Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chúng ta thường nói nhiều đến stress: stress trong công việc, stress trong học tập, stress trong cuộc sống hôn nhân gia đình,…Để có thể đối mặt với stress một cách hiệu quả chúng ta cần hiểu rõ stress là gì. Stress có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng ta? Có cần thiết phải luôn luôn né tránh stress?

Hãy cùng tìm hiểu về stress dưới góc nhìn của tâm lí học nhé!

Stress là gì?

Stress là trạng thái căng thẳng lâu dài (cả về thể chất và tinh thần) nảy sinh khi các kích thích tác động quá mức (vượt ngưỡng giới hạn cho phép) chịu đựng của cá nhân dẫn đến thay đổi về nhận thức, thái độ và hành vi.

Ba giai đoạn của stress

– Giai đoạn báo động: Đây là giai đoạn xuất hiện các phản ứng đầu tiên được biểu hiện bằng trạng thái sốc. Tùy thuộc vào cường độ của yếu tố gây ra stress mà giai đoạn này có thể ngắn (vài phút) hay kéo dài đến vài giờ hoặc lâu hơn. Nếu cơ thể chống trả được thì sẽ chuyển sang giai đoạn thích ứng.

– Giai đoạn thích ứng: Đây là giai đoạn thích ứng với căng thẳng, trong thời gian này cơ thể tập trung vào đối phó với stress. Ở giai đoạn này, stress được coi là có lợi cho cơ thể, nó cho phép phản ứng để chống lại các tình huống nguy hiểm.

– Giai đoạn kiệt quệ: Nếu tác nhân gây stress quá mạnh, cơ thể không đủ sức chồng đỡ thì sẽ chuyển sang giai đoạn kiệt quệ. Hệ thống miễn dịch suy yếu, cơ thể cực kỳ nhạy cảm với các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Xuất hiện sự mệt mỏi, giận dữ hay thậm chí là trầm cảm. Sự sống có thể kết thúc.

Các triệu chứng của stress:

Các triệu chứng thể chất: căng cơ, rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, khó thở và mệt mỏi.

Các triệu chứng tình cảm và nhận thức: Chẳng hạn như kích động, cáu gắt, thiếu quyết đoán, thờ ơ, lo lắng, lo âu, buồn bã, giảm ham muốn, khó tập trung, giảm tự trọng và sự tự tin.

– Các triệu chứng hành vi: đảo lộn trật tự sống, nhận thức tiêu cực về thực tế, khó khăn trong các mối quan hệ, nghỉ việc, bỏ học.

Căng thẳng tốt hay xấu?

Stress có thể là một tác nhân kích thích trong nhiều tình huống như trước một bài kiểm tra, chuẩn bị một cuộc họp. Trong tình huống này, nó giúp cải thiện hiệu suất làm việc bằng cách tạo động lực, sự tập trung, thúc đẩy chúng ta hoàn thành nhiệm vui. Ở trường hợp này thì stress có ý nghĩa tích cực.

Đối với những cá nhân kém may mắn khác, stress đóng vai trò như một tác nhân hủy hoại. Nó ức chế hoàn toàn các khả năng của con người. Như vậy, chúng ta đang nói về dạng stress tiêu cực.

Cuối cùng, tồn tại một loại thứ ba – những người đang “nghiện” stress. Họ nghiện văn phòng hay công việc: những cá nhân không bao giờ ngừng căng thẳng, họ phụ thuộc vào công việc và điều này có thể dẫn họ đến kiệt sức.

Làm thế nào để đối phó với stress xấu

Nhiều người cho rằng thiền yên tĩnh sẽ giúp đối phó với stress, tuy nhiên một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Consulting and Clinical Psychology cho thấy hơn một nửa số bệnh nhân (54%) nói rằng họ cảm thấy lo lắng khi họ thiền. 

LM Gagne kết luận rằng “bất cứ điều gì có thể thay đổi những ý nghĩ, tư tưởng giúp bạn thư giãn“. Nói cách khác, làm những gì bạn thích miễn là nó giúp thư giãn bạn và thoải mái, và khiến tâm trí bạn bận rộn hơn để khong suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ như: đi bộ, vẽ, tập thể thao,… sẽ có hiệu quả hơn với một số người

Như vậy để tránh tình trạng kiệt sức bạn cần phải biếtlắng nghe cơ thể của bạn và mong muốn của chính bạn. Mỗi người là khác nhau và mỗi tình huống cũng vậy, không ai hiểu bạn tốt hơn bạn.

Kết luận

Căng thẳng, stress không phải là luôn luôn xấu, trải nghiệm những tình huống stress để biết và hiểu về những tình huống này cũng là cần thiết, nhưng đừng để quá nhiều stress khiến bạn mệt mỏi. Để đối phó với stress tiêu cực, hãy lắng nghe chính bạn để xác định điều gì phù hợp với bạn giúp thay đổi suy nghĩ và giúp bạn thư giãn. Tập trung chú ý vào những suy nghĩ tích cực và thể hiện cảm xúc của bạn sẽ làm tăng cảm giác hạnh phúc và giảm stress.

Trần Nhung – Bộ phận tư vấn tâm lý – Công ty Luật LVN Group (sưu tầm).

Hotline: 1900.0191