Trong tiếng Nga, khi nghiên cứu khái niệm “Pravovoe gosudarstvo”, người ta thường nói về khái niệm “Pravovoi zakon”. Chúng ta quan niệm “Pravovoe gosudarstvo” là nhà nước pháp quyền (chính xác hơn phải là nhà nước pháp luật). Nếu hiểu là nhà nước pháp luật trong tiếng Việt thì cần nói tới khái niệm “đạo luật pháp luật”. Tuy nhiên, cách dùng thuật ngữ như vậy có gì không ổn. Chúng tôi tạm gọi là “luật pháp quyền” hay “đạo luật pháp quyền” và cũng có thể đưa ra khái niệm tính pháp quyền của hệ thống pháp luật.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

1. Đạo luật pháp quyền, luật pháp quyền, tính pháp quyền của hệ thống pháp luật

Đạo luật pháp quyền là văn bản của cơ quan quyền lực nhà nước không chỉ được thông qua và bảo đảm bởi Nhà nước hay các định chế xã hội mà còn phải phù hợp (về nội dung, hình thức, thủ tục) với các nguyên tắc của ý thức pháp luật xã hội, phù hợp với các quy phạm của hiến pháp và do vậy, có hiệu lực đầy đủ trong phạm vi hệ thống pháp luật. Đối với xã hội hiện đại, khái niệm và quan điểm về đạo luật pháp quyền là một trong những nguyên tắc cơ bản của tính hợp hiến, tính pháp quyền của các văn bản, hành vi của các thiết chế chính trị – nhà nước và điều chỉnh pháp luật các nhu cầu đa dạng của xã hội, của công dân. Nói cách khác, đạo luật pháp quyền là đạo luật được ban hành và thực hiện theo luật pháp quyền.

Ngay từ xa xưa, người ta đã nói về khả năng tồn tại các đạo luật thực định khác nhau theo các tiêu chí khác nhau để xác định tính đúng đắn hay không đúng đắn, tức là tính pháp quyền hay không pháp quyền của đạo luật nào đó. Tiêu chí đúng đắn được người xưa dùng là “phúc lợi chung”, “lợi ích chung”, “hợp đạo lý tự nhiên”, “hiệu quả thực tế”, “phù hợp với ý Trời”… Thậm chí, người ta bàn đến xung đột giữa luật và ý Trời và cho rằng, con người sẽ không bị coi là tội lỗi nếu như không tuân thủ luật được ban hành trái với ý Trời. Và cũng có quan niệm về việc vi phạm luật Trời đã được thể hiện trong luật tự nhiên chỉ có thể thực hiện bởi người cầm quyền, người ban hành luật. Các nhà hiền triết cổ đại đã nói về nguyên tắc cai trị và chấp pháp mặc nhiên mang tính huyền bí của Chúa Trời. Tư tưởng thời trung cổ đưa ra nguyên tắc đại diện đẳng cấp như bước bổ sung, bước trung gian thể hiện ý niệm tuyệt đối của nhà cầm quyền và các văn bản pháp luật của nhà cầm quyền.   Thuyết pháp quyền tự nhiên của Hê-ghen cũng đã đề cập đến luật pháp quyền khi nói về nhà nước pháp quyền (NNPQ).

Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, quan niệm về “luật pháp quyền” cũng có sự thay đổi. Vai trò to lớn trong việc hợp pháp hóa, luật lệ hóa các văn bản pháp luật là quan niệm về các quyền tự nhiên của cá nhân mà chỉ con người mới có từ khi sinh ra và để con người có quyền bình đẳng. Hiệu lực của các đạo luật gắn với lợi ích chung, lợi ích của đa số công dân trong nhà nước. Ưu thế nổi trội của nhà nước về mặt luật pháp là dựa vào ý chí của nhân dân (thuyết khế ước xã hội) và trở thành pháp quyền, bắt buộc, khi luật phù hợp với ý chí của nhân dân. Để làm được điều đó cần coi trọng các cơ quan đại diện – các cơ quan lập pháp đang kiểm tra hoạt động của chính phủ (nhà vua).

