1. Đối tượng nào được quy định là thanh niên? Quyền và nghĩa vụ của thanh niên gồm những gì ?

Trả lời

Khái niệm thanh niên, Điều 1 Luật Thanh niên năm 2020 quy định như sau:

 Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi.

Như vậy, thanh niên theo quy định pháp luật Việt Nam đáp ứng hai điều kiện sau:

Thứ nhất về quốc tịch: Là công dân Việt Nam

Thứ hai là về độ tuổi: Từ đủ 16 đến 30 tuổi. Trong độ tuổi thanh niên này còn bao gồm cả một bộ phận người chưa thành niên (từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi). Xét về góc độ pháp luật, đây là giai đoạn khá quan trọng trong việc hình thành suy nghĩ một cách chín chắn, đầy đủ và là khởi điểm cho việc bắt đầu phải chịu trách nhiệm pháp lý trước những hành vi vi phạm pháp luật

Về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên, Điều 4 Luật Thanh niên năm 2020 quy định như sau:

– Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

– Thanh niên có quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

2. Ý nghĩa của tháng thanh niên? Vai trò của các cá nhân, tổ chức trong tổ chức tháng thanh niên ?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 9 Luật Thanh niên năm 2020, tháng 3 hằng năm được gọi là Tháng Thanh niên. Tháng Thanh niên được tổ chức nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên. 

Đây được xem là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, vô cùng quan trọng đối với tuổi trẻ Việt Nam. Tháng Thanh niên là trung tâm của phong trào Thanh niên tình nguyện và không ngừng phát triển, lôi cuốn hàng chục triệu thanh niên tham gia, trở thành mốc son của phong trào Thanh niên tình nguyện. Tháng Thanh niên trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong cả nước. 

Trong đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên.

Bên cạnh đó, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực để hỗ trợ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ cho thanh niên tham gia hoạt động Tháng Thanh niên.

3. Trách nhiệm của thanh niên hiện nay là gì ?

Trả lời:

Theo quy định tại Luật Thanh niên năm 2020, Thanh niên mang trong mình những trách nhiệm hết sức lớn lao đó là trách nhiệm với tổ quốc, trách nhiệm với Nhà nước – xã hội, trách nhiệm với gia đình và trách nhiệm với bản thân.

Trách nhiệm đối với tổ quốc, Điều 12 quy định thanh niên có trách nhiệm:

– Phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

– Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập và giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu.

– Đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trách nhiệm đối với Nhà nước – xã hội, Điều 13 quy định trách nhiệm của thanh niên là phải:

– Gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân

– Tích cực tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

– Chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

– Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân tuân thủ, thực hiện Hiến pháp và pháp luật.

– Xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh tạo việc làm; tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội.

– Tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Đối với gia đình, thanh niên có các trách nhiệm sau:

– Chăm lo hạnh phúc gia đình và giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

– Kính trọng, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và tôn trọng các thành viên khác trong gia đình, biết chăm sóc, giáo dục con em trong gia đình.

– Tích cực phòng, chống bạo lực gia đình, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.

Đối với bản thân, thanh niên phải:

– Có trách nhiệm rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh;

– Có trách nhiệm công dân, ý thức chấp hành pháp luật; phòng, chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội;

– Tích cực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng; tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn;

– Chủ động tìm hiểu về thị trường lao động; lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp; rèn luyện ý thức trách nhiệm, kỷ luật lao động và tác phong chuyên nghiệp; sáng tạo, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động.

– Thanh niên có trách nhiệm rèn luyện, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần; trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng, chống bệnh tật; không lạm dụng rượu, bia; hạn chế sử dụng thuốc lá; không sử dụng ma túy, chất gây nghiện và chất kích thích khác mà pháp luật cấm; phòng, chống tác hại từ không gian mạng.

– Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh; bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

4. Nhà nước có những chính sách gì về giáo dục, sức khoẻ đối với thanh niên ?

Trả lời:

Trong lĩnh vực giáo dục, học tập của thanh niên, theo quy định tại Điều 16 Luật Thanh niên, nhà nước có các chính sách

– Nhà nước có chính sách bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và tạo điều kiện cho thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học;

– Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện các chương trình giáo dục đạo đức, lý tưởng, truyền thống dân tộc, lối sống văn hóa, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh niên;

– Có chính sách tín dụng, học bổng, miễn, giảm học phí cho thanh niên theo quy định của pháp luật nhằm khuyến khích, hỗ trợ thanh niên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của thanh niên, tham gia đào tạo kỹ năng sống và kỹ năng cần thiết khác cho thanh niên.

Đối với sức khoẻ của thanh niên, Điều 19 Luật Thanh niên quy định về những chính sách của Nhà nước đối với thanh niên gồm:

– Nhà nước có chính sách tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho thanh niên; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh xã hội khác và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của thanh niên.

– Nhà nước bảo đảm cho thanh niên được cung cấp thông tin, tiếp cận dịch vụ thân thiện về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho thanh niên.

5. Nhà nước có những chính sách gì đối với thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện ?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Luật Thanh niên năm 2020,Thanh niên xung phong là lực lượng xung kích của thanh niên tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, giáo dục, đào tạo, rèn luyện thanh niên và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, khó khăn, gian khổ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với lực lượng thanh niên xung phong, Nhà nước có các chính sách sau:

– Các chính sách để thanh niên xung phong thực hiện nhiệm vụ tham gia dự án phát triển kinh tế – xã hội mà Nhà nước giao phó; 

– Tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ môi trườnggiữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia;

– Các chính sách để thanh niên xung phong tham gia sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên; 

– Các chính sách trong việc thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, khó khăn, gian khổ theo quy định của pháp luật.

– Nhà nước bảo đảm điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho tổ chức thanh niên xung phong khi thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao. Thanh niên xung phong được hưởng chế độ, chính sách trong và sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thanh niên tình nguyện là những thanh niên (có thể là học sinh, sinh viên hoặc người đã đi làm) có tấm lòng nhân ái, có ý thức tự giác và có tinh thần tình nguyện tham gia hoạt động trong các đội hình thanh niên, sinh viên tình nguyện, sẵn sàng làm các công việc khó khăn, gian khổ mà không nhất thiết phải có quyền lợi vật chất cho bản thân.

Đối với thanh niên tình nguyện, Nhà nước có các chính sách sau:

– Nhà nước tạo lập các kênh thông tin để thanh niên được tiếp cận và tham gia hoạt động tình nguyện; xây dựng chương trình, dự án đưa thanh niên tình nguyện về làm việc tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; 

– Có các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện vì lợi ích của cộng đồng, xã hội.

6. Nhà nước có những chính sách gì đối với thanh niên trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi ?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 26 Luật Thanh niên, với thanh niên trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, Nhà nước ta có những chính sách sau:

– Chính sách bảo đảm hoàn thành phổ cập giáo dục theo quy định của pháp luật;

– Các chính sách trong việc ưu tiên, tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp với khả năng và lứa tuổi để phát triển toàn diện;

– Chính sách trong việc đào tạo, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với lứa tuổi;

– Chính sách trong việc giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và bảo đảm các biện pháp hỗ trợ, can thiệp để thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được sống an toàn, lành mạnh;

– Bảo đảm việc thực hiện các chính sách về hình sự, hành chính, dân sự theo quy định của pháp luật; ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

– Nhà nước còn khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.