Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Dear Luật sư. Hiện tại công ty em (công ty VN) và công ty đối tác (của Hàn) có sự giao dịch mua bán hơn 2 năm nay. Thời gian đầu. Khách hàng mua hàng của bên em, mua và thanh toán rất đúng hẹn. Thời gian sau, họ có đến chào hàng và em có mua hàng của bên họ (nhưng vì đợt dịch bệnh dòng tiền về không đều nên bên em không thanh toán được như hợp đồng mà thanh toán từ từ và từng phần) hiện tại 2 bên đối trừ công nợ đã hết và bên khách hàng còn nợ lại em hơn 200 triệu. Tuy nhiên, tổng đơn hàng em mua của họ gần 2 tỷ nhưng em trả dần chứ không trả theo hợp đồng nên phần còn lại em còn nợ họ 200 triệu thì họ lại lấy hàng tiếp của bên em để cấn trừ công nợ và em đã đồng ý. Tiếp theo là em vẫn xuất bán hàng thêm cho họ 1 đơn nữa và họ nợ ngược lại em là hơn 200 triệu đồng.

Đáng chú ý là, bây giờ quá hạn thanh toán nhưng họ không thanh toán, khi bên em đòi nợ thì họ bảo là PO họ để thanh toán là (3000 ngày) thay vì bình thường là 30 ngày, tuy nhiên đó là PO ký qua scan chứ ko phải bản gốc, hơn nữa ngoài PO 2 bên còn có hợp đồng nguyên tắc là thanh toán 30 ngày (còn PO từng lần là xác nhận số lượng và số tiền). và qua cách nói chuyện thì em hiểu là bên đối tác cố tình sửa trên PO 30 ngày thành 3000 ngày.

Vậy em mong bên luật tư vấn cách giải quyết giúp em ạ.

Em xin chân thành cám ơn.

TRẢ LỜI:

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật dân sự 2015;

– Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

– Luật thương mại 2005;

NỘI DUNG TƯ VẤN

Để giải quyết nội dung của Qúy khách, cần làm rõ hai vấn đề đó là: giao dịch mua bán của Qúy khách và công ty đối tác có hợp pháp không? và nếu hợp pháp thì hai bên ưu tiên áp dụng hợp đồng nguyên tắc hay hợp đồng ký qua scan.

Về giao dịch mua bán hàng hóa?

Mua bán hàng hóa cũng là một giao dịch dân sự, vì vậy để có hiệu lực cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Qua thông tin Qúy khách cung cấp, Luật LVN Group hiểu rằng người ký hợp đồng nguyên tắc của công ty Qúy khách là người có thẩm quyền ký, các nội dung khác của hợp đồng cũng phù hợp với quy định trên. Do đó, có thể hiểu hợp đồng nguyên tắc của Qúy khách có hiệu lực pháp luật.

Điều 24 Luật thương mại 2005 quy định về hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá như sau:

1. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.

Theo quy định này, hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Vì vậy, theo quan điểm của Luật LVN Group nếu trong hợp đồng nguyên tắc hai bên thỏa thuận về cách thức, thời gian thanh toán, giao nhận hàng hóa…qua bản scan thì bản scan có thể được coi là một trong những bản thỏa thuận chi tiết về mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, bản thỏa thuận này cũng không được trái với những nội dung đã được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng nguyên tắc.

Thực tế, Hợp đồng nguyên tắc là một loại hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên mang tính chất định hướng về việc mua bán, cung ứng hàng hóa/dịch vụ. Do đó, việc thỏa thuận giao dịch mua bán hàng hóa tại các văn bản khác khi đã ký hợp đồng nguyên tắc phải phù hợp, không trái với hợp đồng nguyên tắc mà hai bên đã ký.

Trường hợp này, Qúy khách có thể gửi hợp đồng và các văn bản liên quan để Luật LVN Group có thể đánh giá cụ thể hơn?

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường gặp và các phương thức giải quyết tranh chấp.

1. Thế nào là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa?

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng mà chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng. Tranh chấp có thể phát sinh từ nội dung của hợp đồng, giải thích hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng,…

