Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900.0191
Xin chào Luật sư! Tôi là nhân viên sửa chữa máy móc của một công ty. Vài ngày trước, trong khi sửa chữa tôi có làm hỏng màn hình lớn của công ty. Hiện nay công ty đang đặt màn mới từ bên nước ngoài về trị giá khoảng 60 triệu. Như vậy trường hợp này tôi sẽ bị xử lý như thế nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ phía Luật sư của LVN Group. Tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật lao động năm 2012
Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động 2012
2. Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động thì sẽ áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.
Thứ nhất, về việc bồi thường khi người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động:
Việc bồi thường thiệt hại này được quy định tại Điều 130 Bộ luật lao động năm 2012 và được hướng dẫn bởi Điều 32 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động 2012. Theo đó, mức bồi thường thiệt hại sẽ dựa trên giá trị thiệt hại thực tế hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng trách nhiệm giữa người lao động và người sử dụng lao động (Nếu có). Quy định cụ thể của Điều 32 như sau:
Bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi gây thiệt hại bằng hình thức khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại Khoản 3 Điều 101 của Bộ luật Lao động do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố.
2. Người lao động phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố;
b) Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao;
c) Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của người sử dụng lao động.
3. Trường hợp người lao động gây thiệt hại cho người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều này mà có hợp đồng trách nhiệm với người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.
4. Trường hợp thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa hoặc do sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người sử dụng lao động đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì người lao động không phải bồi thường.
Trong trường hợp của bạn, giá trị thiệt hại thực tế ở đây là phải đặt mua màn hình mới trị giá khoảng 60 triệu đồng, như vậy có thể thấy số tiền đó đã hơn số tiền 10 tháng lương tối thiểu vùng. Do đó, trường hợp của bạn sẽ thuộc vào khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 quy định trên. Trong trường hợp thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa hoặc do sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phụ được mặc dù công ty đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì bạn sẽ không phải bồi thường. Nếu như không thuộc trường hợp vừa nêu thì bạn sẽ phải bồi thường, việc bồi thường có thể là một phần hoặc toàn bộ giá trị thực tế thiệt hại đó hoặc nếu như bạn và công ty có hợp đồng trách nhiệm thỏa thuận về việc bồi thường thì sẽ bồi thường theo hợp đồng đó.
Thứ hai, về việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải:
Theo quy định tại Điều 126. Áp dụng hình thức kỷ luật sa thải tại Khoản 1:
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
Theo đó nếu như hành vi gây thiệt đó nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group