pháp luật thời kì cổ đại.
1. Khái quát về Bộ luật Hammurabi
Bộ luật Hammurabi được xây dựng trên cơ sở pháp điển hoá nhiều văn bản trước đó và trên cơ sở kế thừa luật lệ của người Xu-me, người Amôrít. Đây là văn bản luật cổ nhất còn được bảo tồn tới ngày nay. Bộ luật được tạo ra vào khoảng những năm 1760 trước công nguyên (TCN) do vị vua thứ sáu của Babylon là vua Hammurabi ban hành và khắc trên đá bazan cao 2,25m và dựng tại quảng trường thành phố cho nhân dân đọc mà thi hành. Bộ luật Hamurabi là bộ luật tương đối hoàn chỉnh thời kỳ cổ đại, gồm 282 điều (hiện chỉ đọc được 247 điều) bao gồm ba phần: Phần mở đầu, phần nội dung và kết luận. Bộ luật được phát hiện vào năm 1901 bởi nhà Ai Cập học Gustave Jéquier thành viên của đoàn thảm hiểm do Jacques de Morgan chỉ huy.
Đây là một bộ luật tổng hợp được xây dựng dưới dạng luật hình, bao gồm các qui phạm pháp luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực và đều có chế tài, chủ yếu điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan đến lợi ích của giai cấp thống trị.
Bên cạnh đó, bộ luật còn chưa đựng các quy phạm sơ đẳng mô tả việc kể cả vua cũng không thể thay đổi các quy định, luật lệ nền tảng cho việc xây dựng, quản lý, điều hành đất nước. Có thể coi những điều khoản đó gần như là nguồn gốc dẫn đến sự ra đời của một văn bản pháp luật mà hiện nay chúng ta gọi là Hiến pháp.
2. Khái quát về Luật La Mã
Luật La Mã là không phải là tên của một bộ luật (như Bộ luật Hammurabi) mà chỉ hệ thống luật cổ của La Mã, được xây dựng cách đây khoảng hơn 2000 năm (449 TCN). Từ Thập Nhị Bảng (Mười hai bảng – các bảng đã tập hợp các đạo luật có nguồn gốc từ truyền thống, tập quán trước đó thành một bộ luật) đến bộ luật Pháp điển Dân luật học do Hoàng đế Đông La Mã Justinianus I ban hành. Hệ thống Luật La mã đầu tiên được áp dụng cho thành Roma và sau đó là cả đế quốc La Mã. Các nguồn của Luật La Mã thời Cổ đại được sưu tập trong Corpus Iuris Civilis được tái khám phá trong thời kỳ trung cổ và mãi cho đến thế kỷ XIX vẫn được xem là nguồn luật pháp quan trọng trong phần lớn các quốc gia châu Âu. Vì thế mà người ta cũng có thể gọi các luật lệ có hiệu lực trên lục địa châu Âu trong thời kỳ trung cổ và trong thời gian đầu của thời kỳ hiện đại là Luật La Mã. Có thể nói, luật La Mã đã tạo nên khuôn khổ cơ bản nhất cho luật dân sự, hệ thống luật được sử dụng phổ biến hiện nay
3. Các quy định về dân sự trong Bộ luật Hammurabi và Luật La Mã
Trong bộ luật Hammurabi, các quy định về dân sự được coi là điểm tiến bộ và đặc sắc nhất. Bởi quan hệ dân sự là quan hệ phổ biến tại thời điểm bấy giờ nên đòi hỏi các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ đó phải hết sức chặt chẽ linh hoạt, đa dạng về nội dung. Các chế định về dân sự chủ yếu trong bộ luật Hammurabi là chế định hợp đồng; chế định đối với ruộng đất, chế định thừa kế, và các chế định về hôn nhân, gia đình
Tại hệ thống pháp luật La Mã, bắt đầu với Luật Mười hai bảng. Về cơ bản, đây không được coi là một bộ luật theo nghĩa hiện đại. Phần lớn các quy định trong đó được thiết kể để thay đổi luật tục hiện có liên quan tới luật tư và thủ tục dân sự là chủ yếu. Nhiều đạo luật tiếp theo như Lex Canuleia, Leges Licinae Sextiae có chứa các quy định về chế độ sở hữu ruộng đất. Tới luật La Mã cổ điển, luật La Mã đã đạt được những thành tự lập pháp nhất định. Chế định dân sự trong Luật La Mã có những nội dung cụ thể hơn như vật quyền, các loại hợp đồng tiêu chuẩn,… Trong cả một quá trình kéo dài trên dưới một ngàn năm, trong đó, phần pháp luật dân sự là bộ phận nổi bật nhất mà các chế định của nó, từ quyền sở hữu, vật quyền, hợp đồng, trái vụ, hôn nhân và gia đình, thừa kế vẫn còn giữ nguyên giá trị.
