1. Tổng quan về tham nhũng ở Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia dân chủ gắn liền với tự do về kinh tế, có nền kinh tế phát triển đứng thứ ba trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp thị trường tài chính với một hệ thống các quy tắc linh hoạt để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo điều kiện thiết lập hoạt động kinh doanh. Nhật Bản được xếp hạng là một trong những quốc gia có tình trạng tham nhũng ít nhất thế giới. Các doanh nghiệp ở đây ít đối mặt với nguy cơ tham nhũng. Tuy nhiên, ở Nhật có một truyền thống về bổ nhiệm nhân viên chính phủ đã nghỉ hưu vào những vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp mà họ đã từng quản lý dẫn đến nhiều tranh luận liên quan đến tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, hối lộ. Thực tế này thường xảy ra trong các lĩnh vực như tài chính, xây dựng, giao thông và công nghệ dược phẩm.

Nguy cơ tham nhũng trong hệ thống tư pháp của Nhật Bản rất thấp. Tư pháp độc lập được tôn trọng và bảo đảm thực hiện trong thực tế, Tòa án xét xử công bằng, Nhà nước pháp quyền được thiết lập. Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2015 – 2016 (the Global Competititiveness Report 2015 – 2016) thì các khoản chi trả không chính thức để có được phán quyết thuận lợi của Tòa án rất hiếm xảy ra ở đất nước này. Các doanh nghiệp cho rằng hệ thống pháp luật hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp.

Ở Nhật, không có trường hợp tham nhũng nào trong lực lượng Cảnh sát được báo cáo. Chính phủ có cơ chế hữu hiệu để điều tra và trừng phạt các hành vi lạm dụng, tham nhũng, giảm thiểu tình trạng miễn trừng phạt đối với Cảnh sát. Các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng lực lượng Cảnh sát là đáng tin cậy trong việc bảo vệ các doanh nghiệp trước tình hình tội phạm.

Trong lĩnh vực dịch vụ công, nguy cơ tham nhũng và hối lộ khi các doanh nghiệp xin cấp phép và sử dụng các dịch vụ công khác cũng rất thấp. Cũng theo báo cáo về cạnh tranh toàn cầu năm 2015 – 2016 thì Nhật Bản được xếp hạng trong các quốc gia mà các khoản chi không chính thức, hối lộ liên quan đến dịch vụ công thấp nhất thế giới. Thiết lập một doanh nghiệp ở Nhật Bản có thể nhiều hơn so với các nước phát triển khác cả về khía cạnh thủ tục và chi phí. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tham khảo thông tin về thiết lập một doanh nghiệp ở Nhật Bản trên trang thông tin điện tử của Chính phủ.

Quyền tài sản ở Nhật Bản được xếp hạng trong các quốc gia tốt nhất thế giới. Việc đăng ký một tài sản trung bình mất thời gian là 13 ngày, trong khi việc giải quyết cấp phép xây dựng dài hơn một chút so với các nước phát triển nhưng ít chi phí hơn. Lĩnh vực quản lý thuế cũng rất ít nguy cơ tham nhũng. Các khoản chi phí không chính thức, hối lộ khi thanh toán thuế hiếm xảy ra. Trung bình, các doanh nghiệp mất khoảng 330 giờ/01 năm để chuẩn bị, đăng ký và thanh toán thuế. Trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa, nguy cơ tham nhũng cũng rất thấp. Việc quản lý biên giới minh bạch và hiệu quả; hàng rào thuế quan, phi thuế quan và các thủ tục nhập khẩu là vấn đề phức tạp nhất trong nhập khẩu hàng hóa ở Nhật Bản.

