1. Khái niệm pháp luật vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển
Vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển là quá trình sử dụng tàu biển để vận chuyển hàng hóa theo tuyến đường cố định hoặc không cố định từ nước này tới nước khác. Theo nghĩa rộng vận chuyển hóa hóa quốc tế là sự tập hợp các yếu tố kinh tế kỹ thuật nhằm khai thác, chuyên chở bằng tàu biển một cách có hiệu quả hàng hóa. Vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển thường được tiến hành thông qua các doanh nghiệp, tổ chức chuyên ngành thực hiện.
Pháp luật vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển.
Các quan hệ pháp luật chủ yếu phát sinh trong hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển bao gồm các lĩnh vực: quan hệ hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, quan hệ bảo hiểm hàng hải quốc tế, giải quyết tranh chấp trong hoạt động hàng hải quốc tế.
2. Nguồn của pháp luật vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển
Nguồn của pháp luật vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển chính là nguồn của luật hàng hải quốc tế gồm có các điều ước quốc tế, luật quốc gia và tập quán hàng hải quốc tế.
+ Các điều ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
Điều ước quốc tế là thỏa thuận giữa các chủ thể của luật quốc tế, trong đó việc ký kết, hiệu lực và chấm dứt hiệu lực của nó được điều chỉnh bằng luật quốc tế. Điều ước quốc tế vừa là phương tiện, vừa là công cụ quan trọng điều chỉnh các quan hệ pháp lý quốc tế. Có thể nói là số lượng các điều ước trong lĩnh vực hàng hải quốc tế là rất nhiều so với các lĩnh vực khác và nó có đặc điểm là liên quan chặt chẽ đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như luật thương mại quốc tế, luật bảo hiểm quốc tế, luật môi trường quốc tế, luật hành chính và hình sự quốc tế. Một số lượng không nhỏ các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hàng hải quốc tế có mục tiêu thống nhất pháp luật hàng hải của các quốc gia và chúng thường được áp dụng trực tiếp cho mọi hoạt động, duy trì và thông thương hàng hải quốc tế bình thường; Các điều ước trong lĩnh vực hàng hải có tác động và ảnh hưởng tích cực đến việc xây dựng pháp luật hàng hải của các quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển. Một số điều ước quốc tế về hàng hải quan trọng trong lịch sử phát triển hàng hải quốc tế: Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc về vận đơn đường biển (Quy tắc Hague 1924), Nghị định thư sửa đổi Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc về vận đơn đường biển, Visby 1968 (Quy tắc Hague – Visby 1968), Công ước của Liên hợp quốc về vận chuyển hàng hoá bằng đường biển, 1978 (Quy tắc Hamburg), Công ước của Liên hợp quốc về vận chuyển hàng hoá bằng vận tải đa phương thứcquốc tế Công ước này được thông qua tại hội nghị của Liên hợp quốc ngày 24/5/1980 tại Geneva (Thuỵ Sĩ).
+ Các văn bản pháp luật quốc gia quy định về vận chuyển hàng hóa
Luật pháp của mỗi quốc gia được hiểu là một hệ thống văn bản pháp quy của một quốc gia bao gồm Hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật cùng với những tập quán và án lệ… Hầu hết các quốc gia có biển và thậm chí cả những quốc gia không có biển đã ban hành các văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động hàng hải. Đó là các luật và các văn bản dưới luật tạo thành một hệ thống các quy phạm quy định cho các hoạt động hàng hải và vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Ở các nước khác nhau có cách thức ban hành hệ thống văn bản khác nhau, thường là một đạo luật chung quản lý nhà nước về hàng hải, còn các vấn đề liên quan có thể ban hành luật hoặc quy định trong các luật liên quan.
+ Tập quán hàng hải quốc tế
Tập quán quốc tế là những quy tắc xử sự được hình thành trong một thời gian dài, được áp dụng khá liên tục và một cách có hệ thống, đồng thời được sự thừa nhận của đông đảo quốc gia. Có thể ví dụ một tập quán đang được sử dụng rộng rãi hiện nay như các điều kiện giao dịch thương mại quốc tế mà Phòng thương mại quốc tế tập hợp và soạn thảo từ năm 1936, 1953, 1980, 2000, 2010, 2020, gọi tắt là Incoterms, là tập hợp các tập quán thương mại quốc tế khác nhau trong đó quy định các điều kiện mua bán, bảo hiểm, cước vận tải, trách nhiệm giữa các bên tham gia hợp đồng như FOB, CIF, CFR, …. được rất nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận và sử dụng trong hoạt động thương mại.
