Cơ sở pháp lý:

– Luật phòng chống thiên tai năm 2013

– Luật phòng chống thiên tai, Luật đê điều sửa đổi năm 2020

– Nghị định 03/2022/NĐ-CP

1. Thiên tai là gì?

Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

2. Công trình phòng chống thiên tai là gì?

Công trình phòng, chống thiên tai là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, bao gồm trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, kè, chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai.

3. Hành vi vi phạm về vận hành, sử dụng công trình phòng, chống thiên tai

Theo Điều 8 Nghị định 03/2022/NĐ-CP hành vi vi phạm về vận hành, sử dụng công trình phòng, chống thiên tai sẽ bị xử phạt như sau:

Thứ nhất, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý vận hành hoặc cản trở sự vận hành của công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai.

Thứ hai, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi neo đậu, dừng, đỗ không đúng nơi quy định của tàu thuyền và các phương tiện khác vào công trình phòng, chống thiên tai trừ trường hợp đã được quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định này.

Thứ ba, phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý sử dụng sai mục đích của công trình phòng, chống thiên tai.

4. Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình phòng, chống thiên tai

Điều 9 Nghị định 03/2022/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình phòng, chống thiên tai sẽ bị xử phạt như sau:

Thứ nhất, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi làm hư hỏng công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng.

Thứ hai, phạt tiền đối với hành vi xây dựng công trình xâm phạm công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình với diện tích dưới 05 m2;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình với diện tích từ 05 m2 đến dưới 10 m2;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình với diện tích từ 10 m2 đến dưới 20 m2;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình với diện tích từ 20 m2 đến dưới 30 m2;

đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình với diện tích từ 30 m2 trở lên.

Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với các hành vi vi phạm.

5. Hành vi đổ đất, chất thải, để nguyên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện vào công trình phòng, chống thiên tai

Hành vi đổ đất, chất thải, để nguyên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện vào công trình phòng, chống thiên tai sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định 03/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Phạt tiền đối với hành vi đổ đất, chất thải, để nguyên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện vào công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai như sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với khối lượng dưới 03 m3;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với khối lượng từ 03 m3 đến dưới 05 m3;

c) Từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khối lượng từ 05 m3 đến dưới 10 m3;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khối lượng từ 10 m3 đến dưới 50 m3;

đ) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với khối lượng từ 50 m3 đến dưới 200 m3;

e) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với khối lượng từ 200 m3 đến dưới 500 m3;

g) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khối lượng từ 500 m3 trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đối với các hành vi vi.

6. Xử phạt các hành vi vi phạm làm gia tăng rủi ro thiên tai

Các hành vi vi phạm làm gia tăng rủi ro thiên tai sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định 03/2022/NĐ-CP. Theo đó:

Thứ nhất, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi lấn chiếm bãi sông, lòng sông, suối, kênh, rạch, bờ biển làm gia tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.

Thứ hai, phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản làm gia tăng rủi ro thiên tai như sau:

a) Từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm gia tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi khai thác khoáng sản gây sạt lở bờ sông, suối, kênh rạch, bờ biển.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

7. Xử phạt hành vi vi phạm trong triển khai ứng phó với thiên tai

Vi phạm quy định trong triển khai ứng phó với thiên tai sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định 03/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trừ quy định tại khoản 3 Điều này.

Thứ hai, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai lệch về vị trí, tình trạng của phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi có thiên tai.

Thứ ba, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của người có thẩm quyền đối với chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá.

8. Xử phạt vi phạm quy định về cứu hộ, cứu nạn trong phòng, chống thiên tai

Vi phạm quy định về cứu hộ, cứu nạn trong phòng, chống thiên tai sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 13 Nghị định 03/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi biết người khác gặp nạn nhưng không thông tin kịp thời để lực lượng chức năng đến cứu nạn trên biển, đầm, phá, sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch.

Thứ hai, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, đầm, phá, sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp không đủ điều kiện hoặc bất khả kháng.

Thứ ba, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi yêu cầu cứu hộ, cứu nạn nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp cận.

Thứ tư, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi báo nạn giả để yêu cầu cứu hộ đối với phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, trên sông, trên hồ.

9. Hành vi vi phạm quy định trong khắc phục hậu quả thiên tai

Hành vi vi phạm quy định trong khắc phục hậu quả thiên tai sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 14 Nghị định 03/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Thứ hai, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ, cứu trợ không đúng đối tượng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Chiếm đoạt hàng cứu trợ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiếp tục thực hiện hoạt động cứu trợ do thực hiện các hành vi vi phạm.

