Khách hàng: Kính thưa Luật sư LVN Group, Súc vật là những con vật nào? Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà súc vật gây thiệt hại cho người khác thì ai phải bồi thường thiệt hại? Hiện nay cơ sở pháp lý quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được quy định ở đâu?

Cảm ơn!

1. Súc vật

Theo từ điển tiếng việt, Súc vật hay còn gọi là vật nuôi theo cách hiểu chung nhất là những loài động vật được nuôi trong nhà, chúng có thể được thuần hóa (hoàn toàn) hoặc bán thuần hóa (thuần hóa một phần) hoặc được thuần dưỡng, huấn luyện. Súc vật có thể bao gồm gia súc, gia cầm, thú cưng hoặc vật nuôi khác. Súc vật được nuôi và sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, thể thao, giải trí, bầu bạn và các công việc khác. Dưới đây là danh sách liệt kê các loài động vật được nuôi trong nhà.

Súc vật được hiểu đó là “thú vật nhà”, hay “thú vật nuôi trong nhà”, “con vật nuôi trong nhà”. Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất thì “súc vật là những loại vật nuôi trong nhà”. Tuy nhiên, vật nuôi trong nhà có thể là thú hoặc chim, mà súc vật là động vật thuộc lớp thú, đó là “một loài động vật có 4 chân, có vú và sinh con”, khác với gia cầm là “giống vật có cánh nuôi trong nhà như gà, vịt, ngỗng”. Ngoài ra, súc vật còn được hiểu là “thú dữ được thuần hóa,…”.

Như vậy, Bộ luật dân sự năm 2015 không đưa ra khái niệm súc vật, nhưng đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về súc vật được đưa ra. Nhìn chung, các cách định nghĩa này đều khẳng định súc vật là loài thú đã được thuần dưỡng để nuôi ở trong nhà.

Vậy thú giữ và súc vật khác nhau hay giống nhau? Thú dữ có những đặc điểm khác biệt so với súc vật, trong đó đặc điểm đặc biệt quan trọng đó là con người chưa thể thuần dưỡng được thú dữ. Còn những loài thú mà có thể thuần dưỡng để nuôi trong nhà thì về bản chất đều “không dữ”. Do đó, ta chỉ nên coi súc vật là một loài thú (không dữ) chứ không nên coi chúng là thú dữ. Từ những phân tích này, có thể đưa ra khái niệm súc vật như sau:

Súc vật là những loài động vật đã được con người thuần dưỡng để trở thành những vật nuôi trong nhà, sống thân thiện với con người và môi trường xung quanh, con người có thể điều khiển được hoạt động của chúng để phục vụ cho các nhu cầu của mình.”

Trân trọng!

2. Đặc điểm súc vật

Súc vật cũng là một trong các loài động vật như đã phân tích ở trên, nên cũng có đầy đủ các đặc điểm của động vật. Ngoài ra, súc vật cũng có những đặc điểm riêng có thể phân biệt với thú dữ, cụ thể như:

Thứ nhất, súc vật thường là những động vật đã được con người thuần dưỡng

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, từ việc chỉ biết săn bắn, hái lượm các loài động, thực vật có sẵn trong tự nhiên, con người đã biết thuần dưỡng một số loài động vật (trong đó có súc vật) trở thành các vật nuôi ở trong nhà. Việc thuần dưỡng này nhằm tạo ra những nguồn lợi phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của con người. Ban đầu, việc thuần dưỡng nhằm để khai thác những lợi ích về vật chất (các loài động vật được nuôi để lấy thịt, hoặc lấy sức kéo như trâu, bò, lợn, dê,…). Dần dần, nhu cầu của con người ngày một nâng cao, nên việc thuần dưỡng các loài động vật còn nhằm phục vụ cho các mục đích về tinh thần (các loài động vật được nuôi làm cảnh). Cho dù việc thuần dưỡng nhằm phục vụ cho mục đích nào thì súc vật cũng được coi là những loài động vật có bản chất hiền lành, dễ thích ứng với môi trường sống của con người, sống thân thiện với con người.

Thứ hai, súc vật là động vật sống cùng với môi trường sống của con người

Thông thường, các loài súc vật thường sống trong cùng khu vực mà con người sinh sống, có sự tiếp xúc với con người hàng ngày, hàng giờ. Bởi vì, mục đích của việc thuần dưỡng các loài súc vật này là để phục vụ cho các nhu cầu của con người. Đây cũng là đặc điểm có thể phân biệt với thú dữ. Thông thường thú dữ thường sống trong môi trường tự nhiên như các khu rừng. Tuy nhiên, nhằm phục vụ các mục đích khác nhau (khai thác lợi ích, bảo tồn và phát triển loài,…) mà nhiều loài thú dữ cũng sống trong những khu vực mà con người quản lý. Nhưng dù sống trong các khu vực mà con người kiểm soát, thì những loài thú dữ cũng được quản lý chặt chẽ, gần như tránh hoàn toàn sự tiếp xúc của những người xung quanh với chúng.

Thứ ba, súc vật thường gây thiệt hại khi bị đe dọa

Không giống như thú dữ – những loài động vật có bản tính hung dữ, luôn luôn sẵn sàng tất công bất cứ mục tiêu nào ở gần hoặc ở trong tầm ngắm của chúng, bất kể các mục tiêu đó có hoặc không có biểu hiện đe dọa hoặc tấn công chúng, thì chúng cũng sẵn sàng tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, hầu hết các loài súc vật nuôi trong nhà hay sống trong môi trường tự nhiên chỉ tấn công con người cũng như các mục tiêu khác khi bị đe dọa. Hoạt động tấn công của chúng chủ yếu là nhằm tự vệ. Nhưng hoạt động tấn công của thú dữ không nhằm tự vệ mà đó là những hoạt động tấn công một cách chủ động. Điều này cũng cho thấy, khả năng súc vật gây thiệt hại cho con người không cao như thú dữ.

