Căn cứ pháp lý: Luật tố tụng dân sự Hà Quốc (Hiệu lực thi hành ngày 18/11/2021) (Đạo luật số 18396, năm 17/8/2021 sửa đổi)

1. Thi hành án dân sự là gì?

Thi hành án dân sự (THADS) là giai đoạn thực thi các bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan tài phán nhằm khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Sau khi bản án, quyết định được chuyển giao cho cơ quan THADS, cơ quan này tiếp nhận, phân loại và thống kê theo đơn vị “việc THADS” để tổ chức thi hành. Việc THADS gồm việc THADS chủ động và việc THADS theo yêu cầu; tùy vào tính chất khó khăn, phức tạp, giá trị phải thi hành hoặc nhằm mục đích chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế mà việc THADS còn được phân loại thành việc THADS trọng điểm, việc THADS tham nhũng, kinh tế.

2. Ý nghĩa của hoạt động thi hành án dân sự trong đời sống xã hội

Một là, đảm bảo hiệu lực thi hành của bản án, quyết định về mặt thực tế

Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho các đương sự cũng như đảm bảo hiệu lực thi hành của bản án, quyết định, cơ quan thi hành án phải áp dụng các biện pháp thi hành án để tổ chức thi hành các phán quyết này. Việc áp dụng các biện pháp THADS của cơ quan thi hành án là để đảm bảo: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” theo đúng quy định tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013.

Hai là, thi hành án dân sự là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án được xác định trong bản án, quyết định

Pháp luật THADS quy định và bảo vệ quyền được tự nguyện, quyền được thỏa thuận trong thi hành án cho các đương sự, bởi thực chất của việc THADS là việc tổ chức và thực thi các phán quyết có nguồn gốc về pháp luật nội dung là luật tư. Trong mọi giai đoạn của quá trình thi hành án, đương sự đều có quyền thỏa thuận, định đoạt các vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong bản án, quyết định. Đây là một quyền quan trọng của đương sự trong THADS. 

Ba là, góp phần nâng cao chất lượng của bản án, quyết định

Thông qua kết quả thi hành án, công tác xét xử được củng cố, bản án, quyết định được đảm bảo thi hành trong thực tế, đồng thời thông qua việc áp dụng các biện pháp thi hành án, nếu có sai sót trong bản án, quyết định được thi hành, cơ quan thi hành án sẽ có những kiến nghị thích hợp, giúp cho cơ quan ra bản án, quyết định có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm trong việc áp dụng pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng của bản án, quyết định.

Bốn là, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân

Việc tự nguyện thi hành án, đặc biệt là những trường hợp đương sự thỏa thuận được với nhau trong việc thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định, sẽ tác động tích cực đến quyền lợi của các bên đương sự: Bên được thi hành án sớm khôi phục lại quyền lợi của mình; bên phải thi hành án có thể giảm được một phần nghĩa vụ theo bản án, quyết định, giảm được các thiệt hại so với trường hợp cơ quan thi hành án tổ chức thi hành, như giảm các chi phí cưỡng chế thi hành án, lãi suất chậm thi hành án. 

3. Khái quát về hoạt động thi hành án dân sự Hàn Quốc

Thủ tục thi hành án dân sự tại Hàn Quốc bao gồm thủ tục cưỡng chế thi hành và thủ tục xử lý tài sản. Trước đây, quy định về thi hành án dân sự tạo thành một phần của Đạo luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, với việc ban hành Đạo luật Tố tụng dân sự mới, các quy định về thi hành án dân sự được tách riêng để tạo thành Đạo luật Thi hành án dân sự. Đạo luật Thi hành án dân sự chứa nhiều quy định mới nhằm cải tiến thủ tục thi hành án. Tại Hàn Quốc, công tố viên chỉ đạo và giám sát việc thi hành tất cả các bản án hình sự, như chỉ đạo và giám sát việc thi hành lệnh bắt, lệnh khám xét, tịch thu và các bản án hình sự chung thẩm. Việc này được tổ chức với sự tin tưởng rằng việc thi hành đúng đắn các lệnh của tòa cũng như việc bảo vệ các quyền cá nhân liên quan đến thi hành án sẽ được đảm bảo tốt nhất bằng cách giao các nhiệm vụ nói trên cho công tố viên, những người đại diện cho lợi ích công cộng.

