1. Nghĩa vụ của bên có công việc được thực hiện

Theo quy định tại khoản 3 Điều 275 Bộ luật Bộ luật dân sự, thực hiện công việc không có ủy quyền là một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ là thời điểm công việc bắt đầu được thực hiện, nhưng tại thời điểm đó chỉ người thực hiện công việc phải thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định. Mặc dù nghĩa vụ của người có công việc cũng phát sinh ngay từ thời điểm công việc bắt đầu được thực hiện, song chỉ khi người thực hiện công việc bàn giao công việc thì người có công việc mới phải thực hiện nghĩa vụ. Theo quy định tại Điều 576 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 576. Nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện

1. Người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.

2. Người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối.

Như vậy, nghĩa vụ mà người có công việc phải thực hiện bao gồm:

Thứ nhất, phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc.

Đây là nghĩa vụ phải thực hiện đầu tiên của người có công việc. Trên cơ sở việc tiếp nhận công việc, người có công việc mới xác định được các nghĩa vụ khác có liên đối với người thực hiện công việc như nghĩa vụ thanh toán chi phí, trả thù lao. Tại thời điểm tiếp nhận, có thể công việc đã được hoàn thành hoặc chưa được hoàn thành. Tuy nhiên, ngay cả khi công việc chưa được hoàn thành nhưng người thực hiện công việc không thể tiếp tục thực hiện công việc vì lý do chính đáng, thì người có công việc cũng phải tiếp nhận công việc mà không được quyền từ chối.

Thứ hai, phải thanh toán chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã phải bỏ ra để thực hiện công việc.

Không giống như nghĩa vụ tiếp nhận công việc, nghĩa vụ thanh toán chi phí là nghĩa vụ nhằm bù đắp lại những lợi ích mà người thực hiện công việc đã phải ra để thực hiện công việc, nên việc thực hiện hay không thực hiện nghĩa vụ này sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thực hiện công việc. Thực tế, công việc được thực hiện có thể không mang lại kết quả như ý muốn, nhưng người có công việc vẫn phải thanh toán các chi phí hợp lý để thực hiện công việc. Đây là những chi phí cần thiết mà người thực hiện công việc phải bỏ ra nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho người có công việc. Nếu người thực hiện công việc không bỏ ra chi phí này thì trong nhiều trường hợp công việc không thể được thực hiện và người có công việc sẽ phải gánh chịu những thiệt hại không mong muốn.

Thứ ba, phải trả thù lao cho người thực hiện công việc không có ủy quyền.

2. Người thực hiện công việc không có ủy quyền có được hưởng thù lao không?

Theo khoản 2 Điều 576 Bộ luật dân sự 2015:

Người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối.

==> Như vậy, theo quy định trên thì người thực hiện công việc không có ủy quyền có thể được hưởng thù lao.

Vì để có thể thực hiện công việc không có ủy quyền, ngoài những chi phí cần thiết phải bỏ ra, người thực hiện công việc có phải bỏ công sức, thời gian của mình để thực hiện công việc nhằm mang lại lợi ích cho người có công việc. Do đó, Bộ luật dân sự quy định về nghĩa vụ thanh toán thù lao của người có công việc là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với tính chất đền bù của quan hệ tài sản do Luật dân sự điều chỉnh. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 576 Bộ luật dân sự, nghĩa vụ trả thù lao chỉ được thực hiện khi có các điều kiện như:

– Công việc được thực hiện một cách chu đáo;

– Việc thực hiện công việc không những ngăn chặn được thiệt hại mà còn có lợi cho người có công việc;

– Người thực hiện công việc không có ủy quyền đồng ý nhận thù lao.

3. Bồi thường thiệt hại khi thực hiện công việc không có ủy quyền

Theo khoản 1 Điều 577 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 577. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại

1.Khi người thực hiện công việc không có ủy quyền cổ ý gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện.

.

Việc thực hiện công việc không có ủy quyền nhằm hướng tới việc hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại có thể xảy ra đối với người có công việc. Để đảm bảo điều này, Điều 575 Bộ luật dân sự quy định những nghĩa vụ cụ thể cho người thực hiện công việc không có ủy quyền. Quá trình thực hiện công việc không có ủy quyền có thể khiến cho người có công việc phải gánh chịu những tổn thất không mong muốn. Những tổn thất này có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể là do người thực hiện công việc không có ủy quyền không tuân thủ các quy định của luật trong quá trình thực hiện công việc. Khi việc thực hiện công việc đã gây ra thiệt hại thì người thực hiện công việc phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc.

Theo quy định trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thực hiện công việc không có ủy quyền phát sinh khi có các điều kiện sau:

– Phải có thiệt hại xảy ra;

– Phải có sự vi phạm nghĩa vụ mà luật quy định;

– Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ với thiệt hại xảy ra;

– Người thực hiện công việc có lỗi.