10. Hành vi vi phạm trong việc quản lý, vận hành, sử dụng, xây mới hoặc cải tạo, chỉnh trang công trình

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 03/2022/NĐ-CP hành vi vi phạm về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc quản lý, vận hành, sử dụng, xây mới hoặc cải tạo, chỉnh trang công trình sẽ bị xử phạt như sau:

Thứ nhất, phạt tiền từ 15.000.0000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi không thực hiện nội dung về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc quản lý, vận hành, sử dụng khu khai thác khoáng sản và khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác; khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác như sau:

a) Không xây dựng, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị, thông tin liên lạc, bảo hộ đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đối với lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai;

b) Không xây dựng và ban hành nội quy, quy chế hoạt động trong quản lý, vận hành, sử dụng khu khai thác khoáng sản, khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác, khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu di tích lịch sử; điểm du lịch và công trình phải đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống thiên tai;

c) Không cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố do thiên tai đối với công trình, hạng mục công trình hạ tầng và tại khu vực lân cận có khả năng làm gia tăng rủi ro thiên tai;

d) Không thực hiện chế độ bảo trì, bảo dưỡng công trình, hạng mục công trình hạ tầng; kiểm soát các hoạt động sửa chữa, nâng cấp công trình và xây dựng, củng cố, mở rộng hạng mục công trình hạ tầng làm gia tăng rủi ro thiên tai và phát sinh thiên tai mới;

đ) Không kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các tình huống, hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai; sự cố hoặc nguy cơ xảy ra sự cố đối với công trình, hạng mục công trình hạ tầng; khu vực lân cận có khả năng ảnh hưởng đến các khu khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên thiên nhiên khác, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử; điểm du lịch; điểm dân cư nông thôn và công trình;

e) Khi phát hiện sự cố hoặc nguy cơ xảy ra sự cố, tình huống, hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai vượt quá khả năng xử lý mà không chủ động thực hiện ngay các biện pháp ứng phó để hạn chế thiệt hại, đồng thời không báo cáo kịp thời đến cơ quan, người có thẩm quyền;

g) Không cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cho cán bộ, công nhân và người lao động về diễn biến thiên tai, trọng điểm xung yếu về phòng, chống thiên tai đối với công trình, hạng mục công trình hạ tầng, khu vực lân cận có nguy cơ xảy ra sự cố ảnh hưởng đến an toàn trong khu vực;

h) Không tổ chức hướng dẫn, phổ biến, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai cho cán bộ, công nhân, người lao động và cộng đồng trong phạm vi quản lý để nâng cao khả năng ứng phó tại chỗ, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại;

i) Không lập và lưu trữ thông tin, dữ liệu về thiên tai và hồ sơ về quản lý, vận hành, sử dụng công trình, hạng mục công trình hạ tầng.

Thứ hai, hành vi không đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong đầu tư xây mới hoặc cải tạo, chỉnh trang khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác, bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo tính ổn định của công trình trước thiên tai;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

11. Vi phạm về xây dựng, phê duyệt và thực hiện phương án ứng phó thiên tai

Hành vi vi phạm về xây dựng, phê duyệt và thực hiện phương án ứng phó thiên tai sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 16 Nghị định 03/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không gửi phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt đến Ủy ban nhân dân địa phương có liên quan trên địa bàn và cơ quan cấp trên.

Thứ hai, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không chuẩn bị hoặc chuẩn bị không đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai được phê duyệt.

Thứ ba, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai hoặc hằng năm không rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó thiên tai.

12. Vi phạm về đóng Quỹ phòng, chống thiên tai

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 03/2022/NĐ-CP hành vi vi phạm về đóng Quỹ phòng, chống thiên tai sẽ bị xử phạt như sau:

Thứ nhất, phạt tiền đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai như sau:

a) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai dưới 300.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 300.000 đồng đến dưới 500.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 500.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 20.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 40.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 60.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng;

k) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đóng Quỹ phòng, chống thiên tai đối với hành vi vi phạm.

Thứ hai, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài khi thực hiện hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ danh sách kế hoạch thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai của các cá nhân do mình quản lý cho cơ quan có thẩm quyền.

13. Vi phạm của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia phòng chống thiên tai

Hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 18 Nghị định 03/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động không đúng nội dung đã đăng ký.

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động phòng, chống thiên tai không có giấy đăng ký hoặc giấy đăng ký đã hết hạn.

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về “Tổng hợp hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động phòng chống thiên tai”. Bạn đọc còn vướng mắc pháp lý nào khác vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp nhanh chóng nhất!