2.1. Nhiệm kỳ và số lượng thành viên Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị có không ít hơn ba thành viên, không quá mười một thành viên, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác. Số thành viên Hội đồng quản trị phải thường trú ở Việt Nam do Điều lệ công ty quy định. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị là năm năm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá năm năm; thành viên Hội đồng quản trị có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Hội đồng quản trị của nhiệm kỳ vừa kết thúc tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng quản trị mới được bầu và tiếp quản công việc.

Trường hợp có thành viên được bầu bổ sung hoặc thay thế thành viên bị miễn nhiệm, bãi nhiệm trong thời hạn nhiệm kỳ thì nhiệm kỳ của thành viên đó là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng quản trị.

Thành viên Hội đồng quản trị không nhất thiết phải là cổ đông của công ty.

5.2.2. Tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị

Thành viên Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

a) Có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005;

b) Là cổ đông cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông hoặc người khác có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.

Đối với công ty con là công ty mà Nhà nước sở hữu số cổ phần trên 50% vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị không được là người liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.

5.2.3. Chủ tịch Hội đồng quản trị

Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị theo quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp Hội đồng quản trị bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị thì Chủ tịch được bầu trong số thành viên Hội đồng quản trị. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.

Chủ tịch Hội đồng quản trị có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

a) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị;

b) Chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập và chủ toạ cuộc họp Hội đồng quản trị;

c) Tổ chức việc thông qua quyết định của Hội đồng quản trị;

d) Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị;

đ) Chủ toạ họp Đại hội đồng cổ đông;

e) Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.

Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt thì uỷ quyền bằng văn bản cho một thành viên khác để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp không có người được uỷ quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị không làm việc được thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên tạm thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số quá bán.

5.3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty

Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.

Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá năm năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Tiêu chuẩn và điều kiện của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc áp dụng theo quy định tại Điều 57 của Luật doanh nghiệp năm 2005.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

a) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị;

b) Tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

d) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty;

đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;

e) Quyết định lương và phụ cấp (nếu có) đối với người lao động trong công ty kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

g) Tuyển dụng lao động;

h) Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

i) Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và quyết định của Hội đồng quản trị.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và quyết định của Hội đồng quản trị. Nếu điều hành trái với quy định này mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty.

5.4. Ban Kiểm soát

Ban kiểm soát có từ ba đến năm thành viên nếu Điều lệ công ty không có quy định khác; nhiệm kỳ của Ban kiểm soát không quá năm năm; thành viên Ban kiểm soát có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Các thành viên Ban kiểm soát bầu một người trong số họ làm Trưởng ban kiểm soát. Quyền và nhiệm vụ của Trưởng ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam và phải có ít nhất một thành viên là kế toán viên hoặc kiểm toán viên.

Trong trường hợp vào thời điểm kết thúc nhiệm kỳ mà Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới chưa được bầu thì Ban kiểm soát đã hết nhiệm kỳ vẫn tiếp tục thực hiện quyền và nhiệm vụ cho đến khi Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới được bầu và nhận nhiệm vụ.

Thành viên Ban kiểm soát phải có tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

a) Từ 21 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005;

b) Không phải là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác.

Thành viên Ban kiểm soát không được giữ các chức vụ quản lý công ty. Thành viên Ban kiểm soát không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty.

Ban Kiểm soát có các quyền, nghĩa vụ sau:

– Thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty; chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

– Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.

– Thẩm định báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và sáu tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị.

– Trình báo cáo thẩm định báo cáo tài chính, báo cáo tình hình kinh doanh hằng năm của công ty và báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị lên Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.

– Xem xét sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty bất cứ khi nào nếu xét thấy cần thiết hoặc theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 79 của Luật doanh nghiệp năm 2005.

– Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 79 của Luật doanh nghiệp năm 2005, Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu.

– Việc kiểm tra của Ban kiểm soát quy định tại khoản này không được cản trở hoạt động bình thường của Hội đồng quản trị, không gây gián đoạn điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

– Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

– Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty quy định tại Điều 119 của Luật doanh nghiệp năm 2005 thì phải thông báo ngay bằng văn bản với Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.

– Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005, Điều lệ công ty và quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Ban kiểm soát có quyền sử dụng tư vấn độc lập để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông.

Về quyền được cung cấp thông tin của Ban kiểm soát:

Theo Điều 124 thì Ban Kiểm soát có quyền:

1. Thông báo mời họp, phiếu lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị và các tài liệu kèm theo phải được gửi đến thành viên Ban kiểm soát cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên Hội đồng quản trị.

2. Báo cáo của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị hoặc tài liệu khác do công ty phát hành được gửi đến thành viên Ban kiểm soát cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên Hội đồng quản trị.

3. Thành viên Ban kiểm soát có quyền tiếp cận các hồ sơ, tài liệu của công ty lưu giữ tại trụ sở chính, chi nhánh và địa điểm khác; có quyền đến các địa điểm nơi người quản lý và nhân viên của công ty làm việc.

4. Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của Ban kiểm soát.

Về thù lao và lợi ích khác của thành viên Ban kiểm soát:

Trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định thì thù lao và lợi ích khác của thành viên Ban kiểm soát được thực hiện theo quy định sau đây:

– Thành viên Ban kiểm soát được trả thù lao theo công việc và được hưởng các lợi ích khác theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Đại hội đồng cổ đông quyết định tổng mức thù lao và ngân sách hoạt động hằng năm của Ban kiểm soát căn cứ vào số ngày làm việc dự tính, số lượng và tính chất của công việc và mức thù lao bình quân hằng ngày của thành viên;

– Thành viên Ban kiểm soát được thanh toán chi phí ăn, ở, đi lại, chi phí sử dụng dịch vụ tư vấn độc lập với mức hợp lý. Tổng mức thù lao và chi phí này không vượt quá tổng ngân sách hoạt động hằng năm của Ban kiểm soát đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có quyết định khác;

– Thù lao và chi phí hoạt động của Ban kiểm soát được tính vào chi phí kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và phải được lập thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty.

Nghĩa vụ của thành viên Ban kiểm soátđược quy định tại Điều 126 như sau:

1. Tuân thủ đúng pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của Đại hội đồng cổ đông và đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.

2. Thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và cổ đông của công ty.

3. Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông công ty; không được sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

4. Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.

5. Trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này mà gây thiệt hại cho công ty hoặc người khác thì các thành viên Ban kiểm soát phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới bồi thường thiệt hại đó.

Mọi thu nhập và lợi ích khác mà thành viên Ban kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp có được do vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều này đều thuộc sở hữu của công ty.

6. Trường hợp phát hiện có thành viên Ban kiểm soát vi phạm nghĩa vụ trong thực hiện quyền và nhiệm vụ được giao thì Hội đồng quản trị phải thông báo bằng văn bản đến Ban kiểm soát; yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.

V. CÔNG TY HỢP DANH

Luật doanh nghiệp năm 1999 chưa công nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh. Luật doanh nghiệp năm 2005 đãcông nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch.  

Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 thì công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty, thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

VÒ t­ c¸ch ph¸p nh©n cña c«ng ty hîp danh: LuËt doanh nghiÖp n¨m 1999 ch­a c«ng nhËn t­ c¸ch ph¸p nh©n cña c«ng ty hîp danh. §Ó t¹o ®iÒu kiÖn thuËn lîi cho c¸c doanh nghiÖp nµy khi tham gia c¸c giao dÞch LuËt doanh nghiÖp n¨m 2005 quy ®Þnh c«ng ty hîp danh cã t­ c¸ch ph¸p nh©n.

ý kiÕn cho r»ng, viÖc quy ®Þnh t­ c¸ch ph¸p nh©n cña c«ng ty hîp danh lµ m©u thuÉn víi quy ®Þnh vÒ ph¸p nh©n trong Bé luËt d©n sù, v× theo Bé luËt d©n sù th× mét trong nh÷ng ®iÒu kiÖn ®Ó mét tæ chøc trë thµnh ph¸p nh©n lµ tæ chøc nµy ph¶i cã tµi s¶n ®éc lËp víi c¸ nh©n vµ tù chÞu tr¸ch nhiÖm b»ng tµi s¶n ®ã (tøc lµ chÞu tr¸ch nhiÖm h÷u h¹n). Khi ®èi chiÕu víi kho¶n 1 §iÒu 124 th× thÊy tµi s¶n cña c«ng ty hîp danh kh«ng ®éc lËp víi c¸ nh©n vµ thµnh viªn hîp danh ph¶i chÞu tr¸ch nhiÖm v« h¹n.

 VÒ viÖc ph¶i thµnh lËp c«ng ty hîp danh ®èi víi mét sè ngµnh nghÒ: Theo quy ®Þnh cña ph¸p luËt hiÖn hµnh th× khi kinh doanh mét sè dÞch vô nhÊt ®Þnh nh­ kÕ to¸n, kiÓm to¸n, dÞch vô ph¸p lý, ®ßi hái ng­êi kinh doanh ph¶i thµnh lËp c«ng ty hîp danh. LuËt kh«ng quy ®Þnh b¾t buéc ph¶i thµnh lËp c«ng ty hîp danh. VÒ vÊn ®Ò nµy  cã ý kiÕn cho r»ng, ®èi víi nh÷ng dÞch vô cã kh¶ n¨ng t¸c ®éng lín ®Õn lîi Ých cña ng­êi h­ëng dÞch vô nh­ kh¸m ch÷a bÖnh, thiÕt kÕ c¸c c«ng tr×nh x©y dùng, kÕ to¸n, kiÓm to¸n, dÞch vô ph¸p lý th× cÇn thiÕt ph¶i thµnh lËp c«ng ty hîp danh ®Ó nh÷ng ng­êi cung cÊp dÞch vô ph¶i chÞu tr¸ch nhiÖm v« h¹n vÒ c¸c nghÜa vô cña m×nh. 

Tuy nhiªn, còng cã ý kiÕn cho r»ng, kh«ng nªn b¾t buéc ph¶i thµnh lËp c«ng ty hîp danh khi kinh doanh c¸c dÞch vô trªn, víi lý do nh»m t¹o ®iÒu kiÖn cho ng­êi cung cÊp dÞch vô quyÒn tù do lùa chän h×nh thøc doanh nghiÖp phï hîp, ®ång thêi,  kh«ng g©y ¸p lùc ®èi víi c¸c tæ chøc hiÖn ®ang kinh doanh c¸c lo¹i h×nh dÞch vô nµy trong viÖc ph¶i chuyÓn ®æi thµnh c«ng ty hîp danh. §Ó b¶o vÖ lîi Ých cña ng­êi h­ëng dÞch vô, LuËt cÇn quy ®Þnh vÒ nghÜa vô mua b¶o hiÓm tr¸ch nhiÖm nghÒ nghiÖp ®èi víi ng­êi kinh doanh c¸c dÞch vô trªn.

1. Góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp

Theo quy định tại Điều 131 thì việc góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp được quy định như sau:

– Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết.

– Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.

 – Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

– Tại thời điểm góp đủ vốn như đã cam kết, thành viên được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

+ Số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

+ Vốn điều lệ của công ty;

+ Tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên; loại thành viên;

+ Giá trị phần vốn góp và loại tài sản góp vốn của thành viên;

+ Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;

+ Quyền và nghĩa vụ của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp;

+ Họ, tên, chữ ký của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp và của các thành viên hợp danh của công ty.

            – Trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới hình thức khác, thành viên được công ty cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp.

2. Quyền và nghĩa vụ của thành viên

2.1. Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh

Thành viên hợp danh có các quyền sau đây:

a) Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề của công ty; mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty;

b) Nhân danh công ty tiến hành các hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký; đàm phán và ký kết hợp đồng, thoả thuận hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty;

c) Sử dụng con dấu, tài sản của công ty để hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký; nếu ứng trước tiền của mình để thực hiện công việc kinh doanh của công ty thì có quyền yêu cầu công ty hoàn trả lại cả số tiền gốc và lãi theo lãi suất thị trường trên số tiền gốc đã ứng trước;

d) Yêu cầu công ty bù đắp thiệt hại từ hoạt động kinh doanh trong thẩm quyền nếu thiệt hại đó xảy ra không phải do sai sót cá nhân của chính thành viên đó;

đ) Yêu cầu công ty, thành viên hợp danh khác cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty; kiểm tra tài sản, sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty bất cứ khi nào nếu xét thấy cần thiết;

e) Được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp hoặc theo thoả thuận quy định tại Điều lệ công ty;

g) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được chia một phần giá trị tài sản còn lại theo tỷ lệ góp vốn vào công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác;

h) Trường hợp thành viên hợp danh chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;

i) Các quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.

Thành viên hợp danh bị hạn chế về một số quyền như sau:

            – Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

            – Thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

            – Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

Thành viên hợp danh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tiến hành quản lý và thực hiện công việc kinh doanh một cách trung thực, cẩn trọng và tốt nhất bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty và tất cả thành viên;

b) Tiến hành quản lý và hoạt động kinh doanh của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và quyết định của Hội đồng thành viên; nếu làm trái quy định tại điểm này, gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;

c) Không được sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

d) Hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản đã nhận và bồi thường thiệt hại gây ra đối với công ty trong trường hợp nhân danh công ty, nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác để nhận tiền hoặc tài sản khác từ hoạt động kinh doanh các ngành, nghề đã đăng ký của công ty mà không đem nộp cho công ty;

đ) Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty;

e) Chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thoả thuận quy định tại Điều lệ công ty trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ;

g) Định kỳ hàng tháng báo cáo trung thực, chính xác bằng văn bản tình hình và kết quả kinh doanh của mình với công ty; cung cấp thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của mình cho thành viên có yêu cầu;

h) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.

2.2. Quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn

Thành viên góp vốn có các quyền sau đây:

a) Tham gia họp, thảo thuận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại và giải thể công ty và các nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ;

b) Được chia lợi nhuận hằng năm tương ứng với tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ công ty;

c) Được cung cấp báo cáo tài chính hằng năm của công ty; có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên hợp danh cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của công ty; xem xét sổ kế toán, sổ biên bản, hợp đồng, giao dịch, hồ sơ và tài liệu khác của công ty;

d) Chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác;

đ) Nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác tiến hành kinh doanh các ngành, nghề đã đăng ký của công ty;

e) Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; trường hợp chết hoặc bị Toà tuyên bố là đã chết thì người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của công ty;

g) Được chia một phần giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản;

h) Các quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.

Thành viên góp vốn có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp;

b) Không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty;

c) Tuân thủ Điều lệ, nội quy công ty và quyết định của Hội đồng thành viên;

d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.

2. Hội đồng thành viên

Tất cả thành viên hợp lại thành Hội đồng thành viên. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.

