1. Quá trình hình thành pháp luật cạnh tranh của Đức

     Ở Đức vào cuối thế kỷ 19, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (TTHCCT) lớn hơn, nhiều hơn và mạnh hơn bất kỳ nơi nào khác. Mặc dù các nhà kinh tế Đức ý thức được việc TTHCCT có thể gây hại cho người tiêu dùng như thế nào, nhưng họ cũng lo ngại về tác động của sự định hình lại thị trường đối với các nhà sản xuất, do vậy có xu hướng coi TTHCCT là một phản ứng thể chế tự nhiên và cần thiết đối với hiện tượng công nghiệp hóa tại thời điểm đó. Tuy nhiên, dần dần khi các thành viên tham gia thỏa thuận đưa nhau ra tòa nhiều hơn, quyết định của các thẩm phán đã dần dần định hình nên chính sách cạnh tranh sau này. Mặt khác, trong chiến tranh, TTHCCT được công chúng ủng hộ vì đóng vai trò hỗ trợ quân sự. Tuy nhiên, sau chiến tranh, TTHCCT lại là công cụ giúp doanh nghiệp bảo vệ chính họ khỏi tác động của lạm phát bằng cách chuyển tất cả bất lợi sang người tiêu dùng. Từ đó các nhà lập pháp quyết định rằng Luật sẽ không ngăn cấm các TTHCCT, nhưng thay vào đó sẽ cố gắng kiểm soát việc lạm dụng những thỏa thuận như vậy.

     Sau 10 năm tranh luận gay gắt và 20 lần soạn thảo lại, một văn bản thỏa hiệp đã được ban hành vào năm 1957, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1958 với tên gọi Đạo luật chống hạn chế cạnh tranh (HCCT). Theo đó, Văn phòng Quản lý cạnh tranh Liên bang (FCO) ra đời, cùng với cam kết sẽ hoàn toàn độc lập với chính trị, chủ tịch đầu tiên của Văn phòng đã đảm nhiệm chức vụ này trong vòng 18 năm.

     Đạo luật chống HCCT được sửa đổi vào năm 1973 để bổ sung quyền kiểm soát (tập trung kinh tế) TTKT, làm rõ hơn các điều khoản quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, cấm duy trì giá bán lại và cho phép hợp tác nhiều hơn giữa các doanh nghiệp nhỏ. Các sửa đổi bổ sung năm 1973 cũng giới thiệu một thể chế mới, Ủy ban Độc quyền, có chức năng giám sát và báo cáo về thực trạng cạnh tranh trên thị trường và đôi khi đóng vai trò trong việc thẩm định TTKT.

     Các sửa đổi có hiệu lực vào năm 1999, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cấp thiết của việc thực thi các chính sách cạnh tranh của EU. Đạo luật chống HCCT đã điều chỉnh các nguyên tắc cơ bản quy định về hành vi TTHCCT và lạm dụng vị trí thống lĩnh, kết hợp hài hòa giữa các quy định của Hiệp ước EC và các quy tắc truyền thống của Đức. Thủ tục thẩm định TTKT cũng được sửa đổi để hiệu quả hơn và phù hợp hơn với thông lệ của EC và các cơ quan tài phán của các nước EU khác.

     Ngày 07 tháng 6 năm 2013, Quốc hội Đức đồng ý thực hiện sửa đổi Đạo luật chống HCCT. Theo đó mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh của Đạo luật chống HCCT bao gồm cả các công ty bảo hiểm y tế, công ty báo chí và các công ty cung cấp nước, góp phần giúp việc áp dụng luật cạnh tranh ở Đức năng động hơn, phù hợp với chính sách cạnh tranh của EU và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh.

     Ngày 09 tháng 6 năm 2017, Dự luật sửa đổi lần thứ 9 đối với Đạo luật chống HCCT của Đức có hiệu lực với trọng tâm chính liên quan đến việc thực hiện các yêu cầu do Chỉ thị về thiệt hại của EU (số 2014/104/EU) đề ra. Từ đó tăng cường năng lực thực thi pháp luật đối với tư nhân thông qua các yêu cầu bồi thường thiệt hại, lần sửa đổi này cũng mang lại những thay đổi đáng kể đối với hoạt động kiểm soát TTKT của Đức, đồng thời làm rõ các khía cạnh nhất định liên quan đến việc áp dụng luật chống độc quyền và chuyển giao quyền hạn cụ thể trong một số lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng cho Văn phòng Cartel Liên bang Đức (“FCO”).