4. Sự tương đồng về chế định dân sự trong hai bộ luật
Nguồn của hai bộ luật , nguồn của hai bộ luật nói chung và luật dân sự nói riêng: bao gồm các quyết định của vua hay hoàng đế (ở đây là vua Hammurabi và các hoàng đế La Mã) và sự kế thừa các tập quán hay dựa trên việc pháp điển hóa một số văn bản có trước.
Các quan hệ xã hội, các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự trong hai bộ luật hết sức đa dạng và phong phú bởi một nguyên nhân chủ yếu sau: nền kinh tế hàng hóa ở hai quốc gia này phát triển mạnh.
Vì lẽ trên, các chế định của luật dân sự trong cả hai bộ luật hết sức phong phú, bao quát hầu hết các quan hệ dân sự như: quyền sở hữu, hợp đồng, hôn nhân và gia đình, thừa kế. Nội dung của một số chế định luật dân sự có sự tương đồng nhau, cho thấy sự tiến bộ hơn cả của hai bộ luật so với những bộ luật khác trong thời kì cổ đại.
5. Điểm khác biệt giữa hai bộ luật
Tên gọi. Trong bộ luật Hammurabi các nhà làm luật chưa đưa ra được khái niệm, định nghĩa về hợp đồng là gì mà đi thẳng luôn vào việc đưa ra các điều luật quy định nội dung của hợp đồng.
Còn Luật La Mã có điểm tiến bộ hơn là đã đưa ra được định nghĩa về hợp. Theo luật La Mã hợp đồng là sự tự do, tự nguyện, thể hiện ý chí thống nhất của các bên tham gia hợp đồng nhằm thiết lập quan hệ trách nhiệm và nghĩa vụ.
Điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Trong chế định hợp đồng của bộ luật Hammurabi có sự phát triển hơn, quy định chặt chẽ hơn. Trong bộ luật Ham murabi quy định ba điều kiện đó là:
-Tài sản mua bán phải được bảo đúng giá trị sử dụng của nó.
-Người bán phải là người chủ thực sự của tài sản.
-Khi tiến hành hợp đồng phải có người thứ ba làm chứng.
Điều kiện thứ ba sẽ tránh được những tranh cãi về sau giữa hai bên, cũng chính điều này tạo nên sự phát triển, chặt chẽ hơn của luật Ham murabi.
Luật La Mã, chỉ quy định hai điều kiện một là hợp đồng phải do sự thỏa thuận giữa hai bên, không được lừa dối, không được dùng vũ lực. Hai là hợp đồng phải phù hợp với quy định của luật pháp. Ở đây, khái niệm không được lừa dối không rõ ràng đối với thực tiễn.
Phân loại hợp đồng. Trong luật La Mã, dựa vào thực tiễn xét xử, các luật gia La Mã đã phân chia thành hai loại: Hợp đồng thực tại và hợp đồng thỏa thuận.
– Hợp đồng thực tại thì trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên phát sinh không phải tại thời điểm “ký kết hợp đồng” mà bắt đầu khi thực tế “trao tài sản”. Gồm hợp đồng cho vay và hợp đồng cho mượn.
– Hợp đồng thỏa thuận thì hiệu lực phát sinh tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Còn trong Bộ luật Hammurabi thì có ba loại hợp đồng chủ yếu: Hợp đồng mua bán, hợp vay mượn và hợp đồng lĩnh canh ruộng đất. Hợp đồng mua bán thường áp dụng các chế tài hình sự ở hầu hết các khoản. Luật này còn quy định riêng đối với trường hợp bán nô lệ.
