Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191

1. Bảo lưu điều ước quốc tế là gì?

Bảo lưu là một chế định gắn liền với luật điều ước quốc tế (ĐƯQT), theo đó, đây là một tuyên bố đơn phương của một quốc gia, bất kể cách viết hay tên gọi như thế nào, đưa ra khi ký, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập ĐƯQT, qua đó nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực của một hoặc một số điều khoản của điều ước trong việc áp dụng đối với quốc gia đó.

Mục đích chính của bảo lưu là “giải thoát” cho bên ký kết khỏi những nghĩa vụ thực thi một số điều khoản mà điều ước đặt ra, từ đó tạo điều kiện tối đa để các quốc gia tham gia vào các ĐƯQT. Các quốc gia thường có những quy định khác nhau về bảo lưu ĐƯQT, tuy nhiên, về cơ bản đều phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế về vấn đề này. Thực tiễn thực hiện vấn đề này của các quốc gia cũng rất đa dạng, phù hợp với mục đích của từng quốc gia khi tham gia vào các ĐƯQT.

2. Pháp luật bảo lưu điều ước quốc tế của Liên bang Nga

2.1. Thẩm quyền ký kết ĐƯQT trong pháp luật Liên bang Nga

Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 (thay thế cho Hiến pháp Liên bang Xô viết năm 1978) được thông qua bởi một cuộc trưng cầu ý dân ngày 12/12/1993, có hiệu lực ngày 25/12/1993. Hiến pháp năm 1993 thiết lập thể chế Tổng thống/Nghị viện với quyền lực mạnh mẽ được trao cho Tổng thống. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước, do nhân dân trực tiếp bầu ra, nhiệm kỳ bốn năm. Tổng thống bổ nhiệm hoặc cách chức Thủ tướng Chính phủ (với sự đồng ý của Viện Duma). Theo đề nghị của Thủ tướng, Tổng thống bổ nhiệm và miễn nhiệm các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng liên bang.

Nghị viện liên bang ở Nga bao gồm hai viện là: Thượng viện gọi là Hội đồng liên bang (the Soviet of the Federation), Hạ viện gọi là Viện Duma (the State Duma). Cơ quan hành pháp – Chính phủ Nga bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng liên bang. Hệ thống tư pháp của Nga bao gồm các tòa án: Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga; các tòa án thẩm quyền chung liên bang, đứng đầu là Tòa án tối cao Liên bang Nga; các tòa án thương mại liên bang, đứng đầu là Tòa án thương mại tối cao Liên bang Nga.

Những vấn đề liên quan đến các thủ tục ký kết, chấm dứt các ĐƯQT của Liên bang Nga được điều chỉnh bởi Hiến pháp năm 1993; Luật liên bang về ĐƯQT ngày 16/6/1995 (sau đây gọi là Luật năm 1995); Công ước Viên 1969 về Luật ĐƯQT…

Việc ký kết các ĐƯQT ở Nga thuộc về cơ quan hành pháp (Chính phủ), tuy nhiên cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp được Hiến pháp trao quyền tham gia vào một số hoạt động liên quan đến ĐƯQT với những điều kiện nhất định.

Luật năm 1995 đã thiết lập một hệ thống cấp bậc các ĐƯQT do Liên bang Nga ký kết. Các ĐƯQT với danh nghĩa liên bang (interstate treaties), điều ước với danh nghĩa chính phủ (intergovernmental treaties) và điều ước với danh nghĩa cấp bộ liên ngành (interdepartmental treaties). Dù có những khác biệt, nhưng tất cả những văn kiện này đều là các ĐƯQT và Liên bang Nga chịu trách nhiệm về việc thực hiện nó. Bất kể là cấp nào đại diện cho quốc gia ký kết ĐƯQT thì các ĐƯQT này đều bình đẳng và có hiệu lực pháp luật.

Việc phân cấp ĐƯQT này có tầm quan trọng pháp lý nhất định. Các ĐƯQT song phương được ký kết ở mức cao nhất với Liên bang Nga sẽ được ưu tiên hơn các ĐƯQT do cùng một quốc gia ký với Liên bang Nga ở cấp thấp hơn. Tuy nhiên, nguyên tắc phân cấp này không mở rộng với các ĐƯQT đa phương.

Luật năm 1995 quy định rõ sự phân cấp thẩm quyền giữa các cơ quan. Theo đó, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo cho Nghị viện liên bang về việc tham gia các ĐƯQT với danh nghĩa liên bang và danh nghĩa chính phủ. Theo yêu cầu của Nghị viện liên bang, Chính phủ sẽ đảm bảo việc cung cấp thông tin về các ĐƯQT đang được chuẩn bị ký kết. Thẩm quyền quyết định đàm phán, ký ĐƯQT thuộc về Tổng thống hoặc Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng liên bang, tùy tầm quan trọng và danh nghĩa ký ĐƯQT. Thẩm quyền quyết định phê chuẩn ĐƯQT thuộc về Viện Duma và Tổng thống Liên bang Nga…

2.2. Những quy định về bảo lưu ĐƯQT trong pháp luật Liên bang Nga

Điều 19 Công ước Viên 1969 về Luật ĐƯQT và Điều 25 Luật năm 1995 quy định về bảo lưu như sau:

1. Khi ký, phê chuẩn, phê duyệt, thông qua hoặc gia nhập các ĐƯQT, Liên bang Nga có thể đưa ra bảo lưu một số điều khoản của ĐƯQT với điều kiện là tuân thủ các điều kiện của ĐƯQT và các quy tắc có liên quan của luật quốc tế;

2. Bảo lưu có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào (trừ trường hợp ĐƯQT của Liên bang Nga có quy định khác) theo thủ tục tương tự mà bảo lưu được đưa ra;

3. Việc các quốc gia khác chấp thuận hoặc phản đối bảo lưu ĐƯQT của Liên bang Nga phải được tiến hành phù hợp với các điều kiện của ĐƯQT đó và các quy tắc của luật quốc tế về chấp thuận hoặc phản đối bảo lưu. Các đề xuất cho việc chấp thuận hoặc phản đối bảo lưu sẽ được thực hiện dưới hình thức luật liên bang, thủ tục tuân thủ theo quy định tại Điều 16 của Luật liên bang hiện hành, và trong các trường hợp khác thì theo Điều 9 của Luật liên bang hiện hành.

Như vậy, theo quy định của pháp luật Liên bang Nga, việc bảo lưu khi ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập ĐƯQT có thể được thực hiện với hai điều kiện: tuân thủ các quy định của ĐƯQT đó và tuân thủ các quy định tương ứng của pháp luật quốc tế. Việc tuân thủ các quy định của ĐƯQT đó có nghĩa là không thể thực hiện việc bảo lưu nếu ĐƯQT đó cấm bảo lưu hoặc hạn chế bảo lưu với những vấn đề nhất định. Đối với các quy định của pháp luật quốc tế, tối thiểu, bảo lưu không được trái với các nguyên tắc, mục đích của ĐƯQT hoặc với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Các văn bản điều tra của Nga đã khuyến cáo rằng một bảo lưu không thể được đưa ra bởi một cơ quan của Nhà nước một cách độc lập mà không có sự phối hợp với các cơ quan khác.

Dựa trên cách tiếp cận này, một ĐƯQT cần phải phê chuẩn, thì một bảo lưu sẽ được đưa ra theo quy định của Luật liên bang liên quan đến việc phê chuẩn ĐƯQT đó, sau đó phải được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền khác của Nhà nước. Việc bảo lưu theo nghĩa rộng đã được Liên bang Nga xây dựng đối với các ĐƯQT song phương, đặc biệt là trong quan hệ với Ukraine. Chính sách bảo lưu của các quốc gia trong khối Thịnh vượng chung các quốc gia độc lập (the Commonwealth of Independent States – CIS), bao gồm cả Nga, đã được Tòa kinh tế của CIS xem xét một cách đặc biệt, và tuyên bố rằng một số bảo lưu là bất hợp pháp. Luật năm 1995, trên cơ sở tuân thủ theo Công ước Viên 1969 về luật ĐƯQT, quy định những bảo lưu đó có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào theo đúng thủ tục mà nó được đưa ra.

Cơ quan thay mặt cho Liên bang Nga thông qua quyết định ràng buộc với ĐƯQT có quyền chấp nhận hoặc phản đối một bảo lưu của một quốc gia khác tham gia ký kết ĐƯQT đó theo những điều kiện của ĐƯQT hoặc các quy định của luật quốc tế. Các đề xuất liên quan đến việc chấp thuận hay phản đối bảo lưu được thực hiện theo quy định của Điều 16 hoặc Điều 9 Luật năm 1995.

3. Thực tiễn bảo lưu ĐƯQT của Liên bang Nga trong một số lĩnh vực

Khi tham gia Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao, liên quan đến Khoản 1 Điều 11 của Công ước, Liên bang Nga (thời điểm đó là Liên bang Xô viết) đã đưa ra bảo lưu như sau: “Theo nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết cho rằng, bất kỳ sự khác biệt nào về quan điểm quy mô của sứ mệnh ngoại giao phải được giải quyết trên cơ sở sự thỏa thuận giữa Nước cử và Nước tiếp nhận”. Khoản 1 Điều 11 Công ước Viên 1961 đề cập đến việc, khi không có sự thỏa thuận giữa Nước cử và nước tiếp nhận về số lượng thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao thì Nước tiếp nhận có thể căn cứ vào các yếu tố khác nhau để đưa ra con số hợp lý. Tuy nhiên, Nga đã đưa ra yêu cầu bảo lưu theo hướng sửa đổi điều khoản này và cho rằng việc này phải theo sự thỏa thuận của hai bên. Bảo lưu này của Nga là hoàn toàn hợp pháp, vì Nga dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế (nhất là một trong các nguyên tắc cơ bản: nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia), đồng thời bảo lưu này cũng không làm ảnh hưởng đến mục đích, đối tượng của Công ước Viên 1961. Bảo lưu này của Liên bang Nga cũng không nhận phải bất kỳ sự phản đối nào từ các quốc gia thành viên khác của Công ước.

Giống với một số quốc gia khác, đối với các ĐƯQT đưa ra thủ tục giải quyết tranh chấp cụ thể, Liên bang Nga cũng thường đưa ra bảo lưu đối với những điều khoản này để bảo đảm tối đa lợi ích của mình khi tham gia vào các vụ tranh chấp. Khi trở thành thành viên của Công ước về quyền ưu đãi và miễn trừ cho Liên hiệp quốc năm 1946, Liên bang Nga (thời điểm đó là Liên bang Xô viết) đã đưa ra tuyên bố bảo lưu như sau: “Liên bang Xô viết không xem như mình bị ràng buộc bởi Điều 30 của Công ước nhằm xem xét thẩm quyền bắt buộc của Tòa án quốc tế, và liên quan đến thẩm quyền của Tòa án quốc tế trong những khác biệt phát sinh từ việc giải thích, áp dụng Công ước; Liên bang Xô viết sẽ tuân thủ lập trường rằng, đối với một tranh chấp cụ thể để đưa ra giải quyết tại Tòa án quốc tế, trong mỗi trường hợp cụ thể phải có sự đồng ý của tất cả các bên trong tranh chấp. Việc bảo lưu này cũng tương tự như quy định trong phần liên quan đến ý kiến tư vấn của Tòa án quốc tế”.Liên bang Nga cũng đưa ra bảo lưu tương tự như vậy khi tham gia vào Công ước về các quyền ưu đãi và miễn trừ của các cơ quan chuyên môn năm 1947, Liên bang Nga sẽ không chấp nhận thẩm quyền đương nhiên của Tòa án công lý quốc tế với những tranh chấp phát sinh giữa Nga với các quốc gia thành viên của Công ước, mà chỉ chấp nhận đệ trình vụ việc này ra Tòa khi tất cả các bên chấp nhận đưa vụ việc ra Tòa.Thông thường các bảo lưu về thủ tục giải quyết tranh chấp hiếm khi gặp phải sự phản đối từ các quốc gia thành viên khác của Công ước.