Và lần gần đây nhất, lần sửa đổi thứ 10 của Đạo luật chống HCCT của Đức được đưa vào thực thi vào ngày 19 tháng 01 năm 2021 với tên gọi “Đạo luật sửa đổi Đạo luật chống HCCT cho một luật cạnh tranh tập trung, chủ động và kỹ thuật số 4.0 và sửa đổi các quy định khác của luật cạnh tranh” (Đạo luật số hóa GWB). Đạo luật sửa đổi 2021 chủ yếu tập trung vào việc giới thiệu một công cụ mới để giải quyết các mối lo ngại được liên quan đến những gã khổng lồ công nghệ và các nền tảng kỹ thuật số.

2. Khái quát về Luật Cạnh tranh CHLB Đức

     Luật cạnh tranh chung thường giải quyết các vấn đề về quyền lực độc quyền qua 03 dạng hành vi chính: thỏa thuận giữa các doanh nghiệp độc lập, các hành vi lạm dụng của doanh nghiệp và sự sáp nhập của các doanh nghiệp độc lập. Nhóm đầu tiên, các thỏa thuận, thường được chia nhỏ thành hai nhóm: thỏa thuận ngang giữa các doanh nghiệp trên cùng một khâu, chuỗi giá trị của ngành hàng, dịch vụ và thỏa thuận dọc giữa các doanh nghiệp ở các giai đoạn sản xuất hoặc phân phối khác nhau. Nhóm thứ hai được gọi là độc quyền trong một số luật và lạm dụng vị trí thống lĩnh trong một số luật khác; các hệ thống pháp luật sử dụng các cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề quyền lực kinh tế của một hay nhiều doanh nghiệp. Loại thứ ba, thường được gọi là sáp nhập hoặc TTKT, chẳng hạn như mua lại cổ phần hoặc tài sản, liên doanh, sở hữu chéo và các công ty liên kết.

3. Quy định về kiểm soát hành vi TTHCCT

     Các thỏa thuận có thể cho phép nhóm các doanh nghiệp cùng hành động để đạt được một số lợi ích nhất định như ấn định giá, hạn chế sản lượng và ngăn cản sự gia nhập hoặc hạn chế sự tiến bộ, đổi mới trên thị trường.

     Hầu hết các đạo luật cạnh tranh hiện đại đều xác định các thỏa thuận theo chiều ngang nhằm ấn định giá, hạn chế sản lượng, thông thầu hoặc phân chia thị trường, nhằm ngăn cản các động lực cạnh tranh trên thị trường là các thỏa thuận nghiêm trọng nhất và bị cấm tuyệt đối. Để thực hiện các thỏa thuận đó, các đối thủ cạnh tranh cũng có thể đồng ý về các chiến lược để ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh mới hoặc để loại bỏ các doanh nghiệp không tham gia; do đó, luật pháp cũng cố gắng ngăn chặn và trừng phạt những hành vi mang tính tẩy chay.

     Điều 1 Đạo luật chống HCCT của Đức quy định về các TTHCCT bị cấm, theo đó: “Cấm những thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, nghị quyết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, thực tiễn phối hợp nhằm mục đích hoặc có tác động ngăn chặn, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh” việc quy định cụ thể các dạng thỏa thuận đã không còn được thể hiện trong đạo luật này, đây có thể coi là một bước giúp việc xác định một thỏa thuận bất kỳ có phải TTHCCT hay không một cách linh hoạt hơn.

     – Miễn trừ TTHCCT

     Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các thỏa thuận được quy định là TTHCCT quy định tại Điều 1 được cho phép thực hiện, đó là khi các thỏa thuận này có mục đích nhằm đóng góp vào việc cải thiện năng lực sản xuất hoặc phân phối hàng hóa; hoặc thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, phát triển kinh tế; và có lợi cho người tiêu dùng thì sẽ được miễn trừ.

