1. Sở hữu chung theo phần là gì?
Theo Điều 209 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 209. Sở hữu chung theo phần
1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.
2. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Sở hữu chung theo phần có đặc thù là phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản. Cách thức hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ của mỗi chủ sở hữu trong sở hữu chung theo phần được xác định tương ứng với phần quyền sở hữu của mỗi người, ngoại trừ có thỏa thuận khác.
2. Sở hữu chung hợp nhất là gì?
Điều 210 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về sở hữu chung hợp nhất như sau:
Điều 210. Sở hữu chung hợp nhất
1. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.
Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.
2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung.
Nếu phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu trong sở hữu chung theo phần được xác định đối với tài sản chung thì trong sở hữu chung hợp nhất, nó lại “không được xác định”. Việc không xác định được không chỉ là yếu tố khách quan mà còn là yếu tố chủ quan. Bởi đôi khi tài sản chung có thể xác định được phần trên thực tế nhưng nhà làm luật cũng không xác định phần vì mục đích duy trì tính đồng thuận, nhất trí cao của các đồng sở hữu chủ khi thực hiện các quyền đối với tài sản chung. Chính bởi vậy, sở hữu chung hợp nhất được chia thành sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Yếu tố “có thể” phân chia là do các chủ thể thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định, ví dụ như sở hữu chung của vợ chồng. Sở hữu chung hợp nhất không phân chia là do ý chí của nhà làm luật muốn duy trì và bảo tồn hình thức sở hữu này vì lợi ích của số đông, lợi ích chung của cộng đồng như sở hữu chung nhà chung cư, sở hữu chung của dòng họ.
Việc hưởng quyền cũng như việc gánh các nghĩa vụ từ tài sản chung thuộc sở hữu chung hợp nhất là ngang nhau giữa các chủ sở hữu.
3. Thế nào là sở hữu chung của cộng đồng?
Theo Bộ luật dân sự 2015:
Điều 211. Sở hữu chung của cộng đồng
1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.
2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
3. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.
Theo đó, có thể xác định các yếu tố của sở hữu chung của cộng đồng như sau:
– Chủ thể của sở hữu chung cộng đồng là một tập hợp các cá nhân được gắn kết với nhau theo đơn vị hành chính như thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc. Đây được coi như những đơn vị hành chính nhỏ nhất nên sự gắn kết của các thành viên thường hình thành từ lâu đời và có mối quan hệ khăng khít với nhau. Họ có sở hữu chung đối với nhà văn hóa, nhà rông, đối với đường đi, giếng nước, sân đình..; chủ sở hữu chung cộng đồng còn là những người có cùng quan hệ huyết thống như dòng họ. Thực tế có rất nhiều dòng họ lớn có nhà thờ họ, tiền quỹ cũng các trang thiết bị được thiết kế kèm theo để phục vụ cho nhu cầu gặp gỡ, chia sẻ giữa các thành viên trong dòng họ như họ Vũ, họ Nguyễn, họ Trần… Thành viên của các dòng họ này được trải dài khắp mọi tỉnh thành của cả nước, thậm chí cả các Việt kiều ở nước ngoài cũng là thành viên của các dòng họ này; chủ sở hữu chung cộng đồng còn là những cá nhân có chung tín ngưỡng, tôn giáo như sở hữu chung đối với nhà chùa của các phật tử theo Phật giáo, đối với nhà thờ của Thiên Chúa Giáo;
– Căn cứ xác lập sở hữu chung cộng đồng là theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật. Yếu tố tự nguyện hay do tập quán là nguồn chủ yếu tạo lập nên tài sản chung của cộng đồng,
– Mục đích sử dụng tài sản chung cộng đồng là phải vì lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng. Do đó, nếu người dân có chứng cứ cho rằng những người được giao quyền quản lý tài sản chung cộng đồng đã lạm quyền để sử dụng tài sản chung nhằm mục đích tư lợi hay thực hiện các hoạt động từ tài sản chung nhưng đã đi trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc tuyên truyền lối sống mê tín, dị đoan, đồi trụy… thì sẽ bị tước quyền quản lý tài sản chung và phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác nữa;
– Thuộc loại hình thức sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Quy định này của pháp luật nhằm bảo tồn và duy trì các tài sản thuộc hình thức sở hữu này vì phần lớn những tài sản chung này đều chứa đựng các yếu tố văn hóa, lịch sử, có giá trị tinh thần của cả một dòng họ, vùng quê nên thể hiện nét đẹp của truyền thống dân tộc và mục đích sử dụng những tài sản này là vì cộng đồng chung. Cho nên bất cứ sự thỏa thuận nào giữa các thành viên của sở hữu chung cộng đồng (ngay cả đối với dòng họ) nhằm chia tài sản chung thì đều không được pháp luật cho phép.
4. Sở hữu chung của các thành viên gia đình
Trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều tài sản do các thành viên trong gia đình cùng tạo lập, đóng góp công sức để lập nên, đặc biệt là các tài sản có giá trị lớn như quyền sử dụng đất, nhà ở…. Vậy trong trường hợp nào thì tài sản được xác định là tài sản chung của hộ gia đình?
Tại Điều 212 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình
1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.
Như vậy, theo quy định tren sở hữu của các thành viên gia đình đối với tài sản chung về cơ bản là thuộc hình thức sở hữu chung theo phần, trừ các trường hợp khác được pháp luật quy định.
– Về chủ thể: là các thành viên gia đình. Các thành viên gia đình là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng với nhau nhưng phải cùng sống chung. ;
– Căn cứ xác lập quyền sở hữu chung đối với các thành viên gia đình: do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập nên và các căn cứ khác do luật quy định;
– Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung phải dựa trên nguyên tắc thỏa thuận. Đặc biệt, đối với những với tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình thì phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp sở hữu chung của vợ chồng.
