1. Khái niệm về tranh chấp thương mại
Tranh chấp thương mại là một hiện tượng phổ biến và thường xuyên diễn ra ương hoạt động của nền kinh tế thị trường. Do tính chất thường xuyên cũng như hậu quả của nó gây ra cho các chủ thể tham gia tranh chấp nói riêng và cho cả nền kinh tế nói chung, pháp luật Việt Nam đã sớm có những quan tâm nhất định đến hoạt động này cũng như các phương thức giải quyết nó thể hiện thông qua các quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật.
Khái niệm tranh chấp thương mại lần đầu tiên được quy định trong Luật Thương mại năm 1997 (Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế nàm 1994 và Nghị định số 116/1994/NĐ-CP chủ yếu liệt kê các tranh chấp được gọi là các tranh chấp kinh tế như tranh chấp về hợp đồng kinh tế, tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty, thành viên công ty với nhau hoặc tranh chấp liên quan đến mua bán cổ phiếu, trái phiếu…). Tại Điều 238 Luật Thương mại quy định: tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại. Theo đó, nội hàm hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 1997 rất hẹp so với quan niệm quốc tế về thương mại. Hoạt động thương mại chỉ bao gồm ba nhóm: hoạt động mua bán hàng hoá; cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại (Khoản 2 Điều 5 Luật Thương mại 2005) Tranh chấp thương mại và hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 1997 đã loại bỏ rất nhiều tranh chấp mà xét về bản chất thì các tranh chấp đó có thể được coi là các tranh chấp thương mại, vì vậy đã dẫn đến các xung đột pháp luật trong hệ thống pháp luật, giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế, trong đó có cả những Công ước quốc tế quan trọng mà Việt Nam đã là thành viên (Công ước New York 1958) gây không ít những trở ngại, rắc rối trong thực tiễn áp dụng và chính sách hội nhập.
2. Trọng tài thương mại quốc tế
Trọng tài thương mại quốc tế là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ Tư pháp quốc tế, nhất là các quan hệ thương mại quốc tế mà pháp luật cho phép giải quyết được bằng trọng tài. Theo phương thức này, các bên nhất trí thỏa thuận với nhau là sẽ đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại một cơ quan trọng tài nhất định nào đó.
Trọng tài không có thẩm quyền đương nhiên mà chỉ được giải quyết tranh chấp khi các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan thỏa thuận chỉ định. Khi các bên thiết lập một thỏa thuận trọng tài thì nghĩa là họ đã trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho trọng tài và tòa án không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó trừ khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc bị hủy bỏ bởi chính các bên. Như vậy, thẩm quyền của trọng tài được xác lập trên cơ sở thỏa thuận trọng tài.
Luật Mẫu UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế năm 1985 định nghĩa thỏa thuận trọng tài tại Khoản 1, Điều 7 như sau: “1. Thỏa thuận trọng tài” là thỏa thuận mà các bên đưa ra trọng tài mọi hoặc các tranh chấp nhất định phát sinh hoặc có thể phát sinh giữa các bên về quan hệ pháp lý xác định, dù là quan hệ hợp đồng hay không phải là quan hệ hợp đồng. Thoả thuận trọng tài có thể dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thoả thuận riêng”.
Từ quy định trên, có thể thấy thỏa thuận trọng tài là sự thống nhất ý chí của các bên về việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng bằng phương thức trọng tài. Thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp và có thể dưới hình thức một điều khoản trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận trọng tài riêng biệt.
Hay Công ước châu Âu về Trọng tài thương mại quốc tế năm 1961 có đưa ra định nghĩa tương tự: “Thỏa thuận trọng tài là một điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc thỏa thuận trọng tài, hợp đồng hoặc thoả thuận trọng tài được ký kết giữa các bên, hoặc được trao đổi qua thư từ, điện tín, hoặc các hình thức liên lạc bằng điện toán khác, và trong mối quan hệ giữa các quốc gia mà pháp luật không yêu cầu rằng một thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản, bất kỳ thỏa thuận trọng tài nào cũng phải được ký kết theo đúng hình thức mà luật các nước này quy định”
Căn cứ tại Khoản 2 điều 3 Luật trọng tài thương mại Việt Nam quy định như sau
“2. Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.”
