1. Tổ chức đại diện người sử dụng lao động và vị trí pháp lý của nó

Trong hệ thống chủ thể của quan hệ lao động (hay còn gọi là quan hệ công nghiệp (industrial relations)), người sử dụng hoặc đại diện của họ có một vị trí, vai trò rất quan trọng.

Luật lao động theo trường phái cổ điển thường chú trọng đến việc bảo vệ người lao động bởi lẽ người lao động là chủ thể yếu thế trên thị trường lao động và thường lép vế trong mối quan hệ lao động. Quan niệm về một thứ luật lao động với những quy phạm dày đặc nhằm tạo ra một “tấm áo giáp” pháp luật cho người lao động đã vô tình làm lu mờ vai trò của người sử dụng lao động – một đối tác cần thiết trong mối quan hệ lao động. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu của sự xuất hiện và phát triển của pháp luật lao động thì điều đó là cần thiết và dễ hiểu.

Đến một giai đoạn phát triển nhất định của quan hệ lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động dần được khẳng định vị trí trong môi trường lao động và trong xã hội. Tổ chức đại diện của người sử dụng lao động là một chủ thể không thể thiếu trong các quy định của luật lao động.

Theo cách hiểu chung nhất, tổ chức đại diện người sử dụng lao động lao động là thiết chế được lập ra với chức năng, nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Việc xác lập các tổ chức đại diện người sử dụng lao động đề dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự do liên kết.

Nếu tiếp cận ở một phạm vi rộng hơn thì có thể thấy, đại diện người sử dụng lao động là vấn đề mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) rất quan tâm. Điều đó thể hiện ở việc đề cao quyền tự do liên kết của các bên trong quan hệ lao động. Theo ILO, các bên của quan hệ lao động, kể cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải được quyền tự do kết hợp (freedom of association) và quyền đó là một trong những “tiêu chuẩn lao động quốc tế” (international labour standards) quan trọng nhất bên cạnh các tiêu chuẩn khác như xoá bỏ lao động bắt buộc và lao động cưỡng bức; xoá bỏ lao động trẻ em và xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong lao động[1]. Bên cạnh đó, một số Công ước và Khuyến nghị của ILO cũng đã quy định trực tiếp hoặc gián tiếp về quyền tự dó liên kết của người sử dụng lao động và của người lao động[2].

Đại diện của người sử dụng lao động là vấn đề đã được đề cập đến trong các văn bản pháp luật ngay từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sau này, trong những năm tồn tại nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, do vấn đề nhận thức về giai cấp và đấu tranh giai cấp thời kỳ này mà vấn đề đại diện của người sử dụng lao động trở nên mờ nhạt. Khi Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung đó sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước và tăng cường hội nhập quốc tế, thì việc quy định về quyền của đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động lại được quan tâm. Rõ nét nhất là việc quy định vị trí của đại diện người sử dụng lao động trong Bộ luật Lao động[3].

>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua điện thoại (24/7)gọi:1900.0191

Theo các quy định hiện hành, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hiện nay gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA)

+ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam là “tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam”[4]. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là tổ chức độc lập, phi chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân và tự chủ về tài chính[5]. Hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gồm có 4 loại: i) “Hội viên chính thức: là các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động, các hiệp hội doanh nghiệp có đăng ký và hoạt động hợp pháp ở Việt Nam; ii) Hội viên liên kết: là các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp có đăng ký và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài có quan hệ thương mại với Việt Nam hoặc có văn phòng đại diện của họ tại Việt Nam; iii) Hội viên thông tấn: là những chuyên gia và tổ chức chuyên môn ở trong và ngoài nước có khả năng giúp thực hiện các nhiệm vụ của Phòng; và iv) Hội viên danh dự: là những cá nhân có đóng góp đặc biệt vào việc thực hiện mục đích của Phòng”[6].

Đến nay, số lượng hội viên chính thức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là trên 5600 doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp[7]. Trong tương lai, số lượng hội viên chính thức sẽ còn phát triển mạnh vì càng ngày hoạt động sản xuất, kinh doanh và các loại hình dịch vụ mới càng phát triển.

+ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam “là tổ chức kinh tế – xã hội có tư cách pháp nhân, được thành lập ở trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… là thành viên chính thức của Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) và Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa thế giới (WASME)…”[8]. Về cơ cấu tổ chức, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có: i) các thành viên chính thức là liên minh hợp tác xã cấp tỉnh (gồm 64 đơn vị thuộc 64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và ii) các thành viên liên kết là các tổ hợp tác, các tổ chức kinh tế, xã hội, các hội, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan nghiên cứu khoa học, đào tạo, các tổ chức kinh tế khác trong và ngoài nước[9].

Quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động được quy định trong Bộ luật Lao động, Nghị định số 145/2004/NĐ-CP ngày 14/7/2004, Thông tư số 04/2006/TTLT-BLĐTBXH -TLĐLĐ ngày 21/3/2006 hướng dẫn chi tiết thi hành Điều 3 Nghị định 145/2004/NĐ-CP về việc tham khảo ý kiến Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động.

Tổ chức đại diện người sử dụng lao động có vai trò quan trọng trong lĩnh vực lao động. Những vai trò đó thể hiện qua những nội dung chủ yếu sau đây:

– Tổ chức đại diện người sử dụng lao động là đại diện cho một bên của quan hệ lao động. Tư cách đại diện đó tạo ra cho chính bản thân các tổ chức đại diện người sử dụng lao động những quyền năng to lớn nhằm thống nhất quan điểm đối với vấn đề sử dụng lao động.

– Tổ chức đại diện người sử dụng lao động là “cầu nối” giữa người lao động và người sử dụng lao động trong các quan hệ cụ thể và trong cơ chế hai bên, cơ chế ba bên nhằm hướng tới việc tăng cường đối thoại xã hội và cùng quyết định các vấn đề của lao động.

– Là chủ thể trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi cần thiết và hợp pháp để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên của mình và bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật lao động.

– Là nhân tố thúc đẩy cạnh tranh và hợp tác trong lao động và trong quá trình sản xuất xã hội cũng như quá trình hợp tác quc tế về lao động.

2. Vai trò bảo vệ và liên kết của tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong mối quan hệ lao động

2.1. Vai trò bảo vệ của tổ chức đại diện người sử dụng lao động.

Bảo vệ các thành viên là những người sử dụng lao động là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu của tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Vai trò bảo vệ của tổ chức đại diện người sử dụng lao động được thể hiện trong các quy định của luật lao động được thể hiện ở hai phương diện cơ bản:

– Một là: thực hiện các hoạt động bảo vệ thông qua việc tham gia hoạch định chính sách, pháp luật nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động của các thành viên là người sử dụng lao động. Đây chính là biện pháp “bảo vệ từ xa”, hay còn gọi là biện pháp “phòng bị” có tính chiến lược và lâu dài.

– Hai là: thực hiện các hoạt động bảo vệ trực tiếp, trực diện. Các hoạt động này chủ yếu được tiến hành khi có yêu cầu hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động cho là cần thiết hoặc theo quy tắc nội bộ, theo các quy định của pháp luật, đó là chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của nó. Ví dụ như việc bảo vệ người sử dụng lao động thành viên trong một vụ tranh chấp lao động.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động có nội dung hoạt động bao gồm:

– Tham gia ý kiến đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về lao động;

– Sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách về lĩnh vực lao động theo quy định của Bộ luật Lao động;

– Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý lao động;

– Đề xuất các biện pháp giải quyết các cuộc đình công liên quan đến nhiều người lao động;

– Tham gia, báo cáo thực hiện các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế;

– Những vấn đề khác theo yêu cầu của Chính phủ và các bên theo quy định của pháp luật[10].

Các nội dung hoạt động nói trên chủ yếu tập trung vào việc đóng góp ý kiến cho nhà nước (Chính phủ); theo đó, nhà nước có quyền tham khảo hoặc không tuỳ thuộc vào nhận thức của chính nhà nước. Các tổ chức đại diện của hai bên (người lao động và người sử dụng lao động) đều không có quyền quyết định về một hoặc nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi của họ.

