Ông Lê Văn Lương – Tổ trưởng tổ nhân dân số 1 cho biết, hiện nay trong tổ các hộ dân đang rất lo lắng. Đã xuất hiện nhiều người có nhà mà không dám ở…
Như Báo CAND đã phản ánh về vấn đề lún sụt đất gây nứt nhà dân tại tổ 1, thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ, Thái Nguyên do hoạt động khai thác quặng của Mỏ sắt Trại Cau.
Mặc dù, Ban lãnh đạo mỏ sắt Trại Cau khẳng định không hề né tránh vấn đề và muốn sớm giải quyết dứt điểm, nhưng do sự chậm chạp và chưa thống nhất được với nhau giữa các cơ quan chức năng trong việc đưa ra kết luận và phương án hỗ trợ khiến nhiều hộ dân gặp nhiều khó khăn.
Ngày 29/12/2008, mỏ sắt Trại Cau đã tiến hành trả tiền hỗ trợ thiệt hại cho người dân tại trụ sở UBND thị trấn Trại Cau. Tuy nhiên nhiều hộ cho rằng số tiền mà mỏ hỗ trợ là chưa thỏa đáng, vì vậy mà một số hộ vẫn chưa chịu nhận tiền hỗ trợ.
.
Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191
Vẫn đang sống cùng nguy hiểm
Việc lún sụt đất gây nứt nhà dân tại tổ 1, thị trấn Trại Cau được cho là một phần do hoạt động khai thác quặng tại moong Thác Lạc của Mỏ sắt Trại Cau thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên đã diễn ra từ vài năm trước đây.
Tuy nhiên, tác động mạnh khoảng từ đầu năm 2008 trở lại đây. Đặc biệt khoảng 3 tháng trở lại đây, sự lún sụt càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Ban đầu chỉ xảy ra hiện tượng lún sụt đất ngoài ruộng, trong vườn. Sau đó trong khoảng thời điểm tháng 8/2008 đã gây ra nứt nhà. Sau khi có một số đoàn kiểm tra của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên về kiểm tra, Mỏ sắt Trại Cau đã cho người tiến hành khảo sát, đo đạc để tính thiệt hại.
Từ tháng 8 khi khảo sát thì vết nứt trên tường của một vài hộ dân chỉ rộng chừng 1cm, còn lại mới chỉ là những vết rạn.
Thế nhưng càng ngày lún sụt càng diễn ra mạnh hơn. Chỉ khoảng 1 tháng sau khi người của mỏ khảo sát lại, những vết nứt đã rộng ra đến gần 10cm. Vào thời điểm giữa tháng 12/2008, khi PV Báo CAND có mặt tại khu vực tổ 1, thị trấn Trại Cau tại các hộ bị lún sụt thì các chủ hộ và ngay cả người của công ty cũng đã xác nhận cách đấy chưa lâu thì các vết nứt chưa lớn. Nhưng tại thời điểm đó, các vết nứt đã toác ra lớn hơn rất nhiều lần, xé toạc nền nhà và tường.
Tại nhà của ông Trịnh Đình Tài, vết nứt chạy ngang qua làm gần như đã chia đôi cả nhà lẫn sân vườn. Có cảm tưởng như căn nhà có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Ngay trong vườn cũng mới xuất hiện chiếc hố do đất lún xuống sâu hoắm. Chiếc hố đó đã nuốt chửng cả cây hồng xiêm mà gia đình đã trồng được gần 3 năm tuổi.
Còn tại nhà ông Ninh Văn Tính, đất sụt xuống làm trơ ra cả móng nhà. Những ngày cuối năm 2008, hiện tượng lún sụt đã lại diễn ra trầm trọng hơn. Các vết nứt lại đã rộng hơn và xuất hiện thêm một số chỗ lún trong vườn nhiều hộ.
