1. Xác định tư cách người tham gia tố tụng còn mơ hồ
Tại Phần thứ năm của BLTTDS về thủ tục giải quyết việc dân sự không có quy định riêng về người tham gia tố tụng như các quy định về thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Nhưng theo quy định tại Điều 311 của BLTTDS về phạm vi áp dụng thì Toà án phải áp dụng các quy định tại chương VI của BLTTDS để xác định tư cách người tham gia tố tụng cũng như các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ. Tuy nhiên, các quy định tại Chương VI chưa bao quát được những vấn đề cần thiết nên việc xác định tư cách những người tham gia tố tụng khi giải quyết việc dân sự thực tế vẫn còn có sự mơ hồ về mặt pháp lý.
Trong thời gian qua khi giải quyết các việc dân sự như: Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế (sau đây viết gộp là mất hoặc hạn chế) năng lực hành vi dân sự, yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tuyên bố một người là đã chết, đã có nhiều Toà án xác định người tham gia tố tụng gồm người yêu cầu và người bị yêu cầu hoặc biến tướng thành một bên là… với một bên là… Với cách ghi như vậy vô hình chung các Toà án đã xác định những người bị yêu cầu tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt nơi cư trú, người mất tích… là đương sự tham gia tố tụng tương tự như là một bị đơn. Ngoài ra, có Toà án lại xác định những người này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Theo đó, một khi đã xác định họ là đương sự thì họ phải được thực hiện các quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng. Chẳng hạn như tại bản Thông báo kết quả giám đốc án số 01/GĐKT ngày 16/5/2007 của TAND tỉnh Q cho rằng “Quyết định giải quyết việc dân sự số 01/2007 ngày 13/2/2007 về việc thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú của TAND huyện QT không tuyên quyền kháng cáo của người bị yêu cầu là thiếu sót”. Vậy, với cách xác định và nhận định như trên liệu có đúng hay không?
>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191
Từ các quy định của BLTTDS thấy rằng, trong giải quyết việc dân sự do không có tranh chấp nên không có nguyên đơn và bị đơn như trong vụ án dân sự mà chỉ có người yêu cầu. Đương sự chỉ yêu cầu Toà án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý, như sự kiện một người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, sự kiện một người vắng mặt nơi cư trú, sự kiện một người mất tích hoặc đã chết… Do đó, việc một số Toà án xác định người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt nơi cư trú, người mất tích như là một bị đơn là hoàn toàn không đúng. Vậy, họ có phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan? Như đã nói ở trên theo các quy định của BLTTDS về thủ tục giải quyết việc dân sự thì không có người tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn hoặc người bị yêu cầu mà chỉ có người yêu cầu và người có liên quan (xem các điều từ 312 đến 316 BLTTDS). Toà án chỉ giải quyết việc dân sự khi có yêu cầu nên người yêu cầu luôn luôn phải có, còn người có liên quan thì chỉ có trong một số trường hợp nhất định. Người có liên quan ở đây không phải là bản thân người bị yêu cầu tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt nơi cư trú, người mất tích… mà là những người có liên quan với những người này về quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống (quyền thừa kế), quan hệ tài sản hoặc các quan hệ dân sự khác (nói tóm lại là có các quyền và nghĩa vụ liên quan trong quan hệ pháp luật dân sự – theo nghĩa rộng) và khi giải quyết việc dân sự sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ.
Ví dụ: trước đây anh A kết hôn với chị B có một người con chung. Sau đó hai người đã ly hôn, Toà án giao cho chị B nuôi con, anh A có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con hàng tháng. Sau khi ly hôn với chị B anh A đã kết hôn với chị C và tạo lập được một một số tài sản chung đang do chị C quản lý, anh A có góp vốn với ông H để mua một chiếc xe ôtô kinh doanh vận tải và cho bà G vay một số tiền. Hàng tháng anh A vẫn thường xuyên đóng góp cấp dưỡng cho người con chung với người vợ cu là chị B. Tuy nhiên, sau đó anh A bỏ đi biệt tích hơn hai năm liền nên không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, do đó chị B đã làm đơn yêu cầu Toà án tuyên bố anh A mất tích đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp quản lý tài sản của anh A để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Trong trường hợp này chị C, ông H và bà G đều có liên quan đến tài sản của anh A nên họ phải tham gia tố tụng với tư cách là người có liên quan (có liên quan về quyền hoặc nghĩa vụ hoặc cả quyền lẫn nghĩa vụ). Hoặc như trong trường hợp yêu cầu tuyên bố một người là đã chết thì tất cả những người có liên quan về quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống (trong phạm vi diện được hưởng thừa kế), quan hệ tài sản với người bị tuyên bố chết là những người tham gia tố tụng với tư cách là người có liên quan.