Trong thi hành án hành chính, sau khi có bản án chung thẩm hủy bỏ hành vi hoặc quyết định hành chính, hành vi hoặc quyết định đó sẽ trở nên vô hiệu mà không cần phải thực hiện thủ tục nào khác. Trong trường hợp này, cơ quan hành chính liên quan không thể thực hiện hành vi hành chính đó với cùng một người dựa trên cùng một lý do. Hành vi hành chính có thể thực hiện sau đó nhưng phải dựa trên những lý do khác. Sau khi một bản án hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa hành vi liên quan được tuyên, cơ quan hành chính liên quan phải thực hiện hành vi hành chính như đã được nêu trong bản án.

Uỷ ban Quan hệ lao động xử các vụ án lao động liên quan đến giải quyết tranh chấp (thông qua thủ tục trung gian hòa giải và phân xử trọng tài) giữa công đoàn và người sử dụng lao động. Các tranh chấp lao động cá nhân do Uỷ ban Quan hệ lao động hoặc tòa dân sự giải quyết. Trong trường hợp cho rằng mình bị thôi việc không có căn cứ chính đáng, người lao động có thể khởi kiện hình sự hoặc khởi kiện dân sự tại Uỷ ban Quan hệ lao động. Nếu bất kỳ bên nào phản đối quyết định giải quyết tranh chấp của Uỷ ban Quan hệ lao động, vụ việc sẽ được giải quyết theo thủ tục tòa án thông thường. Lúc đó là thủ tục dân sự hoặc thủ tục hành chính. Tòa án hành chính có quyền xét xử các vụ kiện lao động về biện pháp kỷ luật đối với công chức nhà nước. Trên thực tế, thường thì Tòa án dân sự giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân. Do đó, việc thi hành án lao động cũng giống như việc thi hành các quyết định của Tòa án hành chính, Tòa án hình sự hoặc Tòa án dân sự.

4. Cơ quan, tổ chức thi hành án ở Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, không có tổ chức độc lập nào để thi hành các quyết định của tòa án. Tòa án quận chịu trách nhiệm thi hành các án dân sự còn Văn phòng Công tố quận do Bộ Tư pháp giám sát chịu trách nhiệm thi hành án hình sự. Trong việc thi hành án dân sự, nhân viên thi hành án vốn là các nhân viên độc lập, không nằm trong ngành Tư pháp và thuộc các Tòa án quận, sẽ tham gia thi hành các bản án và tống đạt giấy tờ. Tuy không phải là công chức đúng nghĩa, nhân viên thi hành án được đặt dưới sự giám sát của Chánh án Tòa án quận có thẩm quyền. Chánh án Tòa án quận bổ nhiệm nhân viên thi hành án từ những người đã phục vụ với tư cách công chức trong một thời gian nhất định tại các tòa án hoặc các văn phòng công tố. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về việc thi hành án người bị án tù, bị tù do không nộp tiền phạt hoặc bị tạm giữ (remand custody). Trong việc thi hành án dân sự, nhân viên thi hành án – những người không nhận lương từ tòa án mà từ bên liên quan do không phải là công chức đúng nghĩa – chịu trách nhiệm thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trong việc thi hành bản án hình sự, tòa án thường không tham gia vào quá trình thi hành án. Việc thi hành án hình sự được đặt dưới sự chỉ đạo của công tố viên được phân công thuộc văn phòng công tố tương ứng trong khu vực thuộc thẩm quyền của tòa án ra phán quyết.

