1. Thẩm quyền dân sự của toà án là gì ?

Trong hệ thống các cơ quan tư pháp tại Việt Nam thì Toà án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp chủ yếu. Toà án thực hiện thẩm quyền của mình trong việc xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật để bảo vệ pháp luật, bảo đảm sự công bằng xã hội. 

Theo từ điển tiếng Việt, thẩm quyền là quyền xem xét để kết luận và định đoạt một vấn đề theo pháp luật hoặc cách hiểu thứ hai, thẩm quyền là tư cách, quyền hạn về mặt chuyên môn được thừa nhận để có ý kiến có tính chất quyết định về một vấn đề nào đó. Trong khoa học pháp lý, thẩm quyền được hiểu là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ hành động, quyết định của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống bộ máy nhà nước do pháp luật quy định. Nhiều nước trên thế giới cũng có quan điểm tương tự về thuật ngữ này. Ví dụ như trong từ điển luật học của Pháp, thuật ngữ thẩm quyền (competence) được hiểu là khả năng mà pháp luật trao cho cơ quan công quyền (autorite publique) hoặc cơ quan tài phán (juridiction) thực hiện công việc nhất định hoặc thẩm cứu và xét xử một vụ kiện. Trong từ điển luật học của Mỹ, thẩm quyền được hiểu là một khả năng cơ bản và tối thiểu để cơ quan công quyền xem xét và giải quyết một việc gì theo pháp luật. Điểm chung về thẩm quyền cùa toà án đều được các nước thừa nhận là quyền xem xét giải quyết các vụ việc trong phạm vi pháp luật cho phép và quyền hạn trong việc ra các quyết định khi giải quyết vụ việc đó. Quyền xem xét giải quyết vụ việc và quyền ra các quyết định khi giải quyết vụ việc đó là hai nội dung quan trọng có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo thành thẩm quyền của toà án.

Ở Việt Nam, xuất phát từ những đặc thù về tổ chức hệ thông toà án cho nên quan niệm về thẩm quyền của toà án trong tố tụng dân sự cũng có những điểm khác biệt. Khái niệm về thẩm quyền của toà án được tiếp cận dưới ba góc độ là thẩm quyền theo loại việc, thẩm quyền của toà án các cấp và thẩm quyền của toà án theo lãnh thổ. Trên cơ sở đó, thẩm quyền dân sự của toà án được định nghĩa như sau:

Thẩm quyền dân sự của toà án là quyền xem xét giải quyết các vụ việc và quyền hạn ra các quyết định khi xem xét giải quyết các vụ việc đó theo thủ tục tố tụng dân sự tại toà án.

Còn khái niệm Sơ thẩm? Sơ thẩm là xét xử một vụ án với tư cách là Tòa án ở cấp xét xử thấp nhất. Như vậy sơ thẩm là cấp xét xử đầu tiên là cấp xét xử thứ nhất, là lần xét xử thứ nhất của Tòa án. Tất cả các cấp xét xử sau phải qua cấp xét xử này. Thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án là quyền xem xét giải quyết các vụ việc và quyền hạn ra các quyết định khi xem xét giải quyết các vụ việc đó tại Toà án theo thủ tục sơ thẩm được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự.

2. Thẩm quyền dân sự của Toà án được quy định như thế nào ?

Thẩm quyền dân sự của Toà án được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như Hiến pháp 2013, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014,… và các văn bản hướng dẫn, văn bản giải đáp khác của Toà án nhân dân tối cao đối với từng vụ việc cụ thế. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, nhắc tới thẩm quyền của Toà án, là nói tới thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo cấp xét xử, thẩm quyền theo lãnh thổ, thẩm quyền theo lựa chọn của nguyên đơn, theo thoả thuận của đương sự và trong các vụ việc dân sự có yếu  tố nước ngoài còn liên quan tới cả thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt của Toá án Việt Nam. 

Thẩm quyền theo vụ việc/loại việc là gì? Thẩm quyềntheo loại việc/vụ việc là tổng hợp các loại vụ việc về dân sự mà Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Thẩm quyền về loại việc của Tòa án sẽ phân định với những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác. Thẩm quyền theo vụ việc của Toà án được quy định tại từ Điều 26 dến Điều 34 gồm các yêu cầu và tranh chấp về dân sự, lao động, hôn nhân gia đinh, kinh doanh thương mại và thẩm quyền của Toà án đối với một số quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức. 

Thẩm quyền theo cấp xét xử là gì? Theo quy định tại Điều 3 Luật Tổ chức Toà án nhân dân, toà án nhân dân được tổ chức thành:

1. Tòa án nhân dân tối cao.

2. Tòa án nhân dân cấp cao.

3. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

5. Tòa án quân sự.

Tuy nhiên, cấp xét xử không được phân thành 5 cấp như trên mà chỉ bao gồm hai cấp là: Sơ thẩm và Phúc thẩm. Thẩm quyền theo cấp được quy định từ Điều 35 đến Điều 38 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Thẩm quyền dân sự của Toà án theo cấp chính là việc phân định Toà án nào trong hệ thống tổ chức Toà án sẽ có thẩm quyền giải quyêt theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc dân sự và Toà án nào sẽ có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục Phúc thẩm các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền theo loại việc của Toà án.

Thẩm quyền dân sự theo lãnh thổ, thẩm quyền theo sự lựa chọn, thoả thuận của đương sự là gì? Thẩm quyền dân sự theo lãnh thổ của Toà án, thẩm quyền theo sự lựa chọn, thoả thuận của đương sự, thực chất đều có cơ sở là thẩm quyền theo vụ việc và theo cấp xét xử nhưng tuỳ từng trường hợp, từng vụ việc xảy ra ở đâu, tài sản ở đây (ở địa phận hành chính huyện nào, tỉnh nào – đây là yếu tố lãnh thổ), bị đơn cư trú ở đâu hoặc nguyên đơn lựa chọn ra sao, các bên thoả thuận lựa chọn Toà án nào thì thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự sẽ thuộc Toà án tại địa phương đó. Thẩm quyền của Toà án trong các trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 39 và Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Ví dụ:

Thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án: Tranh chấp về bất động sản => thẩm quyền giải quyết thuộc về Toà án nơi có bất động sản – bất động sản ở quận Ba Đình thì Toà án nhân dân quận Ba Đình giải quyết sơ thẩm tranh chấp, bất động sản ở quận Tây Hồ thì Toà án nhân dân quận Tây Hồ giải quyết sơ thẩm tranh chấp. Hoặc, khởi kiện đòi tiền người vay – người vay là bị đơn => bị đơn cư trú ở đâu thì khởi kiện ra Toà án đó.

Thẩm quyền theo sự lựa chọn của đương sự: Giải quyết thuận tình ly hôn khi vợ, chồng có hộ khẩu ở hai nơi khác nhau => Vợ chồng thoả thuận nộp đơn tại Toà án nơi vợ hoặc chồng cư trú.

Thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam là gì? Đây là hai nội dung được quy định trong các Điều 469 và Điều 470 Bộ luật Dân sự năm 2015. Thẩm quyền chung quy định các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài vừa thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nước khác vừa thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân tại Việt Nam không phân chia lãnh thổ, cấp xét xử. Khi đã xác định được vụ việc đó thuộc thẩm quyền của Toà Việt Nam rồi thì mới căn cứ theo quy định về thẩm quyền theo vụ việc, theo lãnh thổ, theo cấp xét xử để phân định cho Toà án nào giải quyết. Thẩm quyền riêng biệt của Toà án tại Việt Nam là quy định những vụ việc, trường hợp nhất định chỉ thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án tại Việt Nam mà không phải của Toà án nước ngoài.

3. Ý nghĩa việc xác định thẩm quyền dân sự của toà án

Việc xác định thầm quyền giữa các toà án một cách hợp lý, khoa học tránh được sự chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa toà án với các cơ quan nhà nước, giữa các toà án với nhau, góp phần tạo điều kiện cần thiết cho toà án giải quyết nhanh chóng và đúng đắn các vụ việc dân sự, nâng cao được hiệu quả của việc giải quyết vụ việc dân sự. Bên cạnh đó, việc xác định thẩm quyền giữa các toà án một cách hợp lý, khoa học còn tạo thuận lợi cho các đương sự tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trước toà án, giảm bớt những phiền phức cho đương sự.

Ngoài ra, việc xác định thẩm quyền của các toà án một cách hợp lý và khoa học còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định những điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết của đội ngũ cán bộ ở mỗi toà án và các điều kiện khác, trên cơ sở đó có kế hoạch đáp ứng bảo đảm cho toà án thực hiện được chức năng, nhiệm vụ.

4. Tìm hiểu quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức

Đây là một trong những quy định hoàn toàn mới về thẩm quyền của Tòa án trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan tổ chức được quy định tại Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:

Điều 34. Thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức

1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.

– Nếu quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.

– Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy.

– Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

5. Một số lưu ý đối với đương sự khi muốn giải quyết tranh chấp tại Toà án

Thứ nhất về điều kiện khởi kiện, đương sự – đặc biệt là nguyên đơn cần xác định vụ việc của mình có đủ điều kiện để khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Toà án hay không.

– Nguyên đơn hoặc người nộp đơn cần tự xác định xem mình có phải là người có quyền khởi kiện hay không – Trường hợp không có quyền khởi kiện làm một trong các căn cứ để Toà án trả lại đơn khởi kiện. Nếu đã là người có quyền khởi kiện thì người khởi kiện phải đáp ứng đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.

– Bên cạnh đó, cần xác định vụ án có đáp ứng điều kiện để giải quyết tại Toà án không? Đặc biệt là các điều kiện tiền tố tụng như đã thông qua thủ tục hoà giải,… trước khi khởi kiện tại Toà án.

– Cần lưu ý trường hợp nếu vụ tranh chấp đã được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án, quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thông thường đây sẽ là căn cứ để Toà án trả lại đơn khởi kiện;

– Thời hiệu khởi kiện, đây là vấn đề mà nguyên đơn hoặc bị đơn có thể rất quan tâm. Hiện tại, thời hiệu khởi kiện không phải là căn cứ để Toà án trả lại đơn hay không thụ lý vụ án. Nhưng theo yêu cầu của các bên về áp dụng thời hiệu khởi kiện, đây sẽ là căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án.

– Sau khi xác định các yếu tố trên, cuối cùng, cũng là nội dung quan trọng, cần xác định đúng thẩm quyền của Toà án nhân dân. Trước tiên là xác định đúng thẩm quyền theo vụ việc, tiếp đến là thẩm quyền theo cấp và theo lãnh thổ, sau đó là thẩm quyền theo yêu cầu của nguyên đơn nếu không xác định được thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thứ hai, lưu ý tiếp theo về việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện một cách đầy đủ và chính xác nhất theo quy định pháp luật về hình thức đơn khởi kiện cũng như các tài liệu đi kèm.

Trân trọng!