Việc xác định người bị yêu cầu tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt nơi cư trú, người mất tích,… là đương sự như là một bị đơn hoặc người có liên quan còn không phù hợp với thực tế ở ch?: nếu xác định những người này là đương sự thì bắt buộc Toà án phải triệu tập họ tham gia tố tụng và phải bảo đảm cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng khi tham gia tố tụng mà BLTTDS đã quy định như tống đạt các văn bản tố tụng, quyền khiếu nại, kháng cáo,… Điều này sẽ là hoàn toàn phi lý, bởi một người đã có kết luận của cơ quan chuyên môn là họ mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc một người hiện đang biệt tích, không biết còn sống hay đã chết mà Toà án phải triệu tập họ tham gia tố tụng, phải tống đạt văn bản tố tụng và thực tế họ không bao giờ thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng.
Để bảo vệ quan điểm cho cách xác định những người này là người tham gia tố tụng như các Toà án hiện vẫn làm, ắt sẽ có người đặt câu hỏi khi giải quyết các yêu cầu về việc dân sự có liên quan đến những người này nhưng không xác định họ là người tham gia tố tụng, vậy quyền lợi của họ sẽ được ai bảo vệ và bảo vệ như thế nào? Để trả lời câu hỏi này không có gì khó, bởi vì BLDS đã quy định về quyền yêu cầu và BLTTDS đã quy định về thủ tục để khi một người bị tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự không còn ở trong tình trạng đó nữa; một người bị tuyên bố mất tích, bị tuyên bố là đã chết trở về (tức là đã xuất hiện một sự kiện pháp lý mới) thì họ có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, quyết định tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với họ (cấp phúc thẩm không có quyền giải quyết yêu cầu này khi giải quyết theo thủ tục phúc thẩm việc dân sự). Còn đối với trường hợp sau khi có quyết định thông báo tìm kiếm mà người vắng mặt tại nơi cư trú trở về thì việc thông báo tìm kiếm đã đạt được mục đích và do đó theo Điều 329 BLTTDS thì quyết định thông báo tìm kiếm đương nhiên hết hiệu lực. Do đó, việc xác định những người này là người tham gia tố tụng và tuyên quyền kháng cáo cho họ như nhiều Toà án vẫn làm hiện nay là cách làm hoàn toàn không đúng với các quy định của pháp luật.
2. Tuyên bố một người là đã chết – có cần thông báo tìm kiếm?
Trước đây, theo hướng dẫn của Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thì việc xác định công dân mất tích hay đã chết đều được thực hiện theo một thủ tục chung. Theo quy định này thì khi giải quyết việc tuyên bố một người mất tích và giải quyết việc tuyên bố một người là đã chết đều phải tiến hành thủ tục thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc bị yêu cầu tuyên bố chết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, BLTTDS quy định trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích và trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết là hoàn toàn khác nhau. Theo quy định tại chương XXIII của BLTTDS thì để giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích Toà án phải tiến hành thủ tục thông báo tìm kiếm. Còn tại Chương XXIV của BLTTDS quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết lại không quy định thủ tục thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết nên thực tiễn giải quyết loại việc này các Toà án còn rất lúng túng. Sự việc sau minh chứng cho điều này:
Ngày 06/4/2007 bà N.T.C nộp đơn đến TAND huyện Q yêu cầu giải quyết tuyên bố anh N.Q.T (con trai của bà) là đã chết. Theo trình bày của bà C thì vào năm 1991 anh T vào huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang làm nghề đánh cá thuê. Vào tối ngày 21/3/1993 khi anh T đang câu mực trên biển thì bị lốc xoáy cuốn lật thuyền. Chủ tàu và P là người cùng làm thuê với anh T đã tìm kiếm trong ba ngày nhưng không tìm thấy xác anh T. Từ đó đến nay gia đình không có tin tức gì về anh T. Cùng với đơn yêu cầu giải quyết bà C cung cấp giấy xác nhận của anh P về sự việc anh T bị lốc xoáy lật tuyên rồi mất tích và xác nhận của UBND xã về việc anh T vắng mặt tại địa phương từ năm 1991 đến nay. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu của bà C đã có nhiều tranh cải nên hay không việc tiến hành thủ tục thông báo tìm kiếm anh T. Và cuối cùng Toà án đã quyết định không tiến hành thủ tục thông báo tìm kiếm mà mở phiên họp giải quyết rồi quyết định chấp nhận yêu cầu của bà C tuyên bố anh T là đã chết.