Về nội dung của luật pháp quyền: cần thấy rằng văn bản pháp luật chỉ được coi là có hiệu lực lâu dài, cần thiết và hợp lý nếu những quy định trong đó trùng hợp với những đòi hỏi của ý niệm tuyệt đối – chủ thể của pháp luật tự nhiên. Từ thế kỷ XVII-XVIII, nhờ quan niệm này mà trong triết học pháp quyền đã thiết lập nguyên tắc bình đẳng về hình thức pháp luật của tất cả mọi người tham gia hệ thống các quan hệ pháp luật bằng sự thống nhất về bản chất của lợi ích và nhu cầu. Trong quan niệm cổ điển của thuyết pháp quyền tự nhiên của J.J. Rút-xô, cơ chế kiểm tra của bộ máy chính trị – nhà nước được dùng để cân bằng lợi ích của toàn dân, của các nhóm, các giai tầng và các lợi ích cá nhân. Và sự cân bằng đó chỉ có thể đạt được, vẫn theo tư tưởng của J.J. Rút-xô, khi có sự phân quyền và tôn trọng tính tối cao của luật và không chỉ là trật tự pháp luật tối ưu mà còn là tổ chức chính trị lý tưởng nói chung.

Dần dần, người ta thấy tính tích cực của dân chúng tăng cao trong quan hệ với hệ thống pháp luật của nhà nước, xuất hiện học thuyết “chủ quyền nhân dân” của J.J. Rút-xô không những trong lĩnh vực lập pháp cụ thể mà cả trong lĩnh vực lập pháp có tính nguyên tắc. Trong triết học cổ điển Đức, I. Kant và Hê-ghen đã có tư tưởng cơ bản về luật pháp quyền, bao hàm những thành tựu cơ bản của thời bấy giờ. Trước hết cần nhấn mạnh sự khác biệt nội tại giữa luật pháp quyền và luật đạo đức: triết học của Kant khẳng định nguyên tắc tính độc lập về đạo đức của cá nhân trong mối tương quan với nghĩa vụ pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên, tính độc lập tuyệt đối của đạo đức phải đồng hành cùng pháp luật và phục tùng pháp luật do nhà nước ban hành bởi lẽ, luật của nhà nước (thậm chí trong trường hợp không phải là sự lựa chọn tối ưu) vẫn là nền tảng của trật tự pháp luật bền vững và là tiền đề tạo ra cộng đồng hoàn thiện về đạo đức. Triết học pháp quyền của Hê-ghen về cơ bản dựa vào nguyên tắc lô gic hai chiều: chia pháp luật và luật như “ý niệm” và “sự tồn tại”, một mặt, nó là sự đồng nhất biện chứng giữa pháp luật và luật; mặt khác, sự luận giải của Hê-ghen “pháp luật là cái gì đó thiêng liêng vì lẽ nó là cái tồn tại của ý niệm tuyệt đối, của sự tự do nhận thức”. Điều đó cho phép Hê-ghen đưa ra sự khẳng định rằng, trên thực tế trong các hệ thống luật lệ hiện hành không phải bất cứ đạo luật nào hay văn bản pháp luật nào cũng là luật pháp quyền. Mặt khác, vì nhà nước được xem là “ý chí thông thái của nó và cho nó” đã bảo đảm việc thực hiện của bất kỳ văn bản nào do nó ban hành vì trong văn bản đó có hạt nhân hợp lý. Và suy cho cùng, mọi nguyên tắc và tư tưởng pháp luật đều có tính hiện thực thông qua hoạt động lập pháp của nhà nước. Trong trường hợp này, theo Hê-ghen, dấu hiệu cơ bản của Luật pháp quyền là khả năng của đạo luật “gắn kết tốt giữa cái cá nhân và cái xã hội” tức là khả năng thúc đẩy lợi ích chung của nhà nước đồng thời bảo đảm quyền, tự do và lợi ích chính đáng của từng người dân. Nhiều nhà khoa học cuối thế kỷ XVIII cho rằng, tính pháp quyền (luật pháp quyền) nghiêng về phía tạo dựng các thiết chế và thủ tục cho phép bảo đảm và bảo vệ quyền của cá nhân, thậm chí, điều đó trái với ý chí và hành động của nhà cầm quyền – nhà nước. Và cũng từ đó xuất hiện tư tưởng về tính độc lập của tòa án, của chính quyền địa phương và việc nâng cao vai trò của hoạt động lập pháp. Quan niệm về pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và trấn áp các giai cấp bị trị. Các quan niệm bảo thủ của chế độ chính trị hiện vẫn có nguyên giá trị, vẫn là quan niệm đúng về mối quan hệ các lợi ích xã hội – giai cấp và tính tích cực pháp lý của các chủ thể, nhưng về mặt nào đó có thể sẽ làm giảm ý nghĩa của tính pháp quyền của hệ thống pháp luật, làm giảm giá trị của luật pháp quyền.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã hình thành khái niệm luật pháp quyền toàn diện và mềm dẻo tạo thành cơ sở cho quan niệm hiện đại về NNPQ và xã hội pháp quyền hiện đại. Những đặc trưng của quan niệm này là:

