Những vụ việc rộ lên gần đây như Bình An, An Khang… có thể nói là những ví dụ điển hình. Nông dân bán cá cho các công ty này, đến hạn, họ lại không được thanh toán theo đúng thỏa thuận. Đây là một loại tranh chấp dân sự liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa. Thế nhưng, lạ lùng thay cách thức giải quyết của các bên trong vụ việc tranh chấp lại dường như không… dân sự một chút nào.
>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191
Theo các nguồn tin, Công ty cổ phần Thủy sản Bình An nợ hàng trăm tỉ đồng tiền bán cá tra của hàng chục hộ nông dân tại các tỉnh khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, chỉ có ba hộ khởi kiện vụ án ra tòa để yêu cầu giải quyết, trong khi phần lớn những hộ còn lại thì đâm đơn “kêu cứu khẩn cấp đến lãnh đạo các cấp nhờ can thiệp” (Thanh Niên, 7-3-3012).
Tương tự, trước đó liên quan đến vụ Công ty TNHH An Khang ở Cần Thơ vỡ nợ, 23 hộ nông dân bán cá tra nguyên liệu cho công ty này cũng gửi đơn đến UBND thành phố Cần Thơ nhờ can thiệp (Tuổi Trẻ, 25-11-2011).
Ngay cả Công ty Bình An cũng chọn cách trông cậy vào sự can thiệp của chính quyền trước những tranh chấp đang bủa vây. Tại cuộc họp với đại diện UBND thành phố Cần Thơ vào ngày 10-3-2012, ông Trần Văn Trí, Tổng giám đốc Bình An, đã đề nghị chính quyền can thiệp để công ty và ông K. (một hộ bán cá tra) có cuộc gặp thương lượng nhằm trả chậm, tránh siết nợ, kiện tụng vì số tiền mà công ty nợ tiền bán cá của hộ này lên đến 40 tỉ đồng. Ông Trí cũng đề nghị chính quyền đứng ra làm cầu nối, chủ trì để công ty và nông dân gặp nhau cùng tháo gỡ các khoản nợ một cách hợp lý về thời gian (Tuổi Trẻ, 11-3-2012). Và đáp lại sự khẩn khoản của Công ty Bình An, UBND thành phố Cần Thơ cũng lập một đoàn công tác để nắm tình hình nợ nần và tham gia giải quyết cùng doanh nghiệp.
Vụ việc của Bình An, An Khang khiến chúng ta nhớ đến sự kiện nổi đình nổi đám xảy ra gần đây là vụ tranh chấp liên quan đến quyền khai thác các giải bóng đá chuyên nghiệp giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF, Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Xét về chủ thể và nội dung tranh chấp, đây thực sự cũng là một tranh chấp dân sự không hơn không kém. Tuy nhiên, như một phản ứng đã “mặc định” sẵn, cách thức giải quyết được các bên tranh chấp lựa chọn lại vẫn là cậy nhờ đến sự can thiệp của chính quyền. VPF đã phải gửi công văn đến ba bộ Tư pháp, Thông tin Truyền thông, và Văn hóa – Thể thao và Du Lịch nhờ gỡ rối. Tương tự, AVG cũng gửi đơn cầu viện Bộ Văn hóa – Thể thao và Du Lịch. Bộ này sau đó đã phải chiều lòng lập một đoàn thanh tra để kiểm tra tính hợp pháp của hợp đồng đang tranh chấp. Không thỏa mãn với kết luận thanh tra, VPF lại tiếp tục cầu cứu lên Thủ tướng Chính phủ…
Cầu viện chính quyền hoặc dựa vào quan hệ với chính quyền để giải quyết một tranh chấp dân sự không thể là một phương thức phù hợp thông lệ của thị trường. Cơ quan hành pháp vừa không có chức năng tài phán vốn thuộc địa hạt chuyên biệt của hệ thống tư pháp, vừa không có chuyên môn bằng và vì vậy có thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng. Chưa nói, không loại trừ trường hợp do không được kiểm soát bằng cơ chế tài phán nên việc giải quyết thông qua quyền lực hành pháp nói trên có thể sẽ còn gây ra sự thiên lệch cho một bên và từ đó một bên khác sẽ bị thiệt hại, bất lợi.
Thế nhưng, rủi ro lớn nhất là các quyết định giải quyết tranh chấp do cơ quan hành pháp ban hành đều không có giá trị pháp lý bắt buộc thi hành. Ví dụ, kết luận thanh tra về hợp đồng giữa VFF và AVG hoặc giả sử một quyết định nào đó của UBND thành phố Cần Thơ về giải quyết tranh chấp giữa Bình An và các hộ nông dân…
Với những trường hợp như vậy, nếu quyết định của cơ quan nhà nước không làm vừa lòng các bên tranh chấp, vụ việc lại phải tiếp tục lòng vòng, kéo dài thời gian vô ích. Hệ quả là các bên đã bỏ lỡ cơ hội được tranh tụng, bảo vệ quyền và lợi ích của mình một cách hợp pháp tại tòa án hoặc tại các cơ quan tài phán khác.
Và lẽ tất nhiên, trâu chậm thì uống nước đục. Khi tranh chấp không thỏa thuận được với nhau và các bên chậm nhờ tòa giải quyết, nhiều sự cố có thể xảy ra như: vụ việc hết thời hiệu khởi kiện; tài sản bị tẩu tán; khó khăn trong việc thu thập chứng cứ… Đặc biệt, đối với những vụ tranh chấp liên quan đến nhiều chủ thể tranh chấp thì sự nhanh chân luôn luôn tạo ra lợi thế và ngược lại sự chậm chân ra tòa sẽ là một bất lợi đáng kể. Người nhanh chân khởi kiện sẽ được giải quyết quyền lợi trước trong khi nếu chậm chân quyền lợi của họ có thể sẽ không được bảo vệ, nhất là với tình trạng nợ nần, khó khăn như hiện nay của các công ty trên.
SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN – NGUYÊN TẤN
Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/
(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
—————————————————
THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT LIÊN QUAN:
1. Tư vấn soạn thảo hợp đồng;
2. Dịch vụ trước bạ sang tên nhà đất;
3. Tư vấn thừa kế quyền sử dụng đất;
4. Dịch vụ công chứng sang tên sổ đỏ;
5. Dịch vụ công chứng uy tín, chuyên nghiệp;
6. Dịch vụ soạn thảo và công chứng hợp đồng;