     Hơn nữa, pháp luật cạnh tranh của Đức cũng dành mối quan tâm đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bằng các quy định dành riêng cho nhóm đối tượng này. Cụ thể, những thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh và nghị quyết của các hiệp hội nhằm hợp lý hóa các hoạt động kinh doanh thông qua việc hợp tác giữa các doanh nghiệp được xem là thỏa mãn điều kiện được miễn trừ nếu:

     1. Sự cạnh tranh trên thị trường không bị tác động đáng kể bởi những thỏa thuận, nghị quyết đó, và

     2. Thỏa thuận hoặc nghị quyết có mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

     Ngoài ra, Đạo luật chống HCCT của Đức cũng quy định các thỏa thuận trong một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định được loại trừ khỏi các quy định cấm tại Điều 1, đó là:

     + Lĩnh vực nông nghiệp;

     + Lĩnh vực truyền thông;

     + Các hợp đồng trong lĩnh vực quản lý nước.

     – Chương trình khoan hồng

     Chương trình khoan hồng được ủy quyền áp dụng cho cả Văn phòng Cartel Liên bang (Bundeskartellamt) (FCO) và các cơ quan quản lý cạnh tranh khu vực theo quy định tại các Điều từ 81h đến 81n của Đạo luật chống HCCT Đức.

     FCO chịu trách nhiệm về việc thực thi luật cạnh tranh của Đức và EU, nếu tác động của một hành vi HCCT (chỉ áp dụng cho các hành vi TTHCCT theo quy định tại Điều 81h, Đạo luật chống HCCT, nghĩa là các TTHCCT theo chiều ngang nghiêm trọng – hardcore cartel, như các thỏa thuận và/hoặc các hoạt động phối hợp giữa các đối thủ cạnh tranh liên quan đến ấn định giá; hạn chế sản lượng; phân chia thị trường; thông thầu) vượt ra ngoài lãnh thổ của quốc gia. FCO có thể phạt các tổ chức, cá nhân do cố ý hoặc cẩu thả vi phạm luật cạnh tranh của Đức hoặc EU. Ở cấp tiểu bang, việc thực thi luật cạnh tranh của Đức thuộc về các cơ quan cạnh tranh khu vực tương ứng.

     Chương trình khoan hồng chỉ áp dụng cho các cuộc điều tra, tố tụng cạnh tranh và không áp dụng cho các cuộc điều tra tội phạm của Viện công tố. Nếu vi phạm luật cạnh tranh của Đức hoặc của EU liên quan đến tội hình sự theo luật hình sự hiện hành của Đức (ví dụ trong các trường hợp gian lận thầu), cơ quan cạnh tranh sẽ tiến hành tố tụng đối với vai trò là bên có liên quan sau khi gửi hồ sơ sang Viện Công tố.

     Theo đó, FCO sẽ miễn trừ hoàn toàn các khoản phạt hành chính nếu bên nộp đơn có thể đáp ứng tất cả các điều kiện sau:

     1. Bên nộp đơn là thành viên tham gia thỏa thuận đầu tiên đưa ra bằng chứng giúp cơ quan quản lý cạnh tranh có được lệnh khám xét lần đầu tiên tại thời điểm nhận được đơn xin khoan hồng;

     2. Bên nộp đơn đã không thực hiện bất kỳ hành động nào để ép buộc những người tham gia thỏa thuận khác phải tham gia hoặc tiếp tục thực hiện thỏa thuận;

     3. Bên nộp đơn đáp ứng các yêu cầu chung để được khoan hồng.

     Tại thời điểm mà FCO có thể đã có được lệnh khám xét, theo quy định, cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ cấp toàn bộ quyền miễn trừ tiền phạt nếu bên nộp đơn có thể đáp ứng tất cả các điều kiện sau đây, miễn là không có thành viên tham gia nào khác được cấp quyền miễn trừ hoàn toàn theo mục trước đó:

     1. Bên nộp đơn là thành viên tham gia thỏa thuận đầu tiên đưa ra bằng chứng giúp cơ quan quản lý cạnh tranh chứng minh hành vi phạm tội khi đã có được lệnh khám xét;

     2. Bên nộp đơn đã không thực hiện bất kỳ hành động nào để ép buộc những người tham gia thỏa thuận khác phải tham gia hoặc tiếp tục thực hiện thỏa thuận;

     3. Bên nộp đơn đáp ứng các yêu cầu chung để được khoan hồng”.

     Theo đó các yêu cầu chung để được hưởng chế độ khoan hồng đó là:

     1. Tiết lộ kiến thức của mình về thỏa thuận và sự tham gia của họ cho cơ quan cạnh tranh hoặc trong trường hợp nộp đơn có lợi cho cơ quan quản lý, hợp tác hoàn toàn để làm rõ sự thật.