Đây là một định nghĩa tương đối đơn giản, khái quát, từ đây có thể hiểu đơn giản : thỏa thuận trọng tài là sự thỏa thuận của các bên về một phương thức giải quyết các tranh chấp, có thể có trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra.
3. Vụ việc tranh chấp
– Các bên:
+ Nguyên đơn: Người bán Hồng Kông
+ Bị đơn: Người mua Việt Nam
– Các vấn đề được đề cập:
+ Không đưa vào hợp đồng các điều khoản giống như trong hợp đồng mẫu
+ Ký hợp đồng bằng tiếng nước ngoài
+ Đơn phương sửa đổi hợp đồng
Tóm tắt vụ việc:
Nguyên đơn, một công ty Hồng Kông, đàm phán ký kết hợp đồng với Bị đơn, một doanh nghiệp Việt Nam. Sau khi thống nhất được với nhau hàng hoá và giá cả, Bị đơn đã chuyển cho Nguyên đơn một hợp đồng mẫu mà Bị đơn đã ký với bạn hàng nước ngoài trước đây để Nguyên đơn tham khảo soạn thảo các điều khoản của hợp đồng.
Sau đó, Nguyên đơn và Bị đơn đã chính thức ký hợp đồng mua bán (ngày 6 tháng 12 năm 1992), theo đó Nguyên đơn bán cho Bị đơn 10.000 MT ± 5% phân bón u-rê với giá 215 USD/MT CFR cảng Quy Nhơn, L/C phải được mồ chậm nhất ngày 15 tháng 12 năm 1996, quá hạn này mà chưa mở bên mua phải nộp phạt 3% trị giá hợp đồng, tiền phạt này phải được trả trong vòng 3 ngày kể từ ngày hết hạn mở L/C, người bán phải giao hàng trong vòng 30 ngày kể từ ngày mở L/C.
Ngày 8 tháng 12 năm 1996, Bị đơn đã gửi cho Nguyên đơn bản dự thảo giấy yêu cầu mở L/C với một sô’ điểm khác biệt so với các điều khoản của hợp đồng đã ký và đề nghị nếu Nguyên đơn chấp nhận thì Bị đơn sẽ mở L/C.
Ngày 10 tháng 12 năm 1996, Nguyên đơn gửi trả Bị đơn bản dự thảo giấy yêu cầu mở L/C, trong đó chỉ đồng ý ba điểm sửa đổi, từ chối việc sửa đổi bốn điểm khác. Bị đơn lại tiếp tục đàm phán đề nghị Nguyên đơn chấp nhận bốn điểm sửa đổi còn lại. Đến ngày 14 tháng 12 năm 1996, Nguyên đơn trả lời dứt khoát là không đồng ý vối bốn điểm sửa đổi đó.
Đến ngày 20 tháng 12 năm 1996, Bị đơn vẫn chưa mở L/C nên Nguyên đơn điện khiếu nại đòi Bị đơn nộp phạt ngày 3% trị giá hợp đồng với số tiền 64.500 USD theo đúng quy định của hợp đồng.
Bị đơn từ chối yêu cầu này của Nguyên đơn với lý do là Nguyên đơn không đưa vào hợp đồng những điều khoản giống như trong hợp đồng mẫu mà Bị đơn đã chuyển cho Nguyên đơn trước khi chính thức ký kết hợp đồng và không thiện chí trong việc đàm phán để tiếp tục hợp đồng.
Sau nhiều lần thương lượng (trong đó Nguyên đơn đã đồng ý giảm một phần tiền bồi thường) nhưng không đạt kết quả, Nguyên đơn kiện Bị đơn ra trọng tài đòi nộp phạt 64.500 USD.
