Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Kính gửi: Công ty Luật LVN Group

Công ty tôi có câu hỏi như sau, xin công ty giải đáp gifm: Hiện tại công ty tôi có nhu cầu phát triển đồng tiền kỹ thuật số, chúng tôi dùng đồng tiền này như tiền trung gian để khách hàng sử dụng các đồng tiền điện tử khác như Bitcon, Etherum…có thể mua được dịch vụ từ công ty của chúng tôi. Tất cả các giao dịch này chúng tôi sẽ thực hiện báo cáo minh bạch cho các cơ quan chức năng liên quan.

Theo như tôi biết thì hiện tại việc mua bán, trao đổi tiền điện tử đang diễn ra rất nhiều và công khai tại Việt Nam, mặc dù tôi cũng tìm hiểu sơ bộ thì hiện tại việc kinh doanh tiền kỹ thuật số vẫn chưa có cụ thể khung pháp lý rõ ràng và đang ở trong vùng xám của pháp luật.

Tôi cũng được biết có nhiều công ty khởi nghiệp liên quan đến blockchain trong nước và ngoài nước đang trực tiếp vận hành ở Việt Nam, những điều này làm tôi rất băn khoăn không biết việc tôi dự định thực hiện phát hành tiền kỹ thuật số của công ty tôi như trên có hợp pháp hay không?

Tôi cũng dự tính sẽ thực hiện việc ICO/IDO cho đồng tiền kỹ thuật số của bên công ty chúng tôi.

Rất mong nhận được sự tư vấn chi tiết của quý công ty về vấn đề nêu trên.

Cảm ơn Qúy công ty.

Trân trọng,

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật thương mại 2004;

Bộ luật dân sự 2015;

Bộ luật hình sự 2015;

Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt;

Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt;

Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức, rõ ràng về tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tiền mã hóa… Loại tiền này không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào.

Vậy có thể coi tiền kỹ thuật số là tài sản không?

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tài sản như sau:

“Điều 105. Tài sản

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Theo quy định này, tiền kỹ thuật số không phài là vật, tiền (tức là tiền truyền thống mà ta vẫn hiểu), cũng không phải là giấy tờ có giá hay quyền tài sản. Vì vậy, tiền kỹ thuật số không phải là tài sản. Nên việc điều chỉnh các giao dịch liên quan đến loại tiền này chưa có khung hành lang pháp lý cụ thể.

Vậy việc thực hiện thanh toán bằng tiền kỹ thuật số có được coi là Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt?

Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt

1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4, 5, 6, 7, 8 Điều 4 như sau:

“4. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là:

a) Tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

b) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ví điện tử.

5. Chủ tài Khoản thanh toán (sau đây gọi là chủ tài Khoản) là cá nhân đứng tên mở tài Khoản đối với tài Khoản của cá nhân hoặc là tổ chức mở tài Khoản đối với tài Khoản của tổ chức.

6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này.

8. Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài Khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài Khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài Khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.”

2. Bổ sung Khoản 6 Điều 6 như sau:

“6. Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.”

3. Sửa đổi Khoản 1 Điều 8 như sau:

“1. Ngân hàng Nhà nước mở tài Khoản thanh toán cho Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 27 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Khoản 4 Điều 55 Luật ngân sách nhà nước và các Điều 101, Điều 109, Điều 114, Khoản 4d Điều 118, Điều 121 Luật các tổ chức tín dụng.”

4. Sửa đổi Khoản 2 Điều 10 như sau:

“2. Người mở tài Khoản thanh toán là cá nhân phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Người chưa đủ 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài Khoản thanh toán thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.”

5. Sửa đổi Điểm b Khoản 2 Điều 12 như sau:

“b) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền. Số tiền bị phong tỏa trên tài Khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.”

6. Bãi bỏ Điểm c Khoản 2 Điều 12.

Theo quy định này, thanh toán bằng tiền kỹ thuật số không phải phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt vì không thuộc những trường hợp được liệt kê theo quy định trên. Do đó, nếu sử dụng tiền kỹ thuật số là phương tiện thanh toán trong các giao dịch là không hợp pháp.

Trường hợp sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị xử phạt hành chính theo Khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Điều 26. Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa không đúng quy định trên các phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tiếp nhận, xử lý tra soát, khiếu nại của khách hàng không đúng quy định của pháp luật;

b) Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời gian trong thanh toán, chuyển tiền, trừ các trường hợp thanh toán giữa tổ chức tín dụng với Ngân hàng Nhà nước;

b) Vi phạm quy định về thông báo, niêm yết biểu phí dịch vụ thanh toán, biểu phí dịch vụ thẻ.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;

b) Ký duyệt lệnh thanh toán không đúng thẩm quyền hoặc sử dụng chữ ký điện tử của người khác;

c) Mở, sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cho thuê, cho mượn từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán;

b) Làm giả chứng từ khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;

b) Cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên;

c) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh;

c) Sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch cho các mục đích lừa đảo, gian lận.

8. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định thanh toán bằng tiền mặt.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, điểm b khoản 5 và điểm c, d khoản 6 Điều này.

10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này;

b) Không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c, d khoản 6 và khoản 8 Điều này..”

Theo đó, việc sử dụng tiền kỹ thuật số là phương tiện thanh toán có bị thể xử phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. (Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự về việc phương tiện thanh toán. Điều 207 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Do đó, phụ thuộc vào các tình tiết cụ thể việc sử dụng tiền kỹ thuật số là phương tiện thanh toán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 207 Bộ luật hình sự 2015.

Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo phân tích trên, pháp luật Việt Nam không công nhận và cấm giao dịch các loại tiền tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa… , không coi đó là tài sản, nhưng không có quy định nào cấm việc mua bán, tặng cho loại tiền này. Đây có lẽ là kẽ hở pháp luật hiện nay. Vì vậy, như thông tin quý khách cung cấp hiện tại việc mua bán, trao đổi tiền điện tử đang rất nhiều và công khai, rầm rộ tại Việt Nam cũng bởi lý do này.

Hiện tại nếu quý khách thực hiện phát hành tiền kỹ thuật số của công ty để thực hiện việc mua bán, tặng cho, trao đổi loại tiền này thì như phân tích trên pháp luật Việt Nam chưa có quy định cấm. Do đó, quý khách có thể thực hiện. Hiện nay, nhiều công ty vẫn lợi dụng vào điều này để thực hiện mua bán, trao đổi loại tiền này. Tuy nhiên, vì khung pháp lý về nội dung này chưa có, việc thực hiện có thể có nhiều rủi ro.

Trường hợp quý khách phát hành tiền kỹ thuật số của công ty để thực hiện như một phương tiện thanh toán, tức là sử dụng nó như sử dụng đồng tiền truyền thống hiện tại thì sẽ vi phạm quy định về hoạt động thanh toán như đã phân tích ở trên.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi vềĐồng tiền kỹ thuật số”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật

Công ty Luật TNHH LVN Group