5. Khi nào thì tài sản được xác định là sở hữu chung của vợ chồng?
Vấn đề xác định tài sản chung của vợ chồng có ý nghĩa đặc biệt quan trong khi vợ chồng có nhu cầu chia tài sản. Vì theo nguyên tắc chung của luật hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng sẽ chia đôi khi ly hôn. Theo Điều 213 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 213. Sở hữu chung của vợ chồng
1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.
5. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.
Khác với sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu chung của vợ chồng là hình thức sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Trong thời kỳ còn tồn tại sở hữu chung thì phần quyền sở hữu của mỗi người là như nhau theo nguyên tắc “của chồng công vợ” nhưng khi phân chia có thể do thỏa thuận, do một bên chết, do ly hôn thì phần quyền sở hữu của mỗi người mới được xác định. Việc xác định phần quyền sở hữu của mỗi người là một nửa trên tổng khối tài sản chung trừ khi có thỏa thuận khác hoặc có chứng cứ chứng minh phần công sức đóng góp của mỗi người vào khối tài sản chung là khác nhau. Việc định phần quyền của vợ/chồng trong khối tài sản chung khi phân chia cũng chính là căn cứ làm chấm dứt quyền sở hữu chung của vợ chồng.
Về căn cứ xác lập quyền sở hữu chung của vợ chồng được quy định tại dựa trên các quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng phải có sự thỏa thuận hoặc ủy quyền. Pháp luật còn cho phép vợ chồng được thỏa thuận về chế độ sở hữu chung trước khi kết hôn. Sự thỏa thuận này cần phải lập thành văn bản có công chứng và các bên phải thực hiện theo đúng những thỏa thuận này, trừ trường hợp sau đó các bên thỏa thuận hủy bỏ chế độ này thì quyền sở chung của vợ chồng lại tuân theo quy định của pháp luật.
6. Sở hữu chung trong nhà chung cư
Tại Điều 214 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về sở hữu chung trong nhà chung cư.
Theo khoản 3 Điều 3 Luật nhà ở năm 2014, nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.
Sở hữu chung nhà chung cư thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không phân chia vì những tài sản chung như diện tích, trang thiết bị và các tài sản khác dùng chung trong nhà chung cư nếu được phân chia thì làm mất đi giá trị sử dụng của nhà chung cư. Đối với các căn hộ trong nhà chung cư thì có thể thuộc sở hữu riêng hoặc sở hữu chung của chủ sở hữu các căn hộ. Việc quản lý, sử dụng đối với tài sản chung của nhà chung cư thì cần dựa trên nguyên tắc thỏa thuận và tất cả các chủ sở hữu chung đề có quyền ngang nhau. Theo Luật nhà ở năm 2014 thì chủ sở hữu các căn hộ sẽ bầu ra Bản quản trị nhà chung cư để quyết định sử dụng quỹ bảo trì là 2% giá trị của các căn hộ trong tòa nhà vì lợi ích chung của nhà chung cư.
Trường hợp nhà chung cư bị tiêu hủy thì quyền của chủ sở hữu các căn hộ đối với phần diện tích đất chung của tòa nhà vẫn không mất đi. Neu quyền sử dụng đất do chủ đầu tư thuê của nhà nước 50 năm thì chủ sở hữu các căn hộ chỉ có quyền sở hữu căn hộ và có quyền sử dụng đất chung trong thời hạn 50 năm. Nếu chủ đầu tư được nhà nước giao đất ổn định và lâu dài thì chủ sở hữu các căn hộ cũng có quyền sở hữu căn hộ và có quyền sử dụng đất chung ổn định lâu dài. Trường hợp nhà chung cư bị tiêu hủy do thiên tai hoặc do chất lượng của nhà đã quá cũ thì việc quyết định xây mới và quyền lợi, nghĩa vụ của các chủ sở hữu căn hộ cũng phải dựa trên sự thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
7. Thế nào là sở hữu chung hỗn hợp?
Theo Điều 215 Bộ luật dân sự 2015 thì:
Điều 215. Sở hữu chung hỗn hợp
1. Sở hữu chung hỗn hợp là sở hữu đối với tài sản do các chủ sở hữu thuộc các thành phần kinh tế khác nhau góp vốn để sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận.
2. Tài sản được hình thành từ nguồn vốn góp của các chủ sở hữu, lợi nhuận hợp pháp thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc từ nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu chung hỗn hợp.
3. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung hỗn hợp phải tuân theo quy định tại Điều 209 của Bộ luật này và quy định của pháp luật có liên quan đến việc góp vốn, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, điều hành, trách nhiệm về tài sản và phân chia lợi nhuận.
Sở hữu chung hỗn hợp thuộc hình thức sở hữu chung theo phần, tuy nhiên chúng có những đặc điểm riêng sau đây:
– Chủ sở hữu chung thuộc các thành phần kinh tế khác nhau như kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân;
– Tài sản chung là vốn góp để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh thu lợi nhuận. Tài sản chung để góp vốn có thể là bất cứ loại tài sản nào như quyền sử dụng đất, nhà ở, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản khác… Việc góp vốn phải được lập thành văn bản, có công chứng và đăng ký nếu pháp luật có quy định.
– Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung hỗn hợp vừa tuân thủ quy định của sở hữu chung theo Điều 209 Bộ luật dân sự và quy định của pháp luật có liên quan đến việc góp vốn, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, điều hành, trách nhiệm về tài sản và phân chia lợi nhuận. Luật doanh nghiệp năm 2020 là luật chuyên ngành điều chỉnh các quan hệ về góp vốn vào doanh nghiệp và khi đó có điều lệ hoạt động của doanh nghiệp điều chỉnh về quan hệ góp vốn này.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.