Nền kinh tế của ta bước đầu đã có yếu tố tiếp cận nền kinh tế tri thức. Tiến tới đầu tư vào những ngành kinh tế có giá trị cao. Xây dựng nền kinh tế tri thức tức là phải phát huy thật tốt tài năng trí tuệ của các nhà khoa học và của người lao động trong lĩnh vực phát minh sáng chế cải tiến kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng những phát minh sáng chế, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được nhanh chóng có hiệu quả.
>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191
Do đó việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề có ý nghĩa thực tiễn, cấp bách ở nước ta. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng, nền kinh tế nước ta đến công cuộc hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.
Ở Việt Nam khi cơ chế thị trường phát huy tác dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế văn hoá thì những xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng gia tăng.
Những vi phạm thường gặp (thông qua hoạt động xét xử của Toà án) là:
– Làm hàng giả, buôn bán hàng giả.
– Sử dụng trái phép thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, xuất xứ hàng hoá.
– Vi phạm quyền tác giả trong xuất bản, ghi âm chuyển thể hoặc sử dụng các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Những vi phạm nói trên có việc được thực hiện bí mật như sản xuất hàng hoá công nghệ phẩm …, có việc lén lút hoặc công khai như mua bán các tác phẩm văn hoá nghệ thuật băng đĩa, sách (trái phép).
Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không phải đến bây giờ mới được đề cập tới, mà đã có từ lâu. Nhưng chủ yếu là do các cơ quan Công an, Hải quan, bảo vệ thị trường và Toà án tiến hành. Bản thân những người được bảo hộ cũng chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Chẳng hạn chưa thể hiện tính chủ động trong việc tìm kiếm, phát hiện, khiếu nại và khởi kiện đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm (đương nhiên không phải là tất cả). Phần nhiều trông vào sự giúp đỡ của Công an vốn đã có rất nhiều việc phải làm. Điều quan trọng khác là chưa huy động được sức mạnh toàn dân trong việc chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thực tế do nhiều lý do khác nhau mà người dân chưa nhận thức đúng tác hại của hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho nền kinh tế quốc dân và cho bản thân người tiêu dùng… và do đó chưa quan tâm đúng đến vấn đề này, nên hiệu quả chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn chưa được như mong muốn. Chẳng hạn một người ăn cắp chiếc xem máy Hon đa bị bắt và dẫn giải đi không chừng có thể bị những người chung quanh phẫn nộ đánh chết. Nhưng một người bị bắt vì sản xuất hoặc buôn, bán xe máy Hon đa giả chưa chắc đã phải chịu sự phẫn nộ của những người chung quanh như trên. Điều này phản ánh quan niệm của người dân còn rất khác nhau về một vấn đề xét về bản chất cùng là hành vi trộm cắp.
Trong hoạt động của mình, từ lâu Toà án các cấp đã có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp, hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Lúc đầu chỉ thể hiện ở hoạt động xét xử của Toà Dân sự, Toà Hình sự. Sau này do sự thay đổi về tổ chức theo hướng chuyên môn hoá cho phù hợp với sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Do đó các Toà Kinh tế, Toà Hành chính được thành lập và cũng có thẩm quyền giải quyết việc tranh chấp liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Hiện chúng tôi không có được thống kê số liệu cụ thể các vụ án tranh chấp hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà ngành Tòa án đã giải quyết.
Nhưng theo nhận định của cá nhân tôi thì không nhiều. Về lý do của việc này có nhiều; Nhưng có thể thấy rất rõ là: Nhận thức của người được bảo hộ về việc kiện ra toà để ngăn chặn hành vi xâm phạm và bảo vệ quyền lợi của mình chưa được coi trọng, đúng hơn là chưa trở thành thói quen, một việc bình thường. Ngược lại còn ngại ngùng, thậm chí mặc cảm cho là việc làm cạn tình, cạn nghĩa…
Thứ nữa là những quy định về pháp luật tố tụng cho việc khởi kiện, và tiến hành tố tụng còn phức tạp.