5. Cưỡng chế thi hành án ở Hàn Quốc

Đạo luật Thi hành án dân sự hiện thời có nhiều quy định nhằm cải tiến thủ tục thi hành án dân sự tại Hàn Quốc. Cưỡng chế thi hành án là thủ tục theo đó yêu cầu thanh toán của chủ nợ, với sự trợ giúp của nhà nước, được đáp ứng bằng tài sản của con nợ không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình (khi đã có bản án tuyên buộc con nợ phải thực hiện thanh toán). Tài liệu khác ngoài bản án, như lệnh thanh toán hoặc chứng thư công chứng cũng có thể là cơ sở để thi hành án. Tài sản của con nợ là đối tượng của việc thi hành án, bao gồm bất động sản, tàu, xe, thiết bị xây dựng, máy bay, động sản và trái phiếu. Tòa án sẽ cưỡng chế thi hành án đối với hầu hết các tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp tài sản thi hành án là động sản thì nhân viên thi hành án sẽ cưỡng chế thi hành. Cưỡng chế thi hành án áp dụng thường xuyên nhất là bán bất động sản được kê biên dưới hình thức đấu giá công khai. Tiền thu từ việc bán tài sản sẽ được chia cho các chủ nợ. Xử lý tài sản (foreclosure) là thủ tục pháp lý do bên cho vay (bên nhận thế chấp) bán tài sản thế chấp để thanh toán nợ chưa trả được bảo đảm bằng tài sản đó.

Thủ tục xử lý tài sản tương tự như thủ tục bán động sản để thi hành án. Các phương pháp nói dưới đây được đưa ra nhằm đảm bảo tính hiệu quả của việc cưỡng chế thi hành án đồng thời hỗ trợ người được thi hành án nhanh chóng đạt được mục đích thi hành án của mình. Trong trường hợp con nợ không hoàn thành nghĩa vụ bằng tiền và khó xác định được tài sản của con nợ, chủ nợ có quyền yêu cầu thi hành án có thể yêu cầu tòa án ra lệnh con nợ cung cấp danh mục tài sản, trong đó nêu rõ tài sản nào thuộc sở hữu con nợ. Nếu con nợ không tuân thủ lệnh của tòa hoặc cung cấp danh mục giả, con nợ có thể bị phạt tù, phạt tiền hoặc bị giam giữ. Nếu con nợ không hoàn thành nghĩa vụ của mình trong thời hạn sáu tháng kể từ khi có bản án chung thẩm về thanh toán tiền và không tuân thủ lệnh của tòa yêu cầu cung cấp danh mục tài sản, chủ nợ có thể yêu cầu tòa án đưa con nợ vào danh sách không trả nợ. Thông tin sẽ được cung cấp cho các tổ chức tài chính và con nợ có thể gặp khó khăn trong các giao dịch tín dụng tương lai. Đạo luật Thi hành án dân sự đưa ra một phương pháp mới theo đó có thể điều tra tài sản của con nợ. Nếu con nợ không tuân thủ lệnh cung cấp danh mục tài sản của tòa án hoặc cung cấp danh mục giả, chủ nợ có quyền yêu cầu tòa án điều tra tài sản của con nợ. Tòa án, theo yêu cầu của chủ nợ, sẽ điều tra nơi các cơ quan lưu trữ thông tin về bất động sản hoặc tài sản tài chính của con nợ dưới hình thức dữ liệu điện tử và ra lệnh cho các tổ chức này cung cấp các thông tin đó. Chủ nợ khi đó có thể sử dụng thông tin do các tổ chức cung cấp và bắt đầu giai đoạn thi hành án.

Nếu con nợ cố tình che dấu hoặc đã xử lý tài sản trước khi thủ tục cưỡng chế thi hành án được tiến hành, yêu cầu thanh toán của chủ nợ sẽ không có ý nghĩa. Để ngăn chặn những hành vi này và bảo toàn tài sản con nợ, tòa án có thể ra lệnh tịch biên tạm thời hoặc không cho phép thực hiện một hành vi tạm thời theo yêu cầu của chủ nợ. Nếu thấy cần phải giữ nguyên yêu cầu thi hành án bằng việc thanh toán bằng tiền, tòa án có thể ra lệnh tịch biên tạm thời tài sản của con nợ.

Lệnh không cho phép thực hiện hành vi tạm thời có thể được tòa án ban hành cho mục đích xác định tình trạng tạm thời của quan hệ pháp lý đang tranh chấp hoặc giữ nguyên việc thi hành liên quan đến yêu cầu giao bất động sản hoặc động sản cụ thể nào đó.

Bài viết tham khảo: Thi hành án dân sự, hành chính tại Hàn Quốc;  Ths. Nguyễn Xuân Tùng ; Chánh Văn phòng Tổng cục thi hành án Dân sự.