– Luật pháp quyền dựa trên cơ sở các nguyên tắc hiến pháp và không thể trái với hiến pháp cả về nội dung lẫn hình thức;

– Trình tự xây dựng và thông qua luật pháp quyền luôn luôn diễn ra theo nhiều cấp và đòi hỏi có sự tham gia của tất cả các nhánh quyền lực được quy định trong hiến pháp;

– Luật pháp quyền có hiệu lực trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, đối với mọi tầng lớp dân cư, không có ngoại lệ;

– Hiệu lực của luật pháp quyền tác động tới mọi cấp, mọi thiết chế quyền lực chính trị và bất kỳ hành vi của bất kỳ cơ quan nhà nước nào đều phải phù hợp với pháp luật quốc gia;

– Hiệu quả của luật pháp quyền phụ thuộc vào trình độ phát triển của ý thức pháp luật của xã hội, phụ thuộc vào niềm tin của công dân và việc công dân sẵn sàng tuân thủ quy định của nhà nước;

– Pháp luật chỉ điều chỉnh hành vi của công dân chứ không điều chỉnh đời sống tinh thần của công dân;

– Luật pháp quyền bảo đảm tính toàn vẹn và bất khả xâm phạm các quyền và tự do cố hữu của cá nhân, bảo vệ nhân phẩm và an ninh cho cá nhân;

– Luật pháp quyền không có hiệu lực hồi tố (tức là luật không điều chỉnh các hành vi xảy ra trước khi luật có hiệu lực);

– Luật pháp quyền chỉ có thể bị sửa đổi hay hủy bỏ khi tuân thủ mọi trình tự, thủ tục theo quy định của hiến pháp;

– Xét về mặt nội dung, luật pháp quyền cần hướng tới bảo đảm lợi ích của đa số công dân hay của nhà nước nói chung, nhưng ở mức độ nhất định phải có sự bồi thường thiệt hại cho lợi ích của thiểu số (điều không tránh khỏi xét về quy mô và sự đa dạng của xã hội hiện đại).

Những đặc trưng trên đây của luật pháp quyền hay tính pháp quyền của hệ thống pháp luật là tính tối ưu của ý thức pháp luật xã hội hiện đại, nhưng nếu nói về khả năng hiện thực có thể đạt tới của bất kỳ văn bản pháp luật nào thì quả là khó. Trong thực tiễn đời sống chính trị – pháp luật của các xã hội hiện đại chỉ có thể nói về mức độ cao hay thấp của sự xích lại gần với tính tối ưu của luật pháp quyền. Ở đây cần phải tính tới bản thân sự phụ thuộc của quan niệm và vai trò của tính pháp quyền của hệ thống pháp luật vào thực trạng lịch sử – xã hội, của kiểu các quan hệ xã hội và tổ chức quyền lực chính trị của đời sống xã hội.

2. Luật pháp quyền, tính pháp quyền của hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Chúng ta đang xây dựng NNPQ Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN). Điều này đã được quy định trong Hiến pháp 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001). Về NNPQ cũng có vô số những quan niệm khác nhau, được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau. Do đó, không thể có một định nghĩa ngắn gọn về NNPQ, mà cần phải xem xét NNPQ từ nhiều khía cạnh, phương diện khác nhau. Về mặt nhận thức, theo chúng tôi, NNPQ có những đặc trưng mang tính phổ biến sau:

– Trước hết, đó là nhà nước hợp hiến, hợp pháp; nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, trong đó các đạo luật chiếm ưu thế trong hệ thống pháp luật. Luật ban hành có hiệu lực áp dụng trực tiếp, không cần ban hành các văn bản dưới luật nhằm thi hành luật. Trong điều kiện cần thiết phải ban hành các văn bản để thực hiện luật, các văn bản đó không thể có quy định trái hoặc khác với luật. 

– Nhà nước, các cơ quan của nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, lệ thuộc vào pháp luật. Trong mối quan hệ giữa nhà nước với pháp luật thì “tính trội” thuộc về pháp luật. Ở khía cạnh này, pháp luật như là công cụ, phương tiện để hạn chế quyền lực nhà nước, hạn chế công quyền.

– NNPQ là nhà nước trong đó các quyền tự do của công dân ngày càng được mở rộng, được bảo đảm, bảo vệ bằng cơ chế pháp luật, bằng các tiền đề, điều kiện về kinh tế – xã hội, bằng tổ chức nhà nước. Như vậy, pháp luật là công cụ, phương tiện ghi nhận, bảo vệ các quyền công dân.

