1. Khái quát đào tạo Thẩm phán ở Nhật Bản
Ở Nhật Bản, để trở thành Luật sư, Công tố viên, Thẩm phán, ứng cử viên phải thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia để vào học tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp thuộc Tòa án tối cao.
Cơ quan có chức năng đào tạo tư pháp là Trường đào tạo các chức danh tư pháp thuộc Tòa án tối cao. Trường được thành lập năm 1947, có chức năng đào tạo nghiệp vụ để làm Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư, và bồi dưỡng (đào tạo lại) các Thẩm phán đã được bổ nhiệm. Mô hình đào tạo và bồi dưỡng này một mặt giúp Nhật Bản thống nhất hoá việc đào tạo nghề vào một cơ quan nhằm trang bị cho những người sẽ làm Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư cùng những kỹ năng nghề nghiệp ban đầu tiêu chuẩn chung, và mặt khác, giúp Tòa án, Viện Công tố và Đoàn Luật sư có những sáng kiến xây dựng giáo trình đào tạo và cập nhật kiến thức phù hợp với các yêu cầu thực tiễn cho mỗi chức danh.
Với chức năng đào tạo cho những người sẽ làm Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư, thường xuyên bồi dưỡng cho Thẩm phán, bộ phận đào tạo của Trường có hai phòng: phòng thứ nhất là phòng đào tạo (theo nghĩa đào tạo lại) và nghiên cứu tư pháp dành cho các Thẩm phán đã được bổ nhiệm, và phòng thứ hai là phòng đào tạo các chức danh tư pháp (dành cho những học viên tư pháp thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia) là nguồn của Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư. Ngoài bộ phận đào tạo, Trường có Ban Thư ký chịu trách nhiệm về công việc hành chính và hậu cần.
2. Về kỳ thi Tư pháp quốc gia ở Nhật Bản
Để được học tại Trường Đào tạo các chức danh tư pháp, học viên phải thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia. Việc tiến hành kỳ thi này phải tuân thủ chặt chẽ quy định về kỳ thi tư pháp quốc gia.
+ Hội đồng quản lý kỳ thi Tư pháp quốc gia
Hội đồng tiến hành các kỳ thi, bao gồm các thành viên đến từ Tòa án tối cao, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư quốc gia. Giúp việc cho Hội đồng là Ban Thư ký do Bộ Tư pháp thành lập. Giám khảo là các Thẩm phán, Luật sư và Công tố viên do các cơ quan liên quan chỉ định. Các Luật sư nổi tiếng làm việc tại các cơ sở đào tạo lớn cũng được tham gia Ban giám khảo.
+ Điều kiện tham gia kỳ thi Tư pháp quốc gia
Luật về kỳ thi Tư pháp quốc gia không giới hạn thí sinh tham gia về độ tuổi, trình độ, giới hoặc số lần tham gia kỳ thi. Tuy nhiên, do yêu cầu chuyên môn rất cao của kỳ thi, nên phần lớn thí sinh đều có kiến thức pháp luật cơ bản. Thông thường, những người đỗ kỳ thi là người có bằng đại học Luật của các trường đại học.
+ Tiến hành kỳ thi Tư pháp quốc gia
Kỳ thi Tư pháp quốc gia được tổ chức hàng năm, vòng thi thứ nhất vào tháng 1 và vòng thi thứ hai vào tháng 5, kết thúc vào tháng 11. Về nguyên tắc, thí sinh phải thi đỗ hai vòng: vòng thứ nhất kiểm tra các chủ đề kiến thức cơ bản như địa lý, lịch sử, văn học. Những người đã kết thúc khoá học cơ bản 2 năm về các chủ đề này có quyền tham dự vòng thi thứ hai. Vòng thi thứ hai là về các môn luật Hiến pháp, luật dân sự, luật tố tụng dân sự, luật hình sự, luật tố tụng hình sự. Thí sinh có quyền chọn một số môn họ quan tâm. Vòng thi chuyên môn này tổ chức vào tháng 5. Nhưng từ kỳ thi Tư pháp quốc gia năm 2000, bắt buộc thí sinh phải kiểm tra 2 môn: tố tụng dân sự và tố tụng hình sự.