Thứ tư, con người có thể dễ dàng kiếm soát được hoạt động của súc vật

Khi súc vật đã được thuần dưỡng sẽ lành tính hơn và thường chấp nhận sự kiểm soát của con người, tức là hầu hết các loài súc vật được thuần dưỡng nuôi trong nhà không thể vượt khỏi tầm kiểm soát của con người ngay cả khi con người đang không trực tiếp quản lý chúng (ví dụ: trâu, bò nhốt trong chuồng thường không có phản ứng vượt ra ngoài). Súc vật thường chỉ gây thiệt hại khi chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng không quản lý chúng một cách chặt chẽ.

 

3. Cơ sở pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được quy định cụ thể trong Điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015.

“Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

Mặc dù súc vật và thú dữ đều là các loài động vật và đều có khả năng gây ra những thiệt hại cho con người và môi trường xung quanh, dẫn đến việc phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu hoặc các chủ thể khác. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do súc vật và thú dữ gây ra lại được quy định khác nhau. Điều này được giải thích bởi những đặc điểm khác biệt về bản năng tính loài giữa súc vật và thú dữ.

=> Sự tách biệt các trường hợp bồi thường thiệt hại do động vật gây trong Bộ luật Dân sự của Việt Nam đảm bảo việc xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường trong các trường họp khác nhau một cách chi tiết hơn. Tuy nhiên, việc tách biệt sẽ rơi vào việc liệt kê các trường hợp bồi thường thiệt hại do động vật gây ra, mà việc liệt kê sẽ không thể bao quát được tất cả các trường hợp động vật gây thiệt hại, dẫn đến việc khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại sẽ phải viện dẫn quy định tương tự pháp luật để giải quyết. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp, cơ quan áp dụng đã viện dẫn quy định một cách không chính xác. Thực tế này cho thấy việc hoàn thiện cơ cấu các quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do động vật gây ra là một trong những yêu cầu mà cuốn sách này cần phải giải quyết.

4. Cơ sở pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi súc vật thả rông theo tập quán

Trong trường họp súc vật thả rông theo tập quán được quy định tại khoản 4 Điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

“Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

Như vậy, trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hộp. Chúng ta có thể thấy, quy định này hướng tới việc giải quyết hai vấn đề:

Thứ nhất, chủ thể bồi thường thiệt hại chỉ có thể là chủ sở hữu;

Thứ hai, vấn đề bồi thường thiệt hại được áp dụng theo tập quán ở địa phương.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại này ta sẽ đi phân tích và làm rõ ở phần tiếp theo.

5. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi súc vật thả rông theo tập quán

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi súc vật thả rông theo tập quán chúng ta có một số điểm cần bình luận như sau:

Thứ nhất, việc xác định người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ là chủ sở hữu theo khoản 4 điều luật ta vừa phân tích ở phần (4). Điều này ta thấy nó là không phù hợp. Mặc dù việc thả rông súc vật là hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý, bảo quản tài sản của chủ sở hữu (Theo Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội), nên việc chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do gia súc mà mình thả rông gây ra là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra nếu trong trường hợp này người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm súc vật thả rông gây thiệt hại thì việc bồi thường thiệt hại được xác định theo khoản 2 hay khoản 4, và trong trường hợp súc vật thả rông bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định theo quy định tại khoản 3 hay khoản 4 của điều luật? Rõ ràng là việc áp dụng quy định nào để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do súc vật thả rông gây ra sẽ ảnh hưởng đến việc xác định chủ thể phải bồi thường thiệt hại là chủ sở hữu, người thứ ba hay nguoif chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật động vật.

Như vây, nếu súc vật thả rông gây thiệt hại mà có sự tác động của người thứ ba thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định theo khoản 2 Điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, nếu người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại thì người thứ ba phải chịu trách nhiệm bồi thường. Điều này là hợp lý bởi vì về nguyên tắc, đây là trường họp bồi thường thiệt hại do hành vi tác động của người thứ ba làm cho động vật gây thiệt hại, do đó người thứ ba phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Còn việc chủ sở hữu thả rông súc vật thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 và điểm e khoản 2 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Điều này cũng hoàn toàn họp lý, bởi vì trong trường họp này chủ sở hữu có lỗi không quản lý tốt gia súc, còn người thứ ba có lỗi tác động làm gia súc gây thiệt hại. Do đó, họ cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Ngoài ra, nếu súc vật thả rông bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì vấn đề bồi thường thiệt hại phải được xác định theo khoản 3, và điều này cũng được giải thích hoàn toàn như trường họp có sự tác động của người thứ ba.

Thứ hai, quy định vấn đề bồi thường thiệt hại do súc vật thả rông theo tập quán gây ra chỉ được giải quyết theo tập quán. Điều này có vẻ cũng không hợp lý. Bởi vì theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 về nguyên tắc thỏa thuận, các bên trong quan hệ bồi thường thiệt hại do súc vật thả rông gây ra có quyền tự do, thỏa thuận về vấn đề bồi thường thiệt hại nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Hơn nữa, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật dân sự năm 2015, việc áp dụng tập quán chỉ được đặt ra khi các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định. Do đó, quy định về việc bồi thường thiệt hại theo tập quán là trái với nguyên tắc thỏa thuận (một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Dân sự) cũng như nguyên tắc về việc áp dụng tập quán.

Từ những phân tích ở trên, tác giả cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015 nhằm hoàn thiện quy định này theo hướng xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thứ ba và người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật thả rông.

Trân trọng!