1. Khái quát về Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) 

Toà án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ) là một trong các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc được thành lập năm 1945 với tiền thân là Toà án thường trực công lý quốc tế – PCIJ (thành lập năm 1922) có trụ sở tại La Hay – Hà Lan. Tòa án Công lý quốc tế là Tòa án được thành lập và hoạt động trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và Quy chế Tòa án Công lý quốc tế. Những vấn đề cơ bản về tổ chức, thẩm quyền và hoạt động của Tòa được quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc trong toàn bộ Chương XIV từ Điều 92 đến Điều 96. Quy chế của Toà gồm 70 điều được coi là một phần phụ lục gắn bó hữu cơ với Hiến chương Liên hợp quốc.

2. Thẩm quyền và cơ sở tạo nên thẩm quyền của Tòa

Toà án công lý quốc tế có hai thẩm quyền chính là: giải quyết tranh chấp và cho ý kiến tư vấn, bên cạnh đó còn có các thẩm quyền phái sinh mang tính thủ tục như thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Thứ nhất đối với thẩm quyền giải quyết tranh chấp, Tòa có thẩm quyền áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tất cả các tranh chấp pháp lý giữa các quốc gia nếu các quốc gia đồng ý với thẩm quyền của Toà. Cơ sở tạo nên thẩm quyền này là ý chí của chủ thể tranh chấp và khi thẩm quyền của toà được viện dẫn thì thâm quyền giải quyết tranh chấp là độc lập, dựa trên sự tự nguyện giữa các bên mà không chịu bất kỳ sức ép nào. Các quốc gia có thể lựa chọn thẩm quyển để giải quyết tranh chấp dựa trên các phương thức sau: Chấp nhận thẩm quyền của Toà theo từng vụ việc cụ thể, chấp nhận thẩm quyền của Toà trong theo các điều ước quốc quy định, đơn phương chấp nhận trước thẩm quyền của Toà. Tùy thuộc vào từng tranh chấp mà các quốc gia sẽ lựa chọn phương pháp giải quyết khác nhau, nhưng không ảnh hưởng lớn đến vai trò của Toà đối với thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, thẩm quyền cho ý kiến tư vấn của Toà sẽ đáp ứng nhu cầu của các cơ quan chính của Liên hợp quốc, các tổ chức chuyên môn được đại hội đồng cho phép, một điểm quan trọng cần chú ý là các cơ quan, tổ chức có quyền xin ý kiến tư vấn của Tòa nhưng Tòa cũng có quyền từ chối không cho ý kiến tư vấn tuy nhiên trường hộ này ít khi xảy ra. Đối với các quốc gia sẽ không có quyền yêu cầu Toà cho các ý kiến tư vấn đối với tranh chấp. Điều kiện để tạo nên thẩm này được uy định tại Điều 96 Hiến chương Liên hợp quốc. Đối với thẩm quyền áp dụng các biện pháp tạm thời, Toà có quyền áp dụng biện pháp này nếu hoàn cảnh yêu cầu, bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào nhằm bảo đảm quyền của bất kỳ bên nào trong tranh chấp, hoặc bên tranh chấp yêu cầu.

Ví dụ: Trong vụ tranh chấp Nicaragua kiện Mỹ về các hoạt động quân sự và bán quân sự mà Mỹ thực hiện tại Nicaragua và chống lại nước này vào năm 1984. Thẩm quyền của Toà án Công lý Quốc tế đã được thực hiện thông qua 2 tuyên bố đơn phương là: Tuyên bố đơn phương của Nicaragua năm 1929 chấp nhận thẩm quyền của Pháp viện thường trực quốc tế và Tuyên bố đơn phương của Mỹ năm 1946 chấp nhận thẩm quyền của Toà án Công lý Quốc tế.

