1. Đào tạo và bồi dưỡng Thẩm phán cho Tòa án ngạch tư pháp ở Cộng Hòa Pháp
1.1. Đào tạo ban đầu
– Cơ quan đào tạo
Trường Thẩm phán quốc gia có chức năng đào tạo nghề Thẩm phán cho các đối tượng có liên quan và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Thẩm phán đang công tác.
Trường Thẩm phán quốc gia là đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp.
Về cơ cấu tổ chức: Trường có Hiệu trưởng và Hội đồng quản trị. Chủ tịch Hội đồng quản trị là Chánh án Tòa phá án và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị là Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Tòa phá án (tương tự Viện trưởng VKSNDTC ở ta). Như vậy, Trường được đặt dưới sự quản lý của hai nhân vật cao cấp nhất của hệ thống tư pháp của Pháp.
Giảng viên của Trường đều là các Thẩm phán chuyên nghiệp được biệt phái đến giảng dạy trong thời hạn 3 năm (cũng có thể được kéo dài thêm 3 năm nữa).
Ngân sách của Trường được Nhà nước cấp riêng trên cơ sở Dự toán hàng năm do Hội đồng quản trị phối hợp với Bộ Tư pháp lập.
– Về đối tượng tuyển dụng
Thẩm phán ngạch Tòa án Tư pháp bao gồm Thẩm phán xét xử và Thẩm phán công tố (Kiểm sát viên). Cụ thể, việc tuyển dụng đào tạo nguồn Thẩm phán được thực hiện thông qua 3 kỳ thi tuyển dành cho các đối tượng học viên khác nhau.
Kỳ thi thứ nhất: Dành cho đối tượng là sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Luật, không quá 27 tuổi.
Kỳ thi tuyển thứ hai: Dành cho các công chức Nhà nước có nguyện vọng trở thành Thẩm phán, có thời gian công tác ít nhất 4 năm, không quá 46 tuổi 5 tháng (tính đến ngày dự thi).
Kỳ thi tuyển thứ ba: Dành cho tất cả các đối tượng khác có nguyện vọng trở thành Thẩm phán: không quá 40 tuổi, có 8 năm công tác trong ngành nghề chuyên môn thuộc khu vực tư nhân.
Ngoài ra còn có hình thức cử tuyển (không phải thi) nếu đủ các điều kiện sau:
– Tuổi từ 27 đến 40; Về trình độ, thuộc một trong ba trường hợp như sau: (i) có bằng Đại học Luật và có 4 năm hoạt động trong lĩnh vực pháp luật; (ii) có bằng Tiến sĩ Luật và một bằng đại học chuyên ngành khác; (iii) có bằng Đại học Luật và có 3 năm tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở một cơ sở đào tạo về Luật.
– Về quy trình đào tạo
Thời gian đào tạo là 31 tháng, trong đó: 25 tháng đào tạo tổng thể; 6 tháng đào tạo chuyên sâu.
Thời gian đào tạo 25 tháng: Học viên đi thực tập trước (khoảng 3 tháng 1 tuần) tại Tòa án và các cơ quan khác (như doanh nghiệp, trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi…). Sau đó 8 tháng được học lý thuyết: viết bản án, viết cáo trạng, kỹ năng xét xử… Tiếp đến 14 tháng thực tập, học viên lần lượt thực hiện chức năng của Thẩm phán (xét xử, công tố).
Thời gian đào tạo chuyên sâu 6 tháng: Tập trung đào tạo kỹ năng về lĩnh vực mà học viên lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Thí dụ: Học viên lựa chọn vị trí Thẩm phán chuyên xét xử án hôn nhân gia đình thì sẽ được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.
1.2. Đào tạo bồi dưỡng
Hàng năm các Thẩm phán phải tham dự một khoá bồi dưỡng kiến thức một tuần, khoá bồi dưỡng này được tổ chức dưới hình thức tập trung tại cơ sở bồi dưỡng Thẩm phán của Trường Thẩm phán quốc gia tại Paris hoặc dưới hình thức không tập trung trong quản hạt của mỗi Tòa phúc thẩm. Trong mỗi Tòa phúc thẩm, có một Thẩm phán chuyên trách về vấn đề đào tạo thường xuyên cho Thẩm phán.