Nói Toà án là nói chung, tuỳ theo loại việc, nội dung tranh chấp mà thẩm quyền giải quyết thuộc về từng Toà cụ thể trong hệ thống Toà án nhân dân và do đó lại phụ thuộc vào sự điều chỉnh của những đạo luật tố tụng khác nhau. Có bốn Toà cụ thể trong hoạt động có quan hệ đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
1- Toà kinh tế:
Theo Điều 1 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (được Hội đồng Nhà nước, Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 25-9-1989) thì Hợp đồng kinh tế “là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch …” trong lĩnh vực “sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh…”. Điều 12 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (Do Uỷ ban thường vụ Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 16-3-1994) thì các hợp đồng dù có hình thức bằng văn bản và có mục đích kinh doanh nhưng chỉ giới hạn giữa pháp nhân mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà Kinh tế. Như vậy thẩm quyền của Toà Kinh tế liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ rất hạn chế. Có thể thấy trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ hiện nay, Toà Kinh tế chủ yếu giải quyết các tranh chấp hợp đồng nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có mục đích kinh doanh. Thông thường là hợp đồng nghiên cứu chế tạo, lắp đặt, chuyển giao công nghệ. Tuy vậy số lượng việc cũng rất ít. Ngoài ra các Toà Kinh tế cũng được giao nhiệm vụ hỗ trợ các trung tâm trọng tài Thương mại theo Pháp lệnh trọng tài thương mại trong các lĩnh vực.
– Chỉ định trọng tài (do các đương sự thành lập mà không thoả thuận được);
– Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
– Giải quyết khiếu nại trọng tài (Trước khi Hội đồng trọng tài họp);
– Xem xét yêu cầu huỷ quyết định trọng tài khi có đương sự yêu cầu.
– Về thẩm quyền xét xử: Toà án nhân dân huyện xét xử các tranh chấp Hợp đồng kinh tế có giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng trừ trường hợp có yếu tố nước ngoài, các loại việc còn lại do Toà án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm. Toà án thực hiện việc xét xử hai cấp. Bản án phúc thẩm là chung thẩm. Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật bị phát hiện có sai phạm sẽ do Uỷ ban Thẩm phán Toà án cấp tỉnh giám đốc án của Tòa án huyện – Toà kinh tế Toà án nhân dân tối cao giám đốc án của Toà án nhân dân tỉnh. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc án của Toà kinh tế và các Toà phúc thẩm thuộc Toà án nhân dân tối cao.
2- Toà Dân sự:
Theo Điều 10 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự do Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29-11-1989; Toà Dân sự giải quyết các tranh chấp về hợp đồng, về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng… đó là những tranh chấp giữa sở hữu chủ và người xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng người xâm phạm chưa đến mức phải xử lý về hình sự, chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại hoặc các hợp đồng thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhưng không thoả mãn những yêu cầu về chủ thể, về hình thức hoặc mục đích đã nêu trên nên không thuộc thẩm quyền của Toà Kinh tế. Các tranh chấp thường gặp là:
– Tranh chấp quyền tác giả đối với tác phẩm.
– Tranh chấp về sử dụng tác phẩm khi xuất bản, biểu diễn, chuyển thể tác phẩm sang các hình thức biểu diễn mà không thông báo cho tác giả biết.
– Tranh chấp về thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá.
Thông qua một số vụ Toà án đã giải quyết như tranh chấp quyền tác giả đối với tác phẩm X30 phá lưới, hoặc vi phạm quyền tác giả đối với bài hát Hà Nội và tôi… cho thấy tính chất phức tạp, rất khó khăn của loại việc này. Mặt khác cũng bộc lộ những bất cập của các văn bản quy định hướng dẫn sử dụng đối với tác phẩm… Đôi khi ngay trong cơ quan quản lý về chuyên môn cũng còn ý kiến khác nhau.
– Về thẩm quyền: Do tính phức tạp của các tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hiện nay các tranh chấp được giao cho Toà án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm. Các Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm. Các bản án đã có hiệu lực pháp luật bị phát hiện có sai phạm do Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao giám đốc án của Toà án cấp tỉnh. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc án của Toà dân sự, và các Toà phúc thẩm thuộc Toà án nhân dân tối cao.
3- Toà Hành chính:
Theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 21-5-1996 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 do Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25-12-1998 trong đó Toà Hành chính có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính:
1- Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
…
10- Các khiếu kiện khác theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền của Toà án trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cụ thể như sau: Về sở hữu công nghiệp có Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, đã sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 06/2001/CP ngày 01-02-2001, quy định nếu đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết của Cục trưởng Cục sở hữu công nghiệp đối với khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp thì các đương sự khiếu nại lần đầu (người nộp đơn yêu cầu cấp bằng bảo hộ, người nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng, người thứ ba có quyền và lợi ích liên quan đến việc cấp văn bằng bảo hộ, chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá đăng ký quốc tế theo thỏa ước Madrid hoặc công nhận nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng khoa học công nghệ… hoặc khởi kiện hành chính tại Toà án.
Cũng với trình tự như trên, người bị bắt buộc cấp li xăng không tự nguyện và người có yêu cầu cấp li xăng không tự nguyện bị từ chối (không cấp) cũng có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng khoa học công nghệ hoặc khởi kiện hành chính tại Toà án.
Trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, Nghị định số 76CP ngày 29-11-1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự:
Trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền tác giả nhưng bị từ chối, họ có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng văn hoá – thông tin. Những người có quyền hoặc lợi ích liên quan nếu thấy Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận không đúng, họ có quyền khiếu nại yêu cầu Cục Bản quyền tác giả thu hồi giấy chứng nhận bản quyền tác giả đã cấp.
Các tranh chấp tuỳ theo sự việc, mức độ tính chất… mà việc giải quyết được tiến hành theo các thủ tục Hành chính, Dân sự, hoặc Hình sự. Chẳng hạn một người sao chép đĩa CD ca nhạc trái phép nhưng không có mục đích kinh doanh, chủ yếu để cho tặng bạn bè và những người cùng ưa thích, họ có thể xử lý hành chính cảnh cáo, phạt tiền. Nhưng nếu có mục đích kinh doanh, thu lợi bất chính họ có thể bị kiện ra toà và phải xử lý theo tố tụng dân sự bồi thường cho chủ sở hữu tác phẩm. Nếu có hậu quả nghiêm trọng, hoặc trước đó đã bị xử lý hành chính về một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1999.
Ngoài ra còn nhiều quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ mà các đương sự không đồng ý có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính được quy định cụ thể ở nhiều văn bản pháp quy khác nhau cụ thể như:
– Lĩnh vực chuyển giao công nghệ quy định tại Nghị định 45/1998/NĐ-CP ngày 01-7-1998 của chính phủ.
– Lĩnh vực công bố và phổ biến tác phẩm ra nước ngoài quy định tại Nghị định số 72/2000/NĐ-CP ngày 05-12-2000 của chính phủ.
– Lĩnh vực bảo hộ giống cây trồng mới quy định tại nghị định số 13/2000/NĐ-CP ngày 24-04-2001 của chính phủ.
– Lĩnh vực hoạt động Hải quan quy định tại Nghị định số 101/NĐ-CP ngày 31-12-2001 của chính phủ.
– Về thẩm quyền xét xử: các khiếu nại được kiện ra toà đối với các hành vi Hành chính, quyết định hành chính hiện nay do Toà án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm. Ba Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm. Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật sẽ do Toà Hành chính Toà án nhân dân tối cao giám đốc án của Toà án tỉnh. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc án của Toà Hành chính và các Toà phúc thẩm thuộc Toà án nhân dân tối cao.
4- Toà hình sự:
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng pháp luật hình sự là hình thức bảo hộ nghiêm khắc nhất, cao nhất vừa mang tính trừng trị, vừa mang tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa. Vì vậy pháp luật qui định chặt chẽ trước hết những hành vi bị coi là phạm tội phải là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được qui định trong Bộ luật hình sự. Về thủ tục phải tuân thủ đúng Bộ luật tố tụng hình sự ở tất cả các khâu điều tra, truy tố và xét xử và không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực. Việc xét xử, kết án hình sự, thuộc thẩm quyền của Toà hình sự các cấp theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trong Bộ luật hình sự năm 1999, tội xâm phạm quyền tác giả (Điều 131 Chương XIII) các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân) đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được quy định thành một số tội tại Chương XVI các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế như sau:
– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156).
– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157).
– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi.
– Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170).
– Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171).
Trong số các tội trên đây, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh có hình phạt cao nhất là tử hình.
Thực tiễn xét xử vừa qua những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phải truy cứu trách nhiệm hình sự hầu hết là các tội sản xuất và buôn bán hàng giả. Các tội này khi đưa ra xét xử các Toà đều áp dụng hình phạt nghiêm đối với bị cáo.
Về Thẩm quyền xét xử, tuỳ theo mức độ nghiêm trọng, các bị cáo bị viện kiểm sát truy tố theo các điểm khoản của các điều luật cụ thể. Nếu khung có hình phạt tối đa là 15 năm sẽ thuộc thẩm quyền của Toà án huyện. Trên 15 năm thuộc thẩm quyền của Toà án tỉnh. Toà án tỉnh vừa xử phúc thẩm án của Toà án huyện bị kháng cáo, vừa xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền. Ba Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm án của Toà án tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị. Đối với các bản án đã có hiệu lực bị phát hiện có sai lầm thì Uỷ ban Thẩm phán Toà án tỉnh giám đốc án của Toà án huyện. Toà Hình sự Toà án nhân dân tối cao giám đốc án của Toà án tỉnh. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc án của Toà Hình sự và ba Toà phúc thẩm thuộc Toà án nhân dân tối cao.
Như vậy về mặt pháp luật, các văn bản luật hoặc dưới luật, của Nhà nước ta ban hành đã điều chỉnh toàn bộ và căn bản các hoạt động, cũng như giải quyết các tranh chấp và vi phạm quyền sở hữu trít tuệ hiện nay tại nước ta.
Tuy nhiên không thể phủ nhận có những vấn đề việc hướng dẫn còn phức tạp, chưa đầy đủ, và có cả việc chồng chéo, cả trong tổ chức quản lý và văn bản hướng dẫn thực hiện.
Chẳng hạn giữa Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Nghị định 17/CP ngày 16-01-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Có những điểm chưa đồng nhất và còn mang nặng dấu ấn của thời kỳ bao cấp kế hoạch hoá nền kinh tế, gây khó khăn cho các đương sự khi khởi kiện và cũng khó khăn cho Toà án khi vận dụng để giải quyết tranh chấp.
Thí dụng theo quy định của Điều 42 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế thì Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế cũng được vận dụng ký kết hợp đồng giữa một bên là pháp nhân với các nghệ nhân, hộ gia đình, người làm công tác khoa học – kỹ thuật không có đăng ký kinh doanh… Nhưng khi có tranh chấp thì không phải do Toà kinh tế giải quyết vì Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế đã giới hạn chủ thể của hợp đồng kinh tế chỉ là Pháp nhân với Pháp nhân, hoặc Pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh. Do đó vụ việc phải giải quyết theo tố tụng dân sự. Nhưng do được ký kết theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế nên khi giải quyết Toà dân sự phải căn cứ vào Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế để xem xét, quyết định.
Hiện nay, Nhà nước ta đang từng bước khắc phục những bất hợp lý đã nêu, bằng cách rà soát các văn bản luật, dưới luật để tuyên bố hết hiệu lực văn bản không còn phù hợp. Sửa đổi những văn bản có thể sửa được cùng với việc xây dựng các đạo luật mới. Trong thời gian tới sẽ có nhiều đạo luật được Quốc hội thông qua, trong đó có Bộ luật tố tụng dân sự. Dự thảo Bộ luật này đang được nhân dân, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế chính trị, xã hội và các luật gia đóng góp ý kiến. Chắc chắn rất nhiều những vướng mắc vừa qua sẽ được khắc phục.
Tóm lại vị trí, vai trò của Toà án trong lĩnh vực thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là ở tất cả các giai đoạn. Toà án luôn luôn sát cánh cùng các cơ quan Hành chính và Tư pháp. Và trong nhiều trường hợp quyết định của Toà án là cuối cùng.
Thời gian vừa qua, trong hoạt động xét xử của mình đối với các vụ tranh chấp cũng như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, dưới dạng án Hành chính, Kinh tế, Dân sự hay Hình sự, các cấp Toà án đã có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý ngành, tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ tích cực hoà giải và đã có những quyết định khách quan, được nhân dân đồng tình, góp phần bảo vệ những doanh nghiệp, cá nhân làm ăn chân chính, tỏ rõ quan điểm của Nhà nước ta là kiên quyết xử lý đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật; xây dựng môi trường kinh doanh, và đạo đưc kinh doanh trong sạch, lành mạnh. Đồng thời cũng đề xuất những ý kiến có hiệu quả trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế Việt Nam.
Để hoạt động của Toà án thật sự hữu hiệu chúng ta cần xây dựng một hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đồng bộ, trong đó các quy định về thủ tục tố tụng phải hết sức thông thoáng tạo điều kiện dễ dàng cho các đơn vị, doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể khởi kiện ra toà nhanh nhất. Các hành vi xâm phạm buộc phải chấm dứt nhanh nhất. Người có lợi ích bị xâm hại nhận được bồi thường nhanh nhất.
Thứ hai: xây dựng các cơ quan quản lý, xét xử, giải quyết các tranh chấp, vi phạm mạnh về tổ chức, giỏi về chuyên môn. Nói một cách khác là tổ chức phải được sắp xếp hợp lý, nhiệm vụ rõ ràng không chồng chéo và theo hướng chuyên môn hoá. Đội ngũ cán bộ phải có năng lực thực sự, biết cách làm việc và thấu hiểu đạo lý “ở đời và làm người” mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Cuối cùng phải giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân tiến tới xã hội hoá công việc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trước mắt nâng cao nhận thức và phát huy tính tích cực của các sở hữu chủ, các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề trong việc phát hiện, thu thập chứng cứ thương thuyết hoặc khiếu nại, khởi kiện đến các cơ quan có thẩm quyền để tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Đỗ Cao Thắng – Thẩm phán TANDTC – Chánh toà Kinh tế
Nguồn: www.vibonline.com.vn