– Trong NNPQ, vai trò của toà án được đề cao, các nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp phải độc lập một cách tương đối, phối hợp với nhau và phải có sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau, tạo sự cân bằng hay phân công hợp lý giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Tòa án độc lập thể hiện trong những quy định về tổ chức, hoạt động và thực tiễn xét xử của tòa án.

– NNPQ là nhà nước mà trong đó thiết lập mối quan hệ trách nhiệm qua lại giữa công dân với nhà nước và nhà nước với công dân. Công dân có trách nhiệm với nhà nước và nhà nước có trách nhiệm với công dân. Công dân là chủ thể, là mục tiêu và động lực phát triển của nhà nước và xã hội. Mọi chính sách, pháp luật của nhà nước đều hướng tới mục đích cao nhất là phục vụ nhân dân và bảo vệ quyền con người.

Ngoài những đặc điểm mang tính phổ biến đó, NNPQ Việt Nam lại có một số đặc điểm mang tính riêng biệt của mình thể hiện định hướng chính trị của nhà nước, tính chất, bản chất của nhà nước mà Việt Nam cần xây dựng đó là: NNPQ Việt Nam theo định hướng XHCN; nhà nước mà tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; nhà nước dân chủ.

NNPQ Việt Nam được xây dựng trên cơ sở quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. NNPQ Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam- đảng của giai cấp công nhân Việt Nam và của cả dân tộc. Đây là những vấn đề mang tính nguyên tắc có tính chính trị – xã hội định hướng cho việc xây dựng NNPQ Việt Nam trên thực tế.

Thông qua những nhận thức này về NNPQ, có thể nhận thấy những điều cốt yếu khi xây dựng NNPQ Việt Nam phải giải quyết trên thực tế: quan hệ nhà nước và pháp luật; quan hệ nhà nước với dân cư; tạo được các bảo đảm pháp lý, các tiền đề, điều kiện cho xây dựng NNPQ; xây dựng NNPQ Việt Nam phải bảo đảm định hướng XHCN; bảo đảm bản chất của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của nhà nước.

Rõ ràng, NNPQ có đặc tính (hay nguyên tắc, đặc điểm) quan trọng là tính tối cao của luật. Pháp luật của NNPQ là pháp luật chứa đựng tính nhân văn, nhân đạo, pháp luật vì con người, vì số đông trong xã hội, pháp luật phải thể hiện được ý chí cộng đồng dân tộc, quốc gia, không phải ý chí của một nhóm người, một cá nhân hay một tập đoàn nào đó. Nhưng liệu hiểu như thế có phải là cách hiểu về tính pháp quyền của hệ thống pháp luật trong NNPQ hay không?

Tính pháp quyền của hệ thống pháp luật, suy cho cùng chính là hệ thống pháp luật của NNPQ. Đó là hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu đòi hỏi điều chỉnh pháp luật đối với những quan hệ xã hội đang có và sẽ có, không thể có khoảng trống pháp luật nào. Tuy nhiên, tính pháp quyền của hệ thống pháp luật thể hiện ở hệ thống pháp luật có hiệu lực và hiệu quả, hệ thống pháp luật tạo ra sự “tâm phục, khẩu phục” từ phía các chủ thể tham gia các quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng pháp luật. Lẽ đương nhiên không thể có quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật hay hệ thống pháp luật nào đều đáp ứng mong đợi như nhau từ phía tất cả các chủ thể quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh. Đó là do sự xung đột lợi ích giữa các chủ thể. Vậy, tiêu chí chung của hệ thống pháp luật có tính pháp quyền là gì? Đó là hệ thống pháp luật đáp ứng nhu cầu mẫu số chung về lợi ích, là lẽ phải, là sự công bằng và công lý. Một người vi phạm pháp luật tức là vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của nhóm người khác, của nhà nước và của xã hội. Người đó không thể vì phải chịu chế tài, hình phạt mà cho rằng pháp luật không công bằng, pháp luật không mang tính pháp quyền. Hãy đặt người vi phạm đó vào vị trí người có quyền và lợi ích chính đáng bị xâm hại, người đó lại cho rằng hệ thống pháp luật mang tính pháp quyền. Và do vậy, tính pháp quyền phải là mẫu số chung cho mọi hành vi, mọi quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh. Đây cũng là yêu cầu của hệ thống pháp luật trong NNPQ XHCN Việt Nam.

(1) Bài viết trong công trình hợp tác với Quỹ Khoa học Nhân văn Liên bang Nga.

PGS, TS. Đinh Ngọc Vượng – Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)