Giả mạo chữ ký để chiếm đoạt tài sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Đây là một thắc mắc của rất nhiều người, chúng ta cùng Luật LVN Group tìm hiểu dưới bài viết này nhé.

 

1. Giả mạo chữ ký chiếm đoạt tài sản là gì?

– Theo Wikipedia thì chữ ký (singnature) là một biểu tượng viết tay của con người. Nó có thể là tên, biệt danh hay một ký hiệu bất kỳ để thể hiện dấu ấn của một người. Chữ ký thường thấy trên các tài liệu, hợp đồng, văn bản pháp lý, … với ý nghĩa minh chứng cho sự hiện diện của người đó. 

– Chiếm đoạt tài sản hành vi cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quản lý của người khác vào phạm vi sở hữu của mình.

– Giả mạo chữ ký chiếm đoạt tài sản được hiểu là tạo ra biểu tượng viết tay không thực (giả tạo hoặc lừa dối) của người khác nhằm cố ý chuyển dịch tài sản đang thuộc quản lý, sở hữu của người khác vào phạm vi tài sản thuộc sở hữu của mình.

– Giả mạo chữ ký có rất nhiều dạng và việc giả mạo chữ ký chiếm đoạt tài sản cũng diễn bằng nhiều hình thức, hoàn cảnh khác nhau. Giả mạo chữ ký với mục đích chiếm đoạt tài sản sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các cá nhân hoặc tổ chức có tài sản bị xâm hại hoặc có thể làm giảm uy tin của cơ quan Nhà nước nếu trong trường hợp việc giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Tùy thuộc theo hành vi và mức độ hậu quả gây ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội tương ứng.

 

2. Xử phạt hành chính hành vi làm giả chữ ký người khác.

– Căn cứ vào tính chất của từng vụ việc, mục đích của hành vi giả mạo chữ ký mà người giả mạo chữ ký có thể bị xử lý bằng các biện pháp xử phạt hành chính được quy định tại điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020 gồm:

+ Cảnh cáo

+ Phạt tiền

+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn

+ Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính

+ Trục xuất.

Ngoài ra còn một số trường hợp giả mạo chữ ký phổ biến bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

– Giả mạo chữ ký trong hoạt động công chứng, chứng thực: (theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính như sau)

+ Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp giả mạo chữ ký của công chứng viên (căn cứ theo điểm b khoản 6 Điều 15);

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực (căn cứ điểm a khoản 2 Điều 34).

– Giả mạo chữ ký trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm: theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người yêu cầu đăng ký trong phiếu yêu cầu đăng ký hoặc chữ ký trong văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải tỏa kê biên tài sản để thi hành án dân sự.

– Giả mạo chữ ký trong lĩnh vực sở hữu kiểm toán: theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với trường hợp chữ ký của một người không thống nhất hoặc đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký.

– Giả mạo chữ ký trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ: theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm. Đồng thời, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

– Giả mạo chữ ký trong lĩnh vực về quyền tác giả: Căn cứ theo Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm.

 

3. Tội giả mạo chữ ký chiểm đoạt tài sản bị phạt bao nhiêu năm tù?

Hành vi giả mạo chữ ký chiếm đoạt tài sản được quy định là hành vi nguy hiểm cho xã hội và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ căn cứ cấu thành các tội phạm sau đây:

– Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiểm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại điều 168, 169, 170, 171, 172, 175 và 250 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người vị hại.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức

+ Có tính chất chuyên nghiệp

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng

+ Tái phạm nguy hiểm

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Đối với trường hợp giả mạo chữ ký chiếm đoạt tài sản thông thường sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 nếu đủ cấu thành tội phạm như sau:

– Mặt chủ quan: đây là lỗi cố ý trực tiếp, người thực hiện hành vi giả chữ ký để chiếm đoạt tài sản đã lường trước được hậu quả và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

– Mặt khách quan: hành vi giả mạo chữ ký chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm hại quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức một cách trái phép bằng thủ đoạn gian dối.

– Khách thể: xâm hại đến quan hệ sở hữu về tài sản.

– Chủ thể: người phạm tội này phải là người đủ 14 tuổi trở lên và khi thực hiện hành vi không bị mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhân thức và làm chủ hành vi. Tuy nhiên nếu vi phạm khoản 1 thì chủ thể thực hiện phải từ đủ 16 tuổi trở lên và không mắc vào các quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

* Trường hợp người có nghĩa vụ và quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giả mạo chữ ký theo điểm c khoản 1 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.”

Vậy hành vi giả mạo chữ ký chiểm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 và Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 tùy thuộc vào hành vi và mức độ nghiêm trọng mà chủ thể vi phạm sẽ bị xử lý tương xứng.

Trên đây là bài viết “Tội giả mạo chữ ký chiếm đoạt tài sản bị phạt bao nhiêu năm tù?” của Luật LVN Group. Mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline 1900.0191 để được giải đáp kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!