Qua cách giải quyết sự việc trên đã có nhiều quan điểm khác nhau đó là: Quan điển thứ nhất cho rằng BLTTDS không quy định thủ tục thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) và đòi hỏi của thực tiễn. Bởi lẽ, BLDS quy định về các điều kiện để tuyên bố một người là đã chết là rất nghiêm ngặt. Điều kiện về thời gian biệt tích là rất dài, năm năm liền trở lên hoặc sau một năm kể từ ngày bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai. Với những điều kiện như vậy thì xác suất để người đó còn sống rất khó xẩy ra nên việc thông báo tìm kiếm là không cần thiết. Do BLTTDS không quy định thủ tục thông báo tìm kiếm nên việc TAND huyện Q không tiến hành thủ tục thông báo tìm kiếm anh T là hoàn toàn đúng pháp luật.
Ngược lại, quan điểm thứ hai lại lập luận là: Mặc dù chương XXIV của BLTTDS không quy định thủ tục thông báo tìm kiếm nhưng để bảo đảm quyền lợi của người dân, căn cứ vào quy định tại Điều 311 của BLTTDS (quy định về phạm vi áp dụng), Toà án phải vận dụng Điều 327 và Điều 328 để thực hiện thủ tục thông báo tìm kiếm anh T mới đúng pháp luật.
Về vấn đề này tôi cho rằng: Cũng giống như việc giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, thì việc giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết trước hết là xuất phát từ quyền lợi của người yêu cầu. Tuy nhiên, khi Toà án giải quyết tuyên bố một người là đã chết sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị tuyên bố chết nếu trên thực tế họ còn sống. Hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết còn nặng nề hơn nhiều so với tuyên bố một người mất tích. Mặt khác, khi một người thuộc vào một trong các trường hợp về điều kiện để có thể bị tuyên bố là đã chết theo quy định tại Điều 81 BLDS 2005 không có nghĩa là họ đã chết về mặt sinh học mà đó chỉ là đối tượng để Toà án xem xét tuyên bố chết trên phương diện pháp lý mà thôi. Một người biệt tích năm năm liền trở lên chưa hẳn là họ đã chết mà thực tế có thể họ đang sinh sống, làm ăn ở một nơi nào khác, vì một lý do nào đó mà họ chưa thể quay trở về được. Thậm chí trong nhiều trường hợp những người đi rừng, đi biển bị gặp bão, lũ cuốn trôi mọi người đều tin rằng là họ đã chết nhưng sau một thời gian họ đã trở về vì thực tế họ đã được những người ở địa phương khác hoặc người nước ngoài cứu sống. Do đó, theo tôi BLTTDS không quy định thủ tục thông báo tìm kiếm khi giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết là một khiếm khuyết lẽ ra không đáng có. Vậy, với lỗ hổng này thì cách giải quyết như thế nào cho thấu tình đạt lý? Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm thứ nhất là việc không tiến hành thủ tục thông báo tìm kiếm là không trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, làm như vậy là không đạt tình vì sẽ không đảm bảo quyền lợi của người bị tuyên bố chết nếu họ còn sống. Việc viện cớ về khiếm khuyết của pháp luật để bỏ qua quyền lợi của người dân là nhẫn tâm, cần phải tránh. Còn nếu tiến hành thủ tục thông báo tìm kiếm như theo quan điểm thứ hai thì sẽ không ổn về mặt pháp lý vì dẫn đến việc vi phạm thời hạn tố tụng mà Điều 336 của BLTTDS đã quy định. Do vậy, để tránh vi phạm thời hạn tố tụng và bảo đảm được quyền lợi của người dân thì giải pháp “chữa cháy” hữu hiệu nhất để giải quyết tình huống trên là trước khi nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết các Toà án cần phải yêu cầu người nộp đơn tiến hành việc thông báo nhắn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau thời hạn bốn tháng kể từ ngày nhắn tin Toà án mới thụ lý giải quyết, kèm theo đơn yêu cầu đương sự phải nộp các giấy tờ tài liệu chứng minh đã làm thủ tục nhắn tin.
Để thực hiện đúng và thống nhất pháp luật, giải toả kịp thời những vướng mắc nêu trên, mong rằng Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cần sớm hướng dẫn những vấn đề nà.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO – PHẠM THÁI QUÍ – Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình
Trích dẫn từ: http://www.toaan.gov.vn/