     2. Chấm dứt việc tham gia vào thỏa thuận ngay sau khi đã nộp đơn xin khoan hồng, trừ khi, theo ý kiến của cơ quan quản lý cạnh tranh, việc tiếp tục thực hiện là cần thiết để duy trì tính toàn vẹn của cuộc điều tra.

     3. Thực hiện nghĩa vụ hợp tác một cách chân thành, liên tục và khẩn trương, từ khi đưa ra đơn xin khoan hồng cho đến khi kết thúc quá trình tố tụng, chống lại tất cả những người tham gia. Nhiệm vụ này bao gồm nhưng không giới hạn ở:

     + Cung cấp kịp thời tất cả thông tin và bằng chứng về TTHCCT mà doanh nghiệp đang tham gia;

     + Trả lời bất kỳ câu hỏi nào có thể giúp xác minh các tình tiết của vụ việc;

     + Đảm bảo rằng các thành viên của cơ quan giám sát và quản lý cũng như các nhân viên khác luôn được thực hiện thẩm vấn;

     + Không phá hủy, làm sai lệch hoặc triệt tiêu thông tin và bằng chứng về thỏa thuận;

     + Không tiết lộ sự thật về việc nộp đơn xin khoan hồng hoặc nội dung của nó cho đến khi cơ quan cạnh tranh có quyết định giải phóng khỏi nghĩa vụ.

     4. Không phá hủy, làm sai lệch hoặc triệt tiêu thông tin liên quan đến bằng chứng của thỏa thuận và không tiết lộ đơn xin khoan hồng dự định hoặc nội dung dự định của nó trong khi xem xét việc áp dụng sự khoan hồng, ngoại trừ việc tiết lộ cho các cơ quan cạnh tranh khác.

     2.2. Quy định về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh

     Đạo luật chống HCCT của Đức quy định khá chặt chẽ về việc kiểm soát các hành vi có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh của các doanh nghiệp trên thị trường. Theo đó, một doanh nghiệp được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường, với tư cách là một nhà cung cấp hoặc người mua một loại sản phẩm hoặc dịch vụ trên thị trường hàng hóa và địa lý liên quan, nếu:

     1. Không có đối thủ cạnh tranh;

     2. Mức độ cạnh tranh không đáng kể, hoặc

     3. Có vị thế đáng kể trên thị trường so với đối thủ cạnh tranh khác.

     Khi xác định vị thế trên thị trường của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh, cần xem xét đến các yếu tố sau đây:

    1. Thị phần;

    2. Năng lực tài chính;

    3. Khả năng nắm bắt các thông tin giúp ích cho việc cạnh tranh;

    4. Sự thâm nhập vào thị trường mua hoặc thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp;

    5. Mối liên hệ với các doanh nghiệp khác;

    6. Các rào cản pháp lý hoặc thực tiễn trong việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác;

    7. Sự cạnh tranh thực tế hoặc tiềm tàng của các doanh nghiệp trong hoặc ngoài phạm vi áp dụng của Luật này;

    8. Khả năng của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi nguồn cung hoặc cầu sang hàng hóa hoặc dịch vụ khác, và

    9. Khả năng phải nhờ đến các doanh nghiệp khác của thị trường đối lập.

     Đặc biệt, với lần sửa đổi gần đây nhất, Đạo luật đã thêm vào điều này những điều khoản bổ sung nhằm giải thích thêm về thị trường địa lý liên quan cũng như các yếu tố để đánh giá vị trí thống lĩnh của một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trên một loại hình thị trường mới “multi-sided market”.

     Ngoài ra, việc đánh giá vị trí thống lĩnh của một hay nhiều doanh nghiệp còn được dựa vào thị phần của doanh nghiệp đó trên TTLQ. Cụ thể với từng ngưỡng thị phần của một hoặc một nhóm doạnh nghiệp

     Đạo luật sửa đổi gần đây nhất đã sửa đổi khoản 1 Điều 19 chuyển từ “việc lạm dụng vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp là điều cấm” sang “nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh được thực hiện bởi một hoặc một số doanh nghiệp”, việc thay đổi này tuy là rất nhỏ những lại thể hiện một thái độ cứng rắn của nhà làm luật đối với hành vi vi phạm.

