1. Khái niệm tư pháp quốc tế
Tư pháp quốc tế là một ngành luật điều chỉnh các quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng, thương mại, hôn nhân gia đình, lao động, và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài. Quan hệ dân sự theo nghĩa rộng là quan hệ mà ở đó các bên bình đẳng với nhau trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt một quan hệ dân sự và ưu tiên sự tự định đoạt của các bên. trong việc giải quyết khi phát sinh tranh chấp
Về cơ bản, tư pháp quốc tế mặc dù có tên quốc tế nhưng thực chất nó nằm hoàn toàn trong pháp luật quốc gia, điều chỉnh các vấn đề dân sự đặc thù có yếu tố nước ngoài.
2. Đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế
Đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài (bao gồm cả tố tụng dân sự) như: hôn nhân gia đình, thừa kế, lao động, về hợp đồng kinh tế ngoại thương…
Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, theo quy định tại Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015 là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ dể xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài; phát sinh tại nước ngoài hoặc đối tượng liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Ví dụ về yếu tố nước ngoài:
Chủ thể: Người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, hoặc người VN định cư ở nước ngoài;
Đối tượng của quan hệ đó ở nước ngoài: Tài sản thừa kế ở nước ngoài;
Sự kiện pháp lý là căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài: Kết hôn ở nước ngoài.
3. Phương pháp điều chỉnh của tư pháp quốc tế
Phương pháp điều chỉnh là tổng hợp các cách thức và biện pháp mà Nhà nước thông qua việc xây dựng các quy phạm tư pháp quốc tế để tác động lên các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nhằm đảm bảo sự cân bằng, hành hoá lợi ích của các bên phù hợp với tính chất và đặc điểm của quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Hiện tại, có hai phương pháp điều chỉnh của tư pháp quốc tế là: Phương pháp thực chất và Phương pháp xung đột.
Phương pháp thực chất: là phương pháp sử dụng các quy phạm pháp luật thực chất để điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế. Nói đơn giản là sử dụng các Điều luật có sẵn để giải quyết tranh chấp
Các quy phạm thực chất (hay các điều luật có sẵn) là quy phạm định rõ ràng các quyền, nghĩa vụ, biện pháp, chế tài đối với các chủ thể tham gia quan hệ tư pháp quốc tế xảy ra, nếu có sẵn quy phạm thực chất để áp dụng thì các đương sự cũng như cơ quan có thẩm quyền căn cứ ngay vào quy phạm để xác định được vấn đề mà họ đang quan tâm mà không cần phải thông qua một khâu trung gian nào.
Ví dụ dễ nhất trong chính là các điều ước quốc tế mà Việt nam tham gia và được nội luật hoá để giải quyết các vấn đề dân sự có yếu tố nước ngoài.
Tính ưu việt của việc áp dụng các điều luật có sẵn là làm cho mối quan hệ tư pháp quốc tế được điều chỉnh nhanh chóng, các vấn đề cần quan tâm được xác định ngay, các chủ thể của quan hệ đó và các cơ quan có thẩm quyền khi gây tranh chấp sẽ tiết kiệm được thời gian tránh được việc tìm hiểu pháp luật nước ngoài là một vấn đề phức tạp. Tuy nhiên do số lượng các quy phạm thực chất không nhiều (vì vấn đề dân sự là quá rộng lớn, các nhà làm luật không thể lường trước được mọi tình huống phát sinh để đưa ra các điều luật phòng ngừa trước) nên không đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh của nhiều quan hệ dân sự khác trong tư pháp quốc tế. Với các tranh chấp mà chưa có quy phạm thực chất điều chỉnh, chúng ta cần sử dụng biện pháp thứ hai đó là các quy phạm xung đột.
Phương pháp điều chỉnh xung đột (hay còn gọi là phương pháp điều chỉnh gián tiếp) là phương pháp sử dụng quy phạm xung đột nhằm xác định hệ thống pháp luật nước nào sẽ được áp dụng trong việc điều chỉnh quan hệ TPQT cụ thể.
Quy phạm xung đột là các quy phạm pháp luật không quy định sẵn các quyền, nghĩa vụ các biện pháp chế tài đối với các chủ thể tham gia tư pháp quốc tế mà nó chỉ có vai trò xác định hệ thống pháp luật nước nào sẽ được áp dụng. Nói đơn giản, quy phạm xung đột là các điều luật có nội dung chỉ dẫn tới việc sẽ áp dụng pháp luật nước nào để giải quyết tranh chấp. Ví dụ: Tranh chấp tài sản ở nước ngoài thì áp dụng pháp luật nước ngoài. Còn trên thực tế tài sản ở nước Anh, Mỹ hay Pháp thì áp dụng pháp luật nước đó.
Quy phạm xung đột được xây dựng bằng cách các quốc gia tự ban hành hệ thống pháp luật của nước mình (gọi là quy phạm xung đột trong nước – những quy phạm này đôi khi cũng xảy ra mâu thuận với pháp luật nước ngoài) ngoài ra nó còn được xây dựng bằng cách các quốc gia kí kết các điều ước quốc tế (quy phạm xung đột thống nhất).
4. Vị trí của tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Tư pháp quốc tế được xem là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật quốc gia bởi nó có đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh riêng.