Thành viên hợp danh có quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên để thảo luận và quyết định công việc kinh doanh của công ty. Thành viên yêu cầu triệu tập họp phải chuẩn bị nội dung, chương trình và tài liệu họp.

            Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Nếu Ðiều lệ công ty không quy định thì quyết định các vấn đề sau đây phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận:

a) Phương hướng phát triển công ty;

            b) Sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ công ty;

            c) Tiếp nhận thêm thành viên hợp danh mới;

            d) Chấp nhận thành viên hợp danh rút khỏi công ty hoặc quyết định khai trừ thành viên;

            đ) Quyết định dự án đầu tư;

            e) Quyết định việc vay và huy động vốn dưới hình thức khác, cho vay với giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ của công ty, trừ trường hợp Ðiều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn;

            g) Quyết định mua, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn vốn điều lệ của công ty, trừ trường hợp Ðiều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn;

            h) Quyết định thông qua báo cáo tài chính hằng năm, tổng số lợi nhuận được chia và số lợi nhuận chia cho từng thành viên;

            i) Quyết định giải thể công ty.

Quyết định về các vấn đề khác không quy định ở trên được thông qua nếu được ít nhất hai phần ba tổng số thành viên hợp danh chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Ðiều lệ công ty quy định.

Quyền tham gia biểu quyết của thành viên góp vốn được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Ðiều lệ công ty.

            3.Ðiều hành kinh doanh

Các thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.

Trong điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty.Khi một số hoặc tất cả thành viên hợp danh cùng thực hiện một số công việc kinh doanh thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số.Hoạt động do thành viên hợp danh thực hiện ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký của công ty đều không thuộc trách nhiệm của công ty, trừ trường hợp hoạt động đó đã được các thành viên còn lại chấp thuận.

Công ty có thể mở một hoặc một số tài khoản tại ngân hàng. Hội đồng thành viên chỉ định thành viên được ủy quyền gửi và rút tiền từ các tài khoản đó.

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các nhiệm vụ sau đây:

            a) Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh;

            b) Triệu tập và tổ chức họp Hội đồng thành viên; ký các quyết định hoặc nghị quyết của của Hội đồng thành viên;

            c) Phân công, phối hợp công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh; ký các quyết định về quy chế, nội quy và các công việc tổ chức nội bộ khác của công ty;

            d) Tổ chức sắp xếp, lưu giữ đầy đủ và trung thực sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu khác của công ty theo quy định của pháp luật;

            đ) Ðại diện cho công ty trong quan hệ với cơ quan nhà nước; đại diện cho công ty với tư cách là bị đơn hoặc nguyên đơn trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại hoặc các tranh chấp khác;

            e) Các nhiệm vụ khác do Ðiều lệ công ty quy định.

VI. DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN  

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.          Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.

1.Vốn đầu tư

Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.

Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

2. Quản lý doanh nghiệp

Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

            Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.

            Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

            Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình nhưng phải báo cáo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế. Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp. Quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu và người thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được quy định trong hợp đồng cho thuê.

            Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác. Chậm nhất mười lăm ngày trước ngày chuyển giao doanh nghiệp cho người mua, chủ doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông báo phải nêu rõ tên, trụ sở của doanh nghiệp; tên, địa chỉ của người mua; tổng số nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, số nợ và thời hạn thanh toán cho từng chủ nợ; hợp đồng lao động và các hợp đồng khác đã ký mà chưa thực hiện xong và cách thức giải quyết các hợp đồng đó. Sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác mà doanh nghiệp chưa thực hiện, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác. Người bán, người mua doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động. Người mua doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh lại theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005.

 VII. NHÓM CÔNG TY

Nhóm công ty là tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.

Nhóm công ty bao gồm các hình thức sau:

– Công ty mẹ – công ty con;

– Tập đoàn kinh tế;

– Các hình thức khác.

Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn.

            Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

            a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó;

            b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

            c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ của công ty đó.

Điều147 quy định về quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con như sau:

1. Tuỳ thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan.

2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.

4. Người quản lý của công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều này phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về các thiệt hại đó.

5. Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con đòi công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.

6. Trường hợp hoạt động kinh doanh như quy định tại khoản 3 Điều này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi đó phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng đó cho công ty con bị thiệt hại.

            Chế độ báo cáo tài chính của công ty mẹ và công ty con được quy định như sau:

            Vào thời điểm kết thúc năm tài chính, ngoài báo cáo và tài liệu theo quy định của pháp luật, công ty mẹ còn phải lập các báo cáo sau đây:

            a) Báo cáo tài chính hợp nhất của nhóm công ty theo quy định của pháp luật về kế toán;

            b) Báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh hằng năm của nhóm công ty;

            c) Báo cáo tổng hợp công tác quản lý, điều hành của nhóm công ty.

            Người chịu trách nhiệm lập báo cáo quy định ở trên chưa được lập và đệ trình các báo cáo đó nếu chưa nhận được đầy đủ báo cáo tài chính của các công ty con.