3. Thành phần của Tòa

Cơ quan có thẩm quyền bầu và đề cử thành viên của Toà là Đại hội đồng và Hội đồng bảo an, hoạt động của Toà được tiến hành bởi các Thẩm phán. Tiêu chuẩn để trở thành thanh viên của Toà:

Đối với Thẩm phán: Số lượng thẩm phán được ấn định là 15 thành viên với nhiệm kỳ là 9 năm, trong đó không được có 2 thành viên của toà cùng 1 quốc tịch, trường hợp thẩm phán có nhiều quốc tịch. Căn cứ vào năng lực cá nhân, quốc tịch, tương quan vị trí địa lý và hệ thống pháp luật trên thế giới, các tiêu chí này được đưa ra nhằm đảm bảo tính độc lập, bình đẳng của Toà trước các thành viên, các thẩm phán phải có nơi thường trú tại nơi đặt trụ sở Toà, được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao tại Hà Lan và nước ngoài.

Phụ thẩm: Có thể do Toà lựa chọn hoặc theo yêu cầu của các bên đưa ra trước khi kết thúc thủ tục viết. Các phụ thẩm này có quyền tham dự các các phiên họp của Toà hay Toà rút gọn nhưng không có quyền bỏ phiếu.

Ban thư ký: Ban thư ký là cơ quan hành chính thường trực và chỉ phụ thuộc vào Toà phụ trách các dịch vụ tư pháp và liên lạc. Ban thư ký bao gồm chánh thư ký, phó chánh thư ký và các nhân viên. Chánh thư ký và phó chánh thư ký do Toà bầu ra theo phương thức bỏ phiếu kín với nhiệm kỳ 7 năm, các nhân viên sẽ do Toà hoặc chánh thư ký toà đề cử. Ngoài ra, khi mở phiên Toà các bên có thể lựa chọn thẩm phán ad hoc để đảm bảo nguyên tắc công bằng. Tiêu chuẩn để lựa chọn thẩm phán ad hoc tương tự như tiêu chuẩn các thẩm phán của Toà.

4. Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế 

Phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế có giá trị chung thẩn và bắt buộc đối với các bên, nếu một trong hai bên không chịu thi hành bản án của Toà thì bên còn lại có quyền yêu cầu Hội đồng bảo an can thiệp và bên còn lại buộc phải chấp hành bản án. Mặc dù phán quyết của Toà có chỉ có giá trị pháp lý trong mối quan hệ giữa các bên xảy ra tranh chấp nhưng trong một số trường hợp phán quyết có tác động gián tiếp đối với bên thứ ba. Phán quyết của Toà không đương nhiên có giá trị là tập quán quốc tế tuy nhiên, các phán quyết này vẫn tác động gián tiếp đến thái độ của các quốc gia với các vấn đề mà Toà đã phân xử qua đó tác động tới cách quan niệm và ý chí của chủ thể luật quốc tế, các chủ thể của luật quốc tế có thể chấp nhận và áp dụng từng phần hay toàn bộ phán quyết của Toà với tư cách là phương tiện bổ trợ nguồn của luật quốc tế.

5. Khả năng sử dụng Tòa trong việc đấu tranh, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông hiện nay.

Hiện nay, trên vùng biển Đông nước ta đang tồn tại 2 tranh chấp chủ yếu là: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven biển Đông (do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của Công ước Luật Biển 1982 để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình, đã tạo ra những vùng chồng lấn). Hai tranh chấp trên hoàn toàn khác nhau về nội dung, tính chất, phạm vi và nguyên nhân. Vì vậy, khi áp dụng các nguyên tắc pháp lý để xử lý, giải quyết các tranh chấp này cũng khác nhau. Theo điều 36 quy chế của ICJ quy định “Thẩm quyền xét xử của Tòa án là nghĩa vụ xem xét về tất cả vấn đề tranh chấp pháp lý có liên quan đến: giải thích hiệp ước, vấn đề bất kỳ của công ước quốc tế, có sự kiện, nếu về sau xác định được vi phạm nghĩa vụ quốc tế, tính chất và mức độ bồi hoàn do vi phạm nghĩa vụ quốc tế”. Vì vậy Toà án công lý quốc tế có thể giải quyết cả hai loại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa ở biển Đông.

