1. Khái niệm chủ thể trong tư pháp quốc tế
Chủ thể của tư pháp quốc tế là những cá nhân hay tổ chức có năng lực chủ thể khi tham gia quan hệ tư pháp quốc tế. Trong một số trường hợp quốc gia cũng trở thành chủ thể của tư pháp quốc tế nhưng với địa vị là chủ thể đặc biệt trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế.
Cá nhân là chủ thể trong tư pháp quốc tế được hiểu là những thực thể tự nhiên của xã hội, cá nhân là một con người cụ thể có thể là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người mang quốc tịch của một nước, hoặc người không mang quốc tịch của nước nào (người không quốc tịch). Người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm: Công dân Việt Nam (còn quốc tịch Việt Nam), người gốc Việt (người còn hoặc không còn giữ quốc tịch Việt Nam) đang cư trú, sinh sống ở nước ngoài.
Pháp nhân, tổ chức là chủ thể do pháp luật tạo nên và trao cho các chủ thể đó có quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Pháp nhân là chủ thể trong tư pháp quốc tế có thể được hiểu là nhà nước pháp nhân, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp các tổ chức khác đủ điều kiện là chủ thể trong tư pháp quốc tế gồm: Pháp nhân nước ngoài – là pháp nhân được thành lập ở nước ngoài theo quy định pháp luật nước ngoài và Pháp nhân Việt Nam – được thành lập tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.
Điều kiện để trở thành chủ thể của tư pháp quốc tế:
– Thứ nhất, cá nhân, tổ chức phải có đầy đủ năng lực chủ thể gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi theo quy định của pháp luật.
– Thứ hai, cá nhân, tổ chức đó phải tham gia vào quan hệ xã hội do tư pháp điều chỉnh.
2. Quy chế pháp lý đối với người nước ngoài tại Việt Nam
Quy chế pháp lý là tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài khi sinh sống, cư trú và làm ăn tại Việt Nam. Thông thường, quy chế pháp lý của người nước ngoài mang tính song trùng pháp luật có nghĩa là khi cư trú làm ăn sinh sống ở nước sở tại thì người nước ngoài cùng lúc chịu sự điều chỉnh của hai hệ thống pháp luật là pháp luật của nước mà người đó mang quốc tịch và pháp luật của nước sở tại nơi người đó cư trú và làm ăn sinh sống.
– Khi giải quyết xung đột pháp luật về năng lực pháp luật và năng lực hành vi của người nước ngoài thì pháp luật các nước thường quy định người nước ngoài có năng lực pháp luật ngang hoặc tương đương với công dân nước sở tại.
Quy chế pháp lý của người nước ngoài tại Việt Nam gồm một số quyền và nghĩa vụ cơ bản như sau:
Người nước ngoài có những quyền hạn sau:
– Quyền cư trú đi lại theo quy định của luật xuất nhập cảnh, quá cảnh, lưu trú.
– Quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp: cho phép người nước ngoài tự do lựa chọn nghề nghiệp trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên hạn chế người nước ngoài làm việc trong một số ngành nghề an ninh quốc phòng. Được phép làm Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật VN với điều kiện học qua trường Đại học Luật việt nam.
– Được quyền sở hữu và thừa kế theo quy định pháp luật
– Quyền được học tập: cho họ tự do lựa chọn các trường tuy nhiên hạn chế một số trường liên quán đến anh ninh quốc phòng.
– Được bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.
– Trong lĩnh vực hôn nhân – gia đình cho phép họ kết hôn nuôi con nuôi bình đẳng đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em.
– Và nhiều quyền khác tương tự như công dân Việt Nam dựa trên nguyên tắc Có đi có lại. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào người nước ngoài cũng có quyền như công dân Việt Nam đặc biệt là các lĩnh vực an ninh, bảo mật, chính trị quốc gia. Mặc dù bị hạn chế nhưng những hạn chế này không ảnh hưởng tới việc thực hiện các quyền và nhu cầu cơ bản của người nước ngoài tại Việt Nam.
Người nước ngoài có các nghĩa vụ:
Người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng phong tục tập quán, truyền thống tín ngưỡng của VN và khi Người nước ngoài vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất vi phạm họ có thể bị xử phạt, bị trục xuất trước thời hạn và thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Quy chế pháp lý đối với pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam
Căn cứ xác định quốc tịch pháp nhân: Việc xác định quốc tịch pháp nhân có thể căn cứ vào nơi thành lập pháp nhân, nơi đăng ký điều lệ pháp nhân, nơi pháp nhân đặt trụ sở chính hoặc nơi thực tế pháp nhân hoạt động.
Các hình thức hoạt động của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam gồm: Hiện diện thương mại – tức là có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở Việt Nam hoặc Không có hiện diện thương mại – như chỉ thực hiện ký kết hợp đồng thương mại, đầu tư trên lãnh thổ Việt nam hoặc đưa sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu sang Việt Nam, thực hiện các hành vi thương mại khác mà không thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Với mỗi hình thức hoạt động, pháp nhân nước ngoài chịu sự điều chỉnh của các quy chế pháp lý khác nhau.
