1. Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối là gì?

Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối và mức phạt tù.

Theo điều 382, Bộ luật hình sự năm 2015 (Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối như sau:

1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, đối với tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối thì mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Có thể hiểu khai báo gian dối, được hiểu là hành vi của người  làm chứng đã khai không đúng sự thật những tình tiết liên quan đến vụ án. Còn cung cấp tài liệu sai sự thật, được hiểu là hành vi của người giám định, người phiên dịch, người làm chứng đã giao tài liệu sai sự thật cho cơ quan tiến hành tố tụng mà mình biết rõ tài liệu đó là sai sự thật.

 

2. Các yếu tố cấu thành tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở những hành vi sau đây:

– Người giám định kết luận gian dối, tức là đưa ra những kết luận sai sự thật, trái ngược hoàn toàn với kết quả nghiên cứu giám định làm thay đổi hẳn bản chất của vấn đề được trưng cầu giám định, hoặc tuy không làm thay đổi bản chất của mọi vấn đề được trưng cầu giám định nhưng đã làm thay đổi một phần kết quả giám định làm cho việc giải quyết vụ án bị sai lệch (ví dụ : bị can, bị cáo có trạng thái tâm thần bình thường nhưng lại bị kết luận là mắc bệnh tâm thần, kết luận về tổn hại đến sức khoẻ của người bị hại quá cao hoặc quá thấp so với tình trạng sức khoẻ thực tế của họ).

– Người phiên dịch đã cố ý dịch sai sự thật như xuyên tạc nội dung, tài liệu mà người đó có trách nhiệm phải dịch. Tài liệu có thể là tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc; hoặc dịch xuyên tạc các câu hỏi, câu trả lời mà người phiên dịch có trách nhiệm phải dịch trong quá trình tố tụng đối với vụ án (ví dụ : bỏ qua không phiên dịch những tình tiết có ý nghĩa tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo).

– Người làm chứng khai báo gian dối hoặc cũng có liệu sai sự thật như bịa đặt ra những tin tức về sự việc phạm tôi, về nhân thân người phạm tội hoặc các tình tiết khác vụ án; cung cấp những tài liệu, chứng cứ cho các cơ quan thu hành tố tụng mà biết rõ sai sự thật; phủ nhận những tài liệu, chứng cứ mà biết rõ là đúng sự thật.

Tội xâm phạm hoàn thành từ thời điểm sau đây:

– Đối với hành vi kết luận gian dối, tội phạm được coi là hoàn thành khi bản kết luận giám định được chuyển đến cơ quan trưng cầu giám định hoặc khi người giám định trình bày kết luận giám định trước phiên toà (nếu giai đoạn điều tra không trưng cầu giám định đối với vụ án).

– Đối với hành vi giám định gian dối, tội phạm được coi là hoàn thành khi người dịch trao bản dịch cho cơ quan tiến hành tố tụng hoặc dịch miệng đã xong và người dịch ký tên vào biên bản do mình dịch trong quá trình điều tra, xét xử.

– Đối với hành vi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật của người làm chứng, tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người làm chứng đã đọc lại biên bản lấy lời khai hoặc trình bày lời khai gian dối tại phiên toà và ký vào biên bản đó.

 

2.2. Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng.

 

2.3. Mặt khách quan

Người phạm tội thưc hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Đối với tội cung cấp tài liệu sai sự thật thì việc biết rõ tài liệu đó là sai sự thật là dấu hiệu cấu thành cơ bản.

 

3.4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là những người tham gia tổ tụng sau: người giám định, người phiên dịch, người làm chứng ( trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính)

 

3. Về hình phạt

Mức phạt đối với tội này được chia thành ba khung, cụ thể như sau:

+ Khung một (khoản 1)

Phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với các hành vi có đầy đủ dấu hiệu của mặt khách quan.

+ Khung hai (khoản 2)

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

–  Có tổ chức;

–  Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.

+ Khung ba ( khoản 3)

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

–  Phạm tội từ 02 lần trở lên;

–  Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

+ Hình phạt bổ sung (khoản 4)

Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên người phạm tội bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

4. Thu thập chứng cứ là gì?

Thu thập chứng cứ là một giai đoạn của quá trình chứng minh. BLTTHS quy định Tòa án có thẩm quyền xác minh, thu thập và bổ sung chứng nhằm đảm bảo cho vụ án hình sự được giải quyết một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, tránh làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng quy định này trên thực tế còn nhiều hạn chế và hiệu quả chưa cao do chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể.