Điều đó là chưa hoàn toàn bám sát các quy định của Bộ luật Lao động, Điều lệ của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động, bởi vì theo các quy định đó thì tổ chức đại diện người sử dụng lao động có quyền tham gia hoặc tự mình tiến hành nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ thành viên của mình. Ví dụ, tại Điều 158.4 Bộ luật Lao động có ghi: “Phải có sự tham gia của đại diện công đoàn và đại diện của người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động”. Hoặc tại Điều lệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã xác định chức năng nhiệm vụ của nó là: “Đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động ở Việt Nam trong các quan hệ trong nước và quốc tế”[11] và “Tiến hành các hoạt động cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của doanh nghiệp và người sử dụng lao động trong các quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế”[12].

Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã xác định chức năng, nhiệm vụ của Liên minh là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên[13].

Như vậy, việc bảo vệ quyền lợi của các thành viên không chỉ dừng lại ở các nội dung tham gia ý kiến với nhà nước về các vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động như Nghị định số 145/2004 đã quy định.

Một trong những cách tiếp cận mang tính rộng rãi về vai trò “bảo vệ” của tổ chức đại diện người sử dụng lao động là họ, đại diện người sử dụng lao động không chỉ “bảo vệ” các thành viên của mình hoặc đơn giản là bảo vệ các thành viên bằng mọi giá. Các quyền lợi được bảo vệ phải chứa đựng yếu tố hợp pháp, chính đáng. Như vậy, đồng thời với tính hợp pháp, chính đáng của đối tượng được bảo vệ là tính liên hệ với quyền lợi của các chủ thể liên quan. Điều đó đòi hỏi sự bảo vệ phải được đặt trong một tổng thể có mối liên hệ với nhau, thậm chí chi phối nhau. Người sử dụng lao động không thể vì quyền lợi cục bộ, bản vị của mình mà dồn người lao động vào hoàn cảnh không lối thoát. Hơn nữa, nếu tất cả hoặc phần lớn người lao động ở trong hoàn cảnh đó thì sự bảo vệ của người sử dụng lao động lại trở thành vũ khí huỷ diệt những quyền lợi thiết thân của chính họ.

2.2. Vai trò liên kết của tổ chức đại diện người sử dụng lao động.

Sự liên kết chính là một trong những nhu cầu của những người sử dụng lao động. Từ sự liên kết đó, người sử dụng lao động sẽ có thêm sức mạnh thông qua sự tập hợp số lượng, trí tuệ và các yếu tố khác.

Sự liên kết của tổ chức đại diện người sử dụng lao động được thực hiện ở cả hai phương diện cơ bản:

– Một là, thực hiện sự liên kết bên trong. Sự liên kết này được tiến hành và duy trì, phát triển giữa các thành viên sử dụng lao động. Kiểu liên kết này tạo nên nội lực và bản sắc riêng của tổ chức đại diện người sử dụng lao động.

Theo quan điểm của Tổ chức Lao động quốc tế, việc liên kết phải bảo đảm nguyên tắc tự do, tự nguyện trong việc thể hiện quan điểm, chính kiến. Tổ chức đại diện người sử dụng lao động có quyền tự tổ chức, tập hợp, bảo vệ các tài sản của tổ chức. Quyền tự do liên kết có cội nguồn từ quyền tự do và an toàn của con người. Vì vậy, tất cả sự độc đoán, khống chế hoặc xâm hại với mục đích hạn chế quyền tự do liên kết cần phải được loại bỏ. Nhà nước cần đưa quyền tự do liên kết vào trong pháp luật để mọi người tôn trọng và thực thi.

– Hai là: sự liên kết bên ngoài. Đó là việc tổ chức đại diện người sử dụng lao động liên kết với các chủ thể khác, đặc biệt là các đối tác xã hội gần gũi trong lĩnh vực lao động như Chính phủ và Công đoàn – tổ chức đại diện của người lao động. Sự liên kết bên ngoài tạo cho tổ chức đại diện của người sử dụng lao động những cơ hội tiếp cận các nguồn lực cũng như cơ hội giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài liên quan đến sự tồn tại và phát triển của toàn bộ tổ chức cũng như của thành viên của nó. Sự liên kết này cũng phải dựa trên những nguyên tắc tự do, tự nguyện, nhưng lại đòi hỏi tính hiệu quả và với những hình thức khác nhau.