Hệ thống pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật quốc gia nói riêng phân chia thành luật cộng và luật tư nhằm phân biệt sự tham gia của Nhà nước vào các mối quan hệ và mục đích của việc xây dựng pháp luật. Tư pháp quốc tế dù xuất hiện yếu tố quốc tế nhưng lại nằm hoàn toàn trong hệ thống pháp luật quốc gia nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của các chủ thể tư như công dân, tổ chức, điều chỉnh các quan hệ dân sự giữa các chủ thể có địa vị ngang bằng nhau, bình đẳng với nhau và trong một số trường hợp, quốc gia cũng tham gia với tư cách là chủ thể đặc biệt của tư pháp quốc tế.
5. Các nguyên tắc cơ bản của tư pháp quốc tế
Các nguyên tắc cơ bản trong tư pháp quốc tế gồm: Nguyên tắc bình đẳng về chế độ sở hữu; Nguyên không phân biệt đối xử giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và công dân các nước với nhau tại Việt Nam; Nguyên tắc có đi có lại; Nguyên tắc tôn trọng quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (miễn trừ quốc gia); Nguyên tắc tôn trong sự thoả thuận của các bên.
Nguyên tắc bình đẳng về chế độ sở hữu xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế là sự bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia. Nội dung cơ bản của nguyên tắc thể hiện ở việc nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt đối xử giữa các chế độ sở hữu của các quốc gia trên thế giới. Các chế độ sở hữu này đều được đối xử bình đẳng về pháp lý, không phân biệt thể chế chính trị, kinh tế, xã hội mà các quốc gia đang hướng tới.
Nguyên tắc miễn trừ quốc gia là quyền của quốc gia sẽ không bị xét xử bởi bất kỳ một cơ quan tài phán nào dù là cơ quan tài phán quốc tế hay cơ quan tài phán của quốc gia khác trong quan hệ tư pháp quốc tế nếu chính quốc gia đó không đồng ý. Tương tự, các tài sản của quốc gia sẽ không bị áp dụng các biện pháp đảm bảo thi hành án.
Nguyên tắc có đi có lại là một quốc gia sẽ dành chế độ pháp lý nhất định cho thể nhân hoặc pháp nhân nước ngoài trong phạm vi chế độ pháp lý mà nước đó dành cho thể nhân hoặc pháp nhân nước mình. Việc áp dụng nguyên tắc này nhằm mục đích bảo hộ một cách tối đa quyền và lợi ích chính đáng của công dân, pháp nhân nước mình tại nước ngoài trong quan hệ tư pháp quốc tế. Đây được coi là nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.
không phân biệt đối xử giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và công dân các nước với nhau tại Việt Nam có nghĩa là Nhà nước Việt Nam cho phép công dân nước ngoài khi ở Việt Nam được hướng những quyền và nghĩa vụ như công dân Việt Nam (trừ một số quyền nhất định).
Nguyên tắc tôn trong sự thoả thuận của các bên có nghĩa là về bản chất, các quan hệ mà tư pháp quốc tế điều chỉnh vẫn là các quan hệ dân sự nên việc tôn trong sự thoả thuận của các bên là nội dung được thừa nhận. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên, giới hạn thực hiện nguyên tắc này cũng được đặt ra ở một vài lĩnh vực mà các bên tham gia được lựa chọn pháp luật áp dụng.
6. Nguồn của tư pháp quốc tế
Nguồn của TPQT là các hình thức chứa đựng và thể hiện quy phạm của TPQT. Hiện nay nguồn của TPQT gồm các loại sau đây:
Luật pháp của mỗi quốc gia. Chúng ta điều biết, mỗi nước trên thế giới đều có những điều kiện riêng về chính trị, kinh tế, xã hội..do vậy để chủ động trong việc điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế mỗi quốc gia đã tự ban hành trong hệ thống pháp luật của nước mình các quy phạm xung đột trong nước.
Ví dụ: Hiến pháp Việt Nam qua các năm là nguồn quan trọng nhất của TPQT, ngoài ra còn trong bộ luật khác như: BLDS qua các năm, luật HN GD, Luật Đầu tư,…
Điều ước quốc tế với tư cách là nguồn của TPQT ngày càng đóng vai trò quan trọng và mang ý nghĩa thiết thực: các ĐƯQT về thương mại, hàng hải quốc tế, các hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, gia đình và hình sự..
Ví dụ: Các hiệp định tương trợ và hợp tác tư pháp mà cho tới nay nước ta đã kí với hàng loạt các nước như Nga vào năm 1998; séc và slovakia 1982, Cu ba 1984; Hungari 1985, … các điều ước quốc tế song phương, đa phương như Công ước Pari 1983 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ( 1981); 1995 gia nhập Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài thương mại…
Tập quán quốc tế là những quy tắc xử sự được hình thành trong một thời gian dài, được áp dụng khá liên tục và một các có hệ thống, đồng thời được sự thừa nhận đông đảo của các quốc gia. VD: tập hợp các tập quan thương mại quốc tế khác nhau trong đó quy định các điều kiện mua bán, bảo hiểm, cước vận tải, trách nhiệm giữa các bên tham gia hợp đồng : Các phiên bản Incoterms và mới đây nhất là
Án lệ là các bản án hoặc quyết định của tòa án mà trong đó thể hiện các quan điểm của thẩm phán đối với các vấn đề pháp lý có tính chất quyết định trong việc giải quyết các các vụ việc nhất định và mang ý nghĩa giải quyết đối với các quan hệ tương ứng trong tương lai.
Về trình tự thủ tục áp dụng các loại nguồn của TPQT được đề cập tại Điều 664 BLDS:
1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN Group