            Khi có yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ, người đại diện theo pháp luật của công ty con phải cung cấp các báo cáo, tài liệu và thông tin cần thiết như quy định để lập báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tổng hợp của nhóm công ty.

            Trường hợp không biết hoặc không nghi ngờ về việc báo cáo do công ty con lập và đệ trình có thông tin sai lệch, không chính xác hoặc giả mạo thì người quản lý công ty mẹ sử dụng các báo cáo đó để lập báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tổng hợp của nhóm công ty.

            Trong trường hợp người quản lý công ty mẹ đã áp dụng các biện pháp cần thiết trong phạm vi thẩm quyền mà vẫn không nhận được báo cáo, tài liệu và thông tin cần thiết như quy định từ công ty con thì người quản lý công ty mẹ vẫn lập và trình báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tổng hợp của nhóm công ty. Báo cáo có thể gồm hoặc không gồm các thông tin từ công ty con đó, nhưng phải có giải trình cần thiết để tránh hiểu nhầm hoặc hiểu sai lệch.

            Các báo cáo, tài liệu quyết toán tài chính hằng năm của công ty mẹ, của các công ty con và các báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tổng hợp của cả nhóm công ty phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty mẹ. Bản sao của các báo cáo, tài liệu quy định tại khoản này phải có ở các chi nhánh của công ty mẹ trên lãnh thổ Việt Nam .

            Ðối với các công ty con, ngoài các báo cáo, tài liệu theo quy định của pháp luật, còn phải lập và đệ trình báo cáo tổng hợp về mua, bán và các giao dịch khác với công ty mẹ.

             VIII. TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ VÀ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

            1. Tổ chức lại doanh nghiệp

            Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi doanh nghiệp.

1.1. Chia doanh nghiệp

                        Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể được chia thành một số công ty cùng loại. Thủ tục chia công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được quy định tại khoản 2 Điều 150 như sau:

a) Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị chia thông qua quyết định chia công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty. Quyết định chia công ty phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị chia; tên các công ty sẽ thành lập; nguyên tắc và thủ tục chia tài sản công ty; phương án sử dụng lao động; thời hạn và thủ tục chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị chia sang các công ty mới thành lập; nguyên tắc giải quyết các nghĩa vụ của công ty bị chia; thời hạn thực hiện chia công ty. Quyết định chia công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua quyết định;

b) Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty mới được thành lập thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo quyết định chia công ty quy định tại điểm a khoản này.

Công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được đăng ký kinh doanh. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thoả thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này.

1.2. Tách doanh nghiệp

Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty mới cùng loại (sau đây gọi là công ty được tách); chuyển một phần quyền và nghĩa vụ của công ty bị tách sang công ty được tách mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

Thủ tục tách công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần được quy định như sau:

a) Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị tách thông qua quyết định tách công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty. Quyết định tách công ty phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị tách; tên công ty được tách sẽ thành lập; phương án sử dụng lao động; giá trị tài sản, các quyền và nghĩa vụ được chuyển từ công ty bị tách sang công ty được tách; thời hạn thực hiện tách công ty. Quyết định tách công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua quyết định;

b) Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo quyết định tách công ty quy định kể trên.

Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thoả thuận khác.

1.3. Hợp nhất doanh nghiệp

Hai hoặc một số công ty cùng loại (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.

Thủ tục hợp nhất công ty được quy định như sau:

a) Các công ty bị hợp nhất chuẩn bị hợp đồng hợp nhất. Hợp đồng hợp nhất phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của các công ty bị hợp nhất; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty hợp nhất; thủ tục và điều kiện hợp nhất; phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị hợp nhất thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty hợp nhất; thời hạn thực hiện hợp nhất; dự thảo Điều lệ công ty hợp nhất;

b) Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty bị hợp nhất thông qua hợp đồng hợp nhất, Điều lệ công ty hợp nhất, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty hợp nhất và tiến hành đăng ký kinh doanh công ty hợp nhất theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo hợp đồng hợp nhất. Hợp đồng hợp nhất phải được gửi đến các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua.

Trường hợp hợp nhất mà theo đó công ty hợp nhất có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại điện hợp pháp của công ty bị hợp nhất phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành hợp nhất, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác.

Cấm các trường hợp hợp nhất mà theo đó công ty hợp nhất có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác.

Sau khi đăng ký kinh doanh, các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất.

1.4. Sáp nhập doanh nghiệp

Một hoặc một số công ty cùng loại (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Thủ tục sáp nhập công ty được quy định như sau:

a) Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập;

b) Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký kinh doanh công ty nhận sáp nhập theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo hợp đồng sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua;

c) Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty bị sáp nhập chấm dt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.

Trường hợp sáp nhập mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại điện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác.

Cấm các trường hợp sáp nhập các công ty mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác.

