Bàn về tách nhiệm cửa công ty, ta có thể đề cập ba lĩnh vực chính: (1) trách nhiệm của công ty đối với những người khác, (2) đối với các cổ động của nó, và (3) trách nhiệm của người quản lý và điều hành đối với công ty.
Trách nhiệm của công ty đối với những người khác
Trước hết, “con ma” có đeo bản điều lệ thì nó không thể lái xe quá tốc độ khiến cán người để phải đi “bóc lịch” một, hai năm, tức là công ty không chịu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm của nó đối với những người khác phát sinh khi nó giao dịch với họ để sản xuất kinh doanh như: người bán nguyên liệu cho nó, kẻ xây nhà cho nó, ngân hàng cho vay tiền, đối tác trong một dự án, thậm chí sở thuế, hải quan… (luật pháp gọi chung họ là các chủ nợ). Khi giao dịch với các chủ nợ thì công ty chịu trách nhiệm trong phạm vi cam kết, theo các bản hợp đồng nó đã đồng ý, hay các quy định mà nó phải biết. Giới hạn trách nhiệm của công ty nằm trong từng thứ kia, nhưng tất cả những thứ ấy lại dựa trên toàn bộ số tài sản của nó.
Toàn bộ tài sản của công ty được giới tài chính chia ra ba, bốn giai đoạn, nhưng luật pháp thì chỉ quan tâm đến hai: một là vốn của công ty như các cổ đông khai báo (giai đoạn 1) và hai là tài sản của nó lúc bị tòa án tuyên bố phá sản (giai đoạn 2).
>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191
Kinh doanh là dùng vốn của nhau bằng cách gối đầu, cho nên công ty vừa là con nợ vừa là chủ nợ. Đối với các chủ nợ, công ty chịu một trách nhiệm vô hạn. Trách nhiệm này phát sinh khi nó bị một chủ nợ nào đó xin tòa bắt nó phá sản. Lúc ấy là nó “đi đoong”! Chuyện thương tâm này cũng xảy ra cho mỗi người chúng ta khi mắc nợ ai, nếu không trả được, ta sẽ bị chủ nợ xin tòa cho kê biên tài sản, đem bán đấu giá; cái ta còn giữ lại được chỉ là một số vật dụng cá nhân kèm với đồ thờ cúng. Công ty “đi đoong” thì ta “mất sạch”. Luật pháp bất vị thân!
Trách nhiệm vô hạn của công ty phát sinh như thế này. Giả sử nó có tài sản ở giai đoạn 1 là 5 tỉ; hiện nay ở giai đoạn 2 tài sản kia trên sổ sách là 20 tỉ, gồm nhà, đất, máy móc và một tỉ tiền mặt. Công ty nợ một ngân hàng 5 tỉ, đã khất nợ một lần, nay bị đòi nữa; nó không trả được và ngân hàng thưa ra tòa xin tuyên bố phá sản nó. Tòa sẽ thụ lý đơn khởi kiện. Khi công ty bị như vậy thì các chủ nợ khác dù chưa đến hạn cũng được đòi luôn. Họ lập nên hội nghị chủ nợ trong quá trình phá sản. Thí dụ tổng số tiền nợ của họ là 30 tỉ. Tiếp tục quá trình, công ty bán hết tài sản đi và thu về được 25 tỉ. Còn thiếu 5 tỉ! Tuy nhiên 25 tỉ là tất cả nó có, không còn gì hơn, đó là trách nhiệm vô hạn của nó, và các chủ nợ phải chia nhau số đó. Sở thuế và những ai đã bắt nó thế chấp tài sản lúc giao dịch thì nhận đủ nợ; ai không thì phải chịu thiệt khi không đòi được hết nợ.
Vì sự thiệt thòi mà chủ nợ phải chịu, nên luật công ty quy định chặt chẽ về việc góp vốn của giai đoạn 1. Này nhé: cam kết, ký vào, và trong vòng 90 ngày phải góp vốn. Không làm đúng sẽ bị mắc nợ, người đại diện pháp lý của công ty phải khai báo và liên đới chịu trách nhiệm! Ngoài ra, luật còn cấm các cổ đông lấy vốn của giai đoạn 1 để chia lãi. Trong thí dụ vừa nêu, tài sản của công ty ở giai đoạn 2 là 25 tỉ, các chủ nợ chia nhau số đói chứ nếu công ty chỉ còn có 5 tỉ, tức là số vốn dã khai mà không thể lấy ra chia nhau, thì các chủ nợ chia nhau 5 tỉ. Mỗi người một tí gọi là!
Chỉ khi công ty “đi đoong” thì trách nhiệm của các cổ đông mới phát sinh, và duy nhất lúc đó. Tất cả họ chỉ mất 5 tỉ đã góp, trong khi công ty nợ 30 tỉ! Vậy là họ chịu trách nhiệm hữu hạn. Họ không bị “mất sạch” như bạn với tôi. Khi nói “công ty trách nhiệm hữu hạn” là nói đến sự ưu đãi mà cổ đông của công ty được hưởng; giống như ai đi máy bay thì sẽ vượt bức tường âm thanh và sẽ có “công ty vượt bức tường âm thanh”. Ưu đãi mà cổ đông hưởng là cái giá các chủ nợ phải trả; cho nên, luật cho họ quyền xin tòa buộc con nợ phá sản ngay lập tức bất cứ lúc nào công ty không trả được nợ, kẻo tiền của công ty sợ bị ai đó rút ra hết.