2. Tuyển dụng và đào tạo Thẩm phán hành chính ở Cộng Hòa Pháp
2.1. Tuyển dụng
Tuyển dụng thành viên Tham chính viện (Tòa án hành chính tối cao)
- Qua thi tuyển
Thẩm phán sơ cấp (auditeurs) được tuyển dụng trong số các học viên tốt nghiệp Trường Hành chính quốc gia (để vào được Trường này, học viên phải qua thi tuyển).
Sau thời gian công tác 3 năm, Thẩm phán sơ cấp được chuyển lên bậc Thẩm phán phụ trách điều tra và sau khoảng 12 năm lên bậc Ủy viên Tham chính viện.
- Qua “bên ngoài”
Một phần tư Thẩm phán phụ trách điều tra và một phần ba Ủy viên Tham chính viện do Chính phủ bổ nhiệm. Một nửa là Thẩm phán trong các Tòa hành chính sơ thẩm và phúc thẩm.
- Tuyển dụng tạm thời
Tham chính viện tuyển dụng các Thẩm phán phụ trách điều tra và Ủy viên Tham chính viện với thời hạn một vài năm (“nhiệm vụ đặc biệt”): Tỉnh trưởng, Giáo sư đại học, nhà ngoại giao, v.v… Kinh nghiệm của những thành viên này đảm bảo tính đa dạng đối với Tham chính viện.
Trên thực tế, việc thăng tiến dựa vào thâm niên: đảm bảo tính độc lập.
Tuyển dụng các thành viên trong các Tòa án
- Qua thi tuyển
Một số Thẩm phán trong các Tòa án được tuyển dụng vào làm Thẩm phán sơ cấp tại Tham chính viện, cũng giống như học viên Trường Hành chính quốc gia. Một số thành viên khác được tuyển dụng qua một kỳ thi đặc biệt được tổ chức hàng năm hoặc hai năm một lần.
- Qua “bên ngoài”
Cũng có tuyển dụng qua “bên ngoài” để vào làm việc tại các Tòa án. Hình thức này dành cho công chức mong muốn làm việc tại Tòa án.
2.2. Đào tạo
Công tác đào tạo do Tham chính viện đảm nhiệm thông qua một bộ phận đặc trách thực hiện nhiệm vụ này (“Trung tâm đào tạo pháp luật hành chính”).
Thứ nhất: Đào tạo ban đầu
Tất cả các Thẩm phán hành chính theo khoá học kéo dài 6 tháng trước khi được phân công công tác tại một Tòa án. Khoá học được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 6.
* Lưu ý: khóa học này không dành cho các thành viên Tham chính viện, mà chỉ dành cho đối tượng là Thẩm phán các Tòa án. Những người được bổ nhiệm vào Tham chính viện thông qua kỳ thi tuyển nội bộ hoặc bên ngoài sẽ đảm nhiệm chức vụ ngay lập tức. Đối tượng này được đào tạo “trong công việc” thông qua việc tham dự vào một vài cuộc hội thảo chuyên đề được tổ chức trong những tuần đầu tiên.
Khóa học dành cho Thẩm phán Tòa án bao gồm 450 giờ (cả lý thuyết và thực hành).
– Đào tạo lý thuyết chung
– Tổ chức tài phán hành chính;
– Hiểu biết về môi trường thể chế: cơ quan hành chính Nhà nước, Hội đồng bảo hiến, Tòa phá án, v.v…;
– Các công cụ phục vụ công tác Thẩm phán: tài liệu, công cụ tin học, cơ sở dữ liệu pháp luật, v.v…;
– Nguyên tắc căn bản trong pháp luật hành chính;
– Nguyên tắc căn bản trong giải quyết khiếu nại, khiếu kiện;
– Thủ tục khiếu nại, khiếu kiện;
– Đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán;
– Các lĩnh vực khiếu kiện: thuế, đô thị, công vụ, mua sắm công, v.v…
– Đào tạo kỹ năng
– Sử dụng máy tính (xử lý văn bản,…);
– Sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật;
– Cách thức tìm hiểu một hồ sơ khiếu kiện;
– Cách thức soạn thảo một văn bản trong tranh chấp;
– Cách thức soạn thảo trích lục văn bản, bản án.