2. Những tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường gặp

Theo số liệu trên trang Thông tin điện tử công bố Bản án, Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao. Tính từ đầu năm 2020 đến tháng 03 năm 2021 đã có tất cả 150 Bản án, Quyết định về Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường gặp là tranh chấp do bên bán giao chậm hàng, bên bán giao hàng hóa không đúng chủng loại số lượng như đã cam kết trong hợp đồng hai bên kí kết, bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán,… Tuy nhiên, tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường gặp nhất là tranh chấp về việc bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Hiện nay, các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa diễn ra rất nhiều bởi hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng phổ biến, đặc biệt là khi đất nước bước vào nên kinh tế thị trường, nhiều loại hình doanh nghiệp ra đời, hoạt động thương mại ngày càng phát triển và đa dạng. Do đó, kéo theo các Tranh chấp mua bán hàng hóa ngày càng gia tăng. Ngoài ra, nguyên nhân phổ biến dẫn đến tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa là do sự chủ quan của các bên trong việc thiết lập hợp đồng. Trong thực tế kinh doanh, các bên khi kí kết một hợp đồng mua bán hàng hóa thường trao đổi rất nhanh thông tin dưới hình thức văn bản. Nếu có bất cứ một khó khăn nào phát sinh thì những thiếu sót, sở hở của một trong các bên dù nhỏ cũng phát sinh tranh chấp. Bởi vậy trước khi tiên hành ký kết bất cứ hợp đồng nào, các bên cần phải soạn thảo chặt chẽ các văn bản hoặc hợp đồng mua bán, những phụ lục đi kèm như miêu tả hàng hóa,… Mọi chi tiết chưa rõ ràng cần phải làm sáng tỏ ngay để tránh phát sinh những tranh chấp và thiệt hại không đáng có…. Tranh chấp mua bán hàng hóa cũng có thể phát sinh do ý chí chủ quan của các bên trong hợp đồng. Ví dụ: Các bên đã thỏa thuận về số lượng, chủng loại, chất lượng giao hàng. Tuy nhiên, bên bán lại cố tình giao không đúng số lượng, chất lượng, chủng loại như đã thỏa thuận trong hợp đồng dẫn đến bên mua cũng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, hai bên xảy ra tranh chấp…

3. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại ưu nhược điểm và trình tự thủ tục giải quyết.

Theo quy định của Luật thương mại 2005, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thì các bên có thể giải quyết bằng con đường thương lượng, Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải, giải quyết tại Trọng tài thương mại, giải quyết tại Tòa án. Phương thức giải quyết thương lượng do các bên tự thỏa thuận được đông đảo các bên khi có tranh chấp xảy ra lựa chọn nhưng kết quả giải quyết cũng do hai bên quyết định nên trong những trường hợp diễn biến phức tạp các bên thường lựa chọn phương thức giải quyết là Hòa giải tại Trung tâm hòa giải, Trọng tài, Tòa án.

a. Phương thức giải quyết bằng Hòa giải tại Trung tâm hòa giải (hòa giải thương mại).

Hòa giải thương mại là là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp (khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP).

Ngoài hai bên tranh chấp tham gia, trong hòa giải thương mại còn có bên thứ ba là hòa giải viên – là cầu nối, trung gian giúp các bên giải quyết những khúc mắc trong tranh chấp.

Khi giải quyết bằng phương thức giải quyết bằng Hòa giải tại Trung tâm hòa giải, một trong những ưu điểm nổi bật khi lựa chọn phương thức này là các bên sẽ không bị gò bó, tiết kiệm về thời gian chi phí bởi thủ tục hòa giải được tiến hành nhanh gọn và thời gian giải quyết tranh chấp bằng hoà giải chủ yếu phụ thuộc vào thoả thuận giữa các bên tranh chấp với hoà giải viên. Thời gian diễn ra hoà giải không quá lâu, thường là một ngày với mục tiêu hoàn tất việc giải quyết tranh chấp trong ngày đó. Cũng chính vì vậy, chi phí giải quyết hòa giải cũng thấp hơn so với những phương thức khác bởi chi phí để giải quyết hòa giải thông thường là mức chi phí cho từ một hoà giải viên làm việc trong một khoảng thời gian ngắn để thực hiện việc hoà giải.

b. Phương thức giải quyết bằng Trọng tài thương mại.

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại. Tại trọng tài Việt Nam sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Một trong những ưu điểm khi giải quyết Tranh chấp mua bán hàng hóa tại Trọng tài thương mại có ưu điểm hơn so với Tòa án đó là tính bảo mật thông tin. Thủ tục Tòa án công khai nên đôi khi sẽ bị ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, đó là những điều doanh nghiệp không mong muốn. Doanh nghiệp luôn muốn giữ những bí mật thông tin như bí quyết công nghệ thông tin, bí quyết kinh doanh, quy trình sản xuất, các tài liệu quan trọng liên quan đến quá trình kinh doanh của công ty,…Khi giải quyết theo phương thức Trọng tài, những tài liệu này sẽ được giữ bí mật. Do đó, đây là một trong những ưu điểm khi giải quyết bằng phương thức Trọng tài. Ngoài ra, các cá nhân doanh nghiệp chọn phương thức giải quyết Tòa án thì bản án của Tòa án chỉ thi hành được ở Việt Nam mà không thi hành được ở nước ngoài. Còn chọn phương thức Trọng tài thương mại thì phán quyết trọng tài được công nhận và cho thi hành trên 150 quốc gia.

c. Phương thức giải quyết bằng Tòa án.

So với các phương thức giải quyết tranh chấp nêu trên, giải quyết tranh chấp bằng tòa án được coi là có thủ tục chặt chẽ, mang tính quyền lực nhà nước, có giá trị thi hành cao.

Phương thức giải quyết tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được Tòa án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi vềTư vấn về giao dịch mua bán hàng hóa”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật