hệ thống pháp luật chặt chẽ và cực kỳ nghiêm khắc. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi nét về một số vấn đề liên quan tới lĩnh vực pháp luật của đất nước tuyệt vời này.
1. Khái quát chung về hệ thống pháp luật
Hệ thống pháp luật có thể hiểu là tập hợp tất cả các quy phạm, văn bản pháp luật tạo thành một cấu trúc tổng thể, được phân chia thành các bộ phận có sự thống nhất nội tại theo những tiêu chí nhất định như bản chất, nội dung, mục đích. Hệ thống pháp luật bao gồm hệ thống cấu trúc và hệ thống văn bản pháp luật.
Hệ thống cấu trúc là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân chia thành các ngành luật, mỗi ngành luật lại được tạo nên bởi một bộ phận các quy phạm pháp luật có sự thống nhất nội tại, có chung đối tượng và phương pháp điều chỉnh. Trong mỗi bộ phận quy phạm pháp luật lại được phân bổ thành những bộ phận nhỏ hơn hợp thành các chế định pháp luật và mỗi chế định pháp luật lại được hình thành từ các quy phạm pháp luật. Ví dụ: Ngành luật Hiến pháp, Ngành luật hành chính, Ngành luật hình sự, Ngành luật dân sự,…
Còn hệ thống văn bản pháp luật là tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự luật định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng. Hệ thống cấu trúc bên ngoài được phân định thành các văn bản luật và văn bản dưới luật. Ví dụ: Hiến pháp – do Quốc hội ban hành; Luật hoặc Bộ luật; Pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư,… Các văn bản này được ban hành theo một trình tự, thủ tục luật định.
Nói tóm lại, hệ thống cấu trúc thực chất là tập hợp các điều luật cùng điều chỉnh một quan hệ xã hội. Còn hệ thống văn bản pháp luật chính là hình thức, tên gọi – nguồn chứa đựng của các điều luật thuộc hệ thống cấu trúc đó.
2. Khái quát về hệ thống pháp luật Civil Law và Common Law tại các nước
Civil Law là hệ thống pháp luật có nền tảng bắt nguồn từ hệ thống pháp luật của Pháp và pháp luật của một số nước lục địa Châu Âu. Trong đó pháp luật của Pháp là quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn tới pháp luật của các nước khác trong hệ thống pháp luật này. Hệ thống pháp luật của các nước này nhìn chung đều chịu ảnh hưởng của Luật La Mã. Civil law được tiếp nhận ở nhiều nước ASEAN chủ yếu gắn liền với quá trình xâm chiếm thuộc địa của các nước châu âu lục địa đối với các quốc gia này. Trừ Thái Lan, luật chịu ảnh hưởng của dòng họ Civil law là Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia và Philippines đều đã từng là thuộc địa của các nước thuộc lục địa châu âu là Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha.
Common Law – hệ thống pháp luật Anglo-sacxon hay còn được biết đến với cái tên gần gũi là hệ thống pháp luật Anh – Mỹ. Đây là hệ thống pháp luật ra đời ở Anh, sau này phát triển ở Mĩ và những nước là thuộc địa của Anh, Mĩ trước đây. Hệ thống pháp luật này phát triển từ những tập quán (custom), hay còn được gọi là hệ thống pháp luật tập quán, hay hệ thống pháp luật coi trọng tiền lệ (precedents/ judge made law). Các nước ASEAN có hệ thống pháp luật chịu ảnh hưởng của dòng họ Common law bao gồm: Malaysia, Singapore, Brunei, Myanmar, Philippines. Giống như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, sự ảnh hưởng của Common law ở các quốc gia Đông Nam Á chủ yếu gắn liền với quá trình thuộc địa hoá của Anh hoặc sự ảnh hưởng của Mỹ.