– Thực tập và tham quan
– Tham quan một Tòa án;
– Thực tập hai tuần tại một Tòa án;
– Thực tập sáu tuần tại một cơ quan hành chính;
– Thực tập hai tuần tại Tham chính viện.
Thứ hai: Đào tạo bồi dưỡng
Thẩm phán hành chính được tham gia vào các khoá bồi dưỡng trong suốt quá trình công tác (tại Pháp, luật pháp quy định tất cả lao động trong khu vực công được quyền tham gia các khoá đào tạo bồi dưỡng; một năm làm việc toàn thời gian được quyền tham gia 20 giờ đào tạo bồi dưỡng).
Hàng năm, các Thẩm phán được mời tham gia vào các lớp bồi dưỡng. Có nhiều chương trình bồi dưỡng như:
– Khoá bồi dưỡng dành cho Chánh án Tòa án: quản lý ngân sách, quản lý nhân sự, v.v…;
– Sử dụng công cụ tin học;
– Khóa bồi dưỡng về các lĩnh vực khiếu kiện: thuế, đô thị, công vụ, pháp luật lao động, pháp luật cộng đồng Châu Âu, v.v…;
– Biến động trong án lệ của Tham chính viện.
Một số khoá bồi dưỡng được phối hợp tổ chức với các đơn vị khác: các Bộ, Nghị viện, Tòa phá án, Trường Thẩm phán quốc gia, v.v…
3. Bổ nhiệm Thẩm phán ở Cộng Hòa Pháp
3.1. Bổ nhiệm Thẩm phán ngạch tư pháp
Các Thẩm phán ngạch tư pháp do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Thẩm phán tối cao hoặc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và phục vụ đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi). Cụ thể như sau:
– Chánh án và các Thẩm phán Tòa phá án, Chánh án các Tòa án phúc thẩm, Chánh án các Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng do Hội đồng Thẩm phán tối cao lựa chọn ứng cử viên và trình lên Tổng thống bổ nhiệm.
– Đối với các Thẩm phán xét xử khác, Bộ trưởng Bộ Tư pháp lựa chọn ứng cử viên và đề nghị lên Tổng thống bổ nhiệm. Đề nghị này phải có ý kiến chấp thuận của Hội đồng Thẩm phán tối cao, nếu Hội đồng không đồng ý với đề nghị bổ nhiệm một ứng cử viên nào đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp không thể đề nghị bổ nhiệm họ.
Hội đồng Thẩm phán tối cao được thành lập theo Luật ngày 30-8-1883, nhưng mãi đến năm 1946 mới được ghi nhận trong Hiến pháp ngày 27-10-1946. Theo quy định tại Điều 65 của Hiến pháp, Hội đồng Thẩm phán tối cao do Tổng thống làm Chủ tịch và Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Phó Chủ tịch. Qua nhiều lần cải tổ, đến năm 2008 Hội đồng có cơ cấu như sau: Bộ phận chuyên trách về Thẩm phán có 6 thành viên, gồm 5 Thẩm phán và 1 Công tố viên do Chánh án Tòa phá án làm Chủ tịch; bộ phận chuyên trách về Công tố viên có 6 thành viên, gồm 5 Công tố viên và 1 Thẩm phán, do Công tố viên trưởng Tòa phá án làm Chủ tịch. Ngoài các thành viên nói trên, thành viên của cả hai bộ phận còn bao gồm 8 thành viên khác không thuộc ngành Tòa án: 1 thành viên của Tham chính viện do Đại hội đồng của Tham chính viện bầu ra, 1 Luật sư do Chủ tịch Hội đồng Luật sư quốc gia bổ nhiệm trên cơ sở ý kiến thông qua của Đại hội đồng của Hội đồng Luật sư quốc gia, 6 cá nhân có phẩm chất nổi bật được Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện bổ nhiệm theo cặp 1 nam – 1 nữ.