Để thi đỗ vòng thi này, thí sinh phải viết bài thi vào tháng 7. Chủ đề bài thi liên quan đến các luật cụ thể: Hiến pháp, hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, luật thương mại hoặc luật chuyên ngành khác.
Thí sinh thi đỗ bài viết phải chuẩn bị cho kỳ thi vấn đáp được tổ chức vào tháng 9. Hội đồng thi vấn đáp sẽ phỏng vấn thí sinh những vấn đề nghiệp vụ và định hướng nghề nghiệp của thí sinh, đánh giá kỹ năng nói, khả năng trình bày, giải quyết tình huống. Thời gian thi vấn đáp là từ 10-20 phút, tuỳ từng thí sinh.
Căn cứ vào chỉ tiêu hàng năm, Ủy ban kiểm tra sẽ kiểm tra và lựa chọn thí sinh đỗ. Ví dụ, trước năm 1957, chỉ tiêu này là 200, từ năm 1957-1990: 500; đến 1993: 700; 1998:800; và năm 2000:1000. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cán bộ tư pháp của xã hội, số lượng thí sinh đỗ tăng dần hàng năm. Theo báo cáo của Hội đồng đánh giá cải cách tư pháp Nhật Bản, trong giai đoạn 2005-2010, số lượng thí sinh đỗ có thể lên tới 3000 hàng năm.
Kỳ thi Tư pháp quốc gia là kỳ thi khó nhất tại Nhật Bản. Rất ít người đỗ ngay đợt thi đầu tiên. Một số đỗ sau lần thi thứ 7 và nhiều người không thể đỗ kỳ thi này. Ví dụ, năm 2000, có 30.000 thí sinh nhưng chỉ có 1000 người đỗ. Để thi đỗ, nhiều người đã tham dự các khoá đào tạo tư nhân và dịch vụ đào tạo này có lợi nhuận cao.
Để khắc phục tình trạng này, Nhật Bản tiến hành thay đổi kỳ thi Tư pháp quốc gia. Nhật Bản quyết định thành lập hệ thống “Trường Luật” theo kiểu Nhật, bắt đầu hoạt động từ năm 2004, với mục đích là cung cấp kiến thức chuyên môn cơ bản và pháp lý cho những người chuẩn bị tham gia kỳ thi Tư pháp quốc gia để học tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp. “Trường Luật” được tổ chức trong các trường đại học. Những thí sinh có bằng đại học Luật sẽ học trong “Trường Luật” 02 năm, còn những người tốt nghiệp đại học ngành khác phải học luật trong “Trường Luật” 03 năm. Những người tốt nghiệp “Trường Luật” được cấp bằng Thạc sĩ Luật, và nếu họ mong muốn theo học tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp, họ phải làm đơn xin và chỉ phải làm bài thi viết. Với mô hình này, hy vọng rằng số lượng Luật sư nói chung, cũng như số lượng cán bộ tư pháp nói riêng sẽ tăng lên, đồng thời chất lượng nghiệp vụ của họ cũng được cải thiện đáng kể.
Thay đổi trong quy trình đăng ký thi tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp được áp dụng từ năm 2006. Theo quy định mới, thí sinh phải tốt nghiệp “Trường Luật” và được phép dự thi tối đa là 3 lần.
3. Chương trình đào tạo và thực hiện chương trình đào tạo ở Nhật Bản
+ Tổng quan về chương trình đào tạo
Một đặc điểm của đào tạo tư pháp tại Nhật Bản là các học viên nghiên cứu cùng một chương trình, bất kể họ sẽ giữ các chức danh tư pháp khác nhau trong tương lai: Thẩm phán, Luật sư, Công tố viên. Học viên được trang bị kỹ năng của cả Thẩm phán, Luật sư và Công tố viên. Không chia thành các lớp học riêng rẽ. Cũng không có chương trình dành riêng cho người muốn trở thành Thẩm phán, Công tố viên hay Luật sư. Chương trình giảng dạy này nhằm cung cấp cho học viên kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ chung, hạn chế những khác biệt không cần thiết về quan điểm của Thẩm phán, Luật sư và Công tố viên trong cùng vụ kiện.