Quy chế pháp lý của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam là tổng thể các quy định liên quan tới quyền và nghĩa vụ của pháp nhân tại Việt Nam. Quy chế pháp lý của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam được xác định trên cơ sở pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên nội dung cụ thể của quy chế pháp lý dân sự của các loại pháp nhân nước ngoài trong mỗi lĩnh vực hoạt động ở Việt Nam không hoàn toàn giống nhau. Các quy định điều chỉnh hoạt động của pháp nhân nước ngoài có thể nằm trong các văn bản pháp luật khác nhau như:
Quy chế về giao kết, thực hiện hợp đồng có thể theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật Thương mại hoặc các tập quán thương mại quốc tế, Luật Đầu tư,…
Quy chế về thành lập hiện diện thương mại có thể có trong Luật Đầu tư hoặc Luật Doanh nghiệp,…
Quy định về giải quyết tranh chấp có thể áp dụng quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật thương mại, Luật trọng tại thương mại, ..
Tuy nhiên, cũng tương tự với quy chế pháp lý của cá nhân, pháp luật Việt Nam cũng dành nhiều sự ưu ái cho pháp nhân nước ngoài đầu tư, hoạt động tại Việt Nam như hoặc hơn cả đối với Doanh nghiệp Việt Nam và mặc dù có hạn chế nhưng những hạn chế đó cũng không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của pháp nhân tại Việt Nam.
4. Quy chế pháp lý với Quốc gia – chủ thể đặc biệt của Tư pháp quốc tế
Dựa trên nguyên tắc miễn trừ quốc gia, k tham gia vào các mối quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, quốc gia được hưởng quy chế pháp lý đặc biệt – không những không ngang hàng với các cá nhân và pháp nhân mà còn được hưởng quyền miễn trừ tư pháp. Cơ sở pháp lý của nguyên tắc này dựa trên sự tôn trọng chủ quyền quốc gia và bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia. Theo đó, Nhà nước này hoặc bất kì cơ quan nào của nhà nước này không có quyền xét xử nhà nước khác hoặc đại diện của Nhà nước khác.
Ở Việt Nam, nguyên tắc này cũng được nội luật hoá trong Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993.
Nội dung quy chế pháp lý đối với quốc gia trong đảm bảo quyền miễn trừ tư pháp gồm:
– Quyền miễn trừ xét xử – toà án của quốc gia này không có quyền xét xử quốc gia kia, nếu quốc gia kia không cho phép.
Nếu quốc gia đó đồng ý cho toà án nước ngoài xét xử vụ tranh chấp mà quốc gia là bên bị đơn thì toà án nước ngoài được xét xử, nhưng không được phép áp dụng các biện pháp cưỡng chế sơ bộ đối với đơn kiện hoặc bảo đảm thi hành phán quyết của toàn án. Toà án nước ngoài chỉ được phép cưỡng chế khi được quốc gia đó cho phép. Và tài sản của quốc gia cũng được hưởng quyền miễn trừ này trong việc không bị cưỡng chế thi hành án.
– Quốc gia có quyền đứng tên nguyên đơn trong vụ tranh chấp dân sự với cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài. Trong trường hợp đó toà án nước ngoài được phép giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, bị đơn là cá nhân, pháp nhân nước ngoài chỉ được phép phản kiện khi được quốc gia nguyên đơn đồng ý.
– Quốc gia có quyền từ bỏ từng nội dung hoặc tất cả các nội dung của quyền miễn trừ này. Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia là tuyệt đối ở mọi nơi, mọi lúc, trừ trường hợp quốc gia tự nguyện từ bỏ.
5. Các quy định về bảo vệ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam
Tác giả là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam có các quyền tác giả được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ: Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau:
– Đặt tên cho tác phẩm;
– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, khôn cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản:
– Làm tác phẩm phái sinh;
– Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
– Sao chép tác phẩm;
– Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
– Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
– Cho thuê bảo gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Theo pháp luật Việt Nam, tác giả là công dân Việt Nam có tác phẩm, công trình chưa công bố ở trong nước mà được sử dụng lần đầu tiên dưới bất kỳ hình thức nào ở nước ngoài cũng sẽ được hưởng quyền tác giả ở nước sử dụng tác phẩm đó;
Việc công bố tác phẩm của công dân Việt Nam ở nước ngoài phải được cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản có thẩm quyền cho phép và phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với tác giả là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam đều được Nhà nước CHXHCNVN bảo hộ quyền tác giả (trừ trường hợp tác phẩm không được Nhà nước bảo hộ).
Như vậy, tác giả nước ngoài sẽ được hưởng quyền tài sản và quyền nhân thân trong lĩnh vực quyền tác giả như tác giả là công dân Việt Nam.
Đối với tác phẩm công trình của người nước ngoài được công bố, sử dụng ở Việt Nam dựa trên cơ sở những điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia thì chế độ bảo hộ quyền tác giả sẽ được xác định theo ĐƯQT và theo pháp luật Việt Nam.
Trân trọng!