Đối với yêu cầu xin ý kiến tư vấn thì Việt Nam không phải là chủ thể có thẩm quyền trực tiếp yêu cầu xin ý kiến tư vấn của Toà, mà chỉ có thể thực hiện thông qua thông qua các cơ quan, tổ chứ theo quy định như: Hội đồng bảo an, Đại hội đồng Liên hợp Quốc, tổ chức hàng hải quốc tế. Đối với Hội đồng bảo an và Đại hội đồng việc đưa yêu cầu xin ý kiến đến Toà gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy Việt Nam nên kết hợp vấn đề tranh chấp với yêu cầu tư vấn tơi cả 2 cơ quan thay vì sử dụng độc lập. Đối với tổ chức hàng hải quốc tế, Việt Nam có thể thực hiện được yêu cầu tư vấn về các vấn đề pháp lý liên quan đến chủ quyền và quyền tài phán. Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Toà án Công lý Quốc tế, trong số 66/192 quốc gia thành viên chấp nhận trước thẩm quyền của Toà, đã có 2 thành viên trong khu vực Đông Nam Á là Campuchia và Philippines chấp nhận thẩm quyền của Toà. Vì vậy khi sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của ICJ thì Việt Nam phải ràng buộc thẩm quyền của Toà với tranh chấp đã đệ trình.

Tại khoản 1 điều 36 của Quy chế Toà quy định “ Tòa có thẩm quyền xét xử tất cả các vụ việc mà các bên đưa ra cũng như tất cả các vấn đề được nêu riêng trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc hoặc trong các Hiệp ước, các Công ước đang có hiệu lực”. Theo phương thức chấp nhận trước thẩm quyền của Toà thì các quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có thể ký kết các điều ước quốc tế trong đó có điều khoản quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp để dự liệu khi có tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực mà điều ước quốc tế đã được ký kết, các bên tranh chấp sẽ đồng thuận chuyển vụ việc ra Toà để giải quyết. Qua đó giữa Việt Nam với các nước có tranh chấp, như với Philippines, Malaysia và Brunei, có thể cùng thỏa thuận đưa vụ tranh chấp chủ quyền Trường Sa ra giải quyết trước Toà. Trong trường hợp được chấp nhận, trước tiên Việt Nam nên giới hạn yêu sách chủ quyền đối với những đảo, đá đã được chứng minh bằng luận cứ khoa học tự nhiên và lịch sử. Và đây cũng là cách thức gián tiếp đòi hỏi các nước liên quan như Trung Quốc tham gia vụ kiện này.

Đối với tranh chấp giữa Việt Nam với Philippines, quốc gia này đã đơn phương chấp nhận thẩm quyền của Toà, bên cạnh đó Philippines cũng đã đưa ra các điều kiện về thời hạn, các trường hợp loại trừ thẩm quyền của Toà. Qua đó, nếu chủ động lựa chọn Toà án công lý quốc tế trong chiến lược giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề về Trường Sa, Việt Nam cần tính toán cân nhắc lựa chọn các phương án tuyên bố đơn phương chấp nhận thẩm quyền của Toà theo điều 36 quy chế của Tòa trong việc giải quyết tranh chấp với Philippines. Tuy nhiên Việt Nam và Philippines cũng có thể đàm phán để kí thoả thuận riêng để đưa tranh chấp ra trước Toà. Đối với tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc: Trung Quốc đã thể hiện yêu sách và tham vọng của mình trên Biển Đông việc quốc gia này không lựa chọn bất kỳ mộ thiết chế tài phán nào là lẽ đương nhiên. Trung Quốc luôn luôn kiên quyết chỉ giải quyết tranh chấp ở Biên Đông qua đàm phán và hiệp thương chính trị, và tuyệt đối không chấp nhận biện pháp tài phán. Không có sự đồng ý của Trung Quốc, không một cơ quan tài phán quốc tế nào sẽ có thẩm quyền xét xử với đơn kiện đơn phương của Việt Nam. Vì vậy, việc mang tranh chấp liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam với Trung Quốc ra trước Toà án Công lý Quốc tế là rất khó.

 

Trên đây là bài sưu tầm, phân tích và tổng hợp về Tòa án Công lý Quốc tế và khả năng sử dụng Tòa trong việc đấu tranh, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông hiện nay.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN Group