2. Về thể chế chống tham nhũng ở Nhật Bản

Những đạo luật chủ yếu về chống tham nhũng ở Nhật gồm Bộ luật hình sự và Luật về chống cạnh tranh không lành mạnh. Nhật Bản được đánh giá là quốc gia  có khung pháp lý mạnh mẽ và được thực thi hiệu quả. Bộ luật hình sự áp dụng đối với các tội phạm thuộc lĩnh vực công và nghiêm cấm việc hối lộ chủ động hoặc thụ động các công chức, bao gồm các khoản thanh toán thuận lợi. Đạo luật về phòng chống cạnh tranh không lành mạnh đã tội phạm hóa hành vi hối lộ công chức và doanh nghiệp nước ngoài cũng như những cá nhân có trách nhiệm.

Nhật Bản không có luật về hối lộ trong khu vực tư nhưng pháp luật đặc biệt được áp dụng khi doanh nghiệp tư nhân có mối liên hệ chặt chẽ với lợi ích công. Luật doanh nghiệp áp dụng đối với khu vực tư và quy định hình phạt đối với hành vi hối lộ chủ động hoặc thụ động của giám đốc hoặc người có vị trí tương tự của các công ty chứng khoán. Đạo luật về đạo đức chỉ áp dụng đối với cá nhân, có giá trị tham khảo về quà tặng và yêu cầu các công chức trung, cao cấp phải báo cáo về những quà tặng có giá trị vượt quá 5000 yên Nhật. Hình phạt cao nhất là 5 năm tù hoặc phạt tiền 300 ngàn yên và có thể lên đến 20 năm đối với công chức đòi hối lộ. Luật về xóa bỏ và phòng ngừa đấu thầu gian lận xác định tham nhũng trong mua sắm công. Nhật Bản là thành viên của Công ước chống hối lộ của các nước phát triển và đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Nhật Bản chỉ coi tội đưa và nhận hối lộ là tội tham nhũng. Tuy nhiên, Luật hình sự của Nhật Bản quy định chi tiết, cụ thể các trường hợp (hành vi đòi hỏi, hứa hẹn nhận hối lộ sau khi công chức đã nghỉ hưu cũng bị xử lý), mức án xử cao nhất đối với Tội hối lộ không quá 7 năm tù. Trường hợp, công chức sử dụng tiền Nhà nước sai quy định hoặc không có quyền mà sử dụng được coi là phạm tội Lừa đảo.

Luật công tố của Nhật Bản quy định công tố viên có quyền điều tra tất cả tội phạm và trường hợp cần thiết có thể tự độc lập điều tra (kể cả khi cơ quan điều tra của lực lượng cảnh sát đã điều tra). Tuy nhiên, trong trường hợp bắt tội phạm, Cảnh sát tư pháp và công tố viên phải xin lệnh của tòa án và sau khi bắt thì chỉ có công tố viên mới có quyền phê chuẩn gia hạn tạm giam. Trong quá trình điều tra cả hai đều hợp tác rất chặt chẽ để tăng cường tính hiệu quả. Trong trường hợp cần thiết cơ quan công tố có quyền ra chỉ thị cho Cảnh sát tư pháp hợp tác và chỉ thị này phải được tuân thủ. Cảnh sát tư pháp sau khi bắt tội phạm phải gửi hồ sơ vụ án cho công tố.

Nhật Bản tự đánh giá, do tình hình trị an rất tốt, vì vậy không có Luật bảo vệ nhân chứng. Khi cần bảo vệ nhân chứng nếu có khó khăn thì tăng cường bảo vệ đối với từng vụ việc cụ thể.

Để tăng cường việc phòng ngừa tham nhũng, Nhật quan tâm xây dựng Luật đạo đức, phổ biến cho tất cả công chức Nhà nước và nhân dân. Luật về công chức Quốc gia điều chỉnh đối với công chức ở Trung ương, Luật công chức địa phương, điều chỉnh công chức ở địa phương.

