Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  1900.0191

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

1. Quy trình tố tụng trọng tài

– Bước 1: Nguyên đơn nộp Đơn kiện, chỉ định trọng tài viên và nộp phí trọng tài

Đơn kiện bao gồm ngày, tháng; tên và địa chỉ của các bên; tóm tắt nội dung vụ tranh chấp; căn cứ pháp lý để khởi kiện; trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khác của Nguyên đơn; tên trọng tài viên mà Nguyên đơn chọn.

Đơn kiện và các tài liệu kèm theo phải được lập thành 5 bản (Đối với trường hợp Hội đồng Trọng tài có 3 Trọng tài viên), hoặc 3 bản (Đối với trường hợp Hội đồng Trọng tài có 1 Trọng tài viên).

Khi nộp Đơn kiện, Nguyên đơn phải đồng thời nộp phí trọng tài.

Nguyên đơn có thể sửa đổi, bổ sung hoặc rút Đơn kiện trước khi Hội đồng Trọng tài ra Quyết định Trọng tài.

– Bước 2: Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

VIAC kiểm tra sơ bộ về vấn đề thẩm quyền, thụ lý Đơn kiện và gửi thông báo cho Bị đơn.

– Bước 3: Bị đơn nộp Bản Tự bảo vệ và chỉ định trọng tài viên

Bản tự bảo vệ gồm ngày tháng; tên và địa chỉ của Bị đơn; căn cứ pháp lý để tự bảo vệ; kiến nghị cụ thể của Bị đơn; tên trọng tài viên mà Bị đơn chọn. Ngoài ra, Bị đơn có thể nộp Đơn kiện lại hoặc đưa ra phản đối về vấn đề thẩm quyền. Trong trường hợp có Đơn kiện lại, Bị đơn có thể sửa đổi, bổ sung hoặc rút Đơn kiện lại trước khi Hội đồng Trọng tài ra Quyết định Trọng tài.

Việc Bị đơn không nộp Bản tự bảo vệ sẽ không ngăn cản VIAC tiếp tục quá trình tố tụng trọng tài.

Nếu Bị đơn không nộp Bản tự bảo vệ, hoặc Bản tự bảo vệ không đề cập đến việc chỉ định trọng tài viên, Chủ tịch VIAC sẽ chỉ định trọng tài viên cho Bị đơn.

– Bước 4: Thành lập hội đồng trọng tài

* Hội đồng trọng tài gồm ba Trọng tài viên: 

  • Nguyên đơn và bị đơn mỗi bên chọn 1 Trọng tài viên hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm chỉ định 1 Trọng tài viên.
  • Hai trọng tài viên được các bên chọn bầu 1 Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài; trường hợp hai trọng tài viên không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài trong thời hạn quy định thì Chủ tịch Trung tâm chỉ định một trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

* Hội đồng trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất: Nguyên đơn và bị đơn thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất hoặc Chủ tịch Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất trong trường hợp các bên không thống nhất được Trọng tài viên duy nhất trong thời hạn quy định.

– Bước 5: Hội đồng trọng tài nghiên cứu hồ sơ, thực hiện một số các công việc theo thẩm quyền

  • Hội đồng Trọng tài quyết định cách thức tiến hành tố tụng trên cơ sở thỏa thuận trọng tài và Quy tắc tố tụng của VIAC. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài cũng xem xét yêu cầu của các Bên.
  • Hội đồng trọng tài thực hiện một số các công việc theo thẩm quyền như xác minh sự việc, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tậm thời.
  • Hội đồng Trọng tài nghiên cứu hồ sơ, có quyền xác minh sự việc, gặp các bên để nghe các bên trình bày ý kiến, yêu cầu các bên bổ sung chứng cứ.

– Bước 6: Hội đồng Trọng tài triệu tập các Bên đến phiên họp giải quyết vụ tranh chấp

  • Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp. Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải. Trường hợp hòa giải thành, Hội đồng trọng tài lập Biên bản hòa giải thành và ra Quyết định công nhận hòa giải thành.
  • Thời gian mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp do Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quyết định, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
  • Nếu các bên không tham dự họp giải quyết vụ tranh chấp mà không có lý do chính đáng, Hội đồng Trọng tài vẫn có thể quyết định tiếp tục phiên họp và công bố Quyết định Trọng tài.

– Bước 7:  Công bố Quyết định Trọng tài

  • Trường hợp không hòa giải hoặc không hòa giải thành, Hội đồng Trọng tài ra Phán quyết trọng tài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp cuối cùng.
  • Hội đồng Trọng tài gửi Phán quyết trọng tài tới Trung tâm ngay sau ngày lập. Trung tâm gửi ngay tới các bên bản chính hoặc bản sao có chứng thực của Phán quyết trọng tài.
  • Quyết định Trọng tài được công bố sẽ có giá trị chung thẩm và ràng buộc đối với các Bên.

2. Những vấn đề chung về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài (VIAC)

2.1 Khái niệm 

Luật trọng tài thương mại Việt Nam định nghĩa: “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật trọng tài thương mại”. Nhìn chung ta có thể hiểu trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt xung đột bằng việc đưa ra một phán quyết buộc các bên tranh chấp phải thực hiện.

2.2 Đặc điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có những đặc điểm cơ bản như sau:

– Tính chung thẩm của phán quyết: Phán quyết trọng tài là chung thẩm và không thể yêu cầu Tòa án xem xét lại nội dung phán quyết. 