Đặc biệt, Điều 19a mới được bổ sung trong Đạo luật chống HCCT của Đức, theo đó FCO sẽ có thể can thiệp ở ngay giai đoạn đầu trong trường hợp cạnh tranh bị đe dọa bởi một số công ty công nghệ lớn, được coi là một trong những sự thay đổi quan trọng nhất. Cụ thể, FCO có thể cấm một số loại hành vi do vị trí chiến lược và nguồn lực của họ, có thể gây tác động lớn đến với cạnh tranh trên các thị trường, bao gồm: việc tự cung cấp dịch vụ của nhóm sở hữu dịch vụ hoặc cản trở các công ty thứ ba tham gia thị trường bằng cách xử lý các dữ liệu có ích cho việc cạnh tranh.

4. Các hành vi tẩy chay và các hành vi HCCT

    Điểm đặc biệt khác của Đạo luật chống HCCT của Đức đó là đã dành riêng một Điều để quy định về các hành vi HCCT có tính chấy tẩy chay hoặc những hành vi cạnh tranh khác mà tính chất của chúng không được xét vào các loại hình vi như Thỏa thuận hay Lạm dụng. Theo đó pháp luật cấm các hành vi như sau:

    1. Các doanh nghiệp hoặc hiệp hội không được yêu cầu các doanh nghiệp hoặc hiệp hội khác từ chối cung ứng hoặc mua hàng, nhằm cản trở một cách không lành mạnh một số doanh nghiệp nhất định.

     2. Các doanh nghiệp hoặc hiệp hội không được đe dọa hay gây ra khó khăn, hoặc hứa hẹn, đảm bảo ưu đãi cho các doanh nghiệp khác để qua đó buộc những doanh nghiệp này thực một hành vi mà theo các quy định và quy chế sau, không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng:

     + Theo quy định của Luật này;

     + Theo quy định tại Điều 101 hoặc 102 Hiệp ước thành lập EU, hoặc

     + Theo một nghị quyết được ban hành bởi EC, hoặc bởi Cơ quan về Cạnh tranh căn cứ theo Luật này, hoặc căn cứ theo Điều 101 hoặc 102 Hiệp ước thành lập EU.

     3. Các doanh nghiệp hoặc hiệp hội không được bắt buộc các doanh nghiệp khác phải:

     + Tham gia vào một thỏa thuận hoặc một nghị quyết theo định nghĩa tại các Điều 2, 3 hoặc 28 (khoản 1);

     + Sáp nhập với các doanh nghiệp khác theo định nghĩa tại Điều 37;

     + Phối hợp hành động trên thị trường nhằm HCCT.

     4. Nghiêm cấm việc gây ra các thiệt hại về kinh tế cho cá nhân bởi vì cá nhân này đã nộp đơn khiếu nại hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực thi các biện pháp cần thiết.

5. Các quy định về kiểm soát TTKT

     Trong nhiều năm, Đức được cho là có chương trình kiểm soát TTKT linh hoạt và hiệu quả nhất ở EU, với tiêu chí chủ đạo là đánh giá liệu hoạt động TTKT đó có tạo ra hoặc củng cố vị trí thống lĩnh hay không.

     – Hình thức TTKT

     Pháp luật Cạnh tranh Đức quy định về các hình thức TTKT cụ thể như sau:

     1. Hành vi thâu tóm tất cả hoặc phần lớn tài sản của doanh nghiệp khác;

     2. Hành vi thâu tóm quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần của một hoặc một vài doanh nghiệp khác, được thực hiện bởi một hoặc một vài doanh nghiệp. Việc kiểm soát được thiết lập bởi các quyền, hợp đồng hoặc bất kỳ hình thức nào khác, cho dù là độc lập hoặc kết hợp với nhau, và có cân nhắc đến những hoàn cảnh thực tế và pháp lý, tạo ra khả năng thực thi sức ảnh hưởng mang tính quyết định lên một doanh nghiệp, đặc biệt là thông qua:

    + Quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp;

    + Quyền hoặc hợp đồng tạo ra khả năng gây ảnh hưởng mang tính quyết định lên thành phần, cơ chế bầu hoặc ra quyết định của cơ cấu tổ chức trong doanh nghiệp;

    3. Hành vi mua cổ phần của doanh nghiệp khác, nếu các cổ phần, dù độc lập hay kết hợp với các cổ phần khác mà doanh nghiệp mua đã nắm giữ, đạt mức 50% hoặc 25% số vốn hoặc quyền bỏ phiếu của doanh nghiệp khác. Số cổ phần mà doanh nghiệp nắm giữ bao gồm cả cổ phần được nắm giữ bởi cá nhân bằng tài khoản của doanh nghiệp này, và, cổ phần của bất kỳ chủ sở hữu duy nhất nào của doanh nghiệp. Nếu một số doanh nghiệp đồng thời hoặc lần lượt mua cổ phần của doanh nghiệp khác đến mức độ đã được nêu như trên, việc này cũng được xem là cấu thành việc TTKT giữa các doanh nghiệp liên quan trong các thị trường mà doanh nghiệp hoạt động.

