1. Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì?

Điều 353 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ như sau:

Điều 353. Chậm thực hiện nghĩa vụ

1. Chậm thực hiện nghĩa vụ là nghĩa vụ vẫn chưa được thực hiện hoặc chỉ được thực hiện một phần khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã hết.

2. Bên chậm thực hiện nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền về việc không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn.

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ là một trong những nội dung quan trọng của thực hiện nghĩa vụ. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ là một khoảng thời gian hoặc một mốc thời gian cụ thể do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ có ý nghĩa rất lớn bởi chỉ khi nghĩa vụ được thực hiện đúng thời hạn nó mới mang lại lợi ích đầy đủ và trọn vẹn nhất cho bên có quyền. Khi thời hạn thức hiện nghĩa vụ đã hết mà nghĩa vụ vẫn chưa được thực hiện hoặc chỉ được thực hiện một phần thì bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ. Pháp luật quy định khi bên có nghĩa vụ chậm thực hiện nghĩa vụ thì phải thông báo ngay cho bên có quyền về việc không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn. Việc thông báo này sẽ giúp cho bên có quyền kịp thời xử lý, giải quyết nhằm sử dụng mọi biện pháp khắc phục tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.

Vi phạm về thời hạn thực hiện nghĩa vụ là vi phạm nghĩa vụ và bên có nghĩa vụ sẽ phải chịu một hậu quả bất lợi đó là một trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm dân sự có thể là tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nếu nghĩa vụ vẫn có thể được thực hiện và bên có quyền yêu cầu hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra.

Ví dụ: A ký hợp đồng cho B vay 100 triệu. Hai bên thỏa thuận giao tiền sau 5 ngày kể từ khi kí hợp đồng tại nhà của B. Nhưng do A cũng đang cho C vay và C chưa trả nên A muốn đợi C trả cho A rồi A mới đưa tiền cho B. Trong trường hợp này A bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ và sẽ phải chịu trách nhiệm giao đầy đủ tiền cho B theo thỏa thuận. Ngoài ra, nếu B có thiệt hại khác phát sinh từ việc chậm thực hiện nghĩa vụ của A thì A sẽ phải bồi thường thiệt hại.

2. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Bên có nghĩa vụ trả tiền phải trả tiền đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nếu bên có nghĩa vụ chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự theo Điều 357 Bộ luật dân sự 2015.

Theo đó, trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Như vậy, ngoài việc phải trả khoản tiền thuộc về nghĩa vụ chính như khoản tiền vay, tiền thanh toán do mua hàng hoá, trả tiền dịch vụ, thuê tài sản… thì bên chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền còn phải trả một khoản lãi tính trên giá trị của khoản tiên chậm trả đó. Khoản lãi này bản chất là trách nhiệm bồi thường những tổn thất do việc chậm trả gây ra và được tính dựa trên mức lãi suất chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất và hạn chế tình trạng lạm dụng, bóc lột lẫn nhau, đảm bảo ổn định nền kinh tế, kiểm soát sự lạm phát của thị trường… điều luật quy định lãi suất do các bên thỏa thuận không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể, lãi suất do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì lãi suất chậm trả được tính theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 tức là “lãi suất được xác định bằng 50% lãi suất giới hạn tức là không quá 10%/năm của khoản tiền chậm trả trừ trường hợp luật lịên quan có quy định khác.

3. Chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ là gì?

Chậm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 355 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 355. Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ

1. Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ là khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng bên có quyền không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Trường hợp chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là tài sản thì bên có nghĩa vụ có thể gửi tài sản tại nơi nhận gửi giữ tài sản hoặc áp dụng biện pháp cần thiết khác để bảo quản tài sản và có quyền yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý. Trường hợp tài sản được gửi giữ thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền.

3. Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng thì bên có nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và phải thông báo ngay cho bên có quyền, trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó.

Khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình, về nguyên tắc, khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì bên mang quyền sẽ phải tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào bên có quyền cũng tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn mà vì một lý do nào đó bên có quyền không tiếp nhận thì đây được coi là việc chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ.

Chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ có thể ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai bên và đặc biệt là ảnh hưởng đến việc xem xét việc thực hiện đúng nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Trong trường hợp này, việc không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ lỗi thuộc về bên có quyền. Vì vậy, để đảm bảo được lợi ích cho các bên và để nghĩa vụ được thực hiện một cách tốt và thuận lợi nhất, pháp luật quy định trường hợp chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là tài sản thì bên có nghĩa vụ có thể gửi tài sản tại nơi nhận gửi giữ tài sản hoặc áp dụng biện pháp cần thiết khác để bảo quân tài sản và có quyền yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý. Trong trường hợp này, việc không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ lỗi thuộc về bên có quyền nên việc bên có quyền phải thanh toán các chi phí phát sinh từ việc bảo quản tài sản là hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, trường hợp tài sản được gửi giữ thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền. Quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bên có quyền nắm được thông tin để tiếp nhận đổi tượng của nghĩa vụ một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Có những trường hợp, vì chậm được tiếp nhận mà đối tượng của nghĩa vụ có thể bị hư hỏng làm mất giá trị của tài sản (đặc biệt đối với những loại tài sản dễ bị hưng hỏng, thời gian bảo quản ngắn như thực phẩm, hàng đông lạnh, hoa quả tươi….). Trong trường hợp này, để đảm bảo giá trị kinh tế của tài sản và đảm bảo lợi ích của các bên pháp luật cho phép bên có nghĩa vụ có quyền định đoạt đối với tài sản bằng cách bán tài sản. Khi tài sản được bán, bên có nghĩa vụ phải trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ tiền bán tài sản sau khi trừ chi phí hợp lý để bảo quản tài sản đó.