1.5. Chuyển đổi công ty

Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể được chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc ngược lại. Thủ tục chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (sau đây gọi là công ty được chuyển đổi) thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (sau đây gọi là công ty chuyển đổi) được quy định như sau:

– Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định chuyển đổi và Điều lệ công ty chuyển đổi. Quyết định chuyển đổi phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty được chuyển đổi; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty chuyển đổi; thời hạn và điều kiện chuyển tài sản, phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty được chuyển đổi thành tài sản, cổ phần, trái phiếu, phần vốn góp của công ty chuyển đổi; phương án sử dụng lao động; thời hạn thực hiện chuyển đổi;

– Quyết định chuyển đổi phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua quyết định;

– Việc đăng ký kinh doanh của công ty chuyển đổi được tiến hành theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo quyết định chuyển đổi.

Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty được chuyển đổi chấm dứt tồn tại; công ty chuyển đổi được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty được chuyển đổi.

Việc chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được quy định như sau:

Trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho tổ chức, cá nhân khác thì trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày chuyển nhượng, chủ sở hữu công ty và người nhận chuyển nhượng phải đăng ký việc thay đổi số lượng thành viên với cơ quan đăng ký kinh doanh. Kể từ ngày đăng ký thay đổi quy định tại khoản này, công ty được quản lý và hoạt động theo quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ cho một cá nhân thì trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng phải đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty và tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân.

Về việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước: Mét sè ý kiÕn cho r»ng, mét trong nh÷ng vÊn ®Ò næi lªn lµ LuËt ch­a cã ®ñ nh÷ng quy ®Þnh nh»m ®¸p øng nh÷ng ®Æc thï trong tæ chøc qu¶n l‎ý cña mét sè l­îng lín c¸c DNNN sau chuyÓn ®æi. §iÒu tÊt yÕu lµ sau khi chuyÓn ®æi thµnh c¸c c«ng ty TNHH, c«ng ty cæ phÇn th× c¸c DNNN ph¶i ¸p dông chung c¸c quy ®Þnh vÒ tæ chøc qu¶n lý nh­ c¸c doanh nghiÖp cïng lo¹i h×nh. Tuy nhiªn, kh«ng thÓ kh«ng thÊy c¸c doanh nghiÖp ®­îc chuyÓn ®æi vÉn cßn mang vµ sÏ tiÕp tôc mang nh÷ng ®Æc thï so víi c¸c doanh nghiÖp kh¸c; ®Æc thï trong c¬ chÕ qu¶n lý vèn, tµi s¶n, trong ph©n ®Þnh vµ thùc hiÖn quyÒn, nghÜa vô gi÷a ®¹i diÖn chñ së h÷u víi ng­êi trùc tiÕp qu¶n lý ®iÒu hµnh doanh nghiÖp, trong mèi quan hÖ chñ së h÷u vèn lµ nhµ n­íc.

 Trªn thùc tÕ LuËt ch­a x©y dùng ®­îc c¸c quy ®Þnh mang tÝnh hÖ thèng vÒ vÊn ®Ò nµy, hiÖn míi chØ cã mét vµi ®iÒu quy ®Þnh vÒ mèi quan hÖ víi chñ së h÷u lµ nhµ n­íc cña c«ng ty TNHH mét thµnh viªn vµ ®ã còng chØ nh÷ng ®iÒu kÕ thõa tõ LuËt doanh nghiÖp hiÖn hµnh. CÇn sím x©y dùng nh÷ng quy ®Þnh mang tÝnh dù liÖu ®Ó s½n sµng ®iÒu chØnh nh÷ng ®Æc thï cña c¸c doanh nghiÖp sau khi chuyÓn ®æi, cã nh­ vËy viÖc chuyÓn ®æi míi cã kÕt qu¶.

VÒ thêi h¹n vµ nghÜa vô chuyÓn ®æi:  Mét sè ý kiÕn cho r»ng, viÖc chuyÓn ®æi mét khèi l­îng lín c¸c c«ng ty nhµ n­íc sang ho¹t ®éng theo LuËt doanh nghiÖp lµ mét qu¸ tr×nh phøc t¹p vµ sÏ cã rÊt nhiÒu khã kh¨n ph¸t sinh. §Ó thùc hiÖn thµnh c«ng chñ tr­¬ng nµy, kh«ng chØ ®ßi hái ph¶i cã sù nç lùc tõ nhiÒu phÝa mµ cßn cÇn cã ý thøc nghiªm chØnh chÊp hµnh ph¸p luËt. Do ®ã, LuËt cÇn bæ sung c¸c quy ®Þnh vÒ biÖn ph¸p chÕ tµi trong thùc hiÖn nghÜa vô chuyÓn ®æi. Cô thÓ lµ: ®èi víi c¸c doanh nghiÖp thuéc diÖn chuyÓn ®æi, nÕu trong thêi h¹n 4 n¨m kh«ng hoµn thµnh nghÜa vô chuyÓn ®æi th× cho ¸p dông thñ tôc gi¶i thÓ, ®ång thêi cã h×nh thøc xö lý nghiªm minh ®èi víi nh÷ng ng­êi cã tr¸ch nhiÖm.