+ Các giai đoạn đào tạo
Trước 2011, chương trình đào tạo chức danh tư pháp kéo dài 18 tháng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 dài 3 tháng, là giai đoạn học tại Trường. Giai đoạn 2 dài 12 tháng, thực tập tại Tòa án, Viện Công tố và hãng luật. Giai đoạn 3 dài 3 tháng, là giai đoạn đào tạo đặc biệt tại Trường.
Từ 2011, chương trình đào tạo chỉ còn 12 tháng, tức là chỉ còn giai đoạn 2 trước năm 2011.
– Giảng viên
Cán bộ giảng dạy của Trường là các Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư. Họ là các chuyên gia giỏi, được chỉ định làm giảng viên của Trường trong thời hạn phân công từ 3-4 năm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ quay trở lại đơn vị công tác cũ, được bố trí công tác mới; Luật sư quay lại hành nghề luật.
4. Bồi dưỡng Thẩm phán ở Nhật Bản
Nhật Bản rất quan tâm đến việc bồi dưỡng Thẩm phán và vấn đề này được pháp luật quy định. Trường đào tạo các chức danh tư pháp có trách nhiệm bồi dưỡng Thẩm phán dưới nhiều hình thức.
Các Thẩm phán phụ thẩm (tức các Thẩm phán dưới 10 năm kinh nghiệm) là đối tượng được quan tâm đặc biệt trong việc bồi dưỡng. Theo quy định của luật, các Thẩm phán này bắt buộc phải tham dự lớp bồi dưỡng sau năm thứ nhất, thứ ba, thứ sáu và thứ mười sau khi được bổ nhiệm làm Thẩm phán phụ thẩm (hay còn gọi là trợ lý Thẩm phán). Chương trình bồi dưỡng được tổ chức một cách có hệ thống, bao hàm tất cả các lĩnh vực dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, người chưa thành niên. Chương trình này được áp dụng cho tất cả các Thẩm phán phụ thẩm bất kể họ đang đảm nhận công việc trong lĩnh vực nào.
Ngoài việc bồi dưỡng các Thẩm phán phụ thẩm, Trường cũng tiến hành bồi dưỡng cho các Thẩm phán đã được bổ nhiệm chính thức, cho các Chánh án có nhiều năm kinh nghiệm.
Việc bồi dưỡng được tiến hành dưới nhiều hình thức:
Học tập trung tại Trường;
Học tập tại chỗ: làm việc tại Trường, làm việc tại cơ quan hành chính, tham gia vào hoạt động của bệnh viện, nhà tù v.v…
Bồi dưỡng theo chủ đề, như: phá sản, dân sự, y tế…
Tự đào tạo: Trường cung cấp các phương tiện, tài liệu cho học viên tự học như bài giảng, băng video, nghiên cứu vụ án.
5. Bổ nhiệm Thẩm phán ở Nhật Bản
– Chánh án Tòa án tối cao do Hoàng đế bổ nhiệm theo đề nghị của Nội các. Thẩm phán Tòa án tối cao do Nội các bổ nhiệm và Hoàng đế phê chuẩn. Chánh án Tòa án tối cao ngang cấp với Thủ tướng, Thẩm phán Tòa án tối cao ngang cấp với Bộ trưởng, Tổng Công tố (tương đương Viện trưởng VKSNDTC Việt Nam).
Thẩm phán Tòa án tối cao là những người có tầm hiểu biết rộng, có kiến thức sâu về pháp luật và từ 40 tuổi trở lên. Trong số 15 Thẩm phán Tòa án tối cao thì ít nhất phải có 10 Thẩm phán được chọn trong số các Thẩm phán, Công tố viên, Luật sư, Giáo sư, Phó Giáo sư xuất sắc trong các khoa luật. Những Thẩm phán còn lại không nhất thiết phải là luật gia.