4. Trách nhiệm trong trường hợp chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ

Bên có nghĩa vụ nếu chậm thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm nên bên có quyền nếu chậm tiếp nhận nghĩa vụ thì cũng phải gánh chịu những hậu quả bất lợi. Theo Điều 359 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 359. Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ

Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên đó và phải chịu mọi rủi ro, chi phí phát sinh kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ là khi đến thời hạn tiếp nhận việc nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng bên có quyền không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó. Theo đó, chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ sẽ làm phát sinh trách nhiệm pháp lý sau đây:

– Bồi thường thiệt hại: Là một loại trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với bên vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại cho bên kia. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có thiệt hại thực tế xảy ra và nguyên nhân gây ra thiệt hại là do hành vi chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ gây ra.

– Phải chịu rủi ro: Thực ra rủi ro thường được áp dụng đối với đối tượng của nghĩa vụ hoặc kết quả của đối tượng của nghĩa vụ là tài sản. Về nguyên tẳc, chủ sở hữu của tài sản sẽ phải chịu rủi ro đối với tài sản đó. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ nên lỗi thuộc về chính họ và pháp luật quy định họ phải gánh chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản cho dù tài sản này có thuộc sở hữu của họ hay không. Chịu rủi ro ở đây thực chất không phải là một loại trách nhiệm pháp lý bởi lẽ ở đây rủi ro xảy ra không phải là kết quả trực tiếp của một hành vi vi phạm nghĩa vụ. Chịu rủi ro chỉ là hậu quả bất lợi mà bên chậm tiếp nhận phải gánh chịu khi có thiệt hại xảy ra đối với tài sản vì một lý do khách quan nào đó.

– Phải thanh toán các chi phí phát sinh kể từ thời điểm chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ: Thực chất, việc thanh toán các chi phí hợp lý này cũng chính là trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại không chỉ được đặt ra đối với các thiệt hại trực tiếp từ hành vi gây thiệt hại mà còn bao gồm các thiệt hại gián tiếp đó chính là các chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại. Ngoài ra, thiệt hại còn bao gồm những tổn thất khác mà bên bị vi phạm chứng minh được đó là kết quả tất yếu do hành vi chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ gây ra.

4. Hoãn thực hiện nghĩa vụ

Khác với chậm thực hiện nghĩa vụ thì hoãn thực hiện nghĩa vụ là trường hợp bên có nghĩa vụ vẫn được coi là thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn mà không bị coi là vi phạm về thời hạn thực hiện nghĩa vụ. “Hoãn” trong từ điển tiếng Việt là chuyển thời điểm đã định để làm việc gì đó sang thời điểm khác, muộn hơn. Trong khoa học pháp lý, hoãn thường được hiểu là tạm thời không thực hiện, tiến hành những gì phải thực hiện. Như vậy, hoãn thực hiện nghĩa vụ được hiểu là tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ trong một khoảng thời gian nhất định.

Theo Điều 354 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:

Điều 354. Hoãn thực hiện nghĩa vụ

1. Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo.

2. Bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên có quyền đồng ý. Việc thực hiện nghĩa vụ khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn.

Như vậy, việc hoãn thực hiện nghĩa vụ được công nhận trong hai trường hợp sau đây:

– Do các bên thỏa thuận:

Theo quy định của điều luật trên thì khi không thể thực hiện được nghĩa vụ đúng thời hạn, bên có nghĩa vụ thông báo và đề nghị với bên có quyền về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ và được bên có quyền đồng ý. Trong trường hợp này được hiểu là đã có sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của cả hai bên và thỏa thuận này tương đối giống với gia hạn thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, khác với gia hạn thực hiện nghĩa vụ là các bên phải ấn định sẵn một thời hạn mới thì đối với hoãn việc thực hiện nghĩa vụ các bên có thể chưa xác định được thời điểm nghĩa vụ sẽ tiếp tục được thực hiện. Trong trường hợp này có thể sau khi hết thời hạn các bên mới xem xét đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ để ấn định thời hạn thực hiện. Hơn nữa, nếu hoãn việc thực hiện nghĩa vụ chỉ xuất phát từ đề nghị của bên có nghĩa vụ và nguyên nhân là bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ thì gia hạn thực hiện nghĩa vụ có thể do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.

– Do pháp luật quy định:

Ngoài việc hoãn thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận thì pháp luật cũng quy định một số trường hợp hoãn thực hiện nghĩa vụ trở thành một quyền năng của bên có nghĩa vụ để đảm bảo sự công bằng về lợi ích giữa các bên. Ví dụ: Điều 411, 413,438… Bộ luật dân sự 2015.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.