Khi tham gia Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hoá quốc tế, dựa trên quy định của Điều 12 và Điều 96 Công ước, Liên bang Nga đưa ra tuyên bố bảo lưu đối với Điều 11, Điều 29 và Phần II Công ước. Công ước Viên năm 1980 cho phép các quốc gia thực hiện một số bảo lưu và tuyên bố bảo lưu của Nga trong phạm vi được Công ước cho phép. Nội dung tuyên bố bảo lưu của Nga như sau: “Bất kỳ quy định nào của Điều 11, Điều 29, hoặc Phần II của Công ước cho phép một hợp đồng mua bán hoặc sự sửa đổi hoặc huỷ bỏ trên cơ sở thoả thuận hoặc bất kỳ một sự chào hàng, chấp nhận chào hàng, hoặc ý định khác được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào khác ngoài bằng văn bản, không được áp dụng nếu một bên có địa điểm kinh doanh tại Liên bang Nga”. Bảo lưu của Nga liên quan đến hình thức của hợp đồng. Theo đó, hợp đồng cũng như những vấn đề liên quan đến hợp đồng (sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, chào hàng, chấp nhận chào hàng…) phải được lập thành văn bản nếu như bất kỳ bên nào trong hợp đồng có địa điểm kinh doanh tại Liên bang Nga.

4. Phản ứng của Liên bang Nga với bảo lưu ĐƯQT của các quốc gia khác

Là một thành viên của Công ước Viên 1961 về quan hệ lãnh sự, Liên bang Nga (thời điểm đó là Liên bang Xô viết) đã đưa ra hàng loạt các tuyên bố phản đối với các tuyên bố bảo lưu của các quốc gia khác, trong đó lý do Liên bang Xô viết phản đối là do việc bảo lưu của các quốc gia đó trái với các quy định của Công ước, hoặc bảo lưu không phù hợp với đối tượng, mục đích của Công ước. Cụ thể, với tuyên bố bảo lưu của Chính phủ các nước Bahrain, Chủ nghĩa xã hội nhân dân Libyan Ả rập Jamahiriya, Vương quốc Ả rập Xê-út về Điều 27 khoản 3, Liên bang Xô viết phản đối rằng “Việc bảo lưu này là trái với nguyên tắc về khả năng bất khả xâm phạm của túi ngoại giao được ghi nhận trong thực tiễn quốc tế và do đó không thể chấp thuận được”.

Ngoài ra, Chính phủ Liên bang Xô viết cũng không thừa nhận bảo lưu của Chính phủ Qatar đối với khoản 3 Điều 27 và khoản 2 Điều 37 của Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao, Liên bang Xô viết cho rằng bảo lưu này là bất hợp pháp vì nó mâu thuẫn với mục đích của Công ước. Tương tự, Liên bang Xô viết không thừa nhận tính hợp pháp của tuyên bố bảo lưu của Chính phủ Yemen với các Điều 27, 36, 37 của Công ước Viên 1961 vì những bảo lưu này mâu thuẫn với mục đích của Công ước.

Như vậy, có thể thấy rằng, khi đưa ra tuyên bố phản đối bảo lưu, Liên bang Nga đã chỉ ra rất rõ lý do vì sao phản đối, và thường Liên bang Nga sẽ phản đối khi bảo lưu của các quốc gia không phù hợp với mục đích, đối tượng của ĐƯQT đó.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập