Trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật được quy định tại Nghị định 72/2012/NĐ-CP, cụ thể như sau:
1. Nguyên tắc quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật
Nguyên tắc quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật được quy định tại điều 3 Nghị định 72/2012/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được xác định trong quy hoạch; được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm cảnh quan và môi trường.
– Tổ chức, cá nhân sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung có trách nhiệm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp và đường ống bố trí vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã xây dựng theo quy định.
– Các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp và đường ống lắp đặt mới có trách nhiệm bố trí vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã xây dựng.
– Việc lắp đặt, bố trí các đường dây, cáp và đường ống mới vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã xây dựng phải có các giải pháp bảo đảm sự hoạt động bình thường của hệ thống đã có.
– Các loại đường dây, cáp và đường ống bố trí, lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải có dấu hiệu nhận biết theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
Điều 11. Quy định về dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống trong công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung
1. Dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống là các thông tin cơ bản được thể hiện thống nhất bằng các ký hiệu, màu sắc theo quy định để nhận biết, phân biệt được từng loại đường dây, cáp và đường ống lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
2. Thông tin cơ bản của dấu hiệu nhận biết bao gồm chủ sở hữu; tính chất và chủng loại đường dây, cáp và đường ống.
3. Đơn vị có các đường dây, cáp và đường ống lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung chịu trách nhiệm đánh dấu dấu hiệu nhận biết theo quy định.
4. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về đấu hiệu nhận biết đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
– Việc quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các quy định về kỹ thuật; bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị và được thực hiện thông qua hợp đồng quy định tại Điều 16, Điều 17 của Nghị định này.
Điều 16. Hợp đồng quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung
1. Việc quản lý vận hành các công trình dưới đây được thực hiện thông qua hợp đồng quản lý vận hành:
a) Cột ăng ten;
b) Cột treo cáp (dây dẫn);
c) Cống cáp;
d) Hào và tuy nen kỹ thuật.
2. Hợp đồng quản lý vận hành quy định tại Khoản 1 Điều này được ký kết giữa chủ sở hữu với đơn vị quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
3. Bộ Xây dựng ban hành mẫu hợp đồng quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
Điều 17. Hợp đồng sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật
1. Việc sử dụng chung các công trình dưới đây được thực hiện thông qua hợp đồng sử dụng:
a) Cột ăng ten;
b) Cột treo cáp (dây dẫn);
c) Cống cáp;
d) Hào và tuy nen kỹ thuật;
đ) Hầm đường bộ; hầm đường sắt; cống ngầm; cầu đường bộ và cầu đường sắt.
2. Hợp đồng sử dụng chung quy định tại Khoản 1 Điều này được ký kết giữa chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý vận hành được chủ sở hữu ủy quyền với tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng.
3. Bộ Xây dựng ban hành mẫu hợp đồng sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.
2. Trách nhiệm và quyền hạn của chủ sở hữu
– Tổ chức, lựa chọn đơn vị quản lý vận hành và ký hợp đồng quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo quy định hiện hành.
– Trực tiếp hoặc ủy quyền cho đơn vị quản lý vận hành ký hợp đồng sử dụng với tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.
– Thực hiện quyền và trách nhiệm đối với đơn vị quản lý vận hành; với các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật theo hợp đồng quản lý vận hành và hợp đồng sử dụng đã ký kết.
– Lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
– Yêu cầu đơn vị quản lý vận hành xây dựng, quản lý công trình dữ liệu và cung cấp thông tin về công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
– Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
– Thực hiện chế độ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
3. Trách nhiệm và quyền hạn của đơn vị quản lý vận hành
– Phải có đội ngũ cán bộ và công nhân đủ năng lực; trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật cần thiết để thực hiện các yêu cầu và nhiệm vụ của công tác quản lý vận hành.
– Ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật theo thẩm quyền hoặc được ủy quyền của chủ sở hữu.
– Thực hiện quyền và trách nhiệm đối với chủ sở hữu; với các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật theo hợp đồng quản lý vận hành và hợp đồng sử dụng đã ký kết.
– Tuân thủ quy định về quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung tại Nghị định này và quy định của pháp luật khác có liên quan. Xây dựng, ban hành cụ thể quy trình quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được giao quản lý.
– Định kỳ kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung. Xử lý sự cố đồng thời có trách nhiệm thông báo kịp thời cho các bên liên quan để cùng phối hợp xử lý, khắc phục.
– Thực hiện và thông báo cho các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện kế hoạch cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
– Xây dựng, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu. Báo cáo định kỳ tình hình quản lý vận hành cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
4. Trách nhiệm và quyền của tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng chung
– Thực hiện quyền và trách nhiệm đối với chủ sở hữu hoặc với đơn vị quản lý vận hành theo hợp đồng sử dụng đã ký kết.
– Thực hiện quy định về quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật của Nghị định này và quy định của pháp luật khác có liên quan.
– Cung cấp thông tin về đường ống, đường dây, cáp, thiết bị sử dụng chung và được cung cấp thông tin có liên quan về công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo quy định.
– Thông báo kịp thời cho đơn vị quản lý vận hành khi phát hiện các hiện tượng bất thường có thể gây sự cố, đồng thời phải có trách nhiệm phối hợp kịp thời với đơn vị quản lý vận hành, các đơn vị có liên quan tham gia xử lý và xử lý sự cố xảy ra.
– Phối hợp với đơn vị quản lý vận hành tổ chức thực hiện việc tháo dỡ, di chuyển ra khỏi công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung các đường ống, đường dây, cáp và thiết bị cần nâng cấp hoặc bị hư hỏng phải thay thế.
5. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ
– Trách nhiệm của Bộ Xây dựng
a) Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị trong phạm vi cả nước;
b) Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.
– Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng; các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định của Nghị định này.
6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn, phân cấp trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các đô thị trên địa bàn.
– Ban hành các văn bản quy định chi tiết về quản lý, phân cấp quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn theo thẩm quyền.
– Chỉ đạo việc kết hợp sử dụng chung khi lập kế hoạch phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trên địa bàn quản lý.
– Huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
– Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định của pháp luật tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức giải quyết các tranh chấp về sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức phổ biến và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn.
7. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn tại địa phương
– Trách nhiệm của Sở Xây dựng
a) Chủ trì, phối hợp các cơ quan chuyên môn có liên quan soạn thảo các văn bản quy định về quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền;
b) Tổng hợp, lưu trữ cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật; báo cáo tình hình quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định;
c) Hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn theo thẩm quyền.
– Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn khác tại địa phương: Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện việc quản lý nhà nước về sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.