Tổ chức đại diện người sử dụng lao động có thể xây dựng mối quan hệ với Công đoàn hoặc với nhà nước, hoặc với cả hai. Mối quan hệ hai bên giữa tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức đại diện của người lao động có biểu hiện rõ nét nhất là cùng nhau xây dựng các thoả thuận khung hoặc thoả thuận chi tiết về các vấn đề của mối quan hệ lao động, đặc biệt là các điều kiện lao động. Sự liên kết đó còn được thể hiện ở việc cùng nhau tập hợp trong các cơ cấu hai bên nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác giải quyết các vấn đề của mối quan hệ lao động.

Sự liên kết cao nhất, có vai trò quan trọng nhất là việc tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động và nhà nước kết hợp trong cơ chế ba bên với những cơ cấu truyền thống hoặc những loại hình thích hợp nhằm xúc tiến các hoạt động vì môi trường lao động văn minh, hiệu quả và gìn giữ hoà bình công nghiệp trên cơ sở xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định.

3. Những biện pháp chủ yếu bảo đảm, tăng cường vai trò của tổ chức đại diện người sử dụng lao động

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia mạnh mẽ vào thị trường lao động quốc tế, thì vấn đề lao động nói chung và bảo đảm sự hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động là rất cần thiết. Bởi vì, về nhận thức chung, nếu xét về phương diện hình thái kinh tế – xã hội thì công cụ lao động có vai trò quyết định sự phát triển. Tuy nhiên, nếu xét ở khía cạnh hoạt động sản xuất thì yếu tố con người – đặc biệt là người lao động mới là chủ thể quyết định. Việc quan tâm đến yếu tố lao động không thể dừng lại ở việc chỉ chú trọng vào việc xây dựng và thực hiện các quy định phục vụ cho riêng người lao động, mà phải bảo đảm tính toàn diện của mối quan hệ lao động, tức là quan tâm tới cả hai bên: người lao động + tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động + tổ chức đại diện của họ.

Theo chúng tôi, để tăng cường vai trò của tổ chức đại diện người sử dụng lao động cần tiến hành một số biện pháp chủ yếu sau đây:

– Một là: cần đổi mới nhận thức về tổ chức đại diện người sử dụng lao động và vai trò của nó trong lĩnh vực lao động và trong đời sống xã hội.

Như đã trình bày, từ trước đến nay, quan niệm về người sử dụng lao động và tổ chức của họ còn có những biểu hiện coi nhẹ, thậm chí có tư tưởng bài xích, phân biệt vì quan niệm coi người sử dụng lao động là những người bóc lột lao động. Ngày nay, cùng với quan niệm hiện đại về vai trò của hai bên trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động được coi là một đối tác quan trọng của đại diện người lao động. Vì vậy, không thể giữ quan điểm hạn chế hoặc có hành vi cấm đoán hoặc làm biến tướng hình ảnh của tổ chức đại diện người sử dụng lao động.

Hai là: cần phải xây dựng thể chế pháp lý về tổ chức hoạt động của tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Theo tinh thần đó, phải có quy định về tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong Bộ luật Lao động. Và trong trường hợp đó, chỉ duy nhất Quốc hội mới có thẩm quyền xác định tổ chức đại diện của người sử dụng lao động[14]. Cần bãi bỏ việc Chính phủ ban hành văn bản pháp luật “chỉ định” tổ chức đại diện người sử dụng lao động như tình trạng hiện nay. Các tổ chức của người sử dụng lao động sẽ là hợp pháp, có vị trí, có tư cách nếu được thành lập hợp pháp theo các quy định của Bộ luật Lao động và các luật liên quan, chứ không phải là cơ cấu được “chỉ định” bởi Chính phủ. Chính phủ có thể ra văn bản phê chuẩn /công nhận tư cách theo luật của tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên cơ sở công nhận điều lệ của tổ chức người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chế chung về mối quan hệ ba bên và thể thức hành động trong mối quan hệ giữa tổ chức đại diện người sử dụng lao động – tổ chức công đoàn – nhà nước nhằm khẳng định tư cách, vị trí, vai trò của các bên trong tổng thể các vấn đề lao động.