Cảnh sát toàn quốc có 290.000 người. Ngoài các chức danh lãnh đạo ngành Cảnh sát theo quy định, Nhật thành lập Ủy ban Cảnh sát quốc gia để giám sát hoạt động Cảnh sát Trung ương và địa phương, Ủy ban này gồm có Bộ trưởng và 5 ủy viên. Ở địa phương có Ủy ban cảnh sát địa phương, tùy theo quy mô, ủy ban có từ 3 đến 5 người. Các Ủy ban này chủ yếu giám sát việc thực hiện có đúng nguyên tắc nhằm đảm bảo tính dân chủ và độc lập của lực lượng cảnh sát. Tháng 8/2000, chế độ giám sát được tăng cường vì có sự kiện không tốt xảy ra nên phải cải cách. Chủ yếu do 3 nguyên nhân: Do tính khép kín trong lực lượng cảnh sát; Có sự phê phán của người dân; Thời đại thay đổi, cơ cấu cũ không còn phù hợp. Do đó, Ủy ban giám sát được thành lập và có đề án chiến lược cải cách ngành Cảnh sát, nhằm đạt được 2 vấn đề quan trọng là: tăng cường tính minh bạch; và tự điều chỉnh tốt hơn.

Công tác giám sát nhằm tăng cường giáo dục đạo đức cho cán bộ trong ngành Cảnh sát, cải cách cả ý thức và môi trường để họ tự hào khi làm việc. Hàng năm các Ủy ban giám sát quốc gia và địa phương phải xây dựng kế hoạch giám sát trình Ủy ban cảnh sát; bảo đảm mỗi đồn Cảnh sát một năm phải giám sát một lần, định kỳ 3 tháng có một lần báo cáo cho Ủy ban cảnh sát. Nhờ vậy, số vụ vi phạm trong ngành Cảnh sát đã giảm. Năm 2000 có 568 vụ thì năm 2009 chỉ còn 242 vụ vi phạm. Tất cả các vụ vi phạm đều được xử lý theo quy định của Luật công chức và công khai trên trang Web. Ngoài ra, trong ngành Cảnh sát cũng có quy định cụ thể từng trường hợp vi phạm và mức xử lý tương ứng để đảm bảo khách quan (khi xử lý có xét từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể). Người làm công tác giám sát là do luân chuyển trong ngành một năm một lần và được tập trung tập huấn theo chương trình.

Thành phố Osaka có tổng số 38.941 công chức, do số lượng đông nên thành phố có một bộ phận thanh tra, các bộ phận trực thuộc có thanh tra nội bộ.

Năm 2006, thành phố ban hành Quy chế xử lý vi phạm hoạt động công vụ của công chức, quy chế này căn cứ vào các quy định của Luật công chức và khi xử lý vi phạm của công chức được thông tin rộng rãi. Thành phố áp dụng tăng cường chế độ kiểm soát nội bộ, thành lập bộ phận Kiểm soát nội bộ, mở rộng và tạo thuận lợi cho việc tố cáo, vì vậy trong 4 năm gần đây số vụ việc tố cáo tăng (có 2.815 vụ tố cáo /4 năm, không phải do tham nhũng xảy ra nhiều mà do các vi phạm khác của công chức).

Do tình hình vi phạm của công chức có xu hướng tăng, Thành phố xây dựng Chương trình triệt để xử lý tội phạm tham nhũng (chủ yếu không để xảy ra) được áp dụng 06/2010. Cụ thể có 22 điều khoản quy định: Vi phạm xử lý nặng, làm tốt được thưởng; Khi vi phạm lần 2 xử lý nặng, trường hợp làm tốt được khen hoặc tăng lương; Lập đường dây nóng; Tăng cường kiểm soát nội bộ. Để thực hiện chương trình, kế hoạch chính quyền thành phố thuê những người từng là Cảnh sát để hợp tác điều tra làm rõ. Thông qua chương trình này nhằm triệt để không để xảy ra tham nhũng.