    4. Bất kỳ sự kết hợp các doanh nghiệp nào cho phép một hoặc một vài doanh nghiệp tạo ra, trực tiếp hoặc gián tiếp, áp đặt sức ảnh hưởng cạnh tranh đáng kể lên doanh nghiệp khác.

Nếu các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính hoặc các công ty bảo hiểm mua cổ phần của doanh nghiệp khác nhằm mục đích bán lại thì việc này cũng không bị xem là TTKT miễn là các tổ chức này không thực thi quyền bỏ phiếu gắn liền với cổ phiếu và việc bán lại phải diễn ra trong vòng 01 năm. Khi có đơn yêu cầu, thời hạn này có thể được gia hạn bởi Cơ quan chống độc quyền Liên bang nếu như có bằng chứng cho thấy việc bán lại không thể diễn ra trong thời hạn đó.

    – Ngưỡng thông báo TTKT

    Tuy nhiên, không phải tất cả các hoạt động TTKT đều được đưa vào chế độ giám sát của cơ quan chống độc quyền, thay vào đó chỉ một số hoạt động TTKT đạt ngưỡng (tính theo doanh thu của doanh nghiệp vào năm tài chính liền kề trước đó) theo quy định của Đạo luật chống HCCT, cụ thể:

    1. Tổng doanh thu kết hợp trên phạm vi toàn cầu của tất cả các doanh nghiệp có liên quan là trên 500 triệu EUR, và

    2. Doanh thu nội địa của ít nhất một doanh nghiệp liên quan là trên 50 triệu EUR và của một doanh nghiệp liên quan khác là trên 17,5 triệu EUR.

    Theo đó, trước khi được tiến hành, các trường hợp TTKT phải được thông báo đến cho FCO. Có thể thông báo qua hình thức thông báo điện tử hoặc gửi bản cứng tại trụ sở FCO, pháp luật cạnh tranh Đức quy định khá chi tiết về các hình thức thông báo điện tử, điều này có thể coi là một nỗ lực làm giảm các thủ tục hành chính cũng như giảm tiếp xúc giữa người với người do ảnh hưởng của dịch bệnh.

    Hồ sơ thông báo TTKT phải có các nội dung cơ bản như: các doanh nghiệp tham gia TTKT; nếu trong trường hợp tại các điểm 1 và 3, khoản 1, Điều 37 thì sẽ là thông tin về bên bán. Ngoài ra, hồ sơ thông báo TTKT của các doanh nghiệp liên quan còn phải đảm bảo có đầy đủ các tài liệu sau:

    1. Tên hoặc chức vị và địa điểm kinh doanh hoặc nơi đăng ký;

    2. Loại hình doanh nghiệp;

    3. Doanh thu tại Đức, trong EU và trên phạm vi toàn cầu; thay vì doanh thu, tổng thu nhập theo định nghĩa tại Điều 38(4) phải được nêu rõ trong trường hợp đối với các các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính, các hiệp hội cho vay và bất động sản, và các công ty quản lý vốn đầu tư ra bên ngoài theo định nghĩa tại điểm 1, khoản 2, Điều 17 của Đạo luật về Đầu tư, và thu nhập từ phí bảo hiểm đối với các công ty bảo hiểm;

    4. Thị phần, bao gồm cả cơ sở cho việc xác định hoặc ước lượng, nếu thị phần kết hợp của doanh nghiệp liên quan là từ 20% trở lên trong phạm vi áp dụng của Luật này hoặc là phần đáng kể của thị phần đó;

    5. Trong trường hợp thâu tóm cổ phần của doanh nghiệp khác: quy mô lãi bị thâu tóm và tổng số tiền lãi nắm giữ;

    6. Cá nhân được ủy quyền tiếp nhận dịch vụ tại Đức nếu nơi đăng ký của doanh nghiệp không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Nghĩa vụ thông báo của doanh nghiệp cũng sẽ không còn cần thiết nếu EC đã thông báo cho FCO về việc TTKT. FCO có thể yêu cầu từng doanh nghiệp liên quan cung cấp thông tin về thị phần, gồm cả cơ sở cho việc xác định hoặc ước lượng và về doanh thu có được đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định trong năm kinh doanh cuối cùng trước khi diễn ra TTKT.

