tại VN đầy ắp sự kiện:
Tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ; ký thoả thuận hợp tác với Chính phủ VN mà cốt lõi là hợp đồng license đối với bộ phần mềm office cho 300.000 máy tính của chính phủ; trình diễn “ngày của các nhà phát triển Vista” của Microsoft trước khoảng 1.000 nhà phát triển phần mềm VN; làm việc với Bộ Bưu chính Viễn thông; tham gia bàn tròn trực tuyến; thỏa thuận hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo để mở rộng triển khai các chương trình “Partners in Learning-Các đối tác trong học tập” và “Unlimited Potential-Tiềm năng vô hạn” của Microsoft tại VN.
Báo chí trong nước đánh giá cao mọi hoạt động của Ballmer tại VN, nhất là nhấn mạnh sự hợp tác chiến lược; báo chí nước ngoài chủ yếu nhấn mạnh sự kiện hợp đồng mua bản quyền phần mềm.
Việc Nhà nước – khách hàng lớn nhất về công nghệ thông tin – mua bản quyền cho phần mềm mà mình sử dụng có rất nhiều ý nghĩa.
Trước hết nó cho thấy sự thực hiện những cam kết tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ của VN đối với thế giới. Đây là một dấu hiệu hết sức tích cực, vì thiếu nó thì không thể có đầu tư nước ngoài về công nghệ cao thật sự ở VN.
Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ yên tâm đầu tư công nghệ cao thực sự vào Việt Nam nếu họ cảm thấy quyền sở hữu trí tuệ của họ được đảm bảo, và việc Nhà nước ký kết mua bản quyền phần mềm của Microsoft phát đi một tín hiệu ban đầu hết sức quan trọng.
Chúng ta muốn phát triển công nghệ cao, muốn phát triển phần mềm thành một ngành kinh tế quan trọng, và việc không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm, chỉ biến mục tiêu phát triển đó trở thành ảo tưởng.
Không thể phát triển ngành công nghệ cao, ngành phần mềm trong khi chúng ta không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Như thế hợp đồng nói trên của chính phủ ta và Microsoft cũng là bước đi đúng hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp phần mềm và các ngành công nghệ cao khác ở VN.
Đấy là hai lý do chính khiến Chính phủ VN có một quyết định rất sáng suốt. Tất nhiên dư luận, trong đó có những ý kiến của những người làm công nghệ thông tin “mong muốn” phát triển công nghiệp phần mềm, cũng vẫn rất lo ngại về “sự tốn kém” đối với việc tuân thủ này, và đưa ra những con số khổng lồ đến cả gần tỉ USD.
Có lẽ họ đơn giản lấy giá công bố (list price) của một bộ office khoảng 330USD nhân với 300.000 máy tính của chính phủ trung ương và địa phương để có con số 1 tỉ USD ấy. Nhưng giá bán thường thấp hơn nhiều giá list đó, khi mua bản quyền cho 50 chục máy thôi, bạn có thể chỉ phải trả chưa đến một nửa giá đó.
Với 300.000 máy tính mà bộ phần mềm office được “hợp thức hoá” thì cái giá phải trả chắc hẳn phải là rất thấp, nếu không nói chỉ là tượng trưng. Cả hai bên đã không tiết lộ gì về giá trị hợp đồng. Như Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông tuyên bố: “Nguyên tắc thương mại thì cả VN và Microsoft đều không thể tiết lộ. Tuy nhiên, cả VN và Microsoft đều hài lòng với những điều khoản cam kết…
VN đã đáp ứng những yêu cầu, cam kết với Microsoft. Qua đó, VN sẽ chỉ phải trả khoản kinh phí hợp lý, vừa thỏa mãn yêu cầu của Microsoft, vừa phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế của VN”.
Cuối ngày, ngài Ballmer chắc hẳn cũng rất vui khi chứng kiến việc ký hợp đồng (thương mại thuần tuý giữa các doanh nghiệp) có giá trị hơn 3 triệu USD giữa Microsoft và Ngân hàng Đầu tư Phát triển VN (BIDV).
Hợp đồng cho phép đối tác của Microsoft cấp 6000 license cho các phần mềm bản quyền của Microsoft mà BIDV đang sử dụng với số lượng lớn gồm hệ điều hành cho máy chủ và máy trạm, cơ sở dữ liệu, phần mềm truyền thông, công cụ lập trình, quản lý dự án, cổng thông tin và phần mềm văn phòng máy trạm, chứ không chỉ cho office. Microsoft VN sẽ hỗ trợ, tư vấn, đào tạo cho BIDV trong quá trình triển khai đồng bộ tối ưu hóa hạ tầng, quản lý vận hành và trao đổi thông tin an toàn trên nền công nghệ Microsoft.
Về mặt kinh doanh có thể nói Microsoft đã thắng lớn, những người sử dụng khác như các doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải tốn chi phí đáng kể cho bản quyền phần mềm. Nhưng các chi phí đó góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh, làm cho cách tính chi phí và giá cả đỡ méo mó, nhưng quan trọng nhất nó kích thích sự phát triển của các ngành công nghệ cao và đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao thật sự.
Nếu khéo đàm phán thì có thể đạt giá cả phải chăng, nếu không (hay “thích mua đắt”) thì giá có thể “biến báo” vô cùng. Cũng phải lưu ý cả mặt giá cả này nữa, vì giá phầm mềm nó “mềm” theo nghĩa uyển chuyển, biến động, và ở ta có nhiều người “thích mua đắt” lắm.
Trong mọi trường hợp, đàm phán để có giá phải chăng, và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là hai mặt quan trọng. Việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là một điều kiện cần (nhưng không đủ) hết sức quan trọng cho phát triển đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Nguồn: Lao Động cuối tuần