3.2. Bổ nhiệm Thẩm phán ngạch hành chính
Thứ nhất: Các Thẩm phán hành chính sơ thẩm và Thẩm phán hành chính phúc thẩm do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng tối cao các Tòa án hành chính và các Tòa án hành chính phúc thẩm. Hội đồng này do Phó Chủ tịch Tham chính viện làm Chủ tịch và 12 thành viên khác:
- Một thành viên của Tham chính viện,
- Hai thành viên của Bộ Tư pháp,
- Một thành viên của Bộ Nội vụ,
- Năm thành viên là Thẩm phán hành chính do các Thẩm phán hành chính lựa chọn,
- Ba thành viên do Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện mỗi người bổ nhiệm một thành viên.
Thứ hai: Khác với Thẩm phán hành chính sơ thẩm và Thẩm phán hành chính phúc thẩm, các Ủy viên Tham chính viện (tức là Thẩm phán Tòa án hành chính tối cao) và các chức vụ quản lý của Tham chính viện đều do Hội đồng Bộ trưởng chỉ định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, (Hội đồng Bộ trưởng là phiên họp các Bộ trưởng thành viên Chính phủ dưới sự chủ toạ của Tổng thống).
4. Kỷ luật, bãi miễn Thẩm phán ở Cộng Hòa Pháp
Thứ nhất: Thẩm phán không hoàn thành chức trách, mất danh dự, phẩm giá, thiếu sự tế nhị đều coi như vi phạm kỷ luật.
Các hình thức kỷ luật bao gồm:
(i) Khiển trách kèm theo ghi tên vào hồ sơ;
(ii) Thuyên chuyển nơi công tác;
(iii) Cấm làm một số công việc;
(iv) Tạm đình chỉ công tác trong thời gian tối đa một năm kèm theo trừ toàn bộ hay một phần lương;
(v) Hạ bậc Thẩm phán;
(vi) Buộc về hưu không được quyền hưởng trợ cấp hưu trí;
(vii) Miễn nhiệm có thể có hoặc không kèm theo cắt mọi chế độ.
Thứ hai: Hội đồng Thẩm phán tối cao có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với các Thẩm phán xét xử thuộc ngạch tư pháp.
Ngay sau khi nhận được đơn tố cáo về những hành vi vi phạm của Thẩm phán do các Chánh án các Toà phúc thẩm hoặc do đương sự gửi đến, Hội đồng Thẩm phán sẽ thành lập Hội đồng kỷ luật do Chánh án Tòa phá án (tương đương Chánh án TANDTC ở Việt Nam) làm Chủ tịch. Hội đồng kỷ luật sẽ tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật để đưa ra hình thức xử lý phù hợp.
5. Tiêu chuẩn để trở thành thẩm phán ở Việt Nam
Tiêu chuẩn để trở thành thẩm phán bao gồm tiêu chuẩn chung áp dụng đối với mọi ngạch thẩm phán và tiêu chuẩn riêng áp dụng đối với từng ngạch thẩm phán. Các tiêu chuẩn chung để trở thành thẩm phán bao (Theo Điều 67 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014) gồm:
– Các tiêu chuẩn về nhân thân – đạo đức: là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần bảo vệ công lí, liêm khiết, trung thực, có sức khỏe.
– Các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn: có trình độ chuyên môn luật trở lên, đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử, tức là có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ xét xử, có thời gian công tác thực tiễn pháp luật.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Bài viết tham khảo: Sơ lược về chế định Thẩm phán của một số quốc gia trên thế giới; NGÔ CƯỜNG ( Nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT TANDTC) – Tạp chí Tòa án Nhân dân điện tử.