Hơn nữa, vào lần sửa đổi gần nhất Đạo luật Chống HCCT 2021 đã bổ sung Điều 39a quy định về trách nhiệm thông báo đối với các giao dịch TTKT diễn ra trong tương lai. FCO có thể ra quyết định chính thức rằng một công ty phải thông báo mọi hoạt động TTKT với các công ty khác trong một hoặc một số lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế nếu: 

    1. Doanh thu trên toàn thế giới của doanh nghiệp có liên quan là hơn 500 triệu EUR trong năm tìa chính liền kề trước đó;

    2. Có những dấu hiệu khách quan, có thể kiểm chứng rằng việc TTKT trong tương lai về cơ bản có thể cản trở sự cạnh tranh hiệu quả ở Đức trong các lĩnh vực của nền kinh tế cụ thể;

    3. Ở Đức, doanh nghiệp cung cấp hoặc mua sắm ít nhất 15% hàng hoá hoặc dịch vụ trong các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế.

    Ngoài ra, theo luật sửa đổi lần gần đây nhất, một điều khoản khác cũng được thêm vào để nhằm đảm bảo việc kiểm soát TTKT được chặt chẽ hơn, theo đó, việc kiểm soát TTKT ngoài thỏa mãn các ngưỡng trên, sẽ dựa thêm vào các yếu tố như giá trị của giao dịch TTKT đó cũng như các hoạt động đáng kể của doanh nghiệp trên thị trường nước Đức.

     Mặt khác, việc kiểm soát TTKT giữa: các tổ chức công và doanh nghiệp mới phát sinh từ quá trình cải cách lãnh thổ của các thành phố trực thuộc trung ương; và giữa các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Đức (theo định nghĩa tại Điểm 8b Khoản 8 Điều 4 của Đạo luật thuế tập đoàn Đức) cũng được lược bớt nhằm giảm gánh nặng cho cơ quan chống độc quyền.

Tuy nhiên, pháp luật cạnh tranh Đức cũng quy định những trường hợp mặc dù đã được coi là một hình thức TTKT bị cấm nhưng vẫn được miễn trừ khỏi những quy định cấm, cụ thể nếu thỏa mãn những yếu tố sau:

    1. Các doanh nghiệp liên quan chứng minh được rằng việc TTKT cũng đồng thời cải thiện các điều kiện cạnh tranh và sự cải thiện này là quan trọng hơn sự cản trở cạnh tranh; hoặc

    2. Các yêu cầu cho sự ngăn cấm theo câu thứ nhất chỉ được đáp ứng duy nhất trên một thị trường mà tại đó hàng hóa hoặc dịch vụ đã được cung ứng trong khoảng thời gian ít nhất là 05 (năm) năm và có doanh số bán ra trong năm dương lịch là từ 20 triệu EUR trở xuống, trừ khi thị trường được quy định theo nghĩa của Mục 18 (2a), hoặc Mục 35 (1a); hoặc

    3. Vị thế thống lĩnh của một nhà xuất bản báo hoặc tạp chí tiến hành việc mua một nhà xuất bản báo hoặc tạp chí có quy mô vừa hoặc nhỏ, đã được củng cố, mà có bằng chứng cho thấy doanh nghiệp bị sáp nhập có thâm hụt lũy kế ròng trong 03 năm cuối ở mức đáng kể theo định nghĩa tại Điểm 20, Khoản 2, Điều 275 của Bộ luật Thương mại Đức, và sự tồn tại của doanh nghiệp này sẽ bị đe dọa nếu không có sự TTKT. Ngoài ra, phải có bằng chứng cho thấy trước khi TTKT diễn ra, không một doanh nghiệp thâu tóm nào có thể đảm bảo đưa ra một giải pháp ít nguy hại hơn cho hoạt động cạnh tranh.