4. Phán quyết của trọng tài:
Trong Bản giải trình, Bị đơn trình bày rằng Bị đơn chỉ đồng ý ký kết hợp đồng với điều kiện hợp đồng đó tuân thủ hợp đồng mẫu mà Bị đơn chuyển cho Nguyên đơn. Việc trên thực tế Bị đơn đã ký vào hợp đồng với những điều khoản khác là do Bị đơn không thạo tiếng Anh (mà hợp đồng lại được ký bằng tiếng Anh).
Uỷ ban trọng tài cho rằng các điều khoản trong hợp đồng là do các bên thoả thuận với nhau. Trong vụ việc này, việc Nguyên đơn đưa hay không đưa vào hợp đồng những điều khọản giống như hợp đồng mẫu do Bị đơn chuyển cho đó là quyền của Nguyên đơn. Bị đơn có quyền chấp nhận hoặc từ chối Hợp đồng do Nguyên đơn soạn thảo. Trước khi ký hợp đồng cần phải đọc kỹ nội dung hợp đồng, nếu không đồng ý thì Bị đơn có quyền không ký. Một khi đã ký vào bản hợp đồng thì các bên phải có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng đó. Vì thế lý do “không thạo tiếng Anh” không phải là một căn cứ hợp pháp cho việc không mở L/C (không thực hiện hợp đồng). Sau khi hợp đồng đã được ký, mọi thay đổi, bổ sung hợp đồng phải được làm bằng văn bản, có chữ ký của hai bên. Một bên không thể bằng đề nghị đơn phương của mình mà sửa đổi hợp đồng ban đầu. Do đó, Bị đơn không thể viện dẫn lý do nêu trên để từ chối mở L/C. Trên thực tế Bị đơn không mở L/C đúng hạn thì phải có nghĩa vụ mở L/C đúng hạn theo quy định của hợp đồng. Không mở L/C đúng hạn, Bị đơn phải nộp phạt theo đúng quy định của hợp đồng.
Từ những điều phân tích trên, trọng tài ra phán quyết buộc Bị đơn phải nộp phạt cho công ty Hồng Kông 64.500 USD tiền phạt (3% trị giá hợp đồng) theo yêu cầu của Nguyên đơn.
5. Bình luận và lưu ý:
Đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế có thông qua nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc … tuỳ theo đối tác ký kết hợp đồng sử dụng loại ngôn ngữ nào.Vì vậy, để có thể đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế thành công, các doanh nghiệp Việt Nam phải có các chuyên gia về ngôn ngữ.
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hoá, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp cũng như trong quá trình đàm phán hợp đồng. Vì vậy, việc sử dụng tốt tiếng Anh sẽ là thế mạnh của những doanh nghiệp muốn hoạt động và phát triển trong thương trường quốc tế nói chung và trong đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng. Sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tự tin, chủ động, độc lập trong đàm phán mà còn tiết kiệm được chi phí (ví dụ chi phí thuê phiên dịch, chi phí dịch tài liệu liên quan đến hợp đồng…), giữ được bí mật nghề nghiệp, tạo sự nể trọng từ phía đối tác … và nhất là tránh được các lỗi trong nội dung hợp đồng do không biết ngoại ngữ nên không hiểu hết ý của đối tác.
Khi chính thức ký kết các hợp đồng, các bên được suy đoán là đã tự nguyện chấp thuận tất cả các điều khoản trong hợp đồng đó và có nghĩa vụ thực hiện đúng các quy định trong hợp đồng đó. Vì thế, khi ký kết các bên phải cẩn trọng xác định chính xác các nội dung của hợp đồng. Nếu hợp đồng được ký bằng tiếng nước ngoài thì các bên phải có chuyên gia trong lĩnh vực này để đảm bảo hợp đồng ký kết phản ánh đúng ý chí của mình. Một khi hợp đồng đã ký kết, việc sửa đổi phải được sự thống nhất của các bên. Một bên không thể tự mình đơn phương sửa đổi hợp đồng.