– Sự công nhận quốc tế: Ở đây muốn nói đến khả năng thi hành phán quyết trọng tài trên phạm vi toàn cầu theo quy định của Công ước New York 1958, nên nếu xét về mặt lý thuyết thì phán quyết trọng tài ban hành ở một quốc gia thành viên sẽ có thể được công nhận và thi hành bởi 158 quốc gia thành viên còn lại.

– Năng lực chuyên môn: Đây là một trong những đặc điểm quan trọng và khác biệt giữa trọng tài và Tòa án. Năng lực chuyên môn của những người là trọng tài viên vốn không chỉ bao gồm những người hành nghề Luật sư của LVN Group mà còn có thể là cả những doanh nhân, chuyên gia kỹ thuật, học và và rất nhiều những đối tượng khác thích hợp để giải quyết các tranh chấp về kinh doanh thương mại và đầu tư quốc tế. Và điều quan trọng là các bên tranh chấp có quyền tự lựa chọn trọng tài viên phù hợp với vụ tranh chấp cụ thể của mình.

– Tính linh hoạt trong thủ tục: Khác với các quy trình tố tụng ngiêm ngặt tại Tòa án, quy trình tố tụng trọng tài rất linh hoạt và có thể thay đổi tùy thuộc vào sự thảo thuận giữa các bên tranh chấp hoặc từng quy tắc tố tụng của các tổ chức trọng tài khác nhau, hoặc theo sự phán quyết của từng hội đồng trọng tài miễn là không vị phạm pháp luật hoặc các quy tắc của tổ chức trọng tài cũng như là sự thảo thuận giữa các bên.

–  Thuận lợi cho việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời: Đối với các vụ kiện xét xử tại Tòa án quốc gia thì thẩm quyền xem xét việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoàn toàn thuộc về tòa án. Tuy nhiên đối với những vụ tranh chấp giải quyết bằng trọng tài thương mại thì ngoài tào án quốc gia có thể xem xét áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để hỗ trợ tố tụng trọng tài thì bản thân Hội đồng trọng tài hoặc một số tổ chức trọng tài có chế định trọng tài viên khẩn cấp cũng có quyền xem xét việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

– Chứng cứ: Chứng cứ trong tố tụng trọng tài không nhất thiết phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ về hình thức và thủ tục như tố tụng dân sự tại Tòa án. Tùy thuộc vào từng quy tắc tố tụng trọng tài và từng Hội đồng trọng tài mà vấn đề chứng cứ được xem xét một cách khác nhau.

– Thời gian giải quyết: Do chỉ có một cấp xét xử nên giải quyết tranh chấp trọng tài thông thường được hiểu là nhanh chóng hơn so với việc đưa ra xét xử tại Tòa án quốc gia

– Tính bảo mật: Mọi thông tin về tranh chấp giải quyết bằng trọng tài thương mại sẽ không được công khai, vì riêng các thông tin liên quan đến việc tranh chấp có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, uy tín của doanh nghiệp. Điều này được quy định rõ như là một trong những nguyên tắc cơ bản của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam.

– Chi phí: Chi phí giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thường cao hơn tại tòa án vì các bên tranh chấp phải trả phí trọng tài cho tổ chức trọng tài, thù lao cho trọng tài viên và các chi phí khác như phòng họp xét xử, phiên dịch, chuyên gia làm chứng,….Tuy nhiên vì thời gian giải quyết tranh chấp thông thường sẽ ngắn do chỉ có một cấp xét xử nên chi phí thực tế cũng có thể được giảm thiểu, vậy nên so với việc mất mát cho chi phí lớn doanh nghiệp thường có thể giải quyết vụ việc của mình nhanh hơn khi giải quyết tại Tòa án.

2.3 Quy định về thỏa thuận trọng tài

Thoả thuận Trọng tài là thoả thuận  giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Như vậy, khi các bên giao kết hợp đồng (khi đó, tranh chấp chưa xảy ra), các bên có thể xác định phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại ngay trong hợp đồng hoặc bằng một văn bản riêng. Nếu chưa xác định phương thức giải quyết tranh chấp tại hợp đồng vào thời điểm ký kết, hoặc đã xác định một phương thức khác, khi có tranh chấy xảy ra, các bên vẫn có thể thỏa thuận thống nhất chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại. Khi đó, Thỏa thuận Trọng tài này phải được lập thành một văn bản riêng.

Thông thường, các Trung tâm Trọng tài thương mại đều có soạn thảo mẫu điều khoản Trọng tài (được công bố trên website) để các bên có thể sử dụng đưa vào trong hợp đồng của mình nhằm đảm bảo tính thống nhất và tránh khả năng Thỏa thuận Trọng tài có thể bị vô hiệu.

Thỏa thuận Trọng tài có thể bị vô hiệu nếu:

  • Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài thương mại;
  • Người xác lập Thoả thuận Trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
  • Người xác lập Thoả thuận Trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự;
  • Hình thức của Thoả thuận Trọng tài không phù hợp với quy định của Luật này (phải bằng văn bản, có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản Trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng);
  • Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập Thoả thuận Trọng tài và có yêu cầu tuyên bố Thoả thuận Trọng tài đó là vô hiệu; và
  • Thỏa thuận Trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

Công ty luật LVN Group (biên tập)