    – Thẩm định TTKT

    Như đã phân tích, các quy định kiểm soát TTKT của Đức có thể được coi là một trong những chế chế định hoàn thiện và linh hoạt nhất trên thế giới. Đạo luật chống HCCT thậm chí còn quy định cả cách tính doanh thu cũng như thị phần của các doanh nghiệp nhằm phục vụ cho việc kiểm soát hoạt động TTKT (Điều 38). Việc này giúp tạo ra một khung thống nhất trong tính toán tránh việc tính toán theo các công thức khác nhau của doanh nghiệp sẽ dẫn đến nhiều sai số.

    Giai đoạn hai được tiến hành nếu các cuộc kiểm tra TTKT bổ sung là cần thiết. Trong giai đoạn hai, FCO phải đưa ra quyết định về việc TTKT có bị ngăn cấm hay không. Nếu quyết định không được đưa ra cho doanh nghiệp đã thực hiện thông báo TTKT trong thời hạn 04 tháng kể từ khi nhận được hồ sơ thông báo đầy đủ, việc TTKT được xem như là được chấp thuận. Việc cấp phép có thể được ban hành với các điều kiện và nghĩa vụ nhằm đảm bảo rằng doanh nghiệp liên quan tuân thủ những cam kết đối với FCO để tránh trường hợp TTKT bị ngăn cấm. Các điều kiện và nghĩa vụ này không được đặt hoạt động của doanh nghiệp liên quan vào diện tiếp tục bị kiểm soát.

     Thông báo về việc triển khai giai đoạn hai của cuộc điều tra tiến hành bởi FCO chiếu theo câu thứ nhất Điều 40(1) và đơn yêu cầu được cấp phép của Bộ trưởng phải được đăng công khai đúng thời hạn trên Công báo Liên bang. Nội dung đăng Công báo Liên bang bao gồm:

    1. Quyết định được ban hành bởi Cơ quan chống độc quyền Liên bang chiếu theo Điều 40(2);

    2. Việc cấp phép của Bộ trưởng, việc hủy bỏ, điều chỉnh hoặc từ chối;

    3. Việc thu hồi, hủy bỏ hoặc chỉnh sửa việc cấp phép của Cơ quan chống độc quyền Liên bang;

    4. Việc giải tán TTKT và bất kỳ quyết định nào được ban hành bởi Cơ quan chống độc quyền Liên bang theo Khoản 3 và Khoản 4 Điều 41.

6. Cơ quan cạnh tranh Đức

    Văn phòng Quản lý cạnh tranh Liên bang Đức (Federal Cartel Office – FCO), tiếng Đức là Bundeskartellamt, là một cơ quan cạnh tranh độc lập có nhiệm vụ bảo vệ cạnh tranh ở Đức, trực thuộc Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang. Từ năm 1999, trụ sở chính thức của cơ quan ban đầu được đặt tại thủ đô Berlin nhưng sau đó do thực hiện chính sách phân bổ tái định cư của Chính phủ nên FCO đã được chuyền về thành phố Bonn. Hiện tại FCO có khoảng 360 nhân viên.

    Nhiệm vụ chính của FCO là áp dụng và thực thi Đạo luật chống HCCT, nhằm mục đích bảo vệ cạnh tranh trên thị trường ở Đức, bao gồm: Ban hành các lệnh cấm đối với các TTHCCT; Kiểm soát TTKT; Kiểm soát các hành vi lạm dụng của các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh; Cho ý kiến đối với các thủ tục trao thầu đối với các hợp đồng mua sắm công của Liên Bang (từ năm 1999); và Công tác bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, kể từ năm 2005, FCO có thẩm quyền thực hiện các công tác nghiên cứu thị trường nhằm thu thập các thông tin giúp cho việc giám sát chặt chẽ hơn tình hình cạnh tranh trong các lĩnh vực khác.

    FCO ban hành các quyết định của mình dựa trên các tiêu chí của pháp luật cạnh tranh cũng như công tác bảo vệ người tiêu dùng, FCO có tính độc lập nhất định trong ban hành các quyết định mà không bị ràng buộc bởi các hướng dẫn hay chỉ đạo từ các cơ quan khác. Không thể bàn cãi rằng có những mục tiêu kinh tế và chính trị xã hội quan trọng khác hơn là đảm bảo cạnh tranh. Tuy nhiên, FCO không có trách nhiệm nhận ra những điều này.

Nguồn: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng – Bộ Công Thương