Vị trí tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật được xác định bởi tính chất đặc biệt của Hiến pháp. Là văn bản của quyền lực gốc, Hiến pháp điều chỉnh mối quan hệ, xác định hình thức nhà nước, mô hình tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, địa vị pháp lý của công dân, mối quan hệ giữa công dân và nhà nước. Do tính chất và tầm quan trọng của Hiến pháp nên quyền lập hiến – quyền làm ra hiến pháp, được gọi là “quyền lập quyền” hay còn gọi là quyền lực gốc – quyền lực nguyên thủy. Cũng từ đây xuất hiện yêu cầu về sự cần thiết phải đảm bảo tính hợp hiến trong hoạt động lập pháp, lập quy của các cơ quan nhà nước.
Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa Mac-Lênin đã chỉ rõ “pháp luật…là ý chí của giai cấp… được nâng lên thành luật…”. Trong điều kiện của nước ta, những tư tưởng và nguyên tắc của Hiến pháp thể chế hóa quan điểm và đường lối của Đảng nên Hiến pháp được quy định ở mức độ khái quát cao. Do vậy, để đảm bảo tính hợp hiến của hệ thống pháp luật, bảo đảm cho các chủ thể tham gia quá trình lập pháp hiểu rõ, nhất quán với tư tưởng và nguyên tắc của Hiến pháp, đối với các vấn đề cụ thể thì những quy định mang tính khái quát cao của Hiến pháp cần được diễn giải thông qua hoạt động giải thích Hiến pháp. Vì vậy, hoạt động giải thích Hiến pháp cần được chú trọng và tăng cường đúng mức.
>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
Tính hợp pháp của hệ thống pháp luật xuất phát từ chính yêu cầu của cuộc sống xã hội. Trong khoa học pháp lý hiện nay phổ biến quan điểm cho rằng, tính hợp pháp của hệ thống pháp luật là sự phù hợp giữa quy định của các văn bản dưới luật với luật. Quan điểm này hoàn toàn đúng nhưng chưa thực sự đầy đủ. Bởi lẽ, nếu chỉ coi việc đảm bảo tính hợp pháp của hệ thống pháp luật chỉ là “văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục luật định. Bên cạnh đó, hình thức của văn bản phải phù hợp với quy định về kỹ thuật văn bản” sẽ không đảm bảo nguyên tắc pháp luật phản ánh đời sống xã hội, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân. Thực tế cho thấy có những văn bản do cơ quan hành chính ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục do luật định nhưng không nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp dân cư dẫn đến hiệu lực thi hành thấp, phải bãi bỏ. Ví dụ quy định của UBND thành phố Hà Nội về cấm đăng ký xe máy ở các quận nội thành đã không nhận được sự ủng hộ của người dân Hà Nội, sau một thời gian thực hiện phải bãi bỏ.
Quan trọng hơn, có một thực tế là còn nhiều văn bản luật do QH ban hành mới dừng lại ở quy định chung, chưa cụ thể, đòi hỏi phải có văn bản quy định chi tiết do cơ quan hành chính ban hành. Mặt khác, nhiều mối quan hệ xã hội hiện nay vẫn được điều chỉnh bởi văn bản dưới luật. Vì vậy, bên cạnh yêu cầu về sự phù hợp giữa các quy định của văn bản dưới luật với luật, tính hợp pháp của hệ thống pháp luật còn bao hàm nhiều yêu cầu khác. Đó là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng nhu cầu xã hội. Văn bản đó có đáp ứng được yêu cầu của xã hội của thời điểm đó hay không? Có được người dân ủng hộ hay không? Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện tốt công tác tham khảo ý kiến của đối tượng chịu tác động của văn bản nói riêng, nhân dân nói chung. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật công khai, minh bạch thông qua nhiều hình thức khác nhau bảo đảm cho xã hội, nhân dân được tiếp cận một cách thuận tiện, dễ dàng nhất. Hình thức văn bản phải rõ ràng đúng quy định, đúng thẩm quyền. Nội dung văn bản phải rõ ràng, dễ đọc, dễ tiếp cận; nội dung của từng quy phạm phải đơn nghĩa, dễ hiểu, dễ tiên liệu. Tính minh bạch của hệ thống pháp luật còn đòi hỏi các văn bản điều chỉnh cùng một nhóm quan hệ xã hội (hợp thành một ngành luật) phải nhất quán, có sự thống nhất trong nội tại giữa văn bản luật với văn bản dưới luật.
Nội dung của tính thống nhất của hệ thống pháp luật thể hiện ở sự thống nhất trong nội dung của từng văn bản quy phạm pháp luật, sự thống nhất trong nội dung các văn bản quy phạm pháp luật có cùng nhóm đối tượng điều chỉnh (một ngành luật) và sự thống nhất giữa các nhóm văn bản điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội (giữa các ngành luật).
Trong từng văn bản luật tính thống nhất đòi hỏi các quy phạm pháp luật trong từng điều khoản phải phù hợp với nội dung của điều khoản đó; các điều khoản trong một chương phải thể hiện đúng nội dung những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của chương; nội dung giữa các chương trong mỗi văn bản phải lôgic, có sự liên kết chặt tạo nên sự thống nhất chung của toàn bộ văn bản. Nói cách khác, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật thể hiện sự thống nhất giữa các quy phạm với chế định, giữa các chế định với các chế định trong văn bản quy phạm pháp luật.
Tính thống nhất của một nhóm văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội (một ngành luật) đòi hỏi sự thống nhất giữa các chế định trong một ngành luật. Điều này đòi hỏi khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần loại trừ sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa văn bản luật này với văn bản luật khác trong cùng một ngành luật; bảo đảm sự thống nhất về thứ bậc, sự phù hợp giữa văn bản dưới luật với văn bản luật, giữa luật và Hiến pháp.
Tính thống nhất của các hệ thống pháp luật nói chung đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa tính thống nhất trong một văn bản luật, tính thống nhất giữa các văn bản luật với tính thống nhất giữa các chế định và tính thống nhất giữa các ngành luật trong hệ thống pháp luật.
Yêu cầu đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật có mối quan hệ mật thiết với yêu cầu bảo đảm tính hợp hiến và tính hợp pháp của hệ thống pháp luật. Trong quá trình xây dựng pháp luật, việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật là tiền đề quan trọng góp phần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; ngược lại hoạt động bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật là cơ sở cần thiết để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN – TS. VŨ HỒNG ANH – Đại biểu quốc hội khóa XII
Trích dẫn từ:http://nguoidaibieu.com.vn/
(MLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)