Cách đây gần 2 tháng, UBND thị trấn Trại Cau đã phải cấp bạt cho 4 hộ bị ảnh hưởng nặng nhất để làm lều ở ngoài sân đề phòng trường hợp đêm hôm nhà sập. Đồng thời UBND thị trấn Trại Cau cũng đã kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền cấp trên để có biện pháp di dời các hộ đó.
Ông Lê Văn Lương – Tổ trưởng tổ nhân dân số 1 cho biết, hiện nay trong tổ các hộ dân đang rất lo lắng. Đã xuất hiện nhiều người có nhà mà không dám ở…
Cần sớm giải quyết dứt điểm
Ngày 10/11/2008, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Thái Nguyên tổ chức một cuộc kiểm tra tại Mỏ sắt Trại Cau và khu đang khai thác tại moong Thác Lạc, quan sát thấy hoạt động lún sụt đất đã diễn ra mạnh. Một số tường nhà đã nứt rộng hơn lần trước rất nhiều và có thể sập bất cứ lúc nào.
Nhiều giếng khơi và giếng khoan đã bị mất nước hoàn toàn. Đoàn kiểm tra đã kết luận, hoạt động khai thác mỏ tại moong Thác Lạc của Mỏ sắt Trại Cau là một trong những nguyên nhân dẫn hiện tượng lún sụt đất và mất nước tại tổ 1, thị trấn Trại Cau. Từ đó đã đề nghị chính quyền các cấp phải nhanh chóng sơ tán dân tại các điểm lún, nứt đất, nứt nhà nghiêm trọng.
Ngày 2/12/2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Hoàng Quốc Vượng lại tổ chức một đoàn kiểm tra tại khu vực này và đã có kết luận, hoạt động khai thác mỏ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Và đã đề nghị Công ty Gang thép Thái Nguyên căn cứ vào phương án hỗ trợ kinh phí do tổ công tác liên ngành lập để hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà cửa, công trình vật kiến trúc… Thời gian thực hiện phải hoàn thành trong tháng 12/2008.
Thế nhưng đến thời điểm hiện tại các gia đình thực sự đang phải đối mặt với nguy hiểm vẫn chưa được chính quyền địa phương di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, việc thực hiện phương án đền bù thiệt hại cho người dân vẫn chưa được các cơ quan chức năng làm triệt để.
Ban lãnh đạo của Mỏ sắt Trại Cau khẳng định cũng rất muốn giải quyết nhanh để ổn định tâm lý cho bà con vì mỏ là đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đa phần công nhân làm việc trong mỏ cũng đều là người tại địa phương. Nhưng vì còn phải chờ các kết luận chính thức của các cơ quan chức năng nên việc này mới phải để kéo dài.
Ngày 29/12/2008, tại UBND thị trấn Trại Cau, mỏ sắt Trại Cau đã tự tiến hành trả tiền hỗ trợ các hộ dân sửa chữa lại nhà của theo phương án mà mỏ đã khảo sát. Ông Trịnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau cho biết, theo phương án khảo sát của mỏ thì tổng kinh phí thiệt hại của 30 hộ bị ảnh hưởng lún sụt gây nứt nhà là hơn 600 triệu đồng. Công ty hỗ trợ 70% kinh phí là 471 triệu đồng…
Còn những hộ khác tuỳ theo mức độ thiệt hại mà hỗ trợ, do đó có nhiều hộ số tiền hỗ trợ là không nhiều. Tuy nhiên đây mới chỉ là hành động thể hiện thiện chí của công ty hỗ trợ tạm thời để ổn định tâm lý của người dân, đồng thời để các hộ sửa chữa nhà cửa ăn Tết…
Các cơ quan hữu quan nên nhanh chóng sớm có kết luận cụ thể cho Mỏ sắt Trại Cau, Công ty Gang thép Thái Nguyên giải quyết dứt điểm ổn định cuộc sống cho người dân.
SOURCE: BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN – PHAN HOẠT
Trích dẫn từ: http://thuvienphapluat.com/
(LVN GROUP FIRM:Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)