“ “Tình huống: Kính thưa Luật sư, tôi có một câu hỏi sau đây kính mong Luật sư giúp tôi giải đáp: “Trách nhiệm của các chủ thể đối với tổn thất chung trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trong các trường hợp tổn thất chung phát sinh do sơ suất (lỗi) trong việc điều khiển hoặc quản trị tàu được thể hiện như thế nào?
Xin cảm ơn!”
Trả lời:
1. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
– Cơ sở pháp lý: Điều 145 Bộ luật hàng hải Việt nam năm 2015
Theo khoản 1 Điều 145 của Bộ luật quy định: “Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển” như sau:
“1. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là thỏa thuận được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng.”
Như vậy, đặc điểm của hợp đồng vận chuyển này như sau:
– Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển có đối tượng là hàng hóa xuất nhập khẩu và vận chuyển bằng đường biển quốc tế. Vì vậy hợp đồng này mang yếu tố quốc tế.
– Đối tượng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là hàng hóa mang tính chất thương mại (nhằm mục đích sinh lời, và Hàng hóa bao gồm: “máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng và các động sản khác, kể cả động vật sống, container hoặc công cụ tương tự do người giao hàng cung cấp để đóng hàng được vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.”
– Hàng hóa trong hợp đồng này di chuyển bằng đường biển nên có thể đi qua nhiều vùng lãnh thổ khác nhau, do đó nếu xảy ra vấn đề gì trên con đường vận chuyển, hàng hóa đó sẽ chịu ảnh hưởng của pháp luật khác nhau.
Cũng theo Điều 146 của Bộ luật, hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được chia thành Các loại hợp đồng như sau:
“1. Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hóa để vận chuyển.
Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển được giao kết theo hình thức do các bên thỏa thuận.
2. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hóa theo chuyến.
Hợp đồng vận chuyển theo chuyến phải được giao kết bằng văn bản.”
2. Tổn thất chung
– Cơ sở pháp lý: Tổn thất chung hiện nay được quy định tại chương XVI Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định về khái niệm tổn thất chung, sự phân bổ tổn thất chung, tuyên bố tổn thất chung và chỉ định người phân bổ tổn thất chung, tổn thất riêng và thời hiệu khởi kiện tổn thất chung.
Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 292 của Bộ luật quy định khái niệm “Tổn thất chung” như sau:
“Tổn thất chung là những hy sinh và chi phí bất thường được thực hiện một cách có ý thức và hợp lý vì sự an toàn chung nhằm cứu tàu, hàng hóa, hành lý, giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách thoát khỏi hiểm họa chung.”
Chỉ những mất mát, hư hỏng và chi phí là hậu quả trực tiếp của hành động gây ra tổn thất chung mới được tính vào tổn thất chung.
Như vậy tổn thất chung là những hy sinh và chi phí bất thường được thực hiện một cách có chủ ý, có ý thức và hợp lý vì an toàn chung nhằm cứu tàu, hàng hóa, hành lý, tiền cước vận chuyển hàng hóa, tiền công vận chuyển hành khách thoát khỏi hiểm họa chung.
3. Sơ suất (lỗi) trong việc điều khiển tàu và sơ suất (lỗi) trong việc quản trị tàu
a. Sơ suất (lỗi) trong việc điều khiển tàu
Lỗi trong việc điều khiển tàu (fault in navigation of ship) và lỗi trong việc quản trị tàu (fault in management of ship) là hai lỗi thường gặp nhưng ít khi được giải thích tường tận trong Luật hàng hải của nhiều nước (kể cả của Việt Nam) mà chủ yếu thuờng tham khảo luật của Anh, Mỹ và đuợc phản ánh qua các vụ tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài.
Điều kiện để được miễn hoàn toàn trách nhiệm về lỗi điều khiển hoặc quản trị tàu thường được nêu trong luật hàng hải quốc gia (có tham khảo công ước quốc tế có liên quan), chẳng hạn như theo quy định của pháp luật Việt Nam ta vừa kể ở mục trên.