Pháp luật không đưa ra mức bồi thường mà người thực hiện công việc phải gánh chịu. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này có thể coi là một trường hợp cụ thể của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do đó, nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự cũng được áp dụng đối với trường hợp này.

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

4. Khi nào thì được giảm mức bồi thường thiệt hại do thực hiện công việc không có ủy quyền

Theo khoản 2 Điều 577 Bộ luật dân sự 2015Nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền do vô ý mà gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc, người đó có thể được giảm mức bồi thường”.

Quy định này xác định căn cứ để giảm mức bồi thường thiệt hại cho người thực hiện công việc không có ủy quyền. Theo đó, có hai yếu tố mà dựa vào đó có thể xem xét để giảm mức bồi thường thiệt hại cho người thực hiện công việc không có ủy quyền, đó là:

– Nngười thực hiện công việc không có ủy quyền có lỗi vô ý;

– Hoàn cảnh đảm nhận công việc không có ủy quyền.

Tuy nhiên, theo quy định này, không thể xác định được hoàn cảnh đảm nhận công việc để có thể giảm mức bồi thường là như thế nào. Có thể đó là sự khó khăn, phức tạp của việc thực hiện công việc (tính chất của công việc), cũng có thể là hoàn cảnh sổng, điều kiện kinh tế của người thực hiện công việc tại thời điểm thực hiện công việc. Ngoài ra, cũng không thể biết được hoàn cảnh đảm nhận công việc ở mức độ như nào mới đủ điều kiện để giảm mức bồi thường. Theo đó, cần xác định rõ cụm từ “hoàn cảnh đảm nhận công việc” làm căn cứ xem xét giảm mức bồi thường cho người thực hiện công việc (nên cụ thể hóa giống như điều kiện giảm mức bồi thường trong Điều 585 Bộ luật dân sự 2015.

5. Ví dụ thực tế về tranh chấp thực hiện công việc không có ủy quyền

BẢN ÁN 06/2018/DS-ST NGÀY 28/05/2018 VỀ TRANH CHẤP THỰC HIỆN CÔNG VIỆC KHÔNG CÓ ỦY QUYỀN của TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TỨ KỲ – TỈNH HẢI DƯƠNG

Bà Nguyễn Thị L1 nợ Ngân hàng NN&PTNT VN số tiền 1.800.000.000đ, tài sản thế chấp là Quyền sử dụng đất 174,5m2, mang tên bà Nguyễn Thị L1. Do không có khả năng thanh toán nên Ngân hàng NN&PTNT VN đã tổ chức bán đấu giá tài sản thế chấp của bà L1. Ngày 28/8/2015 anh Nguyễn Hữu B ký hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá với Ngân hàng NN&PTNT VN, theo đó anh Nguyễn Hữu B mua tài sản trúng đấu giá là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bà L1 đã thế chấp tại Ngân hàng với giá là 700.000.000đ. Trước khi ký hợp đồng với ngân hàng, anh B đã thực hiện rút tiền từ sổ tiết kiệm rồi chuyển trả bớt số tiền nợ của bà L1 là 500.000.000đ cho Ngân hàng NN&PTNT VN và Ngân hàng NN&PTNT VN đã chuyển tiền thu nợ của bà Nguyễn Thị L1 và được thể hiện bằng ba chứng từ giao dịch liên 1 ngày 04/8/2015, bút toán số 101 được in lúc 15 giờ 51 phút 18 giây, bút toán 102 in lúc 15 giờ 52 phút 26 giây, bút toán 103 được in lúc 15 giờ 53 phút 44 giây, đều có nội dung thu nợ rủi ro khách hàng Nguyễn Thị L1, tổng ba bút toán là 500.000.000đ.

Do việc mua bán tài sản trúng đấu giá không thành công và anh B đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện, yêu cầu Hủy hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá ngày 28/8/2015 về việc mua bán tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất cùa bà L1 và đã được Tòa án huyện Tứ Kỳ xét xử chấp nhận hủy hợp đồng trên và buộc Ngân hàng trả lại cho anh B số tiền 700.000.000đ. Còn số tiền 500.000.000đ (năm trăm triệu đồng) anh B chuyển vào tài khoản nợ của bà L1 đối với Ngân hàng NN&PTNT VN là do thực hiện công việc không có ủy quyền (trả nợ thay bà L1), song cho đến nay bà Liên không trả lại cho anh B số tiền trên. Anh B, chị L khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân huyện Tứ Kỳ giải quyết với nội dung:

Yêu cầu bà Nguyễn Thị L1 phải có trách nhiệm trả cho anh Nguyễn Hữu B, chị Nguyễn Thị L số tiền 500.000.000đ (năm trăm triệu đồng) và tiền lãi tính theo quy định của pháp luật.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.