Trâu thuộc về ai?
Ngày 8-2-2005, anh Sầm Văn Quàn ngạc nhiên khi thấy con trâu nhà mình bị mất tích vài tháng bỗng xuất hiện và điềm nhiên ăn cỏ tại khu vực Pá Tao, xã Minh Lương. Theo anh Quàn, đây là con trâu anh mua của ông Ma Văn Thinh (người cùng huyện) từ tháng 4-2003 với những đặc điểm: màu đen, có 5 khoáy, sừng hơi cong, ngọn sừng thẳng đứng, tai trái có vết rách dài 5cm, mông phải có 7 vết sùi, tuổi từ khoảng 6 đến 7.
>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191
Dắt con trâu “bị lạc” về nhà nhưng chỉ vài hôm sau, gia đình anh Hoàng Văn Hình đến đòi trâu vì cho rằng trâu của nhà mình nhưng anh Quàn nhất quyết không chịu trả.
Để làm rõ “trắng đen”, anh Hình đã làm đơn kêu cứu lên TAND huyện Văn Bàn. Sau khi thụ lý hồ sơ, TAND huyện Văn Bàn đã đưa vụ án dân sự trên ra xét xử. Tại phiên tòa, anh Quàn vẫn nhất mực bảo vệ ý kiến của mình, cho rằng với những đặc điểm không thể nhầm lẫn thì con trâu – là tài sản của gia đình anh đã mất tích từ trước, nay mới tìm được.
Còn anh Hình bức xúc trình bày: Con trâu này là của gia đình anh do trâu mẹ đẻ năm 1999. Hàng ngày, gia đình chăn thả ở khu vực Tả Si Pom Khén (thuộc đất xã Minh Lương). Trâu có đặc điểm sừng đứng, có 5 khoáy, hay húc người và phá ruộng nương. Năm 2002, khi chăn thả trên núi không biết bị ai dùng súng bắn đạn gém vào mông và hiện nay vẫn còn mảnh đạn găm trong đó.
Tháng 3-2005, con trâu bị mất và sau một tháng tìm kiếm anh đã tìm thấy ở nhà anh Quàn. Con trâu bị cắt rách tai trái, vết cắt vẫn còn rất mới. Anh Hình đã báo cáo thôn, đề nghị giải quyết. Lúc đầu, Ban hòa giải xã Minh Lương đã vào cuộc vì thường khi xảy ra tranh chấp trâu, bò của người dân địa phương,
Ban hòa giải sẽ thả con trâu, bò đó ở một khu vực được xác định trước, nếu về nhà ai thì sẽ thuộc của nhà đó. Do vậy, Ban hòa giải yêu cầu thả con trâu đang tranh chấp tại thôn Minh Chiềng – nơi cư trú của gia đình anh Hình. Nếu trâu vào nhà anh Hình thì là của anh Hình, còn trâu vào bất kỳ nhà nào trong thôn thì con trâu đang tranh chấp thuộc về anh Quàn. Nhưng anh Quàn đã không đồng ý với cách giải quyết này.
Chuyện bé, xé ra to
Cùng với việc làm đơn khởi kiện, anh Hình cũng đã đề nghị HĐXX trưng cầu giám định gen và trích, mổ xem vết tật sù sì ở mông con trâu đang tranh chấp để tìm những mảnh đạn gém theo lời anh chứng minh. Tuy nhiên, HĐXX chỉ chấp nhận một phần đề nghị của nguyên đơn và không chấp nhận việc đem trâu đi giám định gen. Sau đó, Trạm Thú y huyện Văn Bàn đã tiến hành giám định các đặc điểm của con trâu tranh chấp. Tuy nhiên, tại buổi giám định này anh Quàn đã cản trở, cương quyết không cho chích, mổ mông con trâu.
Căn cứ vào các tình tiết của vụ án, HĐXX quyết định tuyên: Buộc anh Quàn phải giao trả con trâu đang tranh chấp cho anh Hình. Không đồng tình với bản án sơ thẩm này, anh Quàn đã làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm của TAND tỉnh Lào Cai.
Nhưng HĐXX cũng vẫn giữ nguyên quan điểm, con trâu thuộc về anh Hình. Sau khi bản án có hiệu lực, Cơ quan Thi hành án (THA) huyện Văn Bàn nhiều lần thuyết phục anh Quàn thực hiện giao trả trâu cho anh Hình nhưng anh Quàn vẫn “nhất quyết” không giao trâu. Ngày 16-5-2006, cơ quan THA huyện Văn Bàn đã tổ chức cưỡng chế để giao trâu cho anh Hình, tuy nhiên vợ chồng anh Quàn đã phản ứng mạnh mẽ và làm đơn kêu oan.
Đồng thời, VKSND tỉnh Lào Cai cũng kiến nghị VKSNDTC ra quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm để huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm của hai cấp xét xử vụ án trên theo hướng công nhận trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của anh Quàn. Như vậy, cuộc tranh chấp trâu lại trở về điểm xuất phát chưa phân định rõ: Trâu thuộc về ai?
(Còn tiếp)
SOURCE: BÁO AN NINH THỦ ĐÔ – THANH QUANG
Trích dẫn từ: http://www.anninhthudo.vn/