Trái vụ. Trái vụ được quy định trong chế định hợp đồng của Luật La Mã như sau: trái vụ là nghĩa vụ phải thực hiện khi các chủ thể (1 trong các bên) không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Trái vụ sẽ xuất hiện khi có sự vi phạm hợp đồng. Bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường mà ở đó luật La Mã gọi là “thụ trái”. Trái vụ là quy định quan tọng nhất trong chế định hợp đồng được các nhà làm luật quy định cụ thể.
Còn ở Bộ luật Hammurabi chưa quy định cụ thể các quy định liên quan đến trái vụ mà chỉ thấy hình bóng chúng nằm rải rác ở các điều.
Quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể. Luật La Mã quy định chặt chẽ hơn về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong mỗi loại hợp đồng, quy định rõ ràng hơn cũng như chia nhỏ từng loại hợp đồng so với luật Ham murabi. Việc chia nhỏ từng loại hợp đồng sẽ dễ dàng hơn trong thực tế áp dụng luật. Luật La Mã quy định nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi bên, thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ cũng như thời điểm hợp đồng bắt đầu có hiệu lực tránh những tranh cãi phát sinh.
Luật Hammurabi thiên về bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, những kẻ giàu có cho vay mượn, thuê mướn luôn được pháp luật bảo vệ, còn nhân dân lao đông nghèo khổ là đối tượng trừng trị của pháp luật. Trong hợp đồng cho vay mượn của luật La Mã quy định: người vay phải trả lại vật tương tự, còn ở bộ luật Ham murabi quy định: mức lãi tối đa của hợp đồng vay tiền là 1/5, vay thóc là 1/3. Hơn nữa, chủ nợ có quyền giữ người nợ và các thành viên trong gia đình người mắc nợ để làm con tin, hoặc giữ những bất động sản ( điều 115, 117).
Hình thức của hợp đồng. Đối với Luật La Mã, hình thức giao kết hợp đồng có 3 loại cơ bản: Hợp đồng miệng, hợp đồng thề (phát sinh khi có lời thề), hợp đồng viết (có chữ kí của 2 bên và phải có người làm chứng).
Còn trong luật Hammurabi thì hình thức bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực là hợp đồng phải được kí kết bằng văn bản.
Chế tài. Vấn đề chế tài của hợp đồng, ở Luật Hammurabi chế tài của hợp đồng thường là chế tài hình sự. Bộ luật quy định nếu người bán bị người làm chứng tố cáo vật bán là của người khác, thì sẽ bị tử hình. Ngược lại, nếu có người nhận vật bán là của mình bị mất và người đó không có người làm chứng nhận biết đồ vật đó, thì người nhận đó cũng bị tử hình, vì luật cho rằng đó là tội vu khống ( điều 9 và điều 11).
Ở luật La Mã, chế tài của hợp đồng là trái vụ. Trái vụ là sự bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra. Các biện pháp để bảo đảm trái vụ là cầm cố vật, sự bảo lãnh của người trung gian. Theo nguyên tắc chung, hợp đồng bị hủy bỏ nếu có sự nhất trí của hai bên. Nhưng trên thực tế, trái vụ có thể bị đình chỉ khi có một trong các điều kiện sau: hai bên thỏa thuận chuyển khoản nợ cũ sang trái vụ mới, người chủ nợ từ chối quyền đòi hỏi của mình, hết thời hiệu đưa đơn kiện ( theo qui định của tòa án), người mắc nợ gặp phải thiên tai địch đọa không thể cưỡng lại được. Có thể nói, luật Hammurabi đã hình sự hóa hầu hết các quan hệ xã hội. Điều này cũng thể hiện sự bất bình đẳng rõ nét và sự tiếp thu những tàn dư của cách xử sự trong xã hội công xã nguyên thủy.
Từ những luận điểm trên, ta có thể thấy sự bình đẳng trong chế định hợp đồng của bộ luật La Mã được thể hiện đậm nét hơn so với bộ luật Hammurabi. Đó là điểm tiến bộ có thể được coi là vượt bậc trong tư tưởng của nhà làm luật thời cổ đại về sự công bằng, bình đẳng giữa các cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp luật.