3. Về thiết chế chống tham nhũng

Nhật Bản không có cơ quan độc lập chống tham nhũng. Tuy nhiên, một số cơ quan trong phạm vi thẩm quyền của mình đã tham gia tích cực vào cuộc chiến chống tham nhũng. Chẳng hạn, Ủy ban thương mại công bằng, Cơ quan cảnh sát quốc gia, Cơ quan quản lý thuế quốc gia.

Nhật Bản không có cơ quan thanh tra quốc gia. Tuy nhiên, một số thành phố có cơ quan thanh tra. Chính phủ Nhật Bản không tổ chức cơ quan thanh tra cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

4. Vai trò của Cơ quan công tố Nhật Bản trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Theo quy định của pháp luật Nhật Bản, Viện công tố là tổ chức của Công tố viên để thực thi nhiệm vụ. Viện công tố Nhật Bản có các nhiệm vụ sau:

– Điều tra các vụ án hình sự. Công tố viên có quyền điều tra bất kỳ vụ án nào khi thấy cần thiết.

– Truy tố bị can ra Tòa bằng bản cáo trạng, yêu cầu Tòa án áp dụng pháp luật khách quan và đúng đắn;

– Giám sát việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án;

– Đại diện cho lợi ích công (bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của những cá nhân, nhóm cá nhân có nhược điểm về thể chất, tâm thần) theo quy định của pháp luật trong các lĩnh vực tố tụng khác, chẳng hạn tố tụng dân sự.

Như vậy, nhiệm vụ chính của Cơ quan công tố là giám sát các hoạt động do các Công tố viên thực hiện. Các thành phố lớn như Tokyo, Osaka và Nagoya có Cơ quan điều tra đặc biệt trong tổ chức của Viện công tố. Trong các cơ quan này có các Công tố viên được đào tạo và có kinh nghiệm nghề nghiệp để thực hiện nhiệm vụ điều tra. Mặc dù Viện công tố Nhật Bản không có nhiệm vụ đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng thực tiễn cho thấy các Cơ quan điều tra đặc biệt ở Tokyo và Osaka đã điều tra nhiều vụ án, trong đó có các vụ án liên quan đến hối lộ và gian lận thuế.

5. Tổ chức JICA Nhật Bản

Tổ chức này được thành lập 1962 do yêu cầu của các nước Châu Á, do đó Liên Hiệp quốc ký với Nhật Bản để thành lập Viện nghiên cứu. Viện có tổng số 29 nhân viên, giảng viên trực tiếp làm việc và có 9 người tham gia gián tiếp, trong số giảng viên có 5 người nguyên là công tố viên, 1 người nguyên là Thẩm phán Tòa án và 2 người làm công tác trại giam.

Mục đích nghiên cứu của Viện là giúp các nước hợp tác để nâng cao tính hiệu quả, khả thi của Luật hình sự. Vì tội phạm ngày nay có tính chất quốc tế, hoạt động xuyên quốc gia nên tăng cường tìm hiểu, quan hệ đối tác giữa các nước để hiểu biết và hỗ trợ, giúp nhau những kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự nói chung và tội tham nhũng nói riêng. Từ khi thành lập đến nay có 147 khóa tập huấn, mỗi khóa có khoảng trên 25 người (trong đó Nhật Bản khoảng 10 người, còn lại là các nước khác) với 4.200 người tốt nghiệp ở 125 nước, trong đó Việt Nam có 37 người (chủ yếu là cán bộ của các cơ quan nội chính, tư pháp).