Trách nhiệm của công ty đối với cổ đông
Khi cho cổ đông hưởng chế độ trách nhiệm hữu hạn, luật muốn thúc đẩy những người có để dành bỏ tiền ra đầu tư hầu làm cho nền kinh tế phát triển. Một khi đã nhận vốn của họ rồi thì công ty bị luật buộc phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định để bảo đảm cho cổ đông là số tiền họ góp không bị phí phạm, bị dùng sai, hầu được chia lãi hàng năm. Quyền chính yếu mà cổ đông có là được tham gia quản lý công ty. Họ được dự họp, biểu quyết, xem báo cáo, thay đổi người quản lý công ty thậm chí rút vốn về hoặc khởi kiện giám đốc.
Quyền lợi của cổ đông tạo nên trách nhiệm cho công ty. Ngày nay, luật công ty ràng buộc những người quản lý công ty phải thông báo cho cổ đông các quyết định của họ nhiều hơn và đủ hơn trước kia, nhất là việc sử dụng vốn của công ty. Đi xa hơn, luật cũng dành nhiều ưu ái cho những cổ đông thấp cổ bé miệng; cổ đông nắm vốn lớn hiện nay bị giảm quyền nhiều so với trước kia.
Trách nhiệm của người quản lý và điều hành đối với công ty
Người quản lý công ty là thành viên của hội đồng quản trị hay hội đồng thành viên, còn người điều hành là giám đốc hay tổng giám đốc. Về mặt luật pháp, người quản lý là người được các cổ đông ủy quyền coi sóc công ty. Họ được trả tiền hay không. Người điều hành thì thuần túy là người làm thuê theo hợp đồng lao động.
Trên thực tế, người quản lý hay điều hành đều có thể là cổ đông của công ty, được chia cổ tức khi công ty làm ăn lời lãi, hay mất tiền “hữu hạn” khi công ty “đi đoong”. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, cả hai người không đương nhiên được hưởng những lợi ích kia, nếu họ không phải là cổ đông. Vậy là khi công ty lời lãi họ không được hưởng; còn công ty có thưởng họ là vì mong muốn họ làm tốt hơn trong năm kế tiếp, chứ không thưởng thì họ cũng phải chịu. Từ trên cơ sở này, luật pháp ấn định trách nhiệm của người quản lý hoặc điều hành công ty.
Theo luật của các nước Anh, Mỹ, những người trên không phải chịu trách nhiệm đối với công ty khi họ gây ra mất mát, thiệt hại cho công ty do các quyết định về kinh doanh đã đưa ra, tức là nếu công ty làm ăn lỗ lã họ không phải chịu trách nhiệm gì. Tuy nhiên, chỉ với điều kiện là họ đã quyết định với một niềm tin trong sáng, nghĩa là (l) đã hành động một cách chu đáo, cẩn thận và tài ba như một người lương thiện bình thường làm khi nắm vị trí tương tự; (2) đã xử sự bằng cách làm hay không làm một việc gì đó dựa theo lời khuyên của những người tư vấn của công ty, theo các thông tin do nhân viên công ty cung cấp mà họ có lý do để tin rằng đó là những thông tin chính xác hay có kiểm nhận. Luật của chúng ta không có quy định như thế này, nhưng các công ty có thể ghi vào bản điều lệ dựa theo điều 22 của Luật Doanh nghiệp 2005.
Sự miễn trách nhiệm này là cần thiết để cho các giám đốc và thành viên các hội đồng dám quyết định khi thấy có cơ hội nhưng không thể kiểm soát được nó hoàn toàn. Hơn nữa, thực tế không cho công ty làm khác. Chẳng hạn, một giám đốc xin nghỉ việc mà có một vài hợp đồng họ đã ký khi còn tại chức đến nay chưa thu nợ được thì công ty không thể bắt người ấy phải đòi nợ xong mới cho họ nghỉ, bởi vì khi người ấy đi đòi thì con nợ sẽ tiếp họ ân cần, nhưng bảo rằng: “Tôi có nợ ông đâu?” Công ty muốn giữ lại để làm khó cũng không được. Họ đã báo 45 ngày thì công ty bắt buộc phải cho họ nghỉ; không thì họ cứ nghỉ, lại còn đi kiện công ty nữa.
Nói về trách nhiệm trong công ty là bàn về một vấn đề rất dễ gây lẫn lộn giữa người và “con ma”, cho nên phải phân biệt rạch ròi: “con ma” và người đại diện theo pháp luật, cổ đông, giám đốc, thành viên… Như thế, ý định bắt giám đốc công ty phải thế chấp tài sản cá nhân để bảo đảm tinh thần trách nhiệm của họ khi điều hành công ty là một sự lẫn lộn giữa pháp nhân và thể nhân; nó không phù hợp và khả thi về mặt pháp lý.
Luật sư: Nguyễn Ngọc Bích
Nguồn: TBKTSG