1. Cấu thành tội phạm là gì ?

Cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu pháp lý đặc trưng của những tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Cấu thành tội phạm thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của một loại tội phạm và cần thiết cho việc phân biệt loại tội phạm này với loại tội phạm khác.

Khi có tội phạm xảy ra, để phân biệt được tội phạm này hay tội phạm khác, cần thiêt phải xác định được: Tội phạm đó xâm phạm vào quan hệ xã hội nào mà Luật hình sự bảo vệ, tầm quan trọng của quan hệ xã hội đó đến đâu, tính chất, mức độ của sự xâm phạm vào quan hệ đó được thể hiện ở hình thức bằng hành động hay không hành động; công cụ phương tiện, thủ đoạn, phương pháp, thời gian, địa điểm xảy ra hành vi xâm phạm; hậu quả mà hành vi đó gây nên những thiệt hại cho quan hệ xã hội đó như thế nào; hành vi xâm phạm vào quan hệ xã hội đó được thể hiện bằng sự cố ý hay vô ý; động cơ, mục đích khi thực hiện hành vi xâm phạm; năng lực hành vi và độ tuổi của người thực hiện hành vi xâm phạm ở mức độ nào…

 

2. Mối quan hệ giữa cấu thành tội phạm với tội phạm

Mặc dù mỗi tội phạm có thể có sự khác nhau về tính chất, mức độ xâm phạm vào các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Nhưng mỗi tội phạm cụ thể đều có những đặc trưng chung nhất mà bất kỳ tội phạm nào cũng phải có, đó là: Các yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm: Khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm.

+ Khách thể của tội phạm: Là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ bị tội phạm xâm phạm gây nên thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại trong một chừng mực nhất định.

Bất kỳ hành vi phạm tội nào cũng đều gây thiệt hại hoặc hướng tới gây thiệt hại cho quan hệ xã hội nhất định được luật hình sự bảo vệ. Không gây thiệt hại hoặc hướng tới gây thiệt hại cho đối tượng là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ thì hành vi khách quan không có tính gây thiệt hại và do vậy cũng không có tội phạm.

+ Mặt khách quan của tội phạm: Là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm, bao gồm hành vi nguy hiểm; hậu quả của hành vi nguy hiểm; mốỉ quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; thời gian, không gian, hoàn cảnh, địa điểm, công cụ phương tiện, phương pháp, thủ đoạn khi thực hiện tội phạm…

Tội phạm cụ thể nào đều có những biểu hiện của mặt khách quan được thể hiện ra bên ngoài. Không cóbiểu hiện ra bên ngoài thì không có những yếu tố khác của tội phạm và do vậy cũng không có tội phạm.

+ Mặt chủ quan của tội phạm: Là những diễn biến tâm lý bên trong của tội phạm bao gồm lỗi, động cơ, mục đích của tội phạm. Trong đó, biểu hiện có tính cơ bản là lỗi của chủ thể. Chủ thể của tội phạm phải có lỗi khi thực hiện hành vi khách quan có tính gây thiệt hại. Việc thực hiện hành vi khách quan có tính gây thiệt hại có thể do những động cơ khác nhau thúc đẩy và nhằm những mục đích nhất định.

+ Chủ thể của tội phạm: Là con người cụ thể khi thực hiện tội phạm bao gồm dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi mà luật hình sự quy định. Ngoài ra, ở những tội nhất định, còn đòi hỏi chủ thể phải có các dấu hiệu khác, thể hiện những đặc điểm nhất định của chủ thể vì chỉ khi có đặc điểm này chủ thể mới có thể thực hiện được hành vi phạm tội. Bất cứ tội phạm cụ thể nào cũng phải có chủ thể. Không có chủ thể của tội phạm thì không có tội phạm. Ngoài chủ thể của tội phạm là cá nhân, Bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại.

– Quan hệ giữa một loại tội phạm cụ thể và cấu thành tội phạm là quan hệ giữa hiện tượng và khái niệm. Tội phạm là hiện tượng xã hội cụ thể tồn tại khách quan, còn cấu thành tội phạm là khái niệm pháp lý của hiệntượng đó. Ví dụ: Tội phạm giết người là hiện tượng tồn tại trong xã hội còn cấu thành tội phạm giết người là do luật xác định.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến cấu thành tội phạm, tội phạm hoặc các vấn đề khác trong lĩnh vực pháp luật hình sự … hãy gọi ngay: 1900.0191 để được trảo đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật hình sự.

Luật LVN Group (tổng hợp & phân tích)