Tại khóa tập huấn, mỗi học viên có báo cáo về thực trạng tham nhũng ở nước mình và trao đổi với học viên các nước để học tập lẫn nhau; chia nhóm để thảo luận; đi thực tế tại Nhật Bản; viết báo cáo thu hoạch… Viện mời các chuyên gia Liên Hiệp quốc trình bày kinh nghiệm triển khai thực hiện công ước Liên Hiệp quốc về chống tội phạm và một số kinh nghiệm chống tội phạm tham nhũng và có chương trình tham quan, khảo sát thực tế tại một số cơ quan của Nhật Bản như: Viện Kiểm sát, Tòa án, Tổng cục thuế… Cuối khóa, mỗi học viên tự rút ra những kiến thức, kinh nghiệm có thể học tập được về phòng, chống tham nhũng áp dụng cho nước mình và đề xuất những vấn đề cần các nước hỗ trợ, hợp tác. Khi về nước mỗi học viên sẽ trở thành mạng lưới hợp tác phòng, chống tham nhũng để hỗ trợ, giúp nhau trên nhiều phương diện.

Đối với tổ chức Jica, là tổ chức phi Chính phủ của Nhật Bản đã có quan hệ với Việt Nam qua nhiều chương trình hợp tác giúp tập huấn phòng, chống tham nhũng bằng các dự án như: Giáo dục cán bộ công chức Nhà nước; giám sát hoạt động Nhà nước… Từ năm 2004, Jica đã có viện trợ cho Việt Nam về cải cách hành chính; hợp tác Singapo giúp Việt Nam phòng, chống tham nhũng trong mua sắm công; Tập huấn cho cán bộ chủ chốt về kỹ năng quản lý lĩnh vực công, khả năng lãnh đạo ở địa phương; giúp đỡ đào tạo để phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thuế.

Theo Jica thì tình hình tham nhũng của Nhật không nhiều, nếu có thì số tiền tham nhũng không lớn, nên không có tổ chức riêng biệt, chuyên trách để làm công tác phòng, chống tham nhũng. Luật công chức điều chỉnh chung nên các cơ quan, tổ chức chủ yếu tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng bằng các biện pháp như: thực thi Luật chống độc quyền, Luật mua sắm công; tăng cường kiểm soát nội bộ; đề cao vai trò của các cơ quan truyền thông (chủ yếu phòng ngừa về mặt tâm lý).

Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế mạnh, quản lý Nhà nước rất khoa học, người dân được giáo dục tốt, có trình độ dân trí cao nên ý thức tuân thủ rất triệt để. Dù số vụ án tham nhũng không nhiều nhưng Nhật Bản rất chú trọng việc phổ biến Luật đạo đức cho công chức để tự giác chấp hành, ngoài ra Nhật Bản còn tăng cường tính công khai minh bạch trong quản lý, tăng cường công tác giám sát, kiểm soát nội bộ (thanh tra nội bộ) tạo điều kiện để công chức và cả người bên ngoài phản ánh, tố cáo việc làm sai trái hoặc vi phạm như: Lập đường dây nóng, đề ra chương trình triệt để xử lý tội phạm tham nhũng… và hình thức phản ánh, tố cáo rất đơn giản,thuận lợi, dễ thực hiện, như: Tố cáo qua Internet, qua thư phản ánh hoặc trực tiếp đều được chấp nhận và xử lý. Vì vậy cơ quan, tổ chức đã nhận được rất nhiều phản ánh, tố cáo đối với công chức Nhà nước dù có những việc rất nhỏ và đa số đều không có dấu hiệu tham nhũng. Đây cũng là biện pháp phòng ngừa tốt của Nhật Bản.

Nhật Bản không có luật riêng về phòng, chống tham nhũng và cũng không có cơ quan chuyên trách. Khái niệm về tội phạm tham nhũng tương đối hẹp, chỉ có các hành vi đưa và nhận hối lộ mới được coi là tham nhũng. Nhật Bản chú trọng xử lý vi phạm theo Luật công chức, nếu vi phạm nặng hoặc tham nhũng sẽ bị đuổi việc, không có lương và các khoản trợ cấp, rất khó tìm việc làm, như vậy bị mất nhiều hơn so với tham nhũng.

Bài viết tham khảo: Tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Nhật Bản; ThS. Lại Thị Thu Hà (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao)