1. Trách nhiệm pháp lý là gì?
Trách nhiệm pháp lý là hậu quả pháp lý bất lợi đối với chủ thể phải gánh chịu thể hiện qua việc họ phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật khi họ vi phạm pháp luật hoặc khi có thiệt hại xảy ra do những nguyên nhân khác được pháp luật quy định.
2. Khái niệm về trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng
Vấn đề quy định trách nhiệm của các bên trong quá trình đàm, phán ký kết hợp đồng, hay còn được gọi là trách nhiệm tiền hợp đồng, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng là vấn đề không mới ở các nước có nền kinh tế phát triển và hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện, ổn định như Anh, Pháp, Mỹ, Đức và một số quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển nói chung, Việt Nam nói riêng, thì đây là một vấn đề khá mới mẻ và chưa được đề cập đến nhiều cả trên lĩnh vực học thuật cũng như trong thực tế hoạt động ký kết hợp đồng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng ta hiếm khi bắt gặp thuật ngữ TNTHĐ trong các văn bản pháp lý của Nhà nước, trong các hợp đồng thương mại được ký kết giữa các thương nhân, cũng như trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan đến lĩnh vực hợp đồng.
3. Đặc điểm pháp lý trách nhiệm tiền hợp đồng
Đánh giá một cách chung nhất dưới góc độ pháp lý, có thể đưa ra một nhận định dù có những đặc điểm riêng biệt, trách nhiệm tiền hợp đồng đáp ứng mọi tiêu chí của loại trách nhiệm pháp lý. Căn cứ xác định trách nhiệm tiền hợp đồng là việc gây thiệt hại cho bên khác trong quá trình tiền hợp đồng. Thiệt hại gây ra ở giai đoạn tiền hợp đồng có thể được chia thành thiệt hại thực tế và lợi ích bị mất. Thiệt hại thực tế thường bao gồm: (i) Chi phí đã bỏ ra do dự đoán thoả thuận sẽ được thông qua (hoặc dựa trên hiệu lực của thoả thuận sẽ được thống nhất) và (ii) sự khác biệt giữa các điều khoản mà thoả thuận đã có thể thống nhất (hoặc đã được thống nhất nhưng sau đó vô hiệu) với các điều khoản mà thoả thuận thay thế có thể đạt được. Tuy nhiên, nếu trách nhiệm tiền hợp đồng được áp dụng khi các bên không đạt được thoả thuận, thì sẽ rất khó để tính toán loại thiệt hại này, vì các bên không thể xác đinh rõ điều khoản nào đáng ra đã được thống nhất nếu đàm phán không thất bại. Trường hợp tương tự cũng xảy ra trong trường hợp tính toán lợi ích bị mất.
Một điều kiện bắt buộc của trách nhiệm tiền hợp đồng là có sự vi phạm các quy định đã được thừa nhận (hoặc nội dung đã được ngầm định) của một trong các bên trong đàm phán. Sự vi phạm này chỉ có thể tìm thấy trong các vụ việc trong đó pháp luật quy định về nghĩa vụ hành động công bằng đối với các bên trong giai đoạn hình thành hợp đồng hoặc dưới dạng các hành vi không được thừa nhận. Nếu không, các bên sẽ được cho là tự chịu rủi ro trong trường hợp không đạt được thỏa thuận hoặc thỏa thuận vô hiệu, do đó, bất kỳ thiệt hại nào xảy ra đều không được bồi thường bởi bên kia.
Hai điều kiện bắt buộc khác của trách nhiệm tiền hợp đồng (bên cạnh điều kiện gây thiệt hại và vi phạm quy định về nghĩa vụ công bằng) là: (i) Quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại, và (ii) có lỗi của bên vi phạm. Việc xác định có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại luôn rất khó và đặc biệt khó khi tìm kiếm nó ở giai đoạn tiền hợp đồng. Thậm chí như thế nào là hành vi không công bằng cũng rất khó để giải thích hoặc chứng minh. Ví dụ, rất khó cho một bên chứng minh được rằng bên kia đã có hành vi không thiện chí dẫn đến đàm phán thất bại. Còn đối với vấn đề lỗi, yếu tố này phụ thuộc vào từng hệ thống pháp luật cụ thể.
4. Khái quát về trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng theo pháp luật của Đức
Theo pháp luật của Đức, nguyên tắc “culpa in contrahendo” được xem như là yếu tố cơ bản của trách nhiệm tiền hợp đồng độc lập, phạm vi khái niệm này được phát triển rộng hơn và sâu hơn so với khái niệm gốc của nó trong suốt 150 năm qua. Vào năm 2002, như là kết quả đổi mới luật về nghĩa vụ, khái niệm “culpa in contrahendo” đã được quy định tại Bộ luật dân sự Đức (Điều 311 khoản 2) như sau: “Nghĩa vụ tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và các lợi ích khác của bên đối tác theo quy định tại khoản 2 Điều 241[12] cũng phát sinh: (1) từ khi bắt đầu đàm phán hợp đồng; (2) hoặc bắt đầu thực hiện hợp đồng; hoặc (3) đối với các quan hệ thương mại tương tự”. Khái niệm này được xem như là một trong những phát minh lớn trong pháp luật dân sự Đức. Về mặt văn hóa pháp lý, “culpa in contrahendo” có nghĩa là “lỗi trong hợp đồng” và khi áp dụng trong pháp luật của Đức, nó ngụ ý là có bổn phận hành động thiện chí hoặc bổn phận quan tâm hợp lý đến lợi ích của bên khác trong đàm phán tiền hợp đồng, điều này có nghĩa là lỗi trong ngữ cảnh này là rộng hơn lỗi trong ngữ cảnh thông thường trong luật về trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng. Các nội dung cơ bản của trách nhiệm tiền hợp đồng theo pháp luật của Đức có thể tiếp cận dưới các góc độ sau đây:
5. Các nội dung cơ bản của trách nhiệm tiền hợp đồng theo pháp luật của Đức
5.1. Đàm phán tiền hợp đồng
Theo pháp luật của Đức, khi tham gia vào các cuộc đàm phán tức là sẽ tạo ra mối quan hệ tin tưởng (Treuepflicht) lẫn nhau giữa các bên, mối quan hệ này trở nên vững chắc với cường độ ngày càng tăng sau mỗi lần đàm phán. Nghĩa vụ tin tưởng này dẫn đến nghĩa vụ tôn trọng các quyền và lợi ích của bên đối tác, chẳng hạn như nghĩa vụ ngăn bên đối tác phải chịu thiệt hại phát sinh và thông báo cho bên đối tác về các trường hợp có thể phát sinh thiệt hại trong quá trình đàm phán, thiệt hại có thể là thiệt hại về sức khỏe hoặc thiệt hại về tài sản. Ví vụ, trong giai đoạn tiền hợp đồng, một hành vi vi phạm có lỗi theo khoản 1 Điều 280 Bộ luật dân sự (BLDS) Đức (lỗi cố ý hoặc vô ý là dấu hiệu bắt buộc theo Điều 276 BLDS Đức), có thể là do sơ suất trong việc tuân thủ Điều 278 BLDS Đức. Tuy nhiên, nếu xảy ra thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường theo khoản 2 Điều 241, điểm 1 khoản 1 Điều 280 BLDS Đức.
Nói chung, không có nghĩa vụ phải bắt buộc để tiếp tục các cuộc đàm phán, nhưng nếu một bên thông tin cho bên kia lý do để tin rằng hợp đồng sẽ sớm có hiệu lực và vẫn ngừng đàm phán mà không có lý do chính đáng thì bên đó có thể phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ chi phí không hiệu quả nào gây ra cho bên kia. Trong trường hợp một thỏa thuận yêu cầu công chứng, quy tắc này chỉ áp dụng nếu một bên cố tình vi phạm nghĩa vụ trung thực của mình (vorsätzliche Treuepflichtverletzung).
Theo pháp luật Đức, các bên có quyền tự do chấm dứt đàm phán, như đã nêu ở trên; tuy nhiên, nếu một bên vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng phát sinh từ quan hệ tin tưởng thông qua hành động cố ý hoặc cẩu thả, luật pháp Đức cho phép bên kia yêu cầu bồi thường thiệt hại. khoản 2 Điều 241 BLDS Đức quy định: “Nếu một bên vi phạm bổn phận phát sinh từ nghĩa vụ, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại gây ra bởi sự vi phạm của bên kia”.
5.2. Thỏa thận về bảo mật
Nghĩa vụ xem xét bất kỳ thông tin nào được tiết lộ trong các cuộc đàm phán được xem là bí mật và không để bên thứ ba tiếp cận thông tin này phát sinh từ nghĩa vụ tiền hợp đồng và nguyên tắc thiện chí giữa hai bên, đặc biệt khi nghĩa vụ bảo mật xuất hiện rõ ràng từ bản chất hợp đồng đang được thương lượng. Do đó, không có yêu cầu chung nào đối với các bên tham gia vào một thỏa thuận có tính chất bảo mật. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy cần phải ký một thỏa thuận bảo mật trước khi bước vào các giai đoạn đàm phán tiền hợp đồng vì lý do sau:
Thứ nhất, nghĩa vụ bảo mật bắt buộc chỉ được áp dụng trong một số lĩnh vực pháp lý nhất định và tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể của từng trường hợp cụ thể.
Thứ hai, phạm vi của các nghĩa vụ như vậy có thể không phải lúc nào cũng rõ ràng, điều này khiến các bên tham gia thỏa thuận bảo mật và xác định rõ ràng loại thông tin nào được xem là bí mật và loại tiêu chuẩn nào nên được áp dụng để bảo vệ các thông tin bí mật đó.
Một hành vi vi phạm có thể khiến bên vi phạm phải bồi thường hoặc cần có biện pháp ngăn chặn, nhưng vì khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại nên những biện pháp khắc phục thường được quy định ngay chính trong thỏa thuận bảo mật. Những thỏa thuận bảo mật có tính bắt buộc tuân thủ giữa các bên. Không có thủ tục hoặc hình thức chính thức nào phải tuân theo khi ký kết thỏa thuận bảo mật. Tuy nhiên, kinh nghiệm pháp luật Đức cho thấy, việc thay đổi và chấm dứt thỏa thuận bảo mật chỉ có thể được thực hiện bằng văn bản. Các nội dung nêu trên của pháp luật Đức cũng phù hợp với tiêu chuẩn chung châu Âu về trách nhiệm bảo mật tiền hợp đồng. Ví dụ, Điều 2:302 Luật hợp đồng châu Âu năm 2002 quy định: Biện pháp khắc phục đối với vi phạm tính bảo mật trong quá trình đàm phán có thể bao gồm “bồi thường tổn thất mà bên kia bị thiệt hại và bồi thường lợi ích mà bên kia lẽ ra được nhận” và bồi thường lợi ích là một biện pháp khắc phục cụ thể mà bên bị thiệt hại được hưởng ngay cả trong trường hợp không có thiệt hại thực tế xảy ra.
5.3. Thỏa thuận về độc quyền
Như một nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Đức, các bên được hưởng quyền tự do hợp đồng và do đó có thể tự do đưa ra quyết định của mình về việc đàm phán với ai cho đến khi một thỏa thuận được ký kết. Điều 242 Bộ luật dân sự Đức quy định về nguyên tắc thiện chí (principle of good faith) như sau: “Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo yêu cầu của nguyên tắc thiện chí, đồng thời có tính đến cả tập quán pháp”. Nguyên tắc này được áp dụng ngay từ giai đoạn đàm phám tiền hợp đồng. Tuy nhiên, nghĩa vụ đàm phán độc quyền có thể phát sinh từ nghĩa vụ thiện chí trong trường hợp một bên cho bên kia biết rằng không có cuộc đàm phán nào khác đang diễn ra hoặc đang được bắt đầu đồng thời với cuộc đàm phán đang diễn ra.
Đối với bất kỳ hợp đồng nào khác, các thỏa thuận độc quyền là ràng buộc cho cả hai bên. Không có thủ tục chính thức nào phải tuân theo trừ khi các bên đồng ý về điều đó. Các thỏa thuận độc quyền thường quy định các mức phạt cụ thể nếu một bên vi phạm tính độc quyền để khiến bên kia không tiếp tục thương lượng với bên thứ ba. Tuy nhiên, khi mức phạt cao do vi phạm nguyên tắc độc quyền đến mức mà trên thực tế, nghĩa vụ ký kết một thỏa thuận cần phải được công chứng (ví dụ: hợp đồng mua bán và chuyển nhượng cổ phần trong một công ty trách nhiệm hữu hạn của Đức), thì thỏa thuận độc quyền cũng cần phải được công chứng.