3. Sơ lược pháp luật vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển trên thế giới.
Vai trò quan trọng của ngành hàng hải đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và thế giới đã được nhiều công trình nghiên cứu và thực tế phát triển của các quốc gia từ trước đến nay đã và đang khẳng định, ngược lại ngành vận tải biển lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự phát triển nề kinh tế thế giới. Trong hai thập kỷ vừa qua những biến động sau đây đã tác động đến tình hình phát triển chung của ngành hàng hải.
Biến động đầu tiên phải kể đến là sự thay đổi về cơ cấu kinh tế của thế giới, sự thay đổi thể hiện qua những yếu tố sau đây: sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu; Thứ hai là xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của các quốc gia mà trước hết là sự củng cố và lớn mạnh của khối thị trường chung Châu Âu, với sự hiện diện và lưu hành đồng tiền chung Euro của khối này, sau đó là sự phát triển nhanh chóng của các khối kinh tế khác tại các khu vực khác nhau trên toàn cầu; Thứ ba là sự phát triển thần kì của khu vực Đông Nam á với sự xuất hiện của 4 nước công nghiệp mới đã biến đổi khu vực này thành khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới trong những năm 80 và đầu những năm 90; Thứ 4 là sự phát triển nhanh chóng, với cường độ cao của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.
Từ những năm xa xưa khi ngành hàng hải chưa ra đời, người chủ tàu vừa là thuyền trưởng, vừa làm nhiệm vụ khai thác, quản lý tàu…Vận tải biển ngày càng phát triển, ông chủ không chỉ là chủ của một con tàu mà là chủ của nhiều con tàu cùng khai thác vận tải trên nhiều tuyến đường, đến nhiều bến cảng khác nhau, do vậy người chủ không thể quản lý được hết các con tàu của mình nữa mà phải nhờ tới các công tác viên khác tại các cảng mà tàu đến – đó là các đại lý và dịch vụ hàng hải cho tàu, thay mặt cho chủ tàu để thực hiện các nhiệm vụ xung quanh hoạt động khai thác con tàu. Ngành dịch vụ hàng hải ra đời từ đó. Từ đây các điều ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển ra đời.
4. Tìm hiểu một số điều ước quốc tế nổi tiếng về hàng hải
Công ước quốc tế mà ta hay nhắc đến liên quan đến vấn đề điều chỉnh các quan hệ pháp lý liên quan tới vận đơn và hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đó là Hague Rules, Hague Visby Rules và Hamburg Rules. Hague Rules quá thiên về lợi ích chủ tàu, Hamburg Rules lại nghiêng về che chắn cho chủ hàng, vì vậy đại đa số các nước đều áp dụng Hague Visby Rules. Khá nhiều nước trên thế giới như Vương quốc Anh, Singapore lấy toàn văn Hague Rules để ban hành thành luật nước mình, ngược lại một số nước như Trung Quốc, Thái Lan thì trích dẫn một số điều quan trọng để đưa vào luật nội địa. Tinh thần và nội dung cơ bản của một số quy định quan trọng trong Hague Visby Rules cũng đã được đưa vào Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005. Cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, toàn cầu hóa đã và đang diễn ra với tốc độ vũ bão, các rào cản thương mại và hàng hải giữa các quốc gia thành viên WTO dần dần từng bước được dỡ bỏ, thế nhưng vẫn tồn tại những điểm khác biệt đáng kể giữa 3 công ước trên với luật hàng hải thương mại từng nước riêng biệt. Một tình hình khác cũng làm nhiều người lo ngại là cuối thế kỷ XX Mỹ từng dự định sửa đổi Đạo luật chuyên chở hàng hóa bằng đường biển năm 1936 (US COGSA 1936) theo hướng cục bộ bản vị cho quyền lợi riêng của Mỹ, trong khi đó những năm gần đây EU cũng muốn có những quy tắc riêng điều chỉnh quan hệ vận tải biển theo hướng bảo vệ chặt chẽ quyền lợi các nước thành viên. Ngoài ra sự phát triển nhanh của vận tải đa phương thức, việc áp dụng ngày càng nhiều các chứng từ điện tử, sự khác nhau về chế định vận tải trong các loại hợp đồng quốc tế về mua bán, vận tải, bảo hiểm, tín dụng, giao nhận… cũng góp phần làm cho những khác biệt trên càng phình ra và hệ quả là giá thành vận tải ngày càng tăng lên chóng mặt. Tình hình và những khác biệt như đã nêu, trong một chừng mực đáng kể, đã gây trở ngại cho quá trình đẩy nhanh tốc độ phát triển thương mại quốc tế. Chính vì vậy, dưới sự chủ trì của UNCITRAL với sự phối hợp của CMI một công ước mới đã ra đời nhằm thay thế 3 công ước nói trên. Theo Điều 94 của Rotterdam Rules, Công ước này sẽ có hiệu lực sau 1 năm kể từ khi đủ 20 nước phê chuẩn, chấp nhận, thông qua hoặc gia nhập.