Điều 252 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động:  1. Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; 2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án; 3. Xem xét tại chỗ các vật chứng không thể đưa đến phiên tòa; 4. Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án; 5. Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản; 6. Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án.

Như vậy, theo quy định của luật, việc Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ được quy định cụ thể tại Điều 252 BLTTHS năm 2015. Theo đó, để xác định sự thật khách quan của vụ án, Tòa án thực hiện một trong các hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ quy định tại Điều này; trong đó có quy định trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viên kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được, nếu Tòa án xét thấy cần thiết thì có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án. Đây là quy định bảo đảm quyền độc lập của Tòa án nói chung và Hội đồng xét xử nói riêng, Tòa án hoàn toàn có thẩm quyền xác minh, thu thập hoặc bổ sung chứng cứ nếu thấy cần thiết không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát.

 

5. Chứng minh và chứng cứ trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Thứ nhất, điều chỉnh khái niệm về chứng cứ (Điều 86)

BLTTHS 2015 thay đổi định nghĩa về chứng cứ và theo đó mở rộng thẩm quyền về thu thập chứng cứ. Điều 86 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Theo quy định của BLTTHS 2003thì việc thu thập chứng cứ chỉ có Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa ánthu thập và được sử dụng làm chứng cứ. BLTTHS 2015 bổ sung người bị buộc tội, người bào chữa;nhữngngười tham gia tố tụng kháccũng có quyền thu thập hoặc cung cấp chứng cứ;cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án (khoản 2 và khoản 3 Điều 88).

Thứ hai, bổ sung những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự liên quan đến hành vi phạm tội, chủ thể của tội phạm thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng hơn trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo đó, bổ sung trách nhiệm phải chứng minh: Nguyên nhân và điều kiện phạm tội; những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt (khoản 5 và khoản 6 Điều 85). Điều này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan tố tụng phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc khách quan, toàn diện, tránh tâm lý chủ quan, một chiều trong quá trình chứng minh về vụ án.

Thứ ba, bổ sung một số nguồn chứng cứ và quy định về loại trừ chứng cứ (Điều 87)

+ BLTTHS năm 2003 quy định nguồn chứng cứ gồm: vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

+ BLTTHS năm 2015: bổ sung thêm nguồn chứng cứ là: Dữ liệu điện tử; Kết luận định giá tài sản; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác trong đấu tranh chống tội phạm. Ngoài ra, còn bổ sung quy định về loại trừ chứng cứ, theo đó: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.

Thứ tư, bổ sung trình tự, thủ tục các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận và đánh giá chứng cứ do những người tham gia tố tụng cung cấp và việc kiểm sát việc thu thập chứng cứ (khoản 4 và khoản 5 Điều 88)

Theo đó, khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 88 cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Với quy định mới này sẽ tránh việc làm mất, làm hỏng, làm thất lạc những chứng cứ, đồ vật, tài liệu mà các chủ thể này cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Thứ năm, quy định cụ thể về nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử và việc thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử (Điều 99 và Điều 107)

+ BLTTHS năm 2003: không quy định.

+ BLTTHS năm 2015: quy định cụ thể về dữ liệu điện tử với tính cách là một loại nguồn chứng cứ như: khái niệm về dữ liệu điện tử; các nguồn chứa dữ liệu điện tử; yêu cầu về giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử; trình tự, thủ tục thu thập, phục hồi dữ liệu điện tử nhằm bảo đảm tính khách quan, tính nguyên trạng và tính có thể kiểm chứng của loại chứng cứ này.

Thứ sáu, Quy định chặt chẽ và chi tiết việc xử lý vật chứng (Điều 106)

BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung chi tiết việc xử lý vật chứng theo từng trường hợp vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành; vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có; vật chứng là vật không có giá trị hoặc không sử dụng được; vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản; vật chứng là động vật hoang dã và thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quy hiếm, động vật, thực vật ngoại lai và một số trường hợp khác.