Hơn nữa, theo như phần 192 (See. 192), Harter Act 1893 (Luật hàng hải của Mỹ) đã nêu: “If the owner of any vessel transporting merchandise or property to or from any port in the United States of America shall exercise due diligence to make the vessel in all respects seaworthy, and properly manned, equipped, and supplied, neither the vessel, her owner or owners, agent, or charterers, shall become or be held responsible for damage or loss resulting from faults or errors in navigation or in management of said vessel…” (Tạm dịch là: “Nếu chủ tàu vận chuyển hàng hóa hay tài sản ra vào nước Mỹ đã cần mẫn hợp lý làm cho tàu đủ khả năng đi biển, có thuyền bộ thích hợp, trang thiết bị, vật phẩm dự trữ đầy đủ thì tàu, chủ tàu, đại lý hoặc người thuê sẽ không phải chịu trách nhiệm về mất mát hoặc thiệt hại đối vói hàng hóa do lỗi hay sơ suất trong việc điều khiển hoặc quản trị tàu…”).
Lỗi trong việc điều khiển tàu là lỗi liên quan đến việc đi chuyển của tàu.
Ví dụ: sự việc đâm va, đấm chìm, mắc cạn, thả neo sai vị trí và vận hành các thiết bị phục vụ cho hoạt động của tàu. Sau này lỗi còn được mở rộng đến sự chậm trễ trong việc lập kế hoạch chuyến đi và đưa ra quyết định về tuyến đường đi cho tàu vì lý do thời tiết.
b. Sơ suất (lỗi) trong việc quản trị tàu
Về lỗi trong việc quản trị tàu, phần lớn tranh chấp nảy sinh do miễn trách nhiệm liên quan đến “lỗi trong việc quản trị tàu”. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, khó có thể xác định chính xác đó có phải là “lỗi quản trị tàu” hay không. Nói chung, lỗi này thường được hiểu là lỗi trong việc vận hành, kiểm tra máy móc, thiết bị để bảo đảm cho an toàn của tàu và có liên quan đến việc chăm sóc hàng hóa. Nói một cách khác, đa số các khiếu nại về tổn thất hàng hóa do không chăm sóc chu đáo hàng hóa trong quá trình vận chuyển có liên quan đến khái niệm “quản trị tàu” (management of ship). Cũng có khi, tòa án đưa ra một phạm vi trách nhiệm hẹp hơn đối với khái niệm này thông qua các vụ xét xử cụ thể.
Ví dụ: Trong vụ tranh chấp “Gosse Millerd V. Canadian Government Merchant Marine [1929] A.C.726.”, tòa đã lưu ý rằng cần phải phân biệt giữa chăm sóc hàng hóa (management of cargo) và quản trị tàu (management of ship). Đối với quản trị tàu, cần phải đặt ra câu hỏi là lỗi hay sơ suất xảy ra là vì an toàn của tàu (hoặc là nhằm tránh cho tàu khỏi bị tổn thất); hay nói cách khác là những tổn thất xảy ra có phải chỉ vì an toàn của tàu hay không?
Trong vụ kiện “The Iron Gippsland” [1994] Lloyd’s Rep. 335 (Sup. Ct N.S.W) về tàu chở dầu vận chuyển nhiều loại dầu khác nhau, trong đó có một loại dầu bị biến chất do nhiễm bẩn, người ta thấy khí trơ (inert gas) được cáp cho toàn tàu bằng một hệ thống chung. Dầu diesel dùng cho ô-tô được chứa ở két số 3 đã bị nhiễm khí trơ. Rõ ràng là người vận chuyển phải biết rằng, lẽ ra loại hàng này (dầu diesel) phải được cách ly với khí trơ theo điều khoản (quy định) về chăm sóc chu đáo hàng hóa. Người vận chuyển đã vận dụng điều khoản miễn trừ khi cho rằng hệ thống khí trơ được sử dụng vì an toàn của tàu, tức là quản trị tàu. Tòa kết luận rằng, mục đích của quy định này về cơ bản là để chăm sóc hàng nhưng không chỉ là để bảo vệ hàng mà mục đích cuối cùng là để bảo vệ tàu khỏi bị những tác động bất lợi do tính chất của hàng hóa. Vì vậy, tàu đã không có lỗi trong việc quản trị tàu trong khuôn khổ những miễn trừ đã được quy định.
Như vậy, về việc phân biệt giữa lỗi quản trị tàu và chăm sóc chu đáo hàng hóa trên thưc tế là một việc rất khó khăn, rất khó xác định và ở một chừng mực nào đó, phụ thuộc vào ý chí chủ quan (artificial) của tòa án hay trọng tài như trong vụ “the Caltex”, khi mà quản trị tàu liên quan đến cả tàu và hàng thì tòa đã quyết định đó “lỗi trong việc quản trị tàu!”.
4. Trách nhiệm của các chủ thể đối với tổn thất chung do sơ suất (lỗi) trong việc điều khiển hoặc quản trị tàu
Theo Đạo luật Harter, chủ tàu của bất kỳ tàu nào mà vận chuyển hàng hóa đến hoặc đi từ bất kỳ cảng nào của Mỹ, sẽ được miễn trách đối với tổn thất, mất mát của hàng hóa xảy ra đo lỗi hay sai sót trong việc điều khiển hoặc quản trị tàu, nếu chủ tàu mẫn cán hợp lý trong việc chăm sóc làm cho con tàu về mọi phương điện có đủ khả năng đi biển, có thuyền bộ thích hợp, được trang bị trang thiết bị và cung ứng vật phẩm dự trữ đầy đủ.
Tuy nhiên, trong các trường hợp tổn thất chung phát sinh do sơ suất trong việc điều khiển hoặc quản trị tàu, Tòa án Mỹ có quan điểm rằng miễn trách nêu trên không hàm ý rằng chủ tàu được quyền yêu cầu các chủ hàng đóng góp tổn thất chung. Vì vậy, các chủ tàu đã đưa thêm Điều khoản New Jason vào vận đơn và hợp đồng thuê tàu để quy định rõ trách nhiệm đóng góp tổn thất chung của các chủ hàng.
5. Nội dung Điều khoản New Jason
Nội dung của điều khoản này được dịch sang tiếng Việt như sau:
“Trong trường hợp tai nạn, nguy hiểm, tổn thất hoặc thảm họa trước hay sau khi bắt đầu chuyến đi, phát sinh từ bất kỳ nguyên nhân nào, cho dù có hay không có sơ suẩt mà chủ tàu được miễn trách đối với sơ suất đó hoặc hậu quả của nó, theo luật hay theo hợp đồng hay các quy định khác, thì hàng hóa, người gửi hàng, người nhận hàng hoặc chủ hàng sẽ đóng góp tổn thất chung cho chủ tàu để trang trải cho bất kỳ hy sinh, mất mát hay chi phí xảy ra mang bản chất của tổn thất chung và sẽ trả chi phí cứu hộ hoặc các khoản chi phí đặc biệt khác liên quan đến hàng hóa. Nếu tàu cứu hộ cũng thuộc quyền sở hữu hay khai thác của cùng chủ tàu của tàu bị nạn, thì chi phí cứu hộ vẫn được thanh toán đầy đủ như là tàu cứu hộ đó thuộc người khác. Nếu có yêu cầu thì trước khi chủ tàu trả hàng, hàng hóa, nguời gửi hàng, nguời nhận hàng hoặc chủ hàng phải ký quỹ cho chủ tàu với số tiền mà chủ tàu hay đại lý của họ cho rằng đủ để trang trải dự toán phần đóng góp tổn thất chung của hàng hóa và bất kỳ chi phí cứu hộ và các chi phí đặc biệt khác”.
Trân trọng!