Công ước gồm 18 chương với 96 điều và chứa đựng những khái niệm chế định mới lần đầu tiên xuất hiện trong ngôn từ luật pháp hàng hải quốc tế. Những điểm tiến bộ đáng kể của Rotterdam Rules được thể hiện ở chỗ Công ước không những áp dụng để điều chỉnh các quan hệ pháp lý phát sinh từ vận đơn đường biển mà còn áp dụng để điều chỉnh các vấn đề pháp lý nảy sinh từ hợp đồng vận tải đa phương thức. Nó hạn chế áp dụng chế độ trách nhiệm từng chặng, trên cơ sở đó cho phép mở rộng khả năng áp dụng chế độ trách nhiệm thống nhất. Khác với Hague Rules chỉ điều chỉnh các quan hệ vận tải bằng vận đơn, Công ước này áp dụng cả cho giấy gửi hàng đường biển. Công ước công nhận và ủng hộ chế định FIOS trong các hợp đồng vận tải khối lượng lớn (dạng COA) và chủ tàu chỉ chịu trách nhiệm giao hàng chậm khi hai bên có quy định mốc thời gian giao hàng. Công ước có những quy định khuyến khích áp dụng thương mại điện tử và công nhận chứng từ điện tử trong vận tải cũng có giá trị như chứng từ thông thường, điều này sẽ làm giảm đáng kể khiếu nại về giao hàng chậm (trường hợp xảy ra giao hàng chậm trách nhiệm tối đa của người vận chuyển sẽ là 2,5 lần tiền cước của lô hàng bị chậm trễ) cũng như tạo điều kiện ngăn chặn các mưu đồ gian lận và lừa đảo trong ngành Hàng hải. Công ước đạt được sự nhượng bộ có chọn lọc trong cân bằng giữa việc duy trì chế định lỗi suy đoán với việc loại bỏ chế định lỗi hàng vận, tuy vậy gói giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển đã tăng lên và người vận chuyển bằng đường biển sẽ phải duy trì khả năng đi biển của con tàu không chỉ trước và khi bắt đầu hành trình như quy định trong Hague Visby Rules mà cả trong suốt hành trình, đổi lại với nhượng bộ này từ phía người vận chuyển, trách nhiệm của chủ hàng cũng được xác định rõ ràng và tương xứng hơn. Riêng với hàng nguy hiểm, Công ước cũng áp dụng chế định suy đoán lỗi của chủ hàng tương tự như với chủ tàu, nghĩa là có tổn thất xảy ra thì có thể suy đoán rằng chủ hàng đã có lỗi,và trách nhiệm chứng minh không có lỗi là nghĩa vụ của chủ hàng nếu họ muốn miễn trách nhiệm. Về thời gian thông báo khiếu nại với tổn thất không rõ ràng, nếu như Hague Rules chỉ cho phép 3 ngày thông thường thì ở Công ước này đã tăng lên 7 ngày làm việc.