2. Giải thể doanh nghiệp 

Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 trong thời hạn sáu tháng liên tục;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

Việc giải thể doanh nghiệp được quy định như sau:

– Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp. Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

+ Lý do giải thể;

+ Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá sáu tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;

+ Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;

+ Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.

– Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể phải được gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh, tất cả các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan, người lao động trong doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính và chi nhánh của doanh nghiệp. Đối với trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải đăng báo thì quyết định giải thể doanh nghiệp phải được đăng ít nhất trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp. Quyết định giải thể phải được gửi cho các chủ nợ kèm theo thông báo về phương án giải quyết nợ. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

– Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây:

+ Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

+ Nợ thuế và các khoản nợ khác.

Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại thuộc về chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty.

– Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh.

– Trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải giải thể trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trình tự và thủ tục giải thể được thực hiện theo quy định kể trên.

 Sau thời hạn sáu tháng kể trên mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật, các thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán.

Kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, nghiêm cấm doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sau đây:

+ Cất giấu, tẩu tán tài sản;

+ Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

+ Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;

+ Ký kết hợp đồng mới không phải là hợp đồng nhằm thực hiện giải thể doanh nghiệp;

+ Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;

+ Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;

+ Huy động vốn dưới mọi hình thức khác.

3.  Phá sản doanh nghiệp

Việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản (Luật phá sản năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành).

IX. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

1. Nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 161 thì nội dung quản lý nhà nước bao gồm:

– Ban hành, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về doanh nghiệp và văn bản pháp luật có liên quan.

– Tổ chức đăng ký kinh doanh; hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh bảo đảm thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch định hướng phát triển kinh tế – xã hội.

– Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao đạo đức kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; phẩm chất chính trị, đạo đức, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; đào tạo và xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề.

– Thực hiện chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp theo định hướng và mục tiêu của chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

– Kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, của cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.

 2. Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 162 thì Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; chỉ định một cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khác thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Các bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công có trách nhiệm:

– Đánh giá lại theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của hiệp hội doanh nghiệp các điều kiện kinh doanh thuộc quyền quản lý nhà nước; kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn cần thiết; sửa đổi các điều kiện kinh doanh bất hợp lý; trình Chính phủ ban hành điều kiện kinh doanh mới bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được phân công;

– Hướng dẫn thực hiện pháp luật về điều kiện kinh doanh; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm việc chấp hành các điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước;

–  Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật;

– Tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; kiểm tra, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động;

– Xây dựng hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm việc thực hiện tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá và dịch vụ theo hệ thống Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam;

– Thực hiện các quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công có trách nhiệm:

– Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cung cấp thông tin doanh nghiệp; giải quyết khó khăn, cản trở trong đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong phạm vi thẩm quyền; tổ chức kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;

– Tổ chức đăng ký kinh doanh và thực hiện quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo các nội dung đăng ký kinh doanh; xử lý hành chính các hành vi vi phạm Luật doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan;

– Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tương ứng của các bộ, cơ quan ngang bộ; trực tiếp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này;

– Tổ chức cơ quan đăng ký kinh doanh, quyết định biên chế cơ quan đăng ký kinh doanh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chỉ đạo và hướng dẫn Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xử lý vi phạm hành chính trong đăng ký kinh doanh.

3. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh

Cơ quan đăng ký kinh doanh có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Giải quyết việc đăng ký kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin doanh nghiệp; cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;

c) Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi xét thấy cần thiết cho việc thực hiện các quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005; đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo của doanh nghiệp;

d) Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp theo những nội dung trong hồ sơ đăng ký kinh doanh;

đ) Xử lý vi phạm các quy định về đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và yêu cầu doanh nghiệp làm thủ tục giải thể theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005;

e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vi phạm trong việc đăng ký kinh doanh;

g) Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan.

Cơ cấu tổ chức của cơ quan đăng ký kinh doanh do Chính phủ quy định.

 4. Xử lý vi phạm

Người có hành vi vi phạm các quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên, cổ đông, chủ nợ của doanh nghiệp hoặc người khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xoá tên trong sổ đăng ký kinh doanh trong các trường hợp sau đây:

a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là giả mạo;

b) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 13 của Luật doanh nghiệp năm 2005 thành lập;

c) Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

d) Không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn sáu tháng liên tục, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận thay đổi trụ sở chính;

đ) Không báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong mười hai tháng liên tục;

e) Ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 163 của Luật doanh nghiệp năm 2005 đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản;

h) Kinh doanh ngành, nghề bị cấm.

X. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Chuyển đổi công ty nhà nước

Việc chuyển đổi công ty nhà nước được quy định như sau:

Thực hiện theo lộ trình chuyển đổi hằng năm, nhưng chậm nhất trong thời hạn bốn năm kể từ ngày Luật doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực, các công ty nhà nước thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005. Chính phủ quy định và hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi.

Trong thời hạn chuyển đổi, những quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 được tiếp tục áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước nếu Luật doanh nghiệp năm 2005 không có quy định.

Doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh được tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và quy định riêng của Chính phủ.

   Việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung đổi mới quan trọng của Luật doanh nghiệp năm 2005. Về bản chất, đây là chuyển đổi hình thức pháp lý quản trị doanh nghiệp, không phải là sự chuyển đổi hình thức và tính chất sở hữu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước vẫn tồn tại, phát triển dưới hình thức tổ chức mới. Về mục đích, việc chuyển đổi các DNNN nhằm đổi mới cơ chế quản lý, phương thức tổ chức, quản trị doanh nghiệp, góp phần tăng cường tính tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm, xoá bỏ sự ỷ lại của doanh nghiệp và sự can thiệp hành chính, bao cấp kéo dài một cách không hợp lý. Đây là những điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước và từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp.

2. Thực hiện quyền chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp

Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp theo các nguyên tắc sau đây:

a) Thực hiện quyền chủ sở hữu với vai trò là người đầu tư vốn;

b) Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước;

c) Tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước;

d) Tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp;

đ) Thực hiện thống nhất và tập trung các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu về vốn.

Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước; cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước; cách thức và tiêu chí đánh giá hiệu quả và thực trạng bảo toàn, phát triển vốn nhà nước; cơ chế phối hợp, kiểm tra và đánh giá đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước; các chủ trương, biện pháp sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật.

Định kỳ hằng năm, Chính phủ trình Quốc hội báo cáo tổng hợp về thực trạng kinh doanh vốn sở hữu nhà nước, thực trạng bảo toàn và phát triển giá trị vốn đầu tư và tài sản sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

3. Hiệu lực thi hành

Luật doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006.

Luật doanh nghiệp năm 2005 thay thế Luật doanh nghiệp năm 1999; Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 166 của Luật doanh nghiệp năm 2005; các quy định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp tại Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000.

Việc áp dụng Luật doanh nghiệp năm 2005 đối với các doanh nghiệp được thành lập trước khi Luật có hiệu lực được quy định cụ thể tại Điều 170 như sau:

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh đã thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 1999 không phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh lại.

2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước khi Luật doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, có quyền thực hiện theo một trong hai cách sau đây:

a) Đăng ký lại và tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan; việc đăng ký lại được thực hiện trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực;

b) Không đăng ký lại; trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề và thời hạn được ghi trong Giấy phép đầu tư và tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ.

3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết chuyển giao không bồi hoàn toàn bộ tài sản đã đầu tư cho Chính phủ Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn hoạt động chỉ được chuyển đổi khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của Chính phủ.

4. Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005.

Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Mục lục

Trang

SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT VỀ DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM

2

THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ DOANH NGHIỆP TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY

12

SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2005

23

NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2005

26

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

26

II. THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP VÀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH

34

III. CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN

45

IV. CÔNG TY CỔ PHẦN

60

V. CÔNG TY HỢP DANH

80

VI. DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

87

VII. NHÓM CÔNG TY

89

 VIII. TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ VÀ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

91

IX. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

99

X. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

102


[1] Nguồn từ  Cơ sở dữ liệu luật. Văn phòng Quốc hội

[2] Điều 3 Luật DNNN năm 2003. Công ty nhà nước bao gồm công ty nhà nước độc lập và tổng công ty nhà nước.

[3] Điều 1 Luật DNNN năm 2003.

[4] Điều 46 Luật DNNN năm 2003.

[5] Điều 47 Luật DNNN năm 2003.

[6] Điều 49 Luật DNNN năm 2003.

[7] Xem thêm Điều 51 Luật DNNN năm 2003.

[8] Điều 55 Luật DNNN năm 2003.

[9]Điều 56(2) Luật DNNN năm 2003.

[10]Điều 57(2) Luật DNNN năm 2003.

[11]Điều 61(1) Luật DNNN năm 2003.

[12]Điều 3(2) Luật DNNN năm 2003

[13]Điều 3(3) Luật DNNN năm 2003

[14]Điều 3(4) Luật DNNN năm 2003

[15] Điều 11(1)(a)(b)(c)(d)(đ)(e) Luật DNNN năm 2003.

[16] Điều 11(2) Luật DNNN năm 2003.

[17] Điều 1 Luật HTX năm 2003.

[18] Điều 5(2) Luật HTX năm 2003.

[19] Điều 44 Luật HTX năm 2003.

[20] Điều 45 Luật HTX năm 2003.

[21] Điều 32 LDN năm 1999.

[22] Điều 34 LDN năm 1999.

[23] Điều 51(1)(a)(b)(c)(d) LDN năm 2003.

[24] Điều 69 LDN năm 1999.

[25] Điều 95(1) LDN năm 1999.

[26] Điều 99 LDN năm 1999.

[27] Điều 101(1) LDN năm 1999.

(28 )Theo Báo Đầu tư số 135 (1245) ra ngày 10 tháng 11 năm 2004.

[29]Điều 19(1) Pháp lệnh Luật sư của LVN Group

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)