Xem thêm bài viết: Hệ thống pháp luật COMMON LAW và CIVIL LAW
3. Pháp luật Singapore được tổ chức theo hệ thống nào ?
Là một trong số các quốc gia Đông Nam Á, bị ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hoá, đa dạng chủng tộc và có lịch sử hình thành lâu đời, hệ thống pháp luật Singapore mang nhiều nét khá phức tạp, và chủ yếu pháp luật Singapore hiện nay đang chịu ảnh hưởng bởi hệ thống Common Law (tên dịch sang tiếng Việt hay gọi là Thông luật) của Anh. Cụ thể, từ năm 1919, Singapore bắt đầu chịu ảnh hưởng của pháp luật Anh. Trước khi Văn phòng thuộc địa của Anh ở London kiểm soát hoàn toàn vùng lãnh thổ Singapore năm 1867, Singapore đã nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa Anh ở vùng Bengal và chính quyền Ấn Độ (lãnh thổ thuộc địa của Anh). Vì thế, hệ thống pháp luật Anh đã được tiếp nhận bằng cả 2 cách trực tiếp và gián tiếp vào hệ thống pháp luật singapore. Ngay cả khi đã trở thành quốc gia độc lập vào năm 1963, Singapore vẫn tiếp nhận pháp luật của Anh theo cách riêng của mình. Ngoài common law, nhiều đạo luật của Anh vẫn được áp dụng ở Singapore với những điều kiện nhất định, tiêu biểu cho việc ảnh hưởng của pháp luật Anh là ngày 12/11/1993, Nghị viện Singapore đã ban hành Luật về áp dụng pháp luật Anh. Luật này quy định cụ thể những đạo luật của Anh, common law và các nguyên tắc công bình của Anh sẽ được áp dụng ở Singapore với điều kiện các luật đó phù hợp với hoàn cảnh của Singapore[1].
Cùng giống với hầu hết các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi hệ thống Thông luật, pháp luật Singapore cùng dành khá nhiều ưu ái cho các phán quyết của cơ quan tư pháp bởi trong hệ thống thông luật, tiền lệ tư pháp hoặc các quyết định của tòa án cấp trên trong các vụ án trước đó về cùng một vấn đề phải được tòa án tuân theo khi quyết định một vụ án – điều này làm nổi bật vai trò quan trọng của án lệ – luật không thành văn – trong cấu trúc pháp luật của quốc gia này. Tuy nhiên, Singapore ngày càng trở nên độc lập với luật pháp Anh, phát triển nền luật học độc đáo của Singapore, tiếp thu các thông lệ pháp lý tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới. Mặc dù vẫn là hệ thống thông luật đấy nhưng không còn vị trí độc tôn của các án lệ, thông luật của cơ quan tư pháp, mà luật thành văn đã và đang có những vị trí nhất định trong hệ thống pháp luật của Singapore.
4. Mô hình tổ chức các nhánh quyền lực nhà nước ở Singapore
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tại Singapore quyền lực nhà nước cũng được phân thành ba nhánh: Lập pháp, Hành pháp và tư pháp. Các thiết chế tham gia vào các nhánh này gồm có: Nghị viện, Tổng thống, Văn phòng Tổng chưởng lý, Bộ pháp luật, Toà tối cao và Toà cấp thấp.
Lập pháp: Hiến pháp Singapore quy định quyền lập pháp được trao cho cơ quan lập pháp. Cơ quan lập pháp gồm: Nghị viện và tổng thống. Trong đó, Nghị viện Singapore có quyền lực rất lớn. Còn Tổng thống về bản chất, cũng có quyền hạn và chức năng nhất định nhưng vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ. Trong hoạt động lập pháp, luật mà Cơ quan lập pháp ban hành gọi là Các đạo luật của Nghị viện. Để ban hành các đạo luật mới hoặc sửa đổi bổ sung các đạo luật hiện hành các Dự luật (dự thảo luật) được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Dự luật phải được thảo luận qua ba phiên họp tại Nghị viện, được Nghị viện thông qua và được sự phê chuẩn của Tổng thống trước khi trở thành luật và được gọi là Đạo luật, các Đạo luật phải phù hợp (không được trái) với Hiến pháp (đạo luật tối cao).