– Ba là: bản thân tổ chức đại diện người sử dụng lao động cần tự đổi mới về phương thức tổ chức, hoạt động. Cần có sự chủ động trong các hoạt động thay vì trông chờ vào sự “hướng dẫn” hoặc “chỉ định” của nhà nước, đặc biệt lệ thuộc vào Chính phủ. ở nước ta, đôi khi người ta hình dung Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam như là các tổ chức dưới quyền của Chính phủ chứ không phải là tổ chức xã hội độc lập hoạt động trong khuôn khổ luật pháp. Điều này một phần có nguyên nhân từ phía cơ chế pháp luật về các tổ chức xã hội.

Một trong những vấn đề nữa cần chú trọng là: tổ chức của người sử dụng lao động cần có biện pháp phát triển thành viên, xây dựng quy chế hoạt động, tham gia mạnh vào các hoạt động trong nước, khu vực và quốc tế để nâng cao vị thế và tăng cường sự hợp tác cũng như hiệu quả hoạt động trên cơ sở các mối quan hệ trợ giúp kỹ thuật, trao đổi thông tin, kinh nghiệm…

– Bốn là: Đại diện người sử dụng lao động cần phải là một cơ cấu thống nhất, tối thiểu là một bộ máy thực hiện quyền đại diện do những người sử dụng lao động trong cả nước, được bầu ra theo thể thức bỏ phiếu công nhận. Khi là một cơ cấu thống nhất, những người đại diện của người sử dụng lao động mới hành động vì lợi ích chung. Tránh hiện tượng mặc dù tồn tại hai tổ chức đại diện như hiện nay, nhưng cũng chưa bảo đảm bao quát toàn bộ ý chí nguyện vọng của tất cả những người sử dụng lao động trong phạm vi cả nước. Theo cách tiếp cận như vậy, có thể có nhiều tổ chức của người sử dụng lao động cùng tồn tại, nhưng không thể có từ hai tổ chức trở lên của người sử dụng lao động cùng tham gia vào mối quan hệ ba bên hoặc quan hệ hai bên với tư cách “đại diện người sử dụng lao động” để chia sẻ một lá phiếu như hiện nay. Sự tham gia phân tán dễ dẫn đến bản vị, cục bộ, tìm cách gây ảnh hưởng hoặc tìm cách đạt lợi ích cho nhóm mình, tổ chức của mình, thành viên của mình. Điều đó chỉ làm cho tổ chức cá thể của người sử dụng lao động suy yếu thêm mà thôi.

Minh hoạ về cách tiếp cận về việc phân định vai trò chủ yếu của các cấu trúc pháp luật liên quan đến tổ chức đại diện người sử dụng lao động:

Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động quy định:

– Cơ chế ba bên

– Phương thức đại diện của người sử dụng lao động và người sử dụng lao động

– Quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức đại diện người sử dụng lao động, người sử dụng lao động

Chính phủ thực thi Bộ luật Lao động:

– Công nhận điều lệ của tổ chức đại diện người sử dụng lao động và của người lao động

– Phối hợp ra quy chế làm việc trên cơ sở Bộ luật lao động

– Phối hợp tổ chức hành động

Tổ chức / các tổ chức của người sử dụng lao động:

– Cử/ bầu ra những đại biểu của mình (không phải do Chính phủ chỉ định)

– Xây dựng một thiết chế đại diện thống nhất

– Chủ động tích cực trong các quan hệ và hoạt động.

 

Mọi vướng mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến bài viết Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật  trực tuyến qua tổng đài.

Bộ phận tư vấn pháp luật về lao động- Công ty luật LVN Group

Công Ty Luật LVN Group xin cảm ơn!!