Nhìn chung Công ước này đã có sự cân bằng đáng kể giữa quyền lợi người vận chuyển và chủ hàng so với Hague Visby Rules. Các tổ chức hàng hải quốc tế lớn trên thế giới như BIMCO (Hiệp hội hàng hải vùng Baltic và thế giới), ISA (Hiệp hội Chủ tàu quốc tế) đã kêu gọi các thành viên sớm phê chuẩn công ước. Một khi có hiệu lực, Rotterdam Rules chắc chắn sẽ góp phần từng bước loại bỏ chủ nghĩa cục bộ bản vị trong thương mại và hàng hải quốc tế, từ đó đẩy nhanh tốc độ toàn cầu hóa nói chung và tốc độ chu chuyển thương mại quốc tế nói riêng
5. Sơ lược pháp luật vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển tại Việt nam
Từ năm 1990 trở về trước, các hoạt động hàng hải quốc tế ở nước ta chủ yếu là do các văn bản dưới luật điều chỉnh. Đó là các văn bản do Chính phủ ban hành và các bộ, ngành liên quan ra các thông tư thực hiện. Ví dụ như: Tuyên bố của Hội đồng chính phủ (nay là Chính phủ) về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 12/05/1977; Nghị định số 30 – CP của Hội đồng chính phủ về quy chế cho tàu, thuyền nước ngoài hoạt động trên vùng biển của Việt Nam ngày 29/01/1980; Tuyên bố của Chính phủ về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam ngày 12/11/1982; Ngoài ra, các văn bản của Chính phủ và Bộ giao thông ban hành nhiều nghị định và điều lệ, thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành về hoạt động hàng hải trong những thập niên 70 và 80 vẫn còn nguyên giá trị, chỉ sau khi Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành Bộ luật hàng hải 1990 thì các văn bản trên mới không còn giá trị
Năm 1990 Quốc hội thông qua và ban hành Bộ luật hàng hải Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/1991. Bộ luật này thay thế cho các văn bản pháp lý về hoạt động hàng hải trước đó, khẳng định một bước tiến dài của Việt Nam trong quá trình pháp điển hóa pháp luật hàng hải trên con đường hội nhập với hàng hải quốc tế.
Năm 2005, Quốc hội sửa đổi, bổ sung và ban hành Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005 nhằm nhanh chóng đưa ngành hàng hải Việt Nam có đủ các điều kiện hội nhập vào ngành vận chuyển biển quốc tế với thế mạnh của ta là có bờ biển dài và có nhiều cảng biển quốc tế thuận tiện nằm trên hành lang vận chuyển hàng hải quốc tế. Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005 đã xây dựng được một hệ thống các nguyên tắc và quy phạm điều chỉnh hoạt động hàng hải trong nước và quốc tế của Việt Nam nhằm mục tiêu hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển vận tải biển và các dịch vụ khác liên quan đến biển bởi Việt Nam có vị trí địa lý quan trọng trong khu vực có mạng lưới vận chuyển hàng hóa bằng đường biển năng động bậc nhất trên thế giới. Một trong những mục tiêu của Quy hoạch Phát triển Vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1601/QĐ- TTg ngày 15/10/2009 là: “Phát triển vận tải biển theo hướng hiện đại hóa với chất lượng ngày càng cao, chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, tăng sức cạnh tranh của vận tải biển để chủ động hội nhập và mở rộng thị trường vận tải biển trong khu vực và trên thế giới”.
Cùng với tiềm năng để phát triển vận tải biển, Việt Nam còn xây dựng riêng cho mình một hệ thống các quy phạm pháp luật về các điều ước quốc tế tạo điều kiện để Việt Nam ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế. Và trong trào lưu hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang xem xét việc gia nhập các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển bao gồm ước Quy tắc Hague-Visby, Quy tắc Hamburg và Quy tắc Rotterdam. Trong năm 2011, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP) do Liên minh Châu Âu tài trợ đã tổ chức Hội thảo đánh giá tác động của việc Việt Nam gia nhập các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2005, chủ yếu dẫn theo Quy tắc Hague-Visby. Quy tắc này sau hơn 40 năm tồn tại, được nhiều quốc gia áp dụng hoặc viện dẫn với nhiều cách thức khác nhau, đến nay đã lạc hậu do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như sự thay đổi của các phương thức vận tải mới ra đời trong những năm gần đây. Những hạn chế của công ước này thể hiện qua chỗ nó chưa thực sự công bằng giữa người chuyên chở và chủ hàng.
Tuy nhiên, bộ luật hàng hải 2005 sau 10 năm triển khai thi hành đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, trong khi ngành Hàng hải đã cam kết mở cửa hội nhập toàn diện vào hoạt động kinh tế hàng hải toàn cầu. Bộ luật hàng hải 2017 được thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ 01/7/2017 là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật hàng hải nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa hoạt động hàng hải thế giới đang ngày càng gia tăng và vai trò vừa là “đầu mối”, vừa là “cầu nối” của kinh tế hàng hải đối với nền kinh tế quốc dân cũng như kinh tế biển nói riêng.
Nguồn: Sưu tầm và biên tập.