Hành pháp: Chính phủ Singapore là nhánh hành pháp cao nhất của Nhà nước. Chính phủ Singapore bao gồm Tổng thống và Nội các. Do tính nghi lễ của Tổng thống nên thực tế quyền hành pháp nằm trong tay nội các do thủ tướng đứng đầu. Nội các được lập nên bởi chính đảng chiếm đa số trong và sau mỗi kỳ bầu cử. Nội các chịu trách nhiệm điều hành các chính sách, tham mưu cho Tổng thống trong việc thực thi quyền lực của mình, bổ nhiệm các công chức cấp cao và công chức ngành tư pháp.
Tư pháp: Singapore có một hệ thống tư pháp rất phát triển. Hệ thống tư pháp này được chia làm hai cấp gồm: Toá án tối cao và Toà án cấp dưới.
Toà án tối cao gồm: Toà án cấp cao và Toà án cấp phúc thẩm. Phạm vi xét xử của Toà án tối cao là các vụ việc dân sự có giá trị cao và các vụ việc hình sự có tính chất nghiêm trọng, xét xử kháng cáo từ các toà án Tiểu bang
Toà án cấp dưới gồm: Toà án tiểu bang (Toà án Quận hoặc Toà án Sơ thẩm, Toà án chuyên trách), Toà án khiếu nại. Toà án tiểu bang là nơi xét xử các vụ án dân sự có giá trị thấp, các vụ án hình sự ít nghiêm trọng. Toà án tiếp nhận trực tiếp các vụ việc từ người dân và giải quyết các tranh chấp của họ. Toà án khiếu nại là một thiết chế xử lý các vụ kiện tụng theo hướng ít tốn kém hơn so với việc giải quyết tại Toà án cấp bang.
5. Các phương pháp giải quyết tranh chấp thay thể tại Singapore
Mặc dù pháp luật Singapore là hệ thống pháp luật nghiêm minh, chặt chẽ nhất, cơ quan tư pháp cũng phát huy vô cùng hiệu quả vai trò của mình trong việc giải quyết tranh chấp nhưng Singapore không dừng lại ở đó. Quốc đảo này đã bổ sung cho các cơ quan tư pháp của mình các phương án giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative dispute resolution – ADR) khác giúp giải quyết vấn đề pháp lý một cách nhanh hơn, rẻ hơn và đôi khi là dễ dàng hơn so với việc kiện tụng tại toà án. Ở Singapore hiện nay đang tồn tại hại loại ADR là: Hoà giải và Trọng tài.
Bản chất Hoà giải và Trọng tài tại Singapore hay tại nhiều quốc gia khác về cơ bản đều giống nhau. Điểm khác nhau chỉ có ở giá trị pháp lý của các biên bản hoà giải, phán quyết trọng tài và các biện pháp đảm bảo thi hành các phán quyết, thoả thuận đó mà thôi.
Hoà giải tại Singapore: Việc hoà giải cung cấp diễn đàn cho các bên có thể tìm ra phương án giải quyết tốt nhất mà không chịu sự ràng buộc về mặt pháp lý như khi giải quyết bằng toán án hay trọng tài. Giải quyết tranh chấp theo cơ chế hoà giải là tôn trọng sự tự do thoả thuận, đàm phán của các bên dưới sự hỗ trợ từ hoà giải viên. Hoà giải viên ở Singapore đều phải trải qua khoá đào tạo tại SMC – Trung tâm Hoà giải Singapore.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Khi tranh chấp được đưa ra giải quyết tại trọng tài, phán quyết trọng tài có giá trị pháp lý ràng buộc, ngay cả khi một hoặc cả hai bên không đồng ý. So với phán quyết trọng tài ở Việt Nam, hiệu lực của phán quyết trọng tài tại Singapore có giá chung thẩm lớn hơn. Không những thế, pháp luật Singapore cũng có các quy định chặt chẽ và nghiêm khắc hơn trong việc bảo đảm cho các quyết định trọng tài được thi hành một cách triệt để và có hiệu quả hơn trên thực tế.
Nguồn tham khảo:
[1] Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Tổng quan về hệ thống pháp luật các nước Asean.
Hệ thống pháp luật Singapore, Vietnam Chamber of commerce.