Việc bổ nhiệm Chánh án Toà án tối cao và Thẩm phán Toà án tối cao sẽ được cử tri bỏ phiếu tín nhiệm cùng với việc bầu cử Hạ viện. Và cứ sau 10 năm nhân dân lại bỏ phiếu “chuẩn y” việc bổ nhiệm trên tại cuộc bầu cử Hạ viện.
– Thẩm phán Tòa án cấp dưới (Tòa án cấp cao, Tòa án địa phương cấp tỉnh, Tòa án gia đình và Tòa án đơn giản), do Nội các bổ nhiệm theo đề nghị của Tòa án tối cao.
Ủy ban tư vấn bổ nhiệm Thẩm phán sẽ thẩm tra các ứng cử viên bổ nhiệm Thẩm phán do Tòa án tối cao đề xuất. Tòa án tối cao sẽ chuyển danh sách nayhf cho Nội các bổ nhiệm. Uỷ ban tư vấn bổ nhiệm Thẩm phán gồm 11 thành viên, trong đó 6 người được chọn từ Thẩm phán, Công tố viên, Luật sư của LVN Group, 5 người khác được chọn từ giới “thượng lưu” pháp luật.
Để được bổ nhiệm Thẩm phán thì trước hết phải tốt nghiệp Trường đào tạo các chức danh tư pháp và phải có đơn gửi Tòa án tối cao. Ủy ban tư vấn bổ nhiệm Thẩm phán sẽ tư vấn cho Tòa án tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán. Những người được chấp nhận sẽ được bổ nhiệm làm Thẩm phán phụ thẩm, sau 10 năm sẽ được bổ nhiệm Thẩm phán chính thức.
– Thẩm phán Tòa án đơn giản được bổ nhiệm trong số những người giữ chức vụ Chánh án Toà án cấp cao, Thẩm phán hoặc từ những người đã hành nghề luật (Thẩm phán phụ thẩm, Công tố viên, Luật sư) từ 3 năm trở lên hoặc từ những Thư ký Tòa án, những người có nhiều kinh nghiệm xét xử thực tiễn hoặc kiến thức nghề nghiệp cần thiết.
Thẩm phán Toà án đơn giản do Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Toà án đơn giản tuyển chọn.
– Nhiệm kỳ của các Thẩm phán (trừ Thẩm phán Tòa án tối cao) là 10 năm. Thẩm phán Tòa án tối cao và Thẩm phán Tòa án đơn giản nghỉ hưu ở tuổi 70, các Thẩm phán khác nghỉ hưu ở tuổi 65.
6. Kỷ luật, bãi nhiệm Thẩm phán
6.1. Kỷ luật Thẩm phán:
Theo quy định tại Điều 49 Luật Toà án Nhật Bản thì Thẩm phán sẽ bị kỷ luật do vi phạm hoặc có hành vi bất cẩn nghề nghiệp, có hành vi cư xử không đúng làm ảnh hưởng đến thanh danh của Toà án. Các biện pháp kỷ luật do Toà án tối cao hoặc Toà án cấp cao thực hiện.
6.2. Bãi nhiệm Thẩm phán:
Theo Điều 64 của Hiến pháp Nhật Bản thì: Quốc hội sẽ lựa chọn đại biểu của cả hai Viện (Thượng viện và Hạ viện) để thành lập một Hội đồng xem xét việc bãi nhiệm Thẩm phán. Hội đồng gồm bảy thành viên của hai Viện (nhưng độc lập và không bị ràng buộc bởi quyết định của Quốc hội) sẽ giải quyết vụ việc do Uỷ ban Công tố của Quốc hội đưa ra. Cơ sở bãi nhiệm là hành vi vi phạm hoặc bất cẩn nghiêm trọng và cư xử không đúng làm ảnh hưởng đến quyền lực và uy tín của Thẩm phán (bất kể hành vi đó xảy ra trong hay ngoài thời gian thực hiện công vụ của Thẩm phán). Hội đồng quyết định bãi nhiệm